Học sinh căng thẳng ôn thi nước rút
Học sinh lớp 12 đang tập trung tổng lực cho giai đoạn nước rút. Không chỉ ôn tập kiến thức, học sinh còn ngày đêm luyện kỹ năng làm bài theo đề thi đổi mới.
Chưa đầy một tháng nữa, học sinh (HS) khối 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Đây là kỳ thi có nhiều đổi mới từ hình thức cho đến số lượng môn thi. Vì vậy, việc tổ chức ôn thi được các trường hết sức quan tâm nhằm giúp các em đạt kết quả cao nhất.
Tăng tốc, áp lực lớn
Tại TP.HCM, không khí ôn tập đang diễn ra khẩn trương và nghiêm túc tại các trường. Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) xây dựng lịch ôn tập rất chi tiết. Buổi sáng, học sinh sẽ ôn luyện các môn thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh còn buổi chiều sẽ ôn tập theo bài thi tổ hợp.
Chọn tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên, em Nguyễn Bá Lê Thuyên, HS lớp 12A7 trường THPT Nguyễn Du, cho biết đã bắt đầu ôn luyện cách đây 2 tháng. Trên lớp, Thuyên cùng các bạn được thầy cô giáo cho ôn tập nhiều, làm bài thi thử cũng nhiều. Vấn đề em lo lắng là kỹ năng, trong đó có kỹ năng bấm máy đối với môn toán vì thi trắc nghiệm cần phải nhanh và chính xác.
Ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), lịch tổ chức ôn tập cho HS được tổ chức từ đầu tháng 5 và kéo dài đến giữa tháng 6. HS sẽ được sắp thời khóa biểu và ôn luyện theo tổ hợp đã chọn. Hầu hết đều đang bước vào giai đoạn ôn tập cấp tốc, nhiều HS lập nhóm để tự ôn luyện, giải đề cùng nhau.
Em Lê Bảo, HS lớp 12A1 của trường, cho biết ở nhà, em dành mọi thời gian cho việc giải đề và ôn lại kiến thức. “Em cần nắm vững kiến thức cơ bản, nếu không sẽ không kịp thời gian làm bài”, Lê Bảo cho biết.
Theo cô Nguyễn Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trường THPT Nguyễn Du, đây là giai đoạn nước rút nên các em rất ý thức luyện tập ôn thi. Trong thời gian này, nhà trường chủ yếu tăng cường các tiết luyện tập và rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm cho các em.
Để kiểm tra và củng cố kiến thức lại một lần nữa cho chắc chắn hơn, ngày 1 đến 3/6, trường sẽ tổ chức thi thử cho HS khối lớp 12. Đề thi do thầy cô bộ môn phụ trách xây dựng dựa trên việc tham khảo đề thi của cụm. Ngoài ra, nhà trường luôn khuyến khích các em tự học theo nhóm.
Năm nay, ngoài việc có nhiều môn thi theo hình thức trắc nghiệm, HS còn phải làm bài thi tổ hợp môn. Việc này được các giáo viên cho là sẽ khó khăn cho HS.
Video đang HOT
Học sinh Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM đang tăng tốc ôn thi. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết khác với những năm trước, năm nay, HS dự thi THPT quốc gia phải thi 3 môn bắt buộc, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp môn tự chọn nên khối lượng kiến thức cũng tăng từ 4 lên 6 môn. Điều này cũng tạo áp lực cho các em.
Hiện nay, giáo viên ở trường đang tổ chức ôn tái hiện từng phần cho HS bởi trong quá trình học, giáo viên cũng đã cho HS ôn và tập trung vào những nội dung chính.
Một đại diện của trường Tư thục Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình) cho biết năm nay, thời gian tổ chức kỳ thi rút ngắn lại so với những năm trước không phải là thuận lợi đối với thí sinh. Đối với bài thi tổ hợp, kết thúc môn này, các em lại tiếp tục làm bài khác mà không có thời gian nghỉ ngơi nên rất căng thẳng.
Điều chỉnh ôn luyện theo đề thi minh họa
Tại Hà Nội, ngay sau khi có đề tham khảo, hầu hết trường THPT đều họp giáo viên phụ trách bộ môn lớp 12 để nghiên cứu, đưa ra cách ôn tập hiệu quả nhất.
Hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy nhận xét cách ra đề đòi hỏi kiến thức bao quát, chủ yếu là các môn trắc nghiệm đã làm thay đổi đáng kể cách thức ôn thi của các em. Năm nay, nếu ôn theo kiểu “học tủ, học lệch”, HS sẽ khó hoàn thành được bài thi.
Vì vậy, việc tổ chức ôn tập đều được các trường định hướng không mở rộng nhiều kiến thức mới mà tập trung vào những kiến thức cơ bản theo định hướng đề thi tham khảo, rèn luyện kỹ năng giải bài tập nhanh…
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm), cho biết với kiểu đề thi minh họa mới công bố thì không có chuyện “học vẹt”, “học tủ” mà phải nắm được những kiến thức trọng tâm của toàn bộ chương trình. Do thời gian từ nay đến kỳ thi không còn nhiều, trường sẽ chỉ tổ chức kiểm tra các môn văn, toán, ngoại ngữ để đánh giá hiệu quả ôn tập của các em đến đâu để còn kịp thời điều chỉnh.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn toán Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết nhà trường đã họp bàn, có những điều chỉnh để cho phù hợp hơn với đề thi.
“Chúng tôi cắt bớt số câu hỏi liên quan đến thực tế, tăng cường một số câu hỏi khó trong một đề, tức là vẫn theo hướng ưu tiên hơn theo đề lần thứ 3 này và như thế HS sẽ phải tiếp cận và phải rèn luyện những kỹ năng để làm nhiều câu khó hơn trong một đề.
Theo cấu trúc này, khoảng 15-20 câu xếp vào loại khó. HS căn cứ theo tinh thần này để trong thời gian sắp tới rèn luyện thêm kỹ năng tính toán nhanh, tiếp cận những câu hỏi ở mức độ sâu hơn để đáp ứng được những câu hỏi khó”, thầy Tùng nói.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), cho biết sau khi HS tiếp cận đề thi tham khảo, tự đánh giá năng lực của mình, các giáo viên của trường này sẽ sửa từng câu hỏi cụ thể trong đề thi tham khảo cho HS lớp mình phụ trách, đưa ra các phương án, kỹ năng làm bài thi, chỉ rõ sai lầm HS thường mắc phải, định hướng việc học ôn thi.
Tập trung cho học sinh yếu
Để kỳ thi đạt kết quả tốt, lãnh đạo nhiều trường cho biết đều chia các lớp ôn tập theo từng nhóm HS, trong đó chú trọng củng cố kiến thức cho những HS có học lực trung bình và yếu. Với những HS thi vừa xét tốt nghiệp vừa lấy kết quả xét tuyển CĐ, ĐH thì tổ chức các lớp học riêng theo từng khối thi.
Ông Nguyễn Văn Túc, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội), cho biết ban giám hiệu và giáo viên bộ môn đã nắm rõ danh sách em nào yếu môn gì để lên kế hoạch bồi dưỡng cho các em có thể đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi.
Theo Huy Lân – Lan Anh – Châu Đoan / Người Lao Động
Hà Nội tích cực chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia
Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 trên địa bàn, chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Theo đó, UBND thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thành phố Hà Nội năm 2017.
Hà Nội cũng chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học và tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12.
Hà Nội đã tổ chức thi thử THPT quốc gia cho học sinh lớp 12 trên địa bàn. Ảnh: Anh Tuấn.
Công tác truyền thông cần được chú trọng nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi, giải đáp thắc mắc của thí sinh, người dân về nội dung liên quan, đồng thời giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh, động viên tinh thần tự tin, trung thực và thái độ ứng xử văn minh, nghiêm túc trong kỳ thi.
Các đơn vị tham gia tổ chức kỳ thi bao gồm Sở GD&ĐT Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cảnh sát Nhân dân, Hậu Cần, các trường ĐH Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Công nghệ Giao thông Vận tải, Lâm nghiệp, Y Hà Nội, Công nghiệp Hà Nội, Thủ đô Hà Nội, Dân lập Phương Đông cùng các sở, ngành, đoàn thể liên quan.
Các đơn vị này căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn được giao để xây dựng kế hoạch cụ thể, có phương án xử lý, kịp thời khắc phục tình huống xảy ra, chuẩn bị về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi.
Thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị có phương án đề phòng bão lốc, mưa dột, ngập nước cục bộ tại các điểm thi, cháy nổ, động đất, chống ùn tắc giao thông, đảm bảo điện lưới, phương án dự phòng cung ứng điện cho hoạt động của hội đồng thi, có biện pháp đảm bảo an ninh cho kỳ thi, đặc biệt là công tác bảo mật đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi, đảm bảo an toàn cho cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia tổ chức thi và thí sinh.
Ngoài ra, thành phố cần bố trí điểm thi hợp lý nhất để thuận tiện cho thí sinh, đảm bảo an toàn cho công tác tổ chức thi, đi lại của cán bộ coi thi.
Công tác kiểm tra, thanh tra từ khâu chuẩn bị, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo đến xét duyệt kết quả tốt nghiệp THPT cần được tăng cường.
Sở GD&ĐT Hà Nội cần phối hợp các trường đại học tổ chức in sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo. Sở chịu trách nhiệm xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp THPT, đề nghị khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên, thí sinh, những người tham gia làm công tác thi theo quy định.
Theo Zing
Số liệu trong SGK Địa lý lạc hậu 10 năm: Giáo viên 'kêu trời' Năm 2017, học sinh vẫn phải học số liệu liên quan kinh tế, đời sống xã hội cập nhật từ năm 2005 hoặc 2007. Từ giải thích của tổ ra đề thi tham khảo môn Địa lý kỳ thi THPT quốc gia 2017, phóng viên đã tìm hiểu sách giáo khoa (SGK) Địa lý lớp 12 và Atlat Địa lý Việt Nam. Kết...