Học sinh nông thôn rất ham đọc sách nhưng…
(Dân Việt) Đã có nhiều mô hình đọc sách được đưa về nông thôn như: Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam, Tủ sách Phụ huynh được đặt tại các lớp học, hay Tủ sách Dòng họ… Tuy nhiên, học sinh vẫn chưa được thỏa mãn nhu cầu đọc sách.
Nông thôn vẫn thiếu sách
Hội thảo “Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng” được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 9.12 tại Bắc Giang. Đeo khăn quàng đỏ, với dáng người nhỏ bé, em Nguyễn Thị Thanh Ngần (học sinh lớp 8A2, Trường THCS An Dục, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đại diện cho học sinh nông thôn đến tham gia hội thảo chẳng hề rụt rè khi cho hay: “Bản thân em rất thích đọc sách văn học, nhưng chúng em vẫn phải đọc tranh thủ lúc ra chơi và mượn sách về nhà đọc khi rảnh rỗi. Với trường em, ngày thứ bảy được mượn tối đa 3 cuốn sách và sang tuần phải trả lại cho thư viện. Vì lượng sách của thư viện có hạn nên đôi khi những cuốn sách yêu thích, chúng em vẫn chưa có để đọc”.
Em Nguyễn Thị Thanh Ngần (bên phải) đại diện cho học sinh nông thôn đến tham gia hội thảo. Ảnh: Mỵ Lương
Chia sẻ về những khó khăn trong việc đọc sách của học sinh nông thôn, cô Bùi Thị Thoan – giáo viên Trường THCS An Dục (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: “Học sinh ở nông thôn đều rất ham đọc sách. Hiện nay, tại Quỳnh Phụ đã có nhiều chương trình đọc sách cho học sinh như chương trình Tủ sách Phụ huynh. Mỗi lần đến lớp, 15 phút đầu giờ để các em đọc truyện tranh, truyện ngắn. Đối với những tác phẩm dài, các em được thủ thư cho mượn sách về nhà để dễ dàng đọc hơn. Song vì đầu sách vẫn còn hạn chế nên chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu đọc sách của các em”.
Căn nguyên sách bị thờ ơ
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề cập nguyên nhân dẫn đến tình trạng mỗi học sinh nông thôn chỉ đọc trung bình 1-2 đầu sách ngoài sách giáo khoa trong năm học. Theo thạc sĩ Phạm Sỹ Bỉnh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GDĐT): “Trong nhiều năm qua, học sinh nông thôn hầu như không có sách gì để đọc ngoài sách giáo khoa, do một số nguyên nhân: Thu nhập gia đình thấp và do cha mẹ không có thói quen đọc sách; sức ép do học quá nhiều, không có các hiệu sách đến cấp xã; hệ thống thư viện nhà trường và bưu điện văn hóa xã yếu kém…”.
Từ góc độ khác, TS Lê Thị Bích Hồng (Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) nhận định: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến phạm vi văn hóa đọc ngày càng bị bó hẹp do số lượng tác phẩm ngày càng nhiều nhưng còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, về nghệ thuật. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện hiện nay chưa thực sự thu hút đông đảo người dân”.
Anh Nguyễn Quang Thạch- Giám đốc Trung tâm hỗ trợ tri thức và phát triển cộng đồng cho rằng các Tủ sách Phụ huynh được đặt trong lớp học sẽ tạo ra được “hệ sinh thái đọc” giúp học sinh học tập chủ động hơn.
Mặt khác, hệ thống tủ sách đến từng lớp học sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nền tảng nhân văn và sáng tạo quốc gia mà nhà nước không mất bất cứ khoản ngân sách nào. “Cần nhân rộng mô hình Tủ sách Phụ huynh đến các lớp học của trường mầm non, trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn toàn quốc. Bộ GDĐT cần đưa Tủ sách Phụ huynh vào tiêu chí thư viện trường học và có quy định rõ số đầu sách ngoài sách giáo khoa mà học sinh phải đọc/năm học” – anh Thạch kiến nghị.
Theo Danviet