Học sinh hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Nên theo đuổi đam mê hay để bố mẹ lo cho?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đưa ra lời khuyên: Các em phải tự do làm chủ cuộc đời mình, hãy đi theo tiếng nói của bản thân để tìm được đam mê, thành công.
Ngày 19/10, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng tập thể thầy và trò trường Trung học Phổ thông Đông Anh (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) vẫn say mê những câu chuyện được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ trong buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0″ do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với nhà trường tổ chức.
Trường Trung học Phổ thông Đông Anh có bề dày lịch sử 20 năm (2000-2020), là một trong những trường phổ thông hàng đầu của huyện Đông Anh.
Trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, đến nay với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh; trường đã được nhiều thành tựu đáng kể với 30 lớp học, hơn 1300 học sinh, có tập thể sư phạm gồm 77 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.
Tỷ lệ đỗ Tốt nghiệp hàng năm đạt trên mức bình quân thành phố trở lên, tỷ lệ học sinh đạt điểm chuẩn xét vào đại học từ trong năm học trước đạt 93.5%.
Điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào của trường tăng lên theo từng năm: Từ 34 điểm năm học (2000-2001), đến năm học (2019-2020) là 36.25 điểm.
Tham dự buổi hội thảo, em Nguyễn Viết Huy, học sinh lớp 11A3 gửi câu hỏi đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng:
“Thưa thầy, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời (tốt nghiệp Trung học Phổ thông), chúng em nên theo đuổi đam mê của bản thân hay đi theo một con đường an toàn hơn, ít mạo hiểm hơn – con đường đã được gia đình vạch sẵn”.
Câu hỏi của Nguyễn Viết Huy cũng là thắc mắc chung của rất nhiều bạn học sinh trường Trung học Phổ thông Đông Anh trong buổi hội thảo.
Hội thảo 4.0 tại trường Trung học Phổ thông Đông Anh (Ảnh:V.N)
Để trả lời câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng lấy ví dụ từ chính gia đình của mình.
Giáo sư kể: “Gia đình tôi có 2 người con: Nguyễn Lân Hiếu và Nguyễn Kim Nữ Thảo. Đối với con cái của mình, tôi không có mong muốn gì hơn là các con hiếu thảo vì thế 2 người con của tôi một người tên là Hiếu, một người tên là Thảo.
Là bậc làm cha mẹ, tôi và vợ không bao giờ ép buộc các con phải đi theo con đường mà mình đã vạch sẵn hay yêu cầu các con phải trở thành ông nọ, bà kia. Mọi thành công đến giờ mà Hiếu và Thảo đạt được đều xuất phát từ ý chí và nỗ lực của chính các anh chị.
Gia đình cũng để cho Hiếu và Thảo tự quyết định con đường mình sẽ đi và trở thành người như thế nào.
Video đang HOT
Và chính các em học sinh ngồi đây các em cũng phải là người làm chủ cuộc đời của mình.
Không ai làm chủ cuộc đời của các em tốt hơn chính các em. Hãy nghe theo tiếng nói của bản thân, đi theo con đường mà các em yêu thích. Nếu nỗ lực và kiên trì thành công sẽ đến với các em”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải đáp các câu hỏi của học sinh (Ảnh:V.N)
Nhắc đến thời đại 4.0, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Đây vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội đối với đất nước Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.
Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng đưa ra lời khuyên: “Để tìm kiếm cơ hội trong thời đại 4.0 thì bản thân các em phải nỗ lực không ngừng và rất kiên trì. Công thức của một người thành công bao gồm 1% tài năng, 14% bằng cấp và 85% là thái độ.
Trong thời đại robot hóa đang thay dần sức con người, muốn có việc làm thì chỉ còn cách không ngừng trau dồi kiến thức, làm chủ thiết bị và các em phải trở thành những công dân toàn cầu.
Và trở thành những công dân toàn cầu các em phải làm tốt 3 việc sau: phải có sức khỏe, ngoại ngữ phải giỏi và phải có ý chí.
Một trong những lời khuyên quan trọng nhất của tôi đối với các bạn đó là phải lạc quan; đừng sợ hãi, đừng sợ sai.
Hãy tìm kiếm thành công trong những nghịch cảnh; hãy cứ làm đi, làm sai rút kinh nghiệm và sửa sai đó mới là bản lĩnh của một người trẻ trong thời đại 4.0″.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ký tặng sách cho các bạn học sinh (Ảnh:V.N)
Bằng những câu chuyện “tai nghe mắt thấy”, chứng kiến sự thay đổi lớn lao mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại; Giáo sư Nguyễn Lân Dũng muốn truyền lửa và giúp các em học sinh trường Trung học Phổ thông Đông Anh trả lời được câu hỏi lớn nhất cuộc đời: Tôi sẽ trở thành ai và tôi sẽ làm công việc gì?
Mặc dù thời tiết có mưa nhỏ, nhưng thầy và trò trường cấp 3 Đông Anh vẫn đồng hành với vị diễn giả đặc biệt suốt 4 tiếng đồng hồ. Rất nhiều câu hỏi thú vị của các bạn học sinh gửi về Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và được thầy giải đáp tận tình.
Câu hỏi: Học để làm gì? đã khơi gợi lên tinh thần tranh luận sôi nổi của các bạn học sinh. Nhiều câu trả lời được gửi về hội thảo như: Học để có một công việc tốt, học để báo hiếu thầy cô, cha mẹ…
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kết luận bằng một câu – Học để trở thành người tự do: “Tôi năm nay đã 83 tuổi nhưng ngày nào tôi cũng học, học không ngừng nghỉ. Chỉ có học mình mới làm chủ được cuộc đời của mình. Khi bạn có tri thức bạn sẽ không phải lo lắng mình có làm được không? Mình có làm đúng hay không?
Vì thế lời khuyên của tôi dành cho các em là hãy học tập không ngừng nghỉ, tích cực trau dồi vốn sống, cải thiện ngoại ngữ của bản thân. Hãy làm chủ cuộc đời của mình”.
Tập thể cán bộ,giáo viên nhà trường chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh:V.N)
Kết thúc buổi hội thảo, cô Phạm Thị Hiền, hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Đông Anh đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức một buổi hội thảo đầy ý nghĩa.
Cô Hiền cũng cho biết: Tập thể thầy và trò trường Trung học Phổ thông Đông Anh sẽ ghi nhớ những lời khuyên của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và thực hiện đúng phương châm của một người thành công: 85 % là thái độ; tích cực trau dồi và rèn luyện bản thân đóng góp cho xã hội, cho đất nước.
Sự thành công chỉ đến cùng đam mê nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học là lĩnh vực đòi hỏi nhiều tố chất và nhọc nhằn ngay cả với những người có nhiều đam mê.
Và với phụ nữ, để thành công trong lĩnh vực đặc thù này còn phải nỗ lực hơn rất nhiều bởi ngoài công việc họ còn có vai trò làm vợ, thiên chức làm mẹ thiêng liêng.
Và để có nhiều hơn nữa những nhà khoa học nữ thành công trong nghiên cứu, theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Chương trình Sản phẩm quốc gia vắc xin sử dụng cho người, chúng ta cần gỡ những nút thắt cố hữu tồn tại từ lâu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Chương trình Sản phẩm quốc gia vắc xin sử dụng cho người
Là một người nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu, tìm tòi, sản xuất ra các loại vắc xin, Giáo sư có thể cho biết những vất vả, nhọc nhằn cũng như khó khăn mà những nhà khoa học nữ phải trải qua?
- Thực ra nói đến nghiên cứu khoa học thì ai đã lựa chọn theo đuổi đều sẽ vất vả, nhọc nhằn, đều có những ngày tháng quên ăn, mất ngủ trong phòng thí nghiệm, trăn trở đau đáu khi kết quả nghiên cứu chưa được như kỳ vọng. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn thì niềm vui của những người làm nghiên cứu khoa học đó là khi công trình nghiên cứu của mình có những kết quả khả quan, đạt được kỳ vọng và có tính ứng dụng trong thực tế, giúp ích cho cuộc sống con người.
Nhiều người nói rằng làm nghiên cứu khoa học phụ nữ có nhiều hạn chế, điều đó đúng bởi họ còn gánh nặng chồng con trên vai, nhưng theo tôi là chưa đủ bởi phụ nữ làm khoa học có những thế mạnh nhất định đó là sự kiên trì, bền bỉ, tinh thần lạc quan, không dễ bi quan trước những kết quả nghiên cứu chưa đạt kỳ vọng bởi cũng như phần đông phụ nữ Việt họ có sức chịu đựng bền bỉ, đặc biệt là trước khó khăn.
Sau một quá trình dài làm nghiên cứu khoa học tôi nhận ra rằng không có điều gì vui hơn, giải thưởng nào cao quý hơn khi thấy những thành quả nghiên cứu của mình được cộng đồng đón nhận, có ích cho cuộc sống.
Theo như Giáo sư thì phụ nữ làm nghiên cứu khoa học có những thế mạnh nhất định song thực tế không có nhiều người lựa chọn theo đuổi đam mê cả đời mà đã có những ngã rẽ, phải chăng điều này xuất phát từ thực tế việc đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học còn những hạn chế?
- Trong cuộc đời làm nghiên cứu khoa học, tôi đã nhiều lần chứng kiến những đồng nghiệp của mình phải dừng chân giữa đường vì nỗi lo cơm áo, vì gánh nặng gia đình. Nhưng bên cạnh đó cũng có người dừng lại vì cảm thấy bản thân không đủ đam mê. Tôi cho rằng đó là điều khá bình thường với bất kỳ một công việc hay lĩnh vực nào trong cuộc sống, không riêng gì lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, để nói về bất cập, hạn chế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tôi không thể không nói tới việc cơ chế chính sách tài chính còn khá gò bó, đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học còn nhỏ giọt, điều kiện phục vụ cho nghiên cứu khoa học ở nước ta còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết của nghiên cứu.
Dù Đảng và Nhà nước luôn đặt mục tiêu coi khoa học là quốc sách hàng đầu nhưng đầu tư về ngân sách cho khoa học công nghệ từ năm 2001 đến nay đang giảm dần, từ 1,8% bây giờ giảm chỉ còn hơn 1,4%. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước nên có những giải pháp cụ thể đầu tư cho khoa học phải tương xứng. Cũng không nên để khoa học dù là quốc sách hàng đầu mà các nhà khoa học cứ phải trăn trở, vật lộn để chứng minh, bóc tách các khoản chi trong nghiên cứu.
Chẳng hạn, với lĩnh vực nghiên cứu vắc xin nhiều năm qua dù đã được quan tâm hơn trước song khó khăn về kinh phí vẫn luôn đeo bám. Những người làm công tác nghiên cứu khoa học như chúng tôi chỉ ước ao có được kinh phí làm nghiên cứu bằng 1km đường cao tốc.
Dù tự hào với những gì các nhà khoa học đã làm được thời gian qua trong xây dựng, phát triển đất nước, song trong số đó vẫn còn nhiều công trình nghiên cứu khoa học bị bỏ phí, Giáo sư có thể nói gì về thực tế này?
- Có một thực tế tồn tại từ lâu trong công tác nghiên cứu khoa học ở tất cả các ngành các lĩnh vực là sự đầu tư nghiên cứu dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm do vậy chưa tận dụng được các kết quả nghiên cứu một cách tốt nhất.
Không riêng bản thân tôi mà rất nhiều nhà khoa học có tâm khác cảm thấy trăn trở, đau đáu khi nhiều công trình nghiên cứu được đầu tư tiền nhưng lại bị bỏ dở vì một nguyên nhân khách quan hay chủ quan nào đó. Hay tình trạng công trình nghiên cứu khoa học mất nhiều thời gian, kinh phí song lại không có tính ứng dụng thực tiễn, không thể thương mại hóa, thực sự rất lãng phí.
Do vậy khi quyết định đầu tư vào một đề tài nghiên cứu khoa học nào đấy, các cơ quan quản lý nên có sự cân nhắc, đầu tư trọng điểm, trọng tâm, có tầm nhìn chiến lược, đánh giá được những hiệu quả mà nghiên cứu khoa học mang lại cho cộng đồng để đầu tư xứng đáng.
Với thế hệ trẻ hiện nay, một thực tế cho thấy là không nhiều nữ sinh chọn lựa những ngành liên quan tới nghiên cứu khoa học bởi phần đông đều cho rằng đây là công việc khô khan, nhọc nhằn, Giáo sư có thể nói gì về điều này? Và để có thêm những lớp nhà khoa học nữ kế cận, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác gì?
- Không giống với các môi trường làm việc bên ngoài khi phụ nữ có thể diện những bộ váy áo điệu đà, ở môi trường phòng làm việc, nghiên cứu khoa học quy định rất chặt chẽ nên có thể gây cảm giác tù túng. Do vậy, những hình dung bên ngoài về công việc nghiên cứu khoa học không hề dễ dàng, nên sự lựa chọn đương nhiên sẽ không nằm ở số đông.
Để có được đội ngũ nhà khoa học nữ kế cận, ngoài khắc phục những khó khăn, hạn chế khách quan về cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư, bản thân mỗi nữ sinh khi ngồi trên ghế nhà trường phải xác định được mục tiêu và con đường mình theo đuổi.
Nếu lựa chọn nghiên cứu khoa học để gắn bó cả cuộc đời thì các nữ sinh cần chăm chỉ học hành, đọc nhiều tài liệu, sách báo có liên quan đến khoa học. Sau đó xem bản thân yêu thích lĩnh vực gì. Ngoài ra, các em cần chủ động đăng ký tham gia vào các nhóm sinh viên nghiên cứu và tranh thủ hướng dẫn của các thầy, cô giáo.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, để làm tốt công tác nghiên cứu, tiếp thu được kiến thức, kinh nghiệm của quốc tế, các nữ sinh cần rèn các kỹ năng về khoa học công nghệ, phần mềm, ngoại ngữ. Đây là những kỹ năng quan trọng để các bạn sinh viên có thể làm chủ các hoạt động nghiên cứu khoa học của mình sau này.
Có thể thấy rằng, không phải mọi phụ nữ đều làm nghiên cứu khoa học nhưng đã lựa chọn nghiên cứu khoa học thì sự thành công chỉ đến cùng đam mê. Và dù khó khăn, chông gai đến mấy, dù vất vả hay mệt mỏi đến nhường nào, rồi chúng ta cũng sẽ vượt qua bởi chúng ta đã lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học bằng đam mê và khát vọng, bằng tất cả niềm tin và ý chí. Và khi đến được đích của con đường mỗi người đều sẽ thấy rất vẻ vang, tự hào.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thắp lửa khởi nghiệp cho học sinh trường Liên Hà Trong ngày đặc biệt kỷ niệm 63 năm Giải phóng thủ đô, học sinh trường Trung học phổ thông Liên Hà đã được truyền cảm hứng từ vị khách bất ngờ. Sáng 10/10, trong không khí đặc biệt ngày Giải phóng thủ đô, hơn 1.000 học sinh khối học buổi sáng (khối 12 và 50% khối 11 trường Trung học phổ thông Liên...