Học sinh đạp xe 7km đến tặng tôi ống cơm lam nhân ngày 20/11
Khi đi vận động học sinh, cô Hòa nhớ nhất là cảnh có học sinh nghe tiếng cô giáo đến bản làng là học sinh trốn đi.
Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám chính thức được thành lập vào năm 2002, tại xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam với địa hình miền núi cao, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí còn nhiều hạn chế, hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Cơ tu, phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em mình nên ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Hơn nữa, Jơ Ngây là xã có địa hình lắm núi đồi, khe suối, dân cư phân bố tại nhiều cụm điểm khác nhau, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn vì đường xá nhiều dốc cao.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đông Giang, hơn ai hết bản thân cô Trần Thị Hòa (sinh năm 1984) thấu hiểu những khó khăn, thách thức và phong tục tập quán của người đồng bào nơi đây.
Mong ước trở thành cô giáo mang con chữ về với bản làng, tuyên truyền vận động các em đến trường đã được hun đúc từ thuở cắp sách đến trường nên cô Hòa đã chọn trường Đại học Quảng Nam là nơi nuôi dưỡng khát vọng của mình.
Thấm thoắt 13 năm trong ngành, ngần ấy thời gian với biết bao niềm vui, nỗi buồn và khó khăn thử thách ấy song cô Hòa vẫn miệt mài với công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà ngành đã giao phó (Ảnh: Thùy Linh)
Chia sẻ với tôi, cô Hòa nói: “Cầm tấm bằng cử nhân năm 2006, tôi về dạy hợp đồng tại trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám, Đông Giang yêu thương. Những ngày đầu còn lắm vất vả đối với một cô giáo trẻ, lúc ấy trường có tên là Trường Trung học cơ sở bán trú Lê Văn Tám, học sinh nằm rải rác ở 3 xã ATing, Jơ Ngây, Sông Kôn, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.
Để học được con chữ, nhiều học sinh nơi đây ngày ngày phải vượt qua quãng đường gian khó hơn 10 km đường núi đồi gập ghềnh mới có thể tới được lớp học. Vào mùa mưa lớn, toàn xã bị chia cắt, cô lập thành nhiều vùng khác nhau bởi nước khe, suối dâng cao, chảy xiết rất nguy hiểm.
Hơn nữa, nhận thức và nhu cầu học tập của đa số đồng bào chưa cao cộng thêm những thiếu thốn trong đời sống vật chất và những rào cản từ giao thông đi lại của đồng bào. Và đa số học sinh ở trường, ngoài việc học các em còn phải phụ giúp gia đình đi rẫy, đi rừng, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và việc duy trì sỉ số học sinh.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng một số hủ tục, tập quán lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến nạn tảo hôn, học sinh bỏ học để lập gia đình, một số em có hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ học đi lao động phụ giúp gia đình”.
Những năm đầu mới vào nghề với đồng lương hợp đồng ít ỏi, không đủ trang trải cho cuộc sống, nhưng với tất cả nghị lực, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu quê hương và lợi thế là người con của núi rừng, có tiếng nói, ngôn ngữ chung với người đồng bào, bản thân cô Hòa đã dần khắc phục những khó khăn, thực hiện tốt vai trò của một người giáo viên.
Video đang HOT
Thấm thoắt 13 năm trong ngành, ngần ấy thời gian với biết bao niềm vui, nỗi buồn và khó khăn thử thách ấy song cô giáo ấy vẫn miệt mài với công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà ngành đã giao phó, luôn tiên phong trong các phong trào, tích cực trong công tác vận động học sinh đến trường.
Cô Hòa kể: “Công tác vận động đối với học sinh miền núi rất được chú trọng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thậm chí cả chi bộ, đảng viên phối hợp với chính quyền đến từng nhà, hộ gia đình tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh và tuyên truyền, vận động các em đến lớp, vận động đồng bào quan tâm đến việc học của con em mình.
Khi đi vận động học sinh, tôi nhớ nhất là cảnh có học sinh là người địa phương nhưng còn rụt rè, nhút nhát, có em đi học nhưng không tiến bộ, vì vậy khi nghe tiếng cô giáo đến bản làng là học sinh trốn đi”.
Nhờ có sự kiên trì, cố gắng của những thầy cô như cô Hòa nên giờ đây tỉ lệ học sinh bỏ học ở Đông Giang rất thấp, một số học sinh nay đã trở thành thầy cô giáo, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, công an…
Năm 2010, cô Hòa may mắn được trúng tuyển viên chức, được hưởng nhiều chế độ chính sách đối với nhà giáo, đời sống được cải thiện và yên tâm công tác.
Năm 2012 được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ đó, như được tiếp thêm động lực cô giáo trẻ này luôn cố gắng thật nhiều không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, bản thân còn kiêm nhiệm thêm các chức danh khác như: tổ trưởng chuyên môn, chủ tịch công đoàn trường và là đại diện ưu tú cho 28 công đoàn cơ sở trường học được tín nhiệm vào Ban chấp hành Liên đoàn lao động huyện Đông Giang.
Sự nỗ lực cố gắng của cô Hòa được minh chứng là những tấm giấy khen, bằng khen của các cấp từ huyện đến tỉnh trao tặng hằng năm với nhiều thành tích, danh hiệu khác nhau như giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; lao động tiên tiến; chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; phụ nữ hai giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; cán bộ công đoàn xuất sắc; thành tích xuất sắc trong phong trào lao động nữ công,….
Năm học 2016-2017, cô được nhận bằng khen của chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn.
Năm học 2018 – 2019, cô được chọn vinh danh nhà giáo “Đã có đóng góp tích cực vào phong trào Đổi mới, sang tạo trong quản lý và dạy học” tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam.
Đặc biệt năm 2019 cô Hòa trở thành một trong 63 thầy cô được vinh danh tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2019.
Nói về kỉ niệm đáng nhớ nhất nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Hòa kể: “Năm đó tôi nghỉ sinh, đúng ngày 20/11, học sinh đạp xe đạp 7km mang 1 ống cơm lam đến tặng cô, tôi xúc động vô cùng”.
Được biết, đối với bản thân cô Hòa, bao nhiêu nỗ lực cố gắng phấn đấu để được đứng trên bục giảng với bao niềm tự hào như hôm nay cũng không hoàn toàn dễ dàng.
Vì điều kiện những năm 1995 tại địa phương chưa có trường trung học cơ sở và trung học phổ thông nên bản thân cô Hòa phải xin gia đình về thành phố ở nhà người quen để học cái chữ, nuôi lớn ước mơ vào đại học để trở thành cô giáo bản làng để được cống hiến một phần sức lực nhỏ bé là mang ánh sáng văn hóa về lại nơi mình sinh ra, trả lại ân tình với quê hương.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net.vn
Phương pháp giáo dục STEAM: Không học qua những lời nói suông mà qua chính những trải nghiệm và tư duy
Phương pháp STEAM giúp trẻ được học tập thông qua các hoạt động thực hành, trải nghiệm sáng tạo, nhờ đó trẻ tiếp thu kiến thức toàn diện hơn.
Những năm gần đây, phương pháp giáo dục STEAM đang dần trở nên phổ biến hơn. Một số trường học đã áp dụng phương pháp này trong các giờ giảng dạy để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.
Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh khi nhắc đến STEAM vẫn còn khá bỡ ngỡ, chưa nghe qua cũng như chưa từng tìm hiểu. Vậy phương pháp này cụ thể là gì, có lợi ích ra sao?
Phương pháp STEAM là gì ?
STEAM là viết tắt của các từ "Science, Technology, Engineering, Art, Math" - "Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật, Toán học". Phương pháp STEAM có thể hiểu đơn giản là cung cấp cho học sinh kiến thức toàn diện về 5 lĩnh vực nêu trên.
Điểm nổi bật của STEAM là kết nối, liên hệ thông tin giữa các lĩnh vực trên với thực tế, cho trẻ được trải nghiệm, thực hành ngoài đời sống chứ không chỉ học lý thuyết suông.
Các em học sinh sẽ được làm các thí nghiệm, tham gia các hoạt động thực tiễn thường xuyên để có thể thảo luận, tự rút ra kết luận, cũng như ghi nhớ kỹ lưỡng hơn về môn học. Chẳng hạn như nếu học về tại sao nước suối lại trong, các em sẽ được tận tay thử lọc nước chứa các tạp chất bằng các vật liệu tự nhiên như sỏi, đá, cát. Qua đó, các em có thể rút ra kết luận về tính chất, vai trò của mỗi thành phần trong nước.
Đối với phương pháp STEAM, giáo viên không chỉ là người cung cấp kiến thức mà còn là người hỗ trợ học sinh về học tập. Điều này mang lại sự hứng khởi trong học tập nhưng vẫn đảm bảo việc nắm bắt kiến thức, giúp các em học sinh thật sự tương tác với môn học vì yêu thích, đồng thời kích thích các em có đầu óc tìm tòi.
Có thể nói, giáo dục STEAM giúp phá đi bức tường chắn giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra cho xã hội những con người làm việc sáng tạo, tư duy tìm tòi thật sự.
Trẻ học STEAM sẽ có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp hơn
2. Vì sao giáo dục STEAM quan trọng?
Phương pháp giáo dục STEAM không chỉ mang lại sự phát triển cho toàn xã hội mà còn giúp những đứa trẻ của chúng ta có tương lai tươi sáng hơn. Theo các báo cáo gần đây, tỷ lệ việc làm các ngành thuộc lĩnh vực giáo dục STEAM sẽ tăng mạnh trong các năm sắp tới.
Ở các nước phát triển như Mỹ, các công việc liên quan đến khoa học và kỹ thuật kiếm được thu nhập gấp đôi thu nhập trung bình của các công việc khác.
Nhiều báo cáo cũng ghi nhận, trẻ nhỏ được tiếp xúc với phương pháp giáo dục STEAM thường có tư duy logic, sáng tạo hơn so với những đứa trẻ chỉ biết đến mây trời, chim muông,... qua sách vở.Vậy nên để trẻ có tương lai tươi sáng, đồng thời để thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nhà trường và các bậc phụ huynh nên cho học sinh, con cái tiếp xúc với STEAM ngay từ bây giờ.
3. Bắt đầu phương pháp STEAM như thế nào?
STEAM nghe thì có vẻ cao siêu nhưng việc áp dụng phương pháp giáo dục này không hề khó khăn chút nào. Bố mẹ có thể giáo dục STEAM cho con ngay tại nhà bằng cách truyền cho trẻ cảm hứng sáng tạo, học hỏi qua việc đặt cho chúng các câu hỏi về sự vật, sự việc hàng ngày.
Ngoài ra, bố mẹ có thể cho con xem các chương trình dạy khoa học, cho chúng chơi các đồ chơi giúp phát triển trí tuệ. Trong quá trình vừa học, vừa chơi, bố mẹ đóng vai trò người hỗ trợ, đưa ra câu hỏi, đồng thời giải thích cho trẻ các khái niệm liên quan đến công nghệ, khoa học, kỹ thuật... Đồng thời, bố mẹ cũng khuyến khích con đặt ra câu hỏi để kích thích phát triển tư duy, óc sáng tạo hơn.
Theo EducationcLoset/afamily
Giáo viên, học sinh mệt mỏi khi vào mùa hội nghị Năm nào cũng hội nghị với những nội dung không có gì mới. Bảng báo cáo tổng kết, bảng phương hướng luôn là "bổn cũ soạn lại". Đầu năm học, giáo viên bộn bề với biết bao công việc phải lo toan, thầy cô luôn dành từng giờ để dạy, dỗ, chăm lo, nhằm nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện...