Học sinh lớp 10 và 11 có được thi đánh giá năng lực?
“Kỳ thi năm nay chưa áp dụng cho các thí sinh lớp 10, 11 đăng ký tham dự. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có biện pháp sàng lọc thông tin hồ sơ để đảm bảo điều kiện này”.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết như vậy khi trao đổi với Zing.vn về kỳ tuyển sinh đánh giá năng lực 2016.
Theo ông Sơn, thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính, thời gian 195 phút. Nội dung kiến thức tổng hợp từ chương trình học phổ thông. Khi nộp bài, thí sinh sẽ biết kết quả ngay. Cụm thi tại các tỉnh vẫn giữ nguyên như năm 2015.
- So với năm ngoái, kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có gì đổi mới?
- Năm nay, quy mô kỳ thi mở rộng hơn. Trường đồng ý cho một số cơ sở đào tạo cùng tham gia tổ chức thi và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để phục vụ công tác tuyển sinh. Các trường này gồm Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Đại học Thủ Đô Hà Nội, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học sư phạm Kỹ thuật Nam Định… Số lượng thí sinh tham dự kỳ thi được dự đoán sẽ cao hơn năm ngoái.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Quyên Quyên.
Khi đăng ký dự thi, thí sinh sẽ phải chọn cả địa điểm thi và đợt thi, thay vì chỉ đăng ký địa điểm thi như năm ngoái. Nếu đợt đầu đã đủ số lượng, các em tiếp tục đăng ký đợt sau. Thí sinh thi vào ngày nào, ca nào trong đợt thi do nhà trường sắp xếp.
Bài thi ngoại ngữ được làm trên máy tính, thay vì làm trên giấy như năm ngoái. Việc đăng ký xét tuyển cũng hoàn toàn trực tuyến.
Lệ phí đăng ký dự thi đánh giá năng lực là 200.000 đồng một thí sinh, lệ phí bài thi ngoại ngữ 150.000 đồng.
Năm 2016, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển hoàn toàn trực tuyến. Trường bỏ nội dung điểm xét tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước.
- Quy chế cho phép thí sinh bảo lưu kết quả thi trong 24 tháng, như vậy học sinh lớp 10, 11 cũng có thể dự thi, miễn là có bằng tốt nghiệp THPT trước thời hạn?
- 70% kiến thức trong bài thi là của chương trình lớp 12. Vậy nên thí sinh dự thi phải cơ bản hoàn thành chương trình học ở bậc THPT.
Kỳ thi năm nay chưa áp dụng cho học sinh lớp 10, 11. Nhà trường sẽ có biện pháp sàng lọc thông tin hồ sơ để biết thí sinh đảm bảo điều kiện này.
- Cơ hội trúng tuyển của các đợt thi có tương đương nhau không?
- Độ khó của bài thi giữa các đợt là cân bằng. Tuy nhiên, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn với thí sinh đăng ký thi từ đợt đầu. Đến đợt thi sau, đương nhiên chỉ tiêu còn lại sẽ ít hơn. Thí sinh có nguyện vọng vào trường nên tham gia ngay từ đợt 1.
- Năm nay, việc đăng ký xét tuyển hoàn toàn trực tuyến, vậy trường có bộ phận tiếp nhận khi thí sinh đến tận nơi đăng ký xét tuyển?
Video đang HOT
- Bên cạnh việc đăng ký online, Đại học Quốc gia Hà Nội có những hình thức hỗ trợ thí sinh đến nộp hồ sơ tại trường. Chi tiết về phương án xét tuyển và hướng dẫn dẫn nộp hồ sơ xét tuyển sẽ được công bố sau.
Năm nay, trường cũng phát hành cuốn Những điều cần biết về kỳ thi tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội trên trang web của trường.
Thí sinh dự thi Đánh giá năng lực vào Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015. Ảnh: Quốc Toản.
- Vẫn có ý kiến cho rằng phần thi kiến thức định tính (thay cho bài thi Ngữ văn) theo dạng trắc nghiệm (phi truyền thống) sẽ khó đánh giá hết năng lực diễn đạt của thí sinh. Trường thiết kế đề thi như thế nào để hạn chế điều này?
- Không nên coi bài thi đánh giá năng lực là trắc nghiệm hoàn toàn. Vẫn có những câu hỏi mang tính chất tự luận, thí sinh phải đọc các đoạn văn, phân tích nội dung, điền từ, điền số, sắp xếp… Nhiều câu hỏi định tính đòi hỏi các năng lực logic, thể hiện tình cảm, thẩm mỹ của thí sinh.
- Đề thi năm nay có tiếp tục hướng đến những vấn đề thời sự, xã hội không? Thí sinh nên theo dõi tin tức như thế nào để làm tốt phần câu hỏi này?
- Năm nay, số lượng câu hỏi trong ngân hàng đề thi được tăng lên gấp đôi. Để làm tốt bài thi, thí sinh cần vận dụng những kiến thức phổ thông hướng về đời sống thực tiễn.
Trường khuyến khích thí sinh quan tâm những vấn đề của cuộc sống, tuy nhiên những kiến thức để giải quyết vấn đề đó cũng không nằm ngoài chương trình học phổ thông.
- Ông có lời khuyên gì cho thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực 2016?
- Đây là năm thứ hai Đại học Quốc Gia Hà Nội tổ chức thi đánh giá năng lực. Thực tế năm qua cho thấy, thí sinh thích ứng thuận lợi với cách làm bài mới trên máy tính. Phương thức thi tuy mới nhưng dễ thích ứng, vậy nên thí sinh hãy tự tin.
Đề thi có tính tổng hợp, bao quát nhưng vẫn được xây dựng trên nền kiến thức cơ bản. Thí sinh cần học tập toàn diện, không nên quá thiên lệch môn nào. Những thí sinh học chuyên cần điều chỉnh, bổ sung kiến thức môn khác để đạt điểm tối đa.
Thí sinh nên vào trang web của trường để làm thử bài thi, đồng thời nghiên cứu kỹ quy chế thi và cấu trúc bài thi. Trường sẽ mở những kênh tư vấn để giải đáp thắc mắc. Các em cũng nên cảnh giác với những thông tin về nội dung bài thi không xuất phát từ trang web của trường.
Theo Zing
Đại học Quốc gia HN thông tin tuyển sinh năm 2016
Đại học Quốc gia Hà Nội bỏ nội dung điểm xét tuyển đợt sau cao hơn đợt trước.
Theo thông tin từ ĐHQGHN căn cứ tình hình thực tế triển khai công tác tổ chức thi và xét tuyển trong những năm trước, năm 2016, trường tiếp tục áp dụng Đề án tuyển sinh đại học chính quy đã được Bộ GD&ĐT phê và có điều chỉnh một số nội dung trong đề án cho phù hợp.
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cụ thể, về môn thi thí sinh phải làm bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 195 phút. Thí sinh hoàn thành bài thi ĐGNL trong một ca thi của mỗi đợt thi. Kết quả bài thi ĐGNL có giá trị để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐHQGHN và vào các trường đại học, cao đẳng không thuộc ĐHQGHN có công bố sử dụng kết quả bài thi ĐGNL và đã được ĐHQGHN đồng ý để xét tuyển. Kết quả bài thi ĐGNL được bảo lưu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi.
Bài thi ngoại ngữ là một trong các môn học tiếng Anh (D1), tiếng Nga (D2), tiếng Pháp (D3), tiếng Trung Quốc (D4), tiếng Đức (D5) và tiếng Nhật (D6) gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 90 phút. Kết quả bài thi ngoại ngữ chỉ có giá trị ngay trong năm dự thi để xét tuyển vào trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN) thuộc ĐHQGHN và vào các trường đại học, cao đẳng không thuộc ĐHQGHN có công bố sử dụng kết quả bài thi ngoại ngữ để xét tuyển.
Nội dung kiến thức của đề thi thuộc chương trình trung học phổ thông (THPT), chủ yếu là chương trình lớp 12; Thí sinh thực hiện bài thi ĐGNL và bài thi ngoại ngữ trực tiếp trên máy tính.
ĐHQGHN tổ chức kỳ thi ĐGNL năm 2016 tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng.
Kỳ thi ĐGNL năm 2016 được tổ chức 2 đợt.
Đợt 1: Từ ngày 05/5/2016 đến ngày 08/5/2016 và
Từ ngày 13/5/2016 đến ngày 15/5/2016;
Đợt 2: Từ ngày 05/8/2016 đến ngày 15/8/2016.
Thí sinh ĐKDT bài thi ĐGNL nếu có nguyện vọng ĐKXT vào các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN hoặc vào các trường đại học, cao đẳng không thuộc ĐHQGHN có công bố sử dụng kết quả bài thi ĐGNL để xét tuyển.
Đối với thí sinh có nguyện vọng ĐKXT vào trường ĐHNN thuộc ĐHQGHN hoặc vào các trường đại học, cao đẳng không thuộc ĐHQGHN có công bố sử dụng kết quả bài thi ngoại ngữ để xét tuyển, ngoài việc đăng ký thi bài thi ĐGNL, thí sinh phải đăng ký thi ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu đầu vào của từng ngành đào tạo.
Thời gian ĐKDT: Đợt 1 từ 8h00 ngày 02/3/2016 đến 17h00 ngày 22/3/2016; Đợt 2 từ 8h00 ngày 15/6/2016 đến 17h00 ngày 25/6/2016.
Thí sinh ĐKDT theo thời gian quy định của mỗi đợt thi và được ĐKDT tất cả các đợt thi.
Thí sinh ĐKDT trực tuyến trên website của Trung tâm Khảo thí theo địa chỉ: http://www.cet.vnu.edu.vn, mục "Đăng ký dự thi ĐGNL".
Thí sinh hoàn thành đầy đủ, đúng các thông tin trong Phiếu ĐKDT được đăng tải trên website của Trung tâm Khảo thí theo địa chỉ: http://www.cet.vnu.edu.vn, mục "Đăng ký dự thi ĐGNL".
Lệ phí thi ĐGNL: 200.000 đ /thí sinh/lượt thi;
Lệ phí thi ngoại ngữ : 150.000 đ/thí sinh/lượt thi.
Thí sinh có thể nộp lệ phí thi theo hai cách:
Nộp vào tài khoản hoặc trực tiếp tại Trung tâm Khảo thí (tầng 3, nhà C1T, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội).
Về công tác xét tuyển cơ bản, phương án xét tuyển vào các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN vẫn giữ ổn định như năm 2015.
ĐHQGHN xét tuyển theo các hình thức: tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển.
Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng các thí sinh đủ điều kiện theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Ưu tiên xét tuyển các thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Những thí sinh này phải tham gia dự thi ĐGNL và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định.
Xét tuyển thẳng những thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên đã tốt nghiệp THPT và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp ĐHQGHN và thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi từng năm học trong cả 3 năm THPT, tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên, có hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại tốt.
Xét tuyển dựa trên kết quả bài thi ĐGNL, bài thi ngoại ngữ và kết quả đánh giá học lực thí sinh từ các nguồn tuyển khác cho một số ngành/chương trình đào tạo đặc thù.
ĐHQGHN tổ chức xét tuyển 2 đợt.
Đợt 1: Dự kiến vào cuối tháng 7/2016. Xét tuyển đối với các thí sinh dự thi ĐGNL và bài thi ngoại ngữ đối với Trường ĐH Ngoại Ngữ theo yêu cầu của đơn vị đào tạo và đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐHQGHN quy định.
Đợt 2: Dự kiến vào cuối tháng 8/2016. Xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh dự thi ĐGNL và đánh giá ngoại ngữ. ĐHQGHN xem xét xét tuyển các thí sinh sử dụng kết quả thi THPT quốc gia (nếu còn chỉ tiêu) đạt ngưỡng đảm chất lượng bảo đầu vào do Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN quy định. ĐHQGHN có văn bảo báo cáo Bộ trước khi xét tuyển đợt 2 bằng các hình thức khác ngoài bài thi ĐGNL.
Bỏ nội dung điểm xét tuyển đợt sau cao hơn đợt trước.
Thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành học theo thứ tự ưu tiên (nguyện vọng 1, 2) của cùng một đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN. Số nguyện vọng cụ thể do hội đồng tuyển sinh (HĐTS) của các đơn vị thành viên thuộc ĐHQGHN quy định.
Thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển trong thời gian quy định để đổi nguyện vọng trong cùng đơn vị đã nộp hoặc ĐKXT vào đơn vị đào tạo khác.
Thí sinh có thể đăng ký trực tuyến qua cổng thông tin xét tuyển của ĐHQGHN hoặc gửi phiếu ĐKXT qua đường bưu điện.
Thí sinh làm thủ tục thay đổi nguyện vọng ĐKXT trực tiếp tại đơn vị đào tạo hoặc hủy ĐKXT trực tuyến (không thực hiện hủy ĐKXT qua đường bưu điện).
Theo PV/VOV.VN
GS. Mai Trọng Nhuận: Tự chủ giả hiệu sẽ không có Đại học đích thực Không có một trường đại học nào có thể hoàn thành sứ mệnh của mình mà không có quyền tự chủ cần thiết. LTS: Quan điểm của GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khi bàn về tự chủ đại học. Trong chủ đề này ông bày tỏ, vấn đề tự chủ đại học nói riêng và...