Học sinh đánh nhau, tung clip lên mạng, nhà trường ở đâu?
Lại có thêm hai vụ việc nữ sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (thị xã Bến Cát, Bình Dương) và Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TP HCM) đánh nhau, quay clip phát tán lên mạng xã hội gây nhức nhối dư luận.
Vai trò của nhà trường ở đâu sau mỗi vụ việc là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi liên tục chứng kiến học sinh đánh nhau trong và ngoài nhà trường.
Nữ sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TP HCM) đánh nhau trước khu vực cổng trường. Ảnh cắt từ clip
Học sinh đánh nhau và trách nhiệm của thầy cô
Ngày 22/10, trên mạng xã hội lan truyền clip nữ sinh đánh nhau ngay trước cổng trường cấp II ở TP HCM. Trong clip, một nữ sinh nắm tóc, giúi đầu nữ sinh khác xuống đánh tới tấp. Cả hai nữ sinh đều mặc đồng phục áo trắng, váy xanh đen, đeo khăn quàng đỏ. Đáng chú ý, trong đoạn clip xuất hiện xung quanh hai nữ sinh đánh nhau lại có rất nhiều học sinh đứng xem, chỉ trỏ, bàn tán và cười cợt, trong đó có cả nam sinh. Đoạn clip được xác định là học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10, TP HCM).
Video đang HOT
Trước đó, vào ngày 21/10, tại khu vực Trường THCS Lê Quý Đôn (phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, Bình Dương) cũng xảy ra vụ đánh “hội đồng” giữa nhóm ba nữ sinh đánh một nữ sinh. Nguyên nhân ban đầu là do mâu thuẫn vì… màu sắc của đôi giày. Trong đoạn clip được quay lại và đưa lên mạng xã hội đều là học sinh của Trường THCS Lê Quý Đôn. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ học sinh vụ việc đã xảy ra.
Nhận định về hàng loạt vụ việc học sinh đánh nhau, tung clip lên mạng xã hội trong thời gian qua, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục Hà Nội cho biết, phần lớn những em học sinh đánh nhau, tổ chức quay clip rồi tung lên mạng xã hội chưa ý thức được hành vi vi phạm của mình. Ở một số nơi hình thức phạt cũng còn nhẹ, chưa đủ răn đe khiến học sinh chưa hình dung ra được hậu quả việc làm của mình. Đa số các em còn nhỏ, thiếu kỹ năng sống, sự việc xảy ra chỉ bị phạt dưới góc độ nhà trường nên dễ bị vi phạm.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm: “Trường hợp các em vi phạm lỗi đánh bạn, chưa bị chịu trách nhiệm pháp luật thì nên đình chỉ học có thời hạn, hoặc các em tiếp tục đi học nhưng phải lao động công ích để nhận ra những hành động sai của mình. Qua các sự việc, có thể thấy rằng nhà trường cũng cần phải thay đổi lại phương pháp giáo dục hiện nay, không chỉ học văn hóa mà các em học sinh cần phải học cách tôn trọng người khác, nhất là với bạn bè xung quanh, yêu thương, giúp đỡ bạn bè… có như vậy mới khắc phục được tình trạng bạo lực. Cần đặt trách nhiệm cũng như nêu cao vai trò của hiệu trưởng, giáo viên trong tư vấn, xử lý các tình huống, biết lắng nghe những chia sẻ của học sinh để đưa ra những lời khuyên bổ ích”.
Cần tăng cường công tác tham vấn tâm lý học đường
Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân bạo lực học đường hiện nay xuất phát từ nhiều phía, một phần do giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người, hoặc hời hợt qua các tiết dạy đạo đức, giáo dục công dân. Mặt khác, do ảnh hưởng từ môi trường bao lực từ phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi mang tính bạo lực… Ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội những đoạn clip bạo lực, những nhân vật “giang hồ online” khiến nhiều học sinh lầm tưởng đó là một trào lưu, học và làm theo những cái xấu đó.
Từ kinh nghiệm của nhà trường nhiều năm nay không xảy ra tình trạng bạo lực học đường, giáo viên phạt đánh học sinh, học sinh gây gổ đánh nhau, TS Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, bạo lực học đường đều xuất phát từ các nguyên nhân như: đạo đức, kỷ luật, áp lực, bệnh thành tích, môi trường giáo dục… Từ nhiều năm nay, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đều lấy chỉ số hạnh phúc để “đo” cảm nhận của học sinh, các chỉ số này dùng để tham khảo đánh giá chất lượng học tập, giáo viên, cũng như nắm bắt được tâm lý của học sinh.
“Bản thân nhà trường cũng đã không khuyến khích, loại bỏ các hình phạt với học sinh, các em bớt áp lực sẽ cảm thấy thích đi học, yêu mến bạn bè, thầy cô. Đây cũng là lý do mà hiện tượng học sinh đánh nhau, xúc phạm nhau không xảy ra. Mục tiêu giáo dục là học sinh được hạnh phúc và tiến bộ từng ngày, giáo viên ngoài khả năng sư phạm còn là một nhà tâm lý học đường, luôn hỗ trợ học sinh kịp thời và sẻ chia, giúp đỡ các em, phối hợp cùng với gia đình trong giáo dục học sinh”, TS Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.
Hiện nay, ngành Giáo dục cũng đã ban hành quy tắc ứng xử trong các trường học, cũng như có những biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh trình trạng bạo lực học đường. Tuy nhiên, những biện pháp này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Để làm tốt hơn nữa trong ngăn chặn bạo lực học đường, nhiều ý kiến cho rằng, công tác tham vấn học đường cần được chú trọng. Mỗi trường học cần có các chuyên gia tâm lý tham vấn học đường, hỗ trợ người học, góp phần ngăn chặn bạo lực học đường.
Bộ GD&ĐT vừa có yêu cầu Sở GD&ĐT Bình Dương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh và xử lý nghiêm vụ nữ sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (thị xã Bến Cát, Bình Dương) đánh nhau. Theo Bộ GD&ĐT, học sinh đánh nhau xảy ra ngoài trường học nhưng là hành vi bạo lực, gây rối trật tự công cộng, làm xấu đi hình ảnh đẹp đẽ của học sinh. Chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật, phòng chống bạo lực học đường.
Theo giadinh.net
Vụ nữ sinh Bình Dương đánh nhau: Kiểm điểm các học sinh xuất hiện trong clip
Ngày 23/10, Sở GDĐT tỉnh Bình Dương đã gửi công văn yêu cầu Phòng GDĐT thị xã Bến Cát xử lý nghiêm vụ việc một nhóm học sinh nữ của trường THCS Lê Quý Đôn (phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, Bình Dương) đánh nhau, tung clip lên mạng xã hội.
Ảnh cắt từ clip
Theo đó, lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Phòng GDĐT thị xã Bến Cát chỉ đạo Trường THCS Lê Quý Đôn làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc, hành vi đánh nhau của học sinh, thái độ không căn ngăn và quay clip phát tán lên mạng xã hội.
Đồng thời, tại buổi sinh hoạt đầu tuần, yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn thị xã Bến Cát phân tích rút kinh nghiệm cho toàn thể học sinh về vụ việc. Qua đó, tuyên truyền giáo dục cho học sinh xây dựng văn hóa học đường, cách ứng xử theo chuẩn mực xã hội để xây dựng một môi trường giáo dục an toàn thân thiện, chống các hành vi bạo lực học đường.
Theo báo cáo ban đầu của lãnh đạo Trường THCS Lê Quý Đôn, vụ việc xảy ra vào trưa 19/10 tại sân Trung tâm hội nghị thị xã Bến Cát. Có ba học sinh nữ lớp 8 đã vây đánh một học sinh nữ thuộc lớp 9. Khi bốn em học sinh nữ này đánh nhau, thì có 12 học sinh khác thuộc khối 8 và khối 9 (có cả nam và nữ) đứng xem và cổ vũ.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là nhóm học sinh này mâu thuẫn với nhau do màu sắc của đôi giày mà một học sinh nữ đang mang. Sau khi vụ việc xảy ra, Ban giám hiệu nhà trường đã mời phụ huynh cùng các em học sinh xuất hiện trong clip lên làm việc. Sau khi xem xét bản tường trình của các em, nhà trường đã cho các em làm bản kiểm điểm cam kết khắc phục và có xác nhận của phụ huynh.
Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu Sở GDĐT Bình Dương xác minh sự việc, báo cáo về Bộ trước ngày 25/10.
Theo infonet
Bộ Giáo dục yêu cầu xử lý nghiêm vụ nhóm nữ sinh đánh nhau Hành vi bạo lực cần được lên án mạnh mẽ, đây là vụ việc làm xấu đi hình ảnh của người học sinh và thế hệ trẻ trong trường học. Ngày 22-10, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc một nhóm...