Học sinh Hà Nội, TP.HCM học bù ra sao?
Nhiều hiệu trưởng tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng cho biết họ sẽ không cần bố trí học tăng ca hay học vào chủ nhật khi học sinh đi học trở lại.
Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM xịt thuốc khử trùng phòng học chuẩn bị đón học sinh đi học lại – Ảnh: NHƯ HÙNG
Từ hôm nay (2-3), học sinh THPT ở hầu hết các địa phương trong cả nước sẽ đi học trở lại, trong khi TP.HCM và Hà Nội cho nghỉ tiếp một tuần nữa. Hai thành phố lớn nhất cả nước sẽ tổ chức dạy và học thế nào cho kịp chương trình, tiến độ chung của cả nước?
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã điều chỉnh thời gian để kết thúc năm học muộn hơn 1 tháng so với trước. Chưa kể, các trường vẫn còn 1-2 tuần dự phòng trong kế hoạch năm học. Vì vậy, trong thời điểm học sinh nghỉ học từ nay đến hết ngày 8-3, việc dạy học qua mạng vẫn chỉ dừng lại ở mục đích củng cố kiến thức chứ không dạy bài mới.
“Khi có quyết định về việc đi học lại, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ có hướng dẫn chi tiết về kế hoạch giảng dạy của học kỳ 2 năm học 2019-2020″ – ông Hiếu khẳng định.
Không học bù vào chủ nhật
“Nếu có học bù thì cũng rất nhẹ nhàng. Học sinh sẽ không phải học bù vào ngày chủ nhật, bởi trường chúng tôi đã hủy tất cả các chương trình trải nghiệm để tránh dịch bệnh. Như vậy, thời gian đáng lẽ cho học sinh hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa sẽ được thay thế bằng việc dạy bù – học bù” – lãnh đạo một trường trung học ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cho hay.
Tương tự, nhiều hiệu trưởng tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng cho biết họ sẽ không cần bố trí học tăng ca hay học vào chủ nhật khi học sinh đi học trở lại.
“Trường tôi thực hiện tự chủ kế hoạch (chương trình nhà trường) nên có thể sắp xếp nội dung các môn học theo hướng tiết kiệm thời gian. Các tổ bộ môn sẽ rà soát và đề xuất để ban giám hiệu điều phối. Không chỉ phải sắp xếp lại thời gian dạy chương trình chính khóa, nhiều hoạt động khác của nhà trường cũng phải điều chỉnh.
Nhưng trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của học sinh, đảm bảo học sinh học đủ chương trình, học sinh cuối cấp đủ kiến thức kỹ năng để dự các kỳ thi” – cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, chia sẻ.
Video đang HOT
Về điều này, thầy Hà Xuân Nhâm – hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội – cho biết trường đã tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian này, vì thế trong thời gian tới việc “dạy bù” sẽ chỉ bố trí trong khoảng 2 tuần đối với những môn không dạy học trực tuyến được và những môn học quan trọng đối với học sinh cuối cấp chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia.
Rèn năng lực vượt lên khó khăn
“Những ngày vừa qua, em vẫn học theo thời khóa biểu do mình và nhóm bạn thân tự vạch ra, chỉ khác là không đến trường mà thôi” – N.H.T., học sinh lớp 12 ở quận 3, TP.HCM, cho biết.
T. chia sẻ mình và nhóm bạn thân đều chọn thi khối A và khối A1 để xét tuyển vào ĐH, vì vậy không thể lơ là, vui chơi trong những ngày nghỉ: “Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, ngoài học chính khóa ở trường, nhóm em còn đi học luyện thi tại nhà những giáo viên dạy giỏi nổi tiếng của TP.
Thời gian nghỉ học sau tết, thầy cô ở trường chính khóa và lớp học thêm đều giao bài cho tụi em làm ở nhà. Tuy nhiên, những bài nào không hiểu hoặc quá khó để giải quyết, nhóm hẹn nhau cùng đến nhà thầy để nghe giảng trực tiếp”.
Thế nhưng, không phải học sinh nào cũng siêng năng như nhóm của T.. “Chỉ những học sinh có ý thức tự học cao hoặc học sinh “nuôi mộng” vào các trường ĐH tốp đầu mới chủ động học tập trong kỳ nghỉ này. Thậm chí, có em còn đề nghị tôi giao bài khó hơn, giao những câu hỏi tương tự như đề thi THPT quốc gia chứ không chỉ là những câu hỏi ôn tập kiến thức đơn thuần.
Riêng một số học sinh ý thức tự học thấp thì các em rất ít tương tác với giáo viên qua mạng. Nhiều em còn than thầy cho bài nhiều quá, áp lực quá” – thầy T., giáo viên môn toán ở quận Gò Vấp, tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh – hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, một trong những trường hiện vẫn đang duy trì việc dạy học trực tuyến theo đúng thời khóa biểu với tất cả các môn học (trừ môn thể dục) – cho biết: “Điều quan trọng nhất tôi muốn ở giáo viên và học sinh trong tình thế này không phải là khối lượng kiến thức bù đắp mà là năng lực vượt lên khó khăn.
Đặc biệt, học sinh trung học rất cần rèn việc tự học có hướng dẫn của thầy cô. Nên ngoài việc dạy trực tuyến, các nhiệm vụ học tập giáo viên giao cho học sinh tại nhà là cách để học sinh nâng cao khả năng tự học. Cha mẹ cũng từ việc này quan tâm, hỗ trợ con nhiều hơn trong việc tự học”.
Học từ xa vẫn có giá trị
Bạn Trần Huỳnh Ân, lớp 12A9 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM, ôn tập môn toán trực tuyến – Ảnh: NHƯ HÙNG
Không kỳ vọng vào việc học sinh có thể học từ xa như học ở trường. Việc giao bài tập cũng vậy, những học sinh có ý thức sẽ nắm cơ hội tự học để vượt lên. Nhưng có học sinh cũng không học, học không hiệu quả. Thực trạng này khiến nhiều bậc phụ huynh sốt ruột và muốn nhà trường “nghỉ dạy hẳn từ xa” cho công bằng.
Tôi cho rằng thầy cô, cha mẹ đừng nhìn vào mục tiêu “nạp kiến thức” mà nhìn nhận những giá trị khác trong giai đoạn học từ xa này thì sẽ thấy có thêm một hình thức học tập không vô nghĩa. Ít nhất, học sinh sẽ không bị sụt giảm động lực học tập và có khả năng “nhập cuộc” ngay khi trở lại trường.
Cô Kim Anh (một giáo viên THPT ở Hà Nội)
Theo Tuổi trẻ
Dịch Covid-19, trường đại học thay đổi lịch tuyển sinh
Các trường đại học dự kiến lùi thời gian thực hiện kế hoạch tuyển sinh của trường mình cho phù hợp thời gian kết thúc năm học và kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.
Các thí sinh nộp hồ sơ trúng tuyển vào trường ĐH tại TP.HCM năm 2019 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Việc lùi thời gian này áp dụng với kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, kỳ thi năng khiếu, xét tuyển học bạ...
Để thích ứng với thời gian nghỉ học tránh dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo thời gian kết thúc năm học lùi lại đến ngày 30.6, thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cũng dự kiến lùi đến 23 - 26.7. Trước việc kéo dài thời gian năm học và kỳ thi chung này thêm một tháng, các trường ĐH cũng chủ trương thay đổi kế hoạch tuyển sinh của trường theo các mốc thời gian khác nhau.
Điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi riêng
Theo tiến sĩ Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay trường dành từ 20 - 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi kiểm tra năng lực do trường tổ chức. Thay vì dự kiến diễn ra vào ngày 23 - 24.5, lịch thi mới có thể vào cuối tháng 6 và thời gian nộp hồ sơ dự thi cũng điều chỉnh phù hợp với tổ chức thi.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết sẽ điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm nay cho phù hợp với tình hình mới theo diễn biến của dịch Covid-19. Theo kế hoạch đã công bố trước đó, đợt 1 kỳ thi này sẽ diễn ra vào ngày 29.3 tại 5 địa điểm: TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Tương tự, kế hoạch tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng lùi theo tiến độ kết thúc năm học và kỳ thi THPT quốc gia. Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, dự kiến trường nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào 20.5. Tuy nhiên, trường chỉ xét tuyển dựa vào kết quả học tập năm lớp 12 nên sẽ điều chỉnh vào khoảng tháng 6. Bên cạnh đó, kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức xét thí sinh vào ngành giáo dục thể chất và giáo dục mầm non cũng sẽ lùi lại sau thời gian thi THPT quốc gia.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết đối với kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, trước đây trường thông báo nhận hồ sơ dự thi từ ngày 1.4 - 30.6, tổ chức thi vào ngày 12.7. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, trường dự kiến sẽ dời lại các mốc thời gian này khoảng một tháng.
Theo thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng phòng Truyền thông và Marketing, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chắc chắn trường sẽ lùi thời gian nhận hồ sơ cũng như tổ chức thi riêng. Trong phương án cũ, trường tổ chức 2 đợt thi vào ngày 12.7 và 16.8. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến lùi thời gian tổ chức kỳ thi riêng.
Riêng đối với phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung cho biết sau khi ĐH Quốc gia TP.HCM điều chỉnh và công bố thời gian thi chính thức thì trường cũng sẽ điều chỉnh thời gian nhận hồ sơ xét tuyển cho phù hợp.
Không xét học kỳ 2 lớp 12
Các trường xét tuyển theo phương thức học bạ cũng phải thay đổi thời gian và điều kiện nhận hồ sơ.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, đối với phương thức xét tuyển học bạ, trường nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 từ ngày 2.5 - 31.7. Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng cho biết trường sẽ thay đổi thời gian xét tuyển học bạ đối với phương thức xét tuyển điểm trung bình lớp 12. Theo đó, nếu Bộ GD-ĐT lùi thời gian kết thúc năm học đến 30.6 thì thời gian xét tuyển phương thức này của trường sẽ lùi lại theo mốc này (xét từ ngày 30.6 hoặc từ 1.7). Riêng phương thức xét tuyển điểm trung bình 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) vẫn giữ nguyên thời gian xét tuyển từ tháng 3.
Vì thời gian nghỉ học của thí sinh kéo dài dẫn đến kết quả học tập học kỳ 2 chậm hơn trước, Trường ĐH Văn Lang cũng sẽ bổ sung phương thức xét điểm trung bình năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của các môn trong tổ hợp xét tuyển. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng, cho biết trường mở phương thức này để thí sinh có thêm lựa chọn bên cạnh việc xét điểm trung bình 2 học kỳ lớp 12 như trước đây. Nhờ vậy, thí sinh vẫn có thể hoàn thành hồ sơ xét tuyển ĐH đúng thời hạn.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết trường chỉ xét tuyển học bạ theo điểm trung bình lớp 12 nên chắc chắn sẽ phải lùi thời gian xét tuyển. "Thí sinh cần lưu ý là đối với các trường không xét tuyển điểm trung bình học kỳ lớp 12, có thể nộp hồ sơ xét tuyển học bạ trước. Các trường cũng có thể công bố điểm trúng tuyển dự kiến. Tuy nhiên, để trúng tuyển chính thức, các trường vẫn phải chờ thí sinh hoàn tất kỳ thi THPT quốc gia. Vì điều kiện thí sinh trúng tuyển học bạ cũng phải tuân theo quy định là đã tốt nghiệp THPT", tiến sĩ Hải thông tin.
Theo Thanh niên
Ý kiến xung quanh đề xuất chia năm học thành 4 học kỳ Việc chia nhỏ năm học khi nhìn nhận ở khía cạnh tâm lý học cũng được các chuyên gia đánh giá là khoa học. Chiều 22/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các tỉnh xem xét cho các trường hoạt động trở lại từ ngày 2/3 tới. Hiện Bộ cũng đang cân nhắc việc lùi thời gian...