Học sinh đối thoại với Bí thư Thành ủy TP HCM về môn Lịch sử
Ngày 28/2, trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và hơn 100 học sinh với chủ đề thiếu nhi với lịch sử dân tộc, nhiều em cho rằng cần bổ sung tư liệu hình ảnh, video, những chuyến đi thực tế thay vì chỉ học Lịch sử trong sách vở.
“Môn Lịch sử hiện nay rất khô khan, nhàm chán, để ghi nhớ các kiến thức, mốc thời gian là thách thức với chúng em. Tuy nhiên, khi được cô giáo cho xem các thước phim lịch sử thì chúng em lại rất ấn tượng và nhớ lâu”, Mộng Như, học sinh trường THCS Tân Tạo (Bình Tân) chia sẻ.
Theo Như, THCS Tân Tạo là trường ngoại thành, số phòng máy hạn chế, nên muốn đăng ký học phòng máy để xem phim tư liệu rất khó khăn. Vì thế em kiến nghị lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường ngoại thành.
Em Phan Thị Trúc Mai, học sinh trường THCS Tân Túc (Bình Chánh) lại cho rằng hiện học sinh rất ít được đi thực tế đến các di tích lịch sử. Mỗi khi đi, trường chỉ ưu tiên học sinh có thành tích học tập tốt. Do vậy Mai kiến nghị xây dựng những khu lịch sử tổng hợp, ở đó có thể tái hiện, mô phỏng lại mô hình các trận đánh, những sự kiện để học sinh có thể dễ dàng tham quan.
Video đang HOT
Các em thiếu nhi nêu ý kiến với lãnh đạo thành phố trong buổi gặp gỡ đầu năm. Ảnh: Nguyễn Loan
Nhiều em đề xuất nhà trường có thể trang trí sân trường, hành lang bằng những hình ảnh, thông tin về các vấn đề, sự kiện lịch sử để học sinh theo dõi. Có em đặt vấn đề lịch sử Việt Nam ghi nhận nhiều anh hùng thiếu nhi, nhưng trong sách lại ít nhắc đến. “Nếu sách có thể cập nhật nhiều hơn những anh hùng lịch sử này thì sẽ rất hay, vì chúng em có thể lấy làm gương học tập”, em này nói.
Ngoài môn Lịch sử, môn Giáo dục công dân cũng trở thành tâm điểm khi nhiều học sinh cho rằng hiện nay học sinh và thầy cô chỉ tập trung vào những môn chính còn môn học này bị bỏ quên hoặc học cho có. Trong khi đó giáo dục công dân chính là môn giúp học sinh trưởng thành và phát triển nhân cách. Một học sinh kiến nghị nhà trường cần có thêm nhiều chuyến ngoại khóa và các tiết học dạy về kỹ năng sống.
Một em khác lại trăn trở về văn hóa xếp hàng của người Việt Nam. Theo em, hiện còn rất nhiều người thiếu ý thức xếp hàng nơi công cộng, do vậy ngay ở trường học các thầy cô nên luyện tập ý thức xếp hàng cho học trò.
Ghi nhận ý kiến của các em, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng chính các góp ý, kiến nghị của học sinh trong những năm qua đã giúp Sở rà soát và có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với việc dạy và học.
Trả lời thắc mắc của các em, ông Sơn cho rằng hiện nay việc đưa học sinh đến bảo tàng chủ yếu thông qua nhà trường. Việc tổ chức một chuyến đi tham quan, dã ngoại còn gặp nhiều vấn đề. Về thời gian, học sinh các trường công lập phải học theo khung chương trình đã quy định nên việc bố trí các chuyến đi dã ngoại không hề dễ. Ngoài ra, một số trường đi nhưng tổ chức chưa khoa học nên không đạt được nhiều hiệu quả.
“Khi tổ chức đi dã ngoại tham quan thì đây được xem là một tiết học, tuy nhiên một số trường lại chỉ chọn cho một số học sinh tiêu biểu đi để giảm chi phí, dễ quản lý và còn nặng tính hình thức”, ông Sơn nói và cho rằng kinh phí đi lại cũng đươc xem là một vấn đề, cần có sự hỗ trợ từ phụ huynh.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP HCM, yêu cầu các đơn vị liên quan cần triển khai rộng hơn việc giáo dục học sinh về truyền thống lịch sử dân tộc. Việc tổ chức đi tham quan, dã ngoại ở các khu di tích ngoài tính hiệu quả thì cần đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho học sinh. Trước khi đi, nhà trường cũng cần tính quỹ thời gian phù hợp và phải nhân rộng các chuyến đi cho học sinh, nhất là với học sinh vùng ngoại thành.
Đầu năm mới, Bí thư Thành ủy nhắn nhủ các em học sinh cần chăm ngoan, phấn đấu rèn luyện học tập tốt theo tinh thần “thiếu nhi TP HCM học tập tốt”.
Theo VNE