Học sinh cuối cấp không dám lơ là với học online
Chỉ còn cách kỳ thi tốt nghiệp THPT vài tháng, Nguyễn Bình lên kế hoạch tận dụng mọi kênh online để học trong thời gian nghỉ vì Covid-19.
Kỳ nghỉ Tết kết thúc, Nguyễn Bình, học sinh lớp 12 ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, vẫn chưa phải đến trường. Hai ngày qua, trường em chưa thông báo học online. Thầy cô chỉ gửi link tuyển tập đề cho học sinh luyện, dặn đọc lại các bài học gần nhất. Không cho phép mình nghỉ ngơi, Bình bắt đầu lướt trang Facebook của các trung tâm dạy trực tuyến nổi tiếng để tìm kiếm lịch livestream bài giảng, đồng thời tham gia các nhóm dành cho học sinh cuối cấp để trao đổi bài.
“Biết rằng học online sẽ không hiệu quả như trực tiếp, nhưng nếu coi thường, học lớt phớt rồi kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ không tốt, đặc biệt với những học sinh cuối cấp, đã phải học online từ năm ngoái như em”, Bình nói.
Nam sinh nhớ lại đợt học online vào kỳ II năm ngoái, mọi thứ đến một cách thụ động với cả nhà trường, giáo viên và học sinh. Khi đó, các tiết học với thầy cô không nhiều, chủ yếu giao bài ôn luyện, gửi lịch học qua truyền hình hoặc xem livestream “ké” của thầy cô ở trung tâm dạy trực tuyến lâu năm trên Facebook.
Khi quay lại trường, thầy cô vẫn giảng lại những bài học đó nhưng theo kiểu lướt qua, điểm lại kiến thức cần nhớ. Những bạn không chăm sẽ không thể nhớ và đào sâu được. Điều này sẽ phần nào ảnh hưởng bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có một lượng câu hỏi nhất định rơi vào phần kiến thức lớp 11.
Năm nay có lẽ thầy cô cũng lo ngại nên ngay từ học kỳ I lớp 12 đã đẩy nhanh phần kiến thức quan trọng của cả năm, chỉ còn một phần nhỏ kỳ II học nốt, sau đó dành phần lớn thời gian để ôn tập, luyện đề, thi thử trước khi kỳ thi chính thức diễn ra. Vì vậy, đến thời điểm này, Bình đã hòm hòm về kiến thức cơ bản nhưng để nói tự tin đi thi, lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học thì chưa.
Hiện, Bình đã chuẩn bị phòng học riêng với máy tính bàn kết nối Internet, có webcam, tai nghe tích hợp mic đầy đủ cùng tâm lý “học trực tuyến không chỉ để cho có”. Nam sinh lên kế hoạch tập trung nhiều hơn vào các môn thi tốt nghiệp gồm Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh, trong đó đặc biệt chú ý ba môn Toán, Lý, Hóa – tổ hợp em lựa chọn để xét tuyển đại học.
“Em sẽ theo dõi thông báo về lịch cũng như hình thức học trực tuyến ở trường để theo, cùng với đó là luyện đề thầy cô gửi, trao đổi qua điện thoại với bạn bè hoặc thầy cô khi gặp phần kiến thức không hiểu”, Bình chia sẻ.
Trải qua một năm học online, Võ Việt Phương, lớp 12Tin, trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) phần nào hình dung được việc học theo hình thức này vận hành ra sao. Tuy nhiên, khác với tâm trạng của một học sinh lớp 11, nam sinh có chút lo lắng bởi đây là năm cuối cấp. Em tự nhủ phải tập trung hết sức, không xao nhãng việc học trong những tháng chạy nước rút.
Theo Phương, các môn Văn, Sử, Địa học bằng hình thức online đem lại hiệu quả gần bằng học tập trung trên lớp. Toán, Lý, Hóa cũng khá ổn nếu học sinh chăm chỉ, tập trung. Dự định thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ngành Quan hệ quốc tế hay Báo chí, Phương xác định dù học online chỉ là giải pháp tình thế vẫn phải nghiêm túc, chủ động để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Võ Việt Phương trong buổi học online ngày 18/2. Ảnh: Lê Nam.
Video đang HOT
Cũng giống học sinh THPT, nhiều học sinh THCS cũng đang “xốc lại tinh thần” sau kỳ nghỉ Tết. Hoàng Yến, học sinh lớp 9 trường THCS Lương Định Của, TP Thủ Đức, TP HCM, đã chán cảm giác ở nhà dài ngày, muốn đến trường gặp bạn bè, nhưng lại nhận quyết định ở nhà học online. Năm cuối cấp với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập vào đầu tháng 6, học kỳ II rất quan trọng với Yến và nhiều bạn cùng lớp. “Với những bạn xuất sắc thì việc học ở nhà hay đến trường cũng không mấy quan trọng, nhưng lực học chỉ ở mức khá nên em rất lo. Chưa kể, vì dịch mà em cũng không được học thêm một số môn yếu”, Yến chia sẻ.
Chiều 14/2 (mùng ba Tết), ba mẹ và Yến đã ngồi lập thời gian biểu để học tại nhà. Mỗi buổi sáng, chiều Yến sẽ học 3-4 tiếng theo lịch học online của trường và rèn giải bài tập, hai tiếng buổi tối là thời gian học tiếng Anh. Để không bị rối khi học, nữ sinh chỉ tập trung học theo sách giáo khoa để nắm căn bản, không sử dụng các sách nâng cao.
Môn học Yến tự tin nhất là Văn và tiếng Anh, kém hơn là Toán. Việc học online một học kỳ lớp 8 đã cho nữ sinh nhiều kinh nghiệm. Trong buổi học phải tập trung cao, có sổ ghi chép để tốc ký lời cô giảng, các bài tập phải được in sẵn để thuận tiện làm bài. “Nguyện vọng một năm nay của em là THPT Trưng Vương, thuộc nhóm trường có đầu vào khá cao nên phải cố gắng rất nhiều. Dù lo lắng nhưng em không mất bình tĩnh, cứ học chậm mà chắc”, Yến nói.
Giống như Yến, Bảo Minh, học sinh lớp 7 ở Long Biên, Hà Nội, cho rằng dù học online chỉ là giải pháp tình thế, em vẫn cần học nghiêm túc ngay từ đầu. “Năm ngoái chúng em học qua Zoom không hiệu quả, phần mềm thường xuyên có vấn đề, lúc thì bị thoát ra bất ngờ, lúc lại có bạn bật nhạc linh tinh khiến lớp học bị gián đoạn. Nhưng bọn em bắt buộc học theo hình thức này vì chưa thể nói trước điều gì về dịch bệnh”, nữ sinh lớp 7 chia sẻ.
Minh không bị áp lực bởi các kỳ thi quan trọng nhưng cho rằng kiến thức lớp nào cũng quan trọng bởi là nền tảng để học các năm sau. Xác định có thể phải học trực tuyến lâu dài do Hà Nội đang có tới 35 ca Covid-19, lại là nơi có nhiều người từ tỉnh khác đến học tập và làm việc, Minh bảo phải chăm chỉ ghi chép và học chỉn chu ngay từ đầu để tránh việc học lại mất thời gian. Nữ sinh hy vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt để em và các bạn sớm được quay trở lại trường.
Đến 18/2, gần 50 tỉnh, thành cho học sinh tiếp tục ở nhà sau Tết Tân Sửu, trong đó có Hà Nội và TP HCM. Các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường học phải lên phương án dạy online phù hợp, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học.
Việc học online cũng là chỉ đạo chung của toàn ngành giáo dục. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 ngày 4/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo toàn ngành kích hoạt, mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy trực tuyến, “làm chắc chắn và chất lượng hơn năm ngoái”. Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội và các địa phương cũng lên phương án sẵn sàng dạy trực tuyến nếu nghỉ học kéo dài sau Tết Tân Sửu.
Học sinh cuối cấp lo lắng về các kỳ thi khi phải học online
Dù học online là giải pháp tốt trong thời kỳ dịch Covid-19, học sinh cuối cấp vẫn lo lắng vì cảm thấy không hiệu quả như học trực tiếp.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng, lịch học của Thu Hà (học sinh lớp 12 ở Hà Nội) tương đối dày đặc. Ngoài học thêm ở trường, Hà còn đến trung tâm, theo học tại lớp riêng của giáo viên và mua thêm khóa học online. Nhưng gần một tháng nay, lịch học xáo trộn hoàn toàn.
"Hiện tại, em chỉ học online, kể cả chương trình ở lớp hay học thêm. Lịch học giãn ra, em không vất vả chạy đến trường rồi đến nơi học thêm. Nhưng trong năm cuối cấp, không được học hành bận rộn khiến em hơi bất an", nữ sinh 18 tuổi chia sẻ.
Học sinh cuối cấp thấy lo lắng khi phải học online. Ảnh minh họa: Duy Anh.
Học online không hiệu quả như trực tiếp
Thu Hà thừa nhận vì dịch bệnh, nghỉ học là điều không thể tránh khỏi. Những lúc này, học trực tuyến giúp Hà cũng như các bạn không phải ngừng học hoàn toàn.
Hơn nữa, do năm ngoái trường đã triển khai dạy trực tuyến, Hà cũng theo các khóa ôn thi online nên việc học từ xa không quá xa lạ. Em đã biết cách sắp xếp thời gian để học hiệu quả hơn.
Là học sinh cuối cấp, Hà cơ bản tự học và học thêm hết kiến thức lớp 12. Hơn nữa, sống ở thành phố chật chội, học online giúp em hạn chế đi lại. Nhưng những điều đó không đủ để Hà hoàn toàn yên tâm ở thời điểm hiện tại.
"Em vẫn muốn đến trường để học cùng các bạn, cùng nhau nỗ lực và được giáo viên quan tâm sát sao. Việc ngày nào cũng ngồi trước màn hình, theo dõi bài giảng làm em thấy bồn chồn. Nhiều khi có chỗ không hiểu, em muốn hỏi cô hay quay ra hỏi bạn đều không có ai", Thu Hà tâm sự.
Nữ sinh chia sẻ cảm giác vùi đầu học trong không gian tù túng, không có bạn bè, thầy cô bên cạnh khiến em bức bối. Em cũng lo lắng việc học online kéo dài như năm trước dẫn đến kỳ thi phải lùi lại.
Ngoài ra, cũng như phần lớn bạn học khác, Thu Hà đều gặp phải những vấn đề như rớt mạng, tự dưng "out" khỏi lớp, mỏi mắt, đau nhức người khi phải ngồi học lâu. Hà cho rằng những điều này cùng việc thiếu sự sát sao từ giáo viên khiến việc học trở nên không hiệu quả.
Thiếu giao tiếp với giáo viên cũng là điều Nguyễn Hà (học sinh lớp 9 ở Hà Nội) không hài lòng khi học online. Nữ sinh đánh giá khi không thể đến trường, việc học của em vẫn tương đối ổn.
Em cảm thấy thoải mái khi học ở nhà, không phải ra đường. Em cho rằng nếu tự giác và chăm chỉ học, em vẫn có thể có đủ kiến thức cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới. Tuy nhiên, Nguyễn Hà thừa nhận việc đến lớp học trực tiếp vẫn giúp em thấy yên tâm và học hiệu quả hơn.
"Học trực tiếp, giáo viên kiểm soát được học sinh. Học sinh lại có thời gian để hỏi thêm những vấn đề mình chưa hiểu. Em cũng thích đi học trở lại, gặp gỡ, nói chuyện với bạn bè", Nguyễn Hà chia sẻ.
Trong khi đó, Trung Công (học sinh lớp 9 ở Hà Nội) cảm thấy sốt ruột hơn nhiều khi các kỳ thi đang đến gần. Mỗi ngày, em học khoảng 2-3 tiết online theo chương trình của trường. Thời gian học không nhiều, mức độ tiếp thu không bằng trên lớp nhưng thành phố vẫn giữ nguyên việc thi 4 môn cho kỳ tuyển sinh lớp 10 khiến Trung Công lo lắng.
"Lúc học, em hay bị 'out' khỏi lớp, mọi người ồn ào, em nhức mắt vì nhìn màn hình nữa nên em thấy học trực tuyến không ổn lắm. Em chỉ mong đầu tháng 3, thành phố sẽ cho đi học trở lại", nam sinh nói.
Học sinh cho rằng học ở lớp, các em tương tác với giáo viên nhiều hơn, học tốt hơn. Ảnh minh họa: Duy Anh.
Giáo viên, học sinh gặp khó khăn
Không chỉ học sinh cuối cấp lo lắng vì phải học online khi còn mấy tháng nữa phải thi chuyển cấp, giáo viên cũng thừa nhận học trực tuyến không thể bằng trực tiếp.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), đánh giá học online chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể thay thế phương pháp học truyền thống.
Trong khi đó, cô Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho rằng công tác dạy học online năm nay bài bản và có sự chủ động hơn so với năm ngoái. Dù vậy, giáo viên, học sinh gặp không ít khó khăn.
Giáo viên vẫn lúng túng khi triển khai dạy học, gặp khó khăn khi sử dụng phần mềm với sự cố về mạng, cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, phương pháp giảng dạy phù hợp.
"Giáo viên vất vả hơn so với dạy trực tiếp. Việc chuyển đổi bài giảng để trình chiếu, chuẩn bị tài liệu, tương tác học sinh chưa đạt yêu cầu và mục đích dạy học. Giáo viên chủ động giảng, tổ chức lớp học về tri thức nhiều hơn nên đôi lúc nhàm chán vì không nói chuyện để phát triển kỹ năng, tạo động lực học nhiều như khi học trực tiếp", cô Huyền Thảo giải thích thêm.
Trong khi đó, học sinh chưa có điều kiện tốt để học online như không gian yên tĩnh, thiết bị, mạng không tốt, gián đoạn, mất vài chỗ không nghe được, các em lại ngại, sợ phiền nên bỏ qua, không hiểu bài dẫn đến chán nản, không muốn học.
Nhưng cô cho rằng nếu giáo viên, học sinh có tâm thế chủ động dạy và học, chất lượng học online sẽ được cải thiện. Do đó, trước những lo lắng của học sinh cuối cấp khi chưa được đến trường, cô Thảo cho rằng đây là thời điểm tốt để các em phân chia thời gian học và ôn tập.
"Các em ở nhà, ít phải di chuyển, không vướng bận bởi những vấn đề khác. Đây là thời điểm tốt để tự học, bổ sung kiến thức. Nếu dịch còn kéo dài, tôi mong học sinh chủ động học, đặt kế hoạch, mục tiêu cụ thể để ôn tập. Khi dịch qua, các em sẵn sàng bước vào kỳ thi", cô Huyền Thảo nhắn nhủ.
Hội cuối cấp gian nan hành trình học online, thầy cô nhắn nhủ bí kíp quan trọng nhất Tình hình dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp đã khiến học sinh TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước phải chuyển sang học online. Với những học sinh cuối cấp, việc thay đổi hình thức học tập ít nhiều gây ra những bất cập. Nhớ "hội chị em", lo lắng chuyện thi cử nhưng "pin" luôn ở mức 100%...