Học sinh ngồi nhầm lớp và những tiếng thở dài của người thầy!
Điều mà giáo viên sợ nhất bây giờ là một bộ phận học sinh không có động lực học tập mà còn có thái độ bất cần, hỗn láo với thầy cô…
Nếu như cấp Trung học phổ thông thì học sinh đã có một kỳ thi tuyển sinh 10 để tuyển đầu vào nên khi đỗ vào cấp học này dù yếu nhưng học trò vẫn có một nền tảng về kiến thức cơ bản.
Học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở hiện nay từ lớp 1 đến lớp 8 không phải trải qua một kỳ thi nào nên một số em dù có học lực yếu nhưng cứ hết năm là gần như được lên lớp bình thường.
Vì thế, hiện nay có một bộ phận học sinh lên lớp đều đều nhưng không có kiến thức cơ bản, hỏi cái gì cũng không biết và đến lớp chỉ ngồi chơi, không hề có động lực học tập dù thầy cô giảng dạy, ôn tập học kỳ nhưng có em cũng chẳng đoái hoài gì đến chuyện học hành.
Một nỗi buồn mà hàng ngày nhiều thầy cô giáo đang phải chứng kiến nhưng lực bất tòng tâm.
Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp hiện nay không hiếm ở các nhà trường – (Ảnh minh họa: VTV online)
Nhiều giáo viên bất lực trước thái độ học tập của học trò…
Nếu có một cuộc khảo sát về hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp, chúng tôi tin rằng nếu không phải là trường chuyên, không phải là lớp chọn thì tỉ lệ học sinh ngồi nhầm lớp hiện nay tương đối nhiều chứ không phải một vài hiện tượng cá biệt mà thỉnh thoảng báo chí phản ánh.
Một cô giáo đang dạy Văn lớp 9 đã tâm sự với chúng tôi như sau: “Năm nay, tôi được phân công dạy 2 lớp Ngữ văn 9 mà thấy cực vô cùng so với các năm trước.
Có nhiều em gọi đọc bài mà đọc ấp a ấp úng, khi làm bài kiểm tra thì không biết viết câu văn. Mỗi lần giáo viên kiểm tra bài cũ, gọi phát biểu xây dựng bài thì có một số em nhất quyết không lên trả bài và thậm chí không nói không rằng.
Bài kiểm tra định kỳ, thường xuyên cũng chỉ được 2-3 điểm mà phải nương tay. Vậy mà không hiểu sao các thầy cô lớp dưới vẫn cho các em này lên được đến lớp 9 không biết nữa?”
Có những hôm động viên, nhắc nhở học trò học tập vì năm nay cuối cấp còn phải xét tốt nghiệp, thi tuyển sinh 10 nữa thì có học sinh còn cáu lại giáo viên: “em đậu hay em rớt tốt nghiệp thì mắc mớ gì đến cô mà hôm nào dạy cô cũng cứ nhắc nhở em”.
Một cô dạy Toán thì nói: “Năm nay là năm thi tuyển sinh 10 mà các lớp 9 tôi dạy có nhiều em không biết gì luôn. Hỏi gì cũng không biết, thậm chí là kiểm tra thì nộp giấy trắng. Những trường hợp như vậy không biết xử lý ra sao.
Nhưng, những em nộp giấy trắng thì thường ngồi ở bàn đầu còn những em ngồi ở bàn sau thường nhìn bài của bạn nên có em lại có điểm cao bất ngờ. Bởi, trong lớp có một số em học được và chịu khó học nên chính những em này là cứu cánh cho các em học sinh khác.
Giờ kiểm tra, lớp học thì đông, giáo viên không thể nào quan sát hết lớp được vì mỗi bàn có 2 học sinh mà các dãy bàn kê sát với nhau.
Video đang HOT
Trong khi, học trò thì có trăm phương ngàn kế để các em truyền bài cho nhau. Em này làm được là em khác chép được.
Nhiều khi điểm bài kiểm tra cao chót vót mà ngày mai trả bài cũng hỏi chỗ đó thì một số học sinh tắc tị không thể trả lời được.
Nói thật, nhiều khi giáo viên dạy các môn học mà dính dáng đến thi tuyển sinh hay thi trung học phổ thông quốc gia đôi lúc phải bất lực trước học trò mà không biết xoay sở như thế nào cho hợp lý.”
Các lớp dưới thì cứ đẩy lên trên nhưng lớp cuối cấp thì rất khó mà “đẩy” được nữa. Nhất là đối với học sinh lớp 9 nhưng mà cuối cùng cũng phải đành buông tay cho học sinh qua bởi không cho qua thì cũng khổ cho nhà trường, học sinh mà ngay cả với giáo viên đang giảng dạy. Nhưng, cho qua rồi thì nỗi lo lắng, buồn phiền còn kéo dài dai dẳng hơn.
Rất nhiều những ràng buộc, khó khăn hiện nay mà đôi lúc giáo viên phải bất lực trước việc học trên lớp của một số học trò.
Giáo viên rất khó để đánh giá thật kết quả học tập của học trò nên nhiều em có học lực yếu, cuối năm tổng kết loại yếu nhưng cứ kiểm tra lại là nghiễm nhiên lên lớp bình thường. Vì thế, nhiều em cứ ỷ lại từ năm này qua năm khác mà coi thường việc học tập của mình.
Có một bộ phận học sinh hiện nay không có động lực học tập
Chuyện trong một lớp học thì có những em học giỏi, học yếu là rất bình thường vì ai cũng biết rằng những trường không chuyên thì không thể nào đòi hỏi học sinh trong lớp đều có thái độ học tập tốt và có học lực giỏi.
Học sinh yếu nhưng có cố gắng, có động lực học tập vẫn giúp cho giáo viên truyền lửa đam mê cho học trò…
Điều mà giáo viên sợ nhất bây giờ là một bộ phận học sinh không có động lực học tập mà còn có thái độ bất cần, hỗn láo với thầy cô và lôi kéo bạn bè trong lớp cùng nghịch ngợm, quậy phá với mình.
Khi có một học sinh trong lớp không học tập, nghịch ngợm, giáo viên lên tiếng nhắc nhở thì học sinh đó chối bay, chối biến, các học sinh khác cũng lên tiếng bênh vực cho sai phạm của bạn mình.
Học sinh vi phạm trong lớp không được phê bình, học sinh vi phạm trong trường thì nhà trường không được nêu tên. Học sinh hư thì nhiều người lên tiếng là giáo viên dạy sao học trò mới vậy.
Học sinh đánh nhau dù trong trường, ngoài trường hoặc trong ngày nghỉ thì vẫn có người cho rằng nhà trường không giáo dục đến nơi, đến chốn.
Nhưng, giáo viên, nhà trường bây giờ lấy quyền gì mà giáo dục học sinh đến nơi đến chốn khi mà hàng loạt văn bản, hướng dẫn của ngành đang bó buộc người thầy.
Các văn bản hướng dẫn bây giờ đều hướng tới việc giáo dục tích cực là nhắc nhở và phối hợp với gia đình để giáo dục học trò. Nhưng, có phải những học sinh thường xuyên vi phạm thì nhắc nhở các em đều nghe đâu.
Có phải phụ huynh nào phối hợp giáo dục cũng chung tay đâu vì “con tôi ở nhà nó ngoan lắm”…Nhiều phụ huynh còn không hợp tác với giáo viên, với nhà trường khi được liên hệ thì phối hợp thế nào đây?
Tâm huyết, lòng nhiệt tình của thầy cô và nhà trường dù nhiều đến đâu cũng phải có một giới hạn nhất định. Thầy cô cũng còn gia đình, cũng còn công việc của họ nên họ cũng phải suy nghĩ, đắn đo khi xử lý học trò vi phạm.
Xử lý nghiêm, không khéo bị kỷ luật như chơi nên nhiều giáo viên buông xuôi. Họ vào lớp dạy bình thường, học sinh nào không học thì cũng chỉ nhắc nhở một vài lần nếu không nghe, không tiến bộ thì thôi cứ ai dại gì mà quát nạt, lớn tiếng làm gì.
Tương lai của những học sinh ngồi nhầm lớp, tương lai của một bộ phận học sinh hỗn láo, quậy phá thầy cô, bạn bè trong lớp rồi sẽ đi về đâu…khi mà đang tuổi ăn, tuổi học thì lại không tập trung cho chuyện học hành, rèn luyện nhân cách?
Đôi lúc, một số thầy cô phải buông tiếng thở dài vì thái độ hỗn láo của học sinh, vì sự thờ ơ, thiếu động lực học tập của một bộ phận học trò bây giờ!
Học trò trưởng thành là món quà 20/11 ý nghĩa nhất với nhà giáo
Có lẽ, món quà mà thầy cô mong nhất, trông chờ nhất là thấy học trò của mình ngoan ngoãn, lễ phép và có động lực học tập để hướng tới tương lai.
Ngày 20/11 đang đến rất gần, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều bài viết ca ngợi về vai trò của người thầy, về những thầy cô giáo tiêu biểu đang công tác trên mọi miền của Tổ quốc.
Và có lẽ, hình ảnh người thầy là hình ảnh đẹp nhất trong những ngày này.
Tuy nhiên, cũng có một số bài viết đề cập đến chuyện quà cáp cho thầy cô giáo vào ngày Nhà giáo Việt Nam, có người băn khoăn chọn quà gì, tặng quà gì cho những thầy cô đang giảng dạy con em mình.
Thầy cô cần quà gì, có lẽ vẫn là điều một số phụ huynh đang băn khoăn trong những ngày này...Nhưng có lẽ, món quà mà thầy cô mong nhất, trông chờ nhất là thấy học trò của mình ngoan ngoãn, lễ phép và có động lực học tập để hướng tới tương lai.
Không có món quà nào tặng thầy cô lớn bằng sự trưởng thành của học trò - (Ảnh minh họa: toquoc.vn)
Chuyện đến nhà và tặng quà cho thầy cô giáo vào dịp 20/11
Có những nơi vào dịp 20/11 thì thường là học trò đến nhà thầy cô giáo rất đông, lớp này ra, lớp khác lại vào. Những lớp mầm non, tiểu học còn có một số phụ huynh đến thăm thầy cô giáo...thay con.
Bên cạnh đó, những thầy cô giáo cũng thường đón thêm những lớp học trò cũ đến thăm mình nữa.
Và, tất nhiên trong những lớp học trò, phụ huynh đến thăm thầy vào dịp 20/11 thì cũng có những món quà nho nhỏ tặng thầy cô, thậm chí có học trò, phụ huynh còn tặng phong bì. Một số thầy cô cũng xem đó là chuyện rất bình thường.
Tuy nhiên, có một số địa phương ở phía Nam thì học sinh ít khi đến thăm thầy cô giáo của mình vào dịp này, nhất là học sinh từ Trung học cơ sở trở xuống thì gần như không có. Chuyện tặng quà cho thầy cô có lẽ chỉ diễn ra ở các thành phố lớn...
Đa phần các em chỉ tham dự buổi lễ do nhà trường tổ chức một chút rồi trở về và ít khi tặng quà cho thầy cô của mình, nhất là học sinh các vùng quê.
Nếu học sinh có tặng quà cho thầy cô của mình thì cũng chỉ là một vài bông hoa nhựa được các chủ căng tin mua về bán trong nhà trường.
Còn chuyện đến nhà thầy cô giáo thì có lẽ chỉ có một số ít học sinh Trung học phổ thông mà thôi.
Nhưng, dù học sinh có đến nhà hay không đến nhà, dù tặng quà hay không tặng quà cho giáo viên thì có lẽ ở đâu cũng thể hiện được sự tôn kính đối với thầy cô của mình và tình yêu thương của thầy cô dành cho học trò.
Món quà mà thầy cô mong chờ nhất vào những ngày này
Thực ra không phải thầy cô nào cũng muốn mình được nhận những món quà vật chất từ học sinh hay phụ huynh, không phải thầy cô nào cũng mong muốn học trò đến nhà mình vào dịp 20/11.
Điều mà gần như giáo viên nào cũng muốn đó là học sinh lớp mình dạy đều lễ phép, có thái độ tốt với thầy cô ở trong lớp, trong trường và đặc biệt là mong muốn học trò ham học, ham tiến bộ.
Có niềm vui nào lớn hơn vào những ngày này là khi thầy cô bước vào lớp thì em lớp trưởng hay lớp phó học tập đứng lên xin phép thầy cô đăng ký tiết học tốt.
Nhìn những học trò của mình không nói chuyện riêng, ngồi trang nghiêm, chăm chú nghe mình giảng bài, tranh luận những vẫn đề mình nêu ra...có lẽ thầy cô nào cũng hạnh phúc.
Hạnh phúc lớn nhất của thầy cô giáo khi đứng lớp là liên tục thấy những cánh tay của học trò giơ lên để được phát biểu xây dựng bài. Các em sôi nổi khi thảo luận nhưng im lặng khi thầy cô giảng bài...
Khi hết tiết học bước ra khỏi lớp mà cảm thấy lòng nhẹ nhõm, lâng lâng một niềm vui bởi cả thầy và trò cùng hợp tác với nhau để bài học hiệu quả, sinh động.
Nhìn lại một tiết học không mất quá nhiều sức, không phải lớn tiếng, không phải cầm thước đập bàn yêu cầu học sinh yên lặng mà các em lại hăng hái xây dựng bài.
Món quà của người thầy có lẽ không phải là những chiếc phong bì, không phải là món quà nào lớn mà chỉ cần học sinh siêng năng học hành, có thái độ ứng xử phù hợp với mọi người.
Đôi lúc, tình cờ đi trên đường nghe tiếng học trò gọi thầy, chào thầy cũng thấy lòng chộn rộn một niềm vui.
Hoặc, có những lúc chỉ cần một số điện thoại lạ, khi nhắc máy thì nghe tiếng phụ huynh xin phép cho con nghỉ học hay phụ huynh hỏi han về tình hình học tập của con mình. Chỉ cần thế thôi cũng có thêm động lực để làm việc...
Ngày Nhà giáo Việt Nam đang đến nhưng chắc chắn rồi nó cũng sẽ qua đi như những năm trước đây và phụ huynh cũng đừng quá bận tâm về những món quà tặng cho thầy cô đang dạy dỗ con mình.
Điều thầy cô giáo cần nhất đó là ý thức, thái độ học tập, ứng xử của học trò để các em ngày càng trưởng thành. Và, tất nhiên có được điều này rất cần sự chung tay từ nhiều phía nhưng quan trọng cả vẫn là gia đình và nhà trường có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.
An Giang công bố điểm thi tuyển sinh 10 năm học 2020-2021 Tối 25/7/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã chính thức công bố điểm Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020- 2021. Năm nay, tỉnh An Giang tổ chức kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 trong 2 ngày 18 và 19/7 đối với 3 trường chuyên biệt là trường Trung học phổ thông Chuyên Thoại Ngọc...