Học sinh mong chương trình giáo dục mới có tính ứng dụng
Cho rằng vấn đề của chương trình hiện hành là “học nhiều, nhưng sử dụng chả bao nhiêu”, học sinh mong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể gia tăng nội dung mang tính ứng dụng thực tiễn.
Điểm tích cực ở dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, theo nhiều học sinh là giảm số môn học bắt buộc từ 13 xuống còn 9, tạo cơ hội cho các em được học những gì phù hợp với năng lực, sở thích. Sự xuất hiện các môn mang tính hướng nghiệp như: Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc… cũng phần nào làm học trò hài lòng.
Dương Gia Khánh, lớp 12 THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội. Ảnh: NVCC.
“Âm nhạc và Mỹ thuật là hai môn không có trong chương trình THPT hiện nay của các trường công lập. Dự thảo đưa thêm nội dung này vào em nghĩ sẽ rất hữu ích, đặc biệt với những bạn có định hướng theo ngành nghệ thuật. Các bạn sẽ được học chính thống môn này trên trường và ít nhiều trải nghiệm xem mình có hợp không”, Dương Gia Khánh (lớp 12 THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội) nói.
Video đang HOT
Minh Anh (lớp 12, THPT Chu Văn An) cho rằng, vấn đề của giáo dục hiện nay không phải là học môn gì mà là nội dung môn học và phương pháp dạy – học như thế nào. Chương trình hiện nặng về học thuật, hiệu quả ứng dụng thấp.
“Lớp em khốn khổ suốt 3 năm THPT vì học môn Vật lý, Sinh học với các bài tính về lực từ, khúc xạ ánh sáng, số gen…, chẳng mấy khi áp dụng trong đời sống. Em nghĩ các môn này chỉ dạy chuyên sâu cho bạn có định hướng theo ngành liên quan. Những học sinh khác dạy sao cho biết mắc đèn, thông bồn cầu, phân biệt thuốc, triệu chứng ốm đau, biết sơ cấp cứu và giáo dục giới tính”, Minh Anh nói.
Cách tổ chức môn học, theo nữ sinh lớp 12 này, cũng nên thay đổi, biến các lớp Âm nhạc, Mỹ thuật thành câu lạc bộ có giáo viên hướng dẫn. Ở đó, học sinh có thể tham gia diễn nhạc kịch, hợp xướng, triển lãm tranh… và được cấp chứng chỉ để phục vụ xét tuyển đại học hoặc gửi hồ sơ du học.
Môn Lịch sử và Địa lý, Minh Anh cho rằng, nên tích hợp lại và đặt kỹ năng lên trên kiến thức. Em lý giải, kiến thức hai môn này luôn biến động nên giáo viên không thể dạy hết. Người thầy do đó cung cấp kiến thức nền và dạy học sinh kỹ năng tự nghiên cứu, phản biện sẽ tốt hơn. “Thầy cô có thể giao nhiệm vụ để học sinh tự nghiên cứu theo nhóm rồi trình bày, tranh biện trên lớp. Môn Lịch sử khó phân định được đúng – sai nên để học sinh có quan điểm riêng”, nữ sinh góp ý.
Học sinh trường Chu Văn An lấy ví dụ một giáo trình của National Geographic – series Inside book dành cho học sinh lớp 3 rất thú vị và kích thích sự chủ động tham gia của người học. Giáo trình chia thành các chủ đề như: Thám hiểm, bí ẩn lịch sử, nhân quyền, văn hóa thế giới, du hành vũ trụ… Mỗi chủ đề đi kèm 3 bài đọc hiểu về văn hóa, xã hội và một bài dạng tự truyện nhật ký. Ở chủ đề vũ trụ, các bài đọc được đưa ra là: truyền thuyết chùm sao gấu của thổ dân Bắc Mỹ; bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Kennedy khi tàu Apolo lên mặt trăng và nhật ký của tác giả kể về đêm ngồi ngắm sao.
“Cách học như thế vừa cung cấp trường từ vựng ở nhiều lĩnh vực, vừa mang đến nhiều hiểu biết tự nhiên, xã hội. Một bài đọc có rất nhiều tiết cho cô trò bàn luận. Học sinh sau đó được yêu cầu viết sáng tạo, kể chuyện theo trí tưởng tượng. Giáo viên không chữa ý tưởng mà chỉ chữa lỗi từ ngữ”, nữ sinh nói và cho rằng phương pháp này mới đào tạo ra đội ngũ công dân toàn cầu.
Nhận xét về phẩm chất và năng lực mà dự thảo đặt ra cho người học, Minh Anh cho rằng chưa hợp lý. Phẩm chất “yêu con người, biết bao dung, tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người” nên đặt lên trên. Các năng lực “đọc hiểu, tư duy phê phán, đặt câu hỏi, phát biểu chính kiến, tư duy đa chiều” nên được bổ sung để đào tạo cho người học.
Nguyễn Đình Tôn Nữ, lớp 12 Anh1, THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Ảnh: NVCC.
Nữ sinh THPT chuyên Hà Nội Amsterdam được Đại học Harvard cấp học bổng 7 tỷ đồng – Nguyễn Đình Tôn Nữ cũng cho rằng, điều khiến mọi người lo lắng ở giáo dục Việt Nam là hiệu quả thấp trong việc dạy những kiến thức mà học sinh có thể áp dụng vào cuộc sống. Đây không phải là vấn đề của chương trình học mà là cách dạy và định hướng cho học sinh. Việc cắt bớt các môn học như dự thảo chương trình phổ thông tổng thể do đó không phải cách để tăng hiệu quả giáo dục.
“Cần tăng chất lượng giáo dục, tăng đầu tư vào nghiệp vụ giáo viên, cơ sở vật chất. Quá trình đào tạo, các giáo viên nên được định hướng dạy để học sinh có thể sáng tạo ngoài khuôn khổ bài thi và nhà trường tạo điều kiện cho học sinh vận dụng sự sáng tạo này”, Tôn Nữ nói.
Em dẫn chứng cuộc thi Khoa học và kỹ thuật (Intel Isef) đã cho thấy học sinh Việt Nam có khả năng sáng tạo và ứng dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề của thực tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để làm điều này. Nếu sự sáng tạo được trở thành điều bình thường, đương nhiên của việc học, tính hiệu quả của giáo dục sẽ tăng lên.
Việc Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới sẽ được áp dụng ngay trong năm sau (năm 2018) khiến học sinh lo lắng. Các em cho rằng, sẽ không đủ thời gian để đào tạo giáo viên, chuẩn bị cơ sở vật chất. Nội dung môn học do đó khó có thể thực hiện được bài bản và sâu sắc.
Theo VNE