Học sinh Hà Nội học thêm kín tuần để thi vào lớp 10
Bùi Phương Thảo học thêm sáu buổi một tuần cho ba môn Toán, Văn và Tiếng Anh trong suốt năm qua với hy vọng đỗ THPT Cầu Giấy.
Thí sinh chia sẻ áp lực trước kỳ thi. Video: Dương Tâm – Tú Anh
Sáng 1/6, thí sinh thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội đến điểm thi để làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế. Tại điểm thi THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy), nhiều em tranh thủ mang theo sách vở để ôn tập trước khi được gọi vào phòng.
Bùi Phương Thảo (THCS Nghĩa Tân) chia sẻ rất căng thẳng, nếu không đỗ trường công lập sẽ bị bạn bè, hàng xóm chê cười, bố mẹ thất vọng. Thảo đăng ký học thêm sáu buổi một tuần cho ba môn Toán, Văn và Tiếng Anh suốt năm qua. “Trong bốn môn thi, em lo nhất là Toán vì học môn này không tốt. Em cũng dành thời gian ôn Toán nhiều nhất với 3 buổi học thêm/tuần”, Thảo nói.
Vì năm nay Hà Nội tổ chức thi bốn môn, trong đó có Lịch sử, ngoài học thêm, Thảo thường xuyên thức đến 12h đêm để ôn luyện. Nhiều hôm mệt mỏi, mắt díp lại vì buồn ngủ, nữ sinh vẫn cố học tiếp để không bị “thất vọng, chê cười”.
Giống như Thảo, Nguyễn Thị Linh (THCS Đoàn Thị Điểm) phải học thêm vào các buổi tối ngay từ đầu lớp 9, đặc biệt là Ngữ văn – môn học khiến em hoang mang nhất vì có nhiều tác phẩm phải tìm hiểu. Với Toán và Văn, em tập trung nghe giảng trên lớp, ôn luyện đề thi. Còn môn Sử, em dành 30 phút đến một tiếng mỗi ngày để học thuộc kết hợp làm nhiều dạng bài trắc nghiệm. Vì không muốn thức quá khuya, Linh thường đặt báo thức để dậy ôn bài từ 5h sáng.
Thí sinh tranh thủ ông bài trước giờ vào phòng thi. Ảnh: D.T
Tại điểm thi THCS Lê Quý Đôn, nhiều thí sinh nhanh chóng ra về ngay sau khi làm xong thủ tục dự thi để tranh thủ ôn bài. Minh Hiếu (THCS Nguyễn Trường Tộ) chia sẻ đã có một năm học vất vả. Do đăng ký vào lớp Vật lý trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam và cũng đặt nguyện vọng một vào trường công lập không chuyên là THPT Yên Hòa, Hiếu phải học năm môn cho kỳ thi này.
Từ đầu năm học đến trước khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố Lịch sử là môn thi thứ tư, Hiếu đã phải học thêm vào buổi tối tất cả ngày trong tuần, trong đó nhiều nhất là Vật lý rồi đến Văn, Toán và ít nhất là Tiếng Anh. Đến khi biết môn Lịch sử nằm trong chương trình thi, em không còn thời gian để học thêm môn này nữa.
“Em lo nhất môn Ngữ văn và Lịch sử. Văn là môn quan trọng nhưng em lại yếu, còn Sử thì được thông báo quá muộn”, Hiếu nói và cho biết hai tháng gần đây em dành hầu hết thời gian để ôn luyện “khối lượng kiến thức khổng lồ” của hai môn này.
Lịch thi vào lớp 10.
Chuyển từ huyện Lâm Thao (Phú Thọ) xuống Hà Nội học từ cuối lớp 7, Đỗ Diễm Vân Cơ (THCS Đoàn Thị Điểm) chịu áp lực rất lớn trong suốt hai năm qua bởi trình độ tiếng Anh yếu hơn hầu hết bạn trong trường. “Không chỉ áp lực, em còn khá tự ti khi thấy xung quanh ai cũng được điểm cao môn này. Em phải đi học thêm nhiều. Giai đoạn ôn thi vào lớp 10, em rút còn hai buổi mỗi tuần, mỗi buổi kéo dài 3 tiếng”, Vân Cơ chia sẻ.
Với môn Toán, do có nguyện vọng vào chuyên, em học thêm bốn buổi một tuần vào các ngày thứ hai, năm, sáu và bảy. Em cũng dành một buổi tối học Văn ở nhà cô. Riêng môn Sử, nhờ học đội tuyển trong gần một năm ở trường, nữ sinh không đăng ký học thêm mà tự ôn luyện qua các trang trên mạng.
“Học thêm nhiều đồng nghĩa với việc có rất nhiều bài phải làm. Ngày nào em cũng thức tới 2-3h sáng, cả tuần chỉ được nghỉ ngày chủ nhật nhưng cũng dùng chút thời gian này cho việc luyện đề và làm bài thầy cô giao”, Vân Cơ nói.
Cho rằng học hành áp lực nhưng Vân Cơ không muốn bỏ lỡ cơ hội được trải qua ba năm cấp 3 tại ngôi trường tốt. Em kỳ vọng đỗ trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam để được học Toán một cách bài bản, chuyên sâu hơn.
Đỗ Phương Anh khẳng định thi vào lớp 10 là kỳ thi quan trọng nhất với em từ trước đến nay. Đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Kim Liên, nữ sinh tỏ ra khá thận trọng vì trường có điểm chuẩn và tỷ lệ chọi cao. Để hoàn thành mục tiêu, cựu học sinh trường THCS Đống Đa đã tập trung học suốt những năm THCS. Nhờ vậy, em không bị dồn áp lực trong năm học cuối.
Phương Anh đặt ra kế hoạch ôn tập với bốn buổi tối học thêm mỗi tuần và dành đa số thời gian tự học. “Em lo lắng nhất môn Sử vì được thông báo muộn. Suốt hai tháng qua, thầy cô ở trường đã phải tích cực cho chúng em làm nhiều đề thi thử nhằm ôn luyện kiến thức”, Phương Anh nói.
Phương thức xét tuyển vào lớp 10 công lập (click vào hình để xem chi tiết). Đồ họa: Việt Chung
Năm học 2019-2020, Hà Nội có gần 86.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập (tính cả số được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230, trường ngoài công lập là 21.820. Số còn lại phải học dân lập với mức học phí cao hơn hẳn công lập, hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, học nghề.
Đây cũng là năm đầu tiên Hà Nội chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS. Thí sinh phải thi bốn môn gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử, trong đó Lịch sử được công bố vào tháng 3.
Thời gian thi vào lớp 10 công lập của thành phố là ngày 2/6 và sáng 3/6. Học sinh có nguyện vọng vào lớp 10 chuyên sẽ thi chung kỳ thi của thành phố. Sau đó, các em sẽ dự thi tiếp môn chuyên vào chiều 3/6 và ngày 4/6. Thí sinh có nguyện vọng học chương trình song bằng sẽ thi ngày 5/6 và 18/6 (phỏng vấn).
Dương Tâm – Tú Anh
Theo VNE
Hé lộ tình tiết bất ngờ vụ giáo viên làm lộ đề thi ở Phú Quốc
Thầy Mạnh tổ chức dạy thêm cho nhóm khoảng 10 em học sinh tại nhà trái với quy định do bộ GD&ĐT ban hành. Theo quy định, cá nhân muốn tổ chức dạy thêm, học thêm đều phải xin phép cơ quan chức năng.
Chiều 24/12, lãnh đạo trường THPT Phú Quốc (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho biết, dự kiến trong tuần này, đơn vị sẽ họp xét kỷ luật đối với giáo viên Trần Văn Mạnh (người làm lộ đề thi môn Toán).
Theo lãnh đạo trường THPT Phú Quốc, thầy Mạnh tổ chức dạy thêm cho một nhóm khoảng 10 em tại nhà nhưng không xin phép dạy thêm và cũng chưa được cơ quan có thầm quyền cấp phép.
Như vậy, việc dạy thêm của thầy Mạnh là trái với quy định do bộ GD&ĐT ban hành.
Cụ thể là những trường hợp dạy thêm, học thêm mà nội dung thuộc chương trình THPT hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình THPT thì phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc ủy quyền cho Giám đốc sở GD&ĐT cấp phép.
Trường THPT Phú Quốc, nơi thầy Mạnh công tác.
Còn đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình tiểu học, THCS hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình THCS thì phải do Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc ủy quyền cho Trưởng phòng GD&ĐT cấp giấy phép.
Như báo Người Đưa Tin đã đưa, một trong hai giáo viên môn Toán ra đề thi là ông Trần Văn Mạnh đã làm lộ đề cho một nhóm nhỏ khoảng 10 em do thầy này ôn tập. Nghi vấn lộ đề thi lớp 11 sau đó được nhiều học sinh đăng trên mạng xã hội nên lãnh đạo trường THPT Phú Quốc vào cuộc để làm rõ.
Qua xác minh ban đầu, thầy Mạnh đã thừa nhận việc làm lộ đề môn Toán. Vì vậy, nhà trường phải cho 473 học sinh lớp thi lại vào ngày 21/12. Kết quả có 270 em đạt điểm trên trung bình, thấp hơn 9 em so với lần thi đầu.
Theo nguoiduatin
Hà Nội: dạy thêm, học thêm phải đảm bảo tính tự nguyện của học sinh Sở GDĐT Hà Nội vừa có văn bản hướng dẫn việc tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá đối với cấp THCS trong năm học 2018-2019. Theo đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học này, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu Trưởng phòng GDĐT các quận, huyện và thị xã chỉ đạo các trường THCS trên địa bàn thực hiện...