Học sinh khó khăn, không điện thoại, không máy tính ở TP.HCM sẽ học online thế nào?
Hiện nay TP.HCM có khoảng 77.000 học sinh đang gặp khó khăn khi học trực tuyến, trong đó nhiều em thiếu thiết bị học tập, đường truyền internet không đảm bảo, hoặc không có phụ huynh kèm cặp khi học online.
Năm học mới đã chính thức bắt đầu, nhưng tại nhiều địa phương dịch bệnh đang bùng phát, việc học tập của học sinh còn gặp nhiều khó khăn. Tại TP.HCM, học sinh toàn thành phố phải chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Thông tin tại Tọa đàm trực tuyến “Năm học mới trong đại dịch” vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện có khoảng 77.000 học sinh TP.HCM không có điều kiện học tập trên internet. Đây là số liệu gồm cả những khó khăn về đi lại, thiếu thiết bị, đường truyền, không có phụ huynh kèm cặp…Thực tế, còn khoảng 51.000 học sinh tiểu học gặp khó khăn khi học trực tuyến trong đó có khó khăn về đường truyền internet khi học.
Ảnh minh họa.
Để hỗ trợ học sinh trong mùa dịch, TP.HCM cũng đã có nhiều giải pháp như chung sức với doanh nghiệp trao tặng máy tính bảng, thiết bị học tập cho học sinh. Hiện nay, ngoài chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các trường cũng thực hiện các giải pháp như vận động phụ huynh góp, trao tặng, vận động các doanh nghiệp… cùng chung tay hỗ trợ học sinh khó khăn.
“Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ xin UBND TP chủ trương để các đơn vị giới thiệu các gói giải pháp như thiết bị, đường truyền để cung ứng cho các trường và các em học sinh. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là dù phụ huynh có tiền cũng không mua được bởi việc đi lại khó khăn nên máy tính hỏng, máy cũ, ngay cả giáo viên cũng không thể đi sửa để giảng dạy.
Video đang HOT
Đối với trường hợp những học sinh vẫn không thể học trên internet, chúng tôi xây dựng phiếu học tập, ban đầu thầy cô sẽ giao bài, sau đó đội ngũ tình nguyện viên sẽ thu các phiếu đó đưa lại giáo viên để thầy cô biết được các em đang học ở mức độ nào.
Sở cũng đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch cho những đối tượng học sinh này, làm sao để các em vẫn có thể tiếp cận được việc học một cách thuận lợi nhất. Đối với những học sinh đang kẹt ở các tỉnh thì trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM đều đã làm việc với các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi học tập cho các em”, ông Hiếu cho biết.
Xây dựng mạng lưới giáo viên tình nguyện cho học sinh lớp 1, lớp 2
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm, bên cạnh bậc học THCS, THPT đã dần quen với hình thức học trực tuyến, ở bậc tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, lớp 2 đang triển khai Chương trình GDPT mới gặp khá nhiều khó khăn. Hiện nay Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp ghi hình các tiết dạy với Đài truyền hình, thầy cô được hướng dẫn phụ huynh cùng hỗ trợ các con học.
Đối với những em không có điều kiện học tập, Sở GD-ĐT đang rà soát, hỗ trợ kịp thời, có các giải pháp như vận động thiết bị điện tử, làm việc với các đơn vị cung cứng… Với những học sinh khó khăn hơn nữa, Sở sẽ xây dựng mạng lưới giáo viên tình nguyện để tổ chức các lớp học từ xa, định kỳ mỗi tuần sẽ có trao đổi với phụ huynh để việc học hiệu quả hơn.
“Học sinh lớp 1 học trực tuyến thế nào là một câu hỏi khó. Nên ngay từ đầu chúng tôi xác định rằng cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, giáo viên là rất quan trọng để tạo nên một không gian học tập và đồng hành cùng con. Trong 2 tuần đầu tiên, giáo viên sẽ chiếu các clip hướng dẫn phụ huynh cách dạy con đọc, cách viết trên giấy ô ly. Chúng tôi chủ trương tinh gọn kiến thức, tập trung vào 2 môn Toán, Tiếng Việt. Mục tiêu đánh giá ở lớp 1 theo từng chặng, đặt ra những mục tiêu cơ bản đề không gây áp lực cho học sinh”, ông Hiếu cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho rằng, với những khối lớp đang thực hiện Chương trình GDPT mới sẽ có những khó khăn nhất định do thầy cô và học sinh đều bỡ ngỡ. Theo chương trình mới, giáo viên phải hướng dẫn học sinh tự học cao hơn, thiết kế bài dạy kỹ lưỡng hơn. Dạy trực tiếp đã vất vả, khi chuyển sang dạy trực tuyến sẽ khó khăn hơn và phải trao đổi nhiều hơn.
“Rõ ràng việc ngồi trước máy tính giảng bài khác hẳn so với việc đứng trực tiếp trước học sinh. Nếu như trước đây, giáo viên dạy kiến thức mang tính cung cấp cái có sẵn, thì khi thực hiện chương trình phát triển năng lực, giáo viên giao cho học sinh tự tìm hiểu kiến thức bằng hoạt động kiến tạo, khám phá. Thông qua đó sẽ đạt được mục tiêu kép là vừa có được kiến thức, khoa học và cách để tự mình chiếm lĩnh kiến thức ấy giúp phát triển các phẩm chất và năng lực tương ứng.
Chúng tôi mong muốn các thầy cô nỗ lực hơn để thiết kế bài mạch lạc, giao cho học sinh những bài thật cụ thể, có thể chia sẻ học liệu của nhau”, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh./.
Chỉ dạy học nội dung cốt lõi: SGK cũng cần giảm tải
Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các nội dung học tập cốt lõi, có sự điều chỉnh, để thầy và trò dựa theo đó triển khai, ứng phó với tình hình mới.
Dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục. Giáo viên, học sinh, phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập, nhất là việc học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh.
Báo Thanh niên dẫn lời chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ theo dõi từng ngày tình hình dịch bệnh tại các địa phương và 'ra các chỉ đạo xử lý mang tính phi truyền thống' . Trong một vài ngày tới, Bộ sẽ ban hành các nội dung học tập cốt lõi, có sự điều chỉnh, để thầy và trò dựa theo đó triển khai, ứng phó với tình hình mới.
Các tỉnh, thành cùng Trung ương đang thống kê tới tận từng trường hợp khó khăn không thể học trực tuyến và sẽ có giải pháp cho từng việc. Sẽ có hàng loạt biện pháp hỗ trợ và 'bọc lót' cho nhau.
Những ngày học sinh được tới trường học trực tiếp, các thầy cô sẽ phải dành thời gian củng cố, rà soát kiến thức, bồi dưỡng theo nhóm cho các đối tượng không thể học trực tuyến...
Trước đó, tại buổi tọa đàm trực tuyến 'Năm học mới trong đại dịch' do báo Người lao động tổ chức hôm 6/9, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cũng thông tin về phương án giảm tải chương trình khi học trực tuyến.
Nội dung dạy học sẽ được chọn lọc cho phù hợp với tình hình thực tế. Ảnh minh họa: Tuổi trẻ.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, đọc thêm, không làm, không thực hiện, không yêu cầu.... Năm học này, Bộ tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Ngoài việc giảm tải nội dung dạy học trực tuyến, nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng sách giáo khoa cũng rất cần được giảm tải, tránh tốn kém cho học sinh và phụ huynh.
Điển hình như lớp 1 năm nay, học sinh chọn học 1 trong 3 bộ sách là Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục và bộ sách Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Giá mỗi bộ sách niêm yết công khai dao động trên dưới 200.000 đồng/bộ, tuy nhiên giá sách đăng ký mua qua mỗi trường một khác, thậm chí có trường một bộ sách lớp 1 có giá lên tới gần 800.000 đồng. Nguyên nhân phần lớn là vì có thêm nhiều sách bổ trợ ngoài sách giáo khoa bắt buộc.
Chẳng hạn, bộ sách có giá gần 800.000 mà nhiều phụ huynh chia sẻ có cả các sách như Bài tập đạo đức, bài tập âm nhạc, bài tập Mĩ thuật, bài tập Tự nhiên và xã hội, bài tập Hoạt động trải nghiệm. Riêng bộ thực hành Toán-Tiếng Việt lớp 1 dùng cho học sinh ở đây có giá 179.000 đồng.
Với kinh nghiệm từ năm trước, nhiều phụ huynh cho biết, con em họ không thực sự cần đến nhiều sách bổ trợ như vậy, thậm chí có những quyển từ đầu năm đến cuối năm vẫn nằm yên trong ngăn vì không dùng đến.
Thủ tướng chỉ đạo triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng và triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" nhằm hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến. Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội, bắt đầu năm học mới 2021-2022 theo hình thức trực...