Học sinh lớp 4 bị điện giật chết thương tâm: Đừng bỏ mặc trẻ học online
Sáng nay (10/9), trong khi học trực tuyến, một học sinh lớp 4 ở phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị điện giật tử vong.
Sự việc đau lòng một lần nữa cảnh báo các bậc phụ huynh quan tâm đến con, không phó mặc con khi học trực tuyến, mặc con tự kết nối các thiết bị Internet, kết nối nguồn điện khi máy tính, điện thoại hết pin.
Hiện trường vụ việc thương tâm
Chia sẻ về sự việc này, cô Lê Thị Loan – Học viện Quản lý Giáo dục bày tỏ quan điểm rằng: Khi con ở bậc tiểu học học online, bắt buộc phải có bố mẹ đồng hành.
“Việc học online trong thời điểm dịch bệnh là giải pháp tình thế, không thể dừng. Thế nhưng cũng cần bố mẹ đồng hành trong quá trình con học là vì con sẽ còn nhiều bỡ ngỡ liên quan đến kỹ thuật, tương tác với giáo viên, công nghệ và vì lí do an toàn của các con.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, ngoài việc bố mẹ quan sát, hỗ trợ con học thì việc giáo dục kỹ năng sinh tồn cho trẻ cũng phải thực hiện sớm từ bậc mầm non. Các thiết bị điện trong nhà là cần thiết, nhưng nếu trẻ không biết thì chính các vật dụng trong nhà cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn cho trẻ.
Hiện nay, chương trình giáo dục từ bậc mầm non cũng đã có phần giúp trẻ nhận diện nguy cơ không an toàn với ổ điện, phích nước… Ở nhà, bố mẹ cũng cần giúp con nhận diện tình huống thực tế, dạy con những đồ vật nguy hiểm không được sờ vào; nếu thấy bất thường phải tránh xa, báo cho bố mẹ biết.
Video đang HOT
Với bậc tiểu học, chương trình đạo đức cũng đã có nhắc đến các nguyên tắc an toàn với thiết bị điện, xử lý thế nào từ điện giật. Vấn đề là ở nhà bố mẹ có tạo điều kiện biến những kiến thức từ trên lớp thành những tình huống để con nhận diện an toàn và nguy cơ mất an toàn hay không.
Sau sự việc này, thiết nghĩ, ngoài giáo dục kỹ năng sinh tồn ở nhà trường, phụ huynh cũng cần cùng trẻ ứng dụng với các tình huống thực tế để bài học mang hơi thở cuộc sống và có tính thực tiễn, tránh những trường hợp đáng tiếc”, cô Loan nói.
Sáng nay, khi đang học trực tuyến, một học sinh lớp 4 ở phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị điện giật tử vong. Nạn nhân là cháu Hoàng Hải D., sinh năm 2011, địa chỉ tại ngõ 275 Nguyễn Trãi. Cháu D. hiện là học sinh Trường tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa).
Theo báo cáo của phường Hạ Đình, cháu D. ở nhà cùng em gái, bố vừa đi ra ngoài có việc riêng. Trong khi học, cháu dùng kéo (không có cán nhựa) chọc vào ổ cắm điện và bị điện giật tử vong.
Theo báo Dân trí, đại diện Ban Giám hiệu Trường tiểu học Thái Thịnh cho hay, thông thường lớp trưởng và cô giáo chủ nhiệm sẽ điểm danh vào đầu giờ học trực tuyến; tuy nhiên trong buổi học sáng nay, do mạng lỗi nên nhiều học sinh không truy cập được, dẫn đến việc điểm danh gặp khó khăn. Đến khoảng 11h trưa, cô giáo chủ nhiêm của cháu D. mới biết đến vụ việc.
Phụ huynh lo lắng vì con ngồi nhiều giờ trước máy tính khi học trực tuyến
Dù học trực tuyến không còn xa lạ nhưng nếu ở năm trước, học trực tuyến là giải pháp tạm thời thì năm nay, hình thức học này được xác định là "lâu dài, ổn định".
Mới vào năm học được 5 ngày, nhiều phụ huynh đã tỏ ra lo lắng khi thấy con ngồi nhiều giờ trước màn hình. Và họ mong chương trình học sớm được giảm tải để tránh những bất cấp liên quan đến sức khỏe của các con.
"Ngồi lì suốt"
Từ ngày 6/9, các cấp học tại Hà Nội (trừ mầm non và lớp 1) học theo khung chương trình năm học 2021- 2022 của Bộ GD&ĐT. Tùy lịch học của từng trường, từng cấp nhưng trung bình bậc tiểu học sẽ học 3-4 tiết/buổi; bậc THCS học 4- 5 tiết/buổi (lớp 8 và 9 sẽ học 5 tiết/buổi) và cấp THPT học 5 tiết/buổi. Hệ thống trường công lập hầu hết chỉ học 1 buổi/ngày. Hệ thống trường ngoài công lập thì học cả sáng và chiều (trung bình 6-8 tiết/ngày). Thời gian ngồi trước máy tính/điện thoại nhiều, ít vận động nên đa số phụ huynh dù đã xác định rõ tinh thần học trực tuyến là giải pháp nhưng không tránh khỏi trạng thái sốt ruột, lo lắng khi thấy con "ngồi lì suốt" trước màn hình; và kể cả con thu nạp được nhiều kiến thức thì theo họ, thời lượng học như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, thậm chí sức khỏe tinh thần của các con.
HS các cấp (trừ mầm non, lớp 1) tại Hà Nội học trực tuyến theo khung chương trình từ ngày 6/9
Chị Lê Thị Như, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai cho biết: "Theo lịch, con gái tôi vào lớp lúc 7 giờ 30 nhưng quy định phải có mặt trước 5-10 phút để điểm danh. Cứ học 1 tiết (45 phút) thì nghỉ giải lao 10 phút. Nếu học 4 tiết thì chưa đến 11 giờ là tan còn nếu học 5 tiết thì 11 giờ 40 tan. Tôi thấy hầu như con ngồi học miết, không đứng dậy lúc nào và mỗi khi tan học con lại lấy tay rụi mắt một hồi mới đứng lên".
Anh Nguyễn Văn Hải, trú tại quận Thanh Xuân kể: "Lớp con tôi học từ 7 giờ sáng. Con đặt đồng hồ báo thức để sáng dậy sớm vào lớp nhưng do chưa quen nếp, có ngày tắt đồng hồ ngủ cố; một lúc sau dậy quáng quàng lao ra mở máy tính cho kịp giờ, chẳng kịp rửa mặt. Ngồi học liên miên 4 tiết buổi sáng thấy khá căng thẳng; chiều 13 giờ 45 lại tiếp tục học vài tiết nữa. Năm nay con vào lớp 6, chương trình Giáo dục phổ thông mới có nhiều môn tích hợp nên con cũng bỡ ngỡ. Nếu là đi học trên lớp, học thời lượng như vậy thì bình thường nhưng khi học online, việc ngồi cả ngày trước máy tính sẽ rất mệt mỏi".
Chia sẻ về lịch học của học sinh (HS), cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên một trường THCS tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: "Ở trường tôi, HS lớp 6 đến lớp 9 học từ 4-5 tiết/buổi (chủ yếu là 5 tiết) từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 40 phút. Theo lịch thì HS chỉ học buổi sáng nhưng nhiều HS viết chậm, cùng với hay xảy ra lỗi kết nối mạng nên thỉnh thoảng các buổi chiều, tùy lớp, tùy giáo viên, HS lại phải học bù. Thời gian tới, nếu đường truyền mạng ổn định, HS vào nếp, hy vọng buổi chiều các em được nghỉ ngơi và tự học".
Mong sớm giảm tải chương trình khi học online
Cô Nguyễn Thị Chuyên - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng thông tin: Trường Tiểu học thị trấn Phùng xếp lịch học cho HS khối 3 đến khối 5 đều có 3 tiết/buổi (từ 7 giờ 30 đến 9 giờ 50); với khối 2 sẽ là 2-3 tiết/buổi; và vì số lượng tiết mỗi buổi ít nên trường cho HS học cả sáng thứ 7 để đảm bảo chương trình. Nhà trường chưa nhận được ý kiến phản đối nào của phụ huynh. Đa số đều đồng tình và cho rằng, thời lượng học với cấp 1 như vậy là hợp lý.
Có con học hệ thống trường ngoài công lập, chị Phí Hải Hà, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Con tôi lớp 3, học cả sáng lẫn chiều, mỗi ngày từ 7-8 tiết nhưng tôi thấy con vẫn vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Các tiết học được thiết kế có nhiều trò chơi đan xen, trò và cô tương tác tích cực. Tuy con học vui vẻ nhưng theo khoa học thì việc ngồi cố định trong thời gian dài trước màn hình máy tính là không tốt. Chương trình giảm xuống 5 tiết/ngày tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn. Nếu sẽ giảm tải thì mong Bộ sớm có thông báo, hướng dẫn ngay từ đầu năm học để tránh áp lực cho cả thầy và trò".
HS lớp 1 đang học những buổi định hướng đầu tiên của năm học mới
Vấn đề giảm tải, tinh giản chương trình đã được nhắc đến khá nhiều trước thềm năm học mới. Tại văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 của các cấp tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh về việc trường điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, tinh giản những nội dung chồng chéo, trùng lặp giữa các môn học. Thời khóa biểu cần được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.
Với cấp trung học, Bộ GD&ĐT yêu cầu đảm bảo các nội dung cốt lõi, làm cơ sở để chủ động, linh hoạt thực hiện các nội dung còn lại phù hợp với tình hình; ưu tiên dạy trực tuyến với những nội dung mang tính lý thuyết; hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả SGK...
Theo PGS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), thực hiện kế hoạch năm học trong bối cảnh đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. Nguyên tắc tinh giản là không vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục; không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu.... Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Tại cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT để tìm giải pháp phù hợp trong bối cảnh học trực tuyến vào chiều 8/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT cần tiếp tục chú trọng giảm tải khi thiết kế chương trình học trực tuyến, học trên truyền hình, nhất là ở bậc tiểu học theo hướng "học mà chơi, chơi mà học"; có hướng dẫn chi tiết để việc tổ chức giờ giảng trực tuyến tránh hình thức, hời hợt hoặc quá căng thẳng; lồng ghép, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng cho phụ huynh, đặc biệt là kiến thức cơ bản về phòng chống dịch.
Đề cập đến hình thức học trực tuyến; trong đó lưu ý đến HS khối lớp 1, lớp 2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Hiện dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất. Với lớp 1- 2, dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm. Trước mắt, giáo viên không thực hiện kiểm tra, đánh giá trong quá trình học trực tuyến hoặc trên truyền hình đối với học sinh lớp 1 và lớp 2.
Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất hỗ trợ thiết bị học online cho hơn 72.000 HS Việc hỗ trợ trang thiết bị để không một học sinh nào phải nghỉ học vì điều kiện kinh tế do ảnh hưởng của dịch, đảm bảo các em đều được tham gia học trực tuyến. Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về đề xuất chủ trương triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ trang thiết...