Học sinh bản “đu dây” có nhà bán trú
QĐND – Câu chuyện người dân muốn đến bản U Gia, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu phải đu dây qua sông Nậm Na giờ chỉ còn trong ký ức. Đường đến bản đã có cầu treo. Đặc biệt, Lễ khởi công xây dựng nhà ở bán trú tại điểm Trường Tiểu học Lê Văn Tám ở bản U Gia, do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 vừa diễn ra đã mang lại sự thay đổi quan trọng trong dạy và học của thầy trò vùng cao nơi đây.
6 giờ sáng, đoàn công tác đại diện Báo Quân đội nhân dân, tuổi trẻ Tổng cục Hậu cần và đơn vị tài trợ xuất phát từ Hà Nội, vậy mà đến cuối giờ chiều chúng tôi mới đến được xã Huổi Luông của huyện Phong Thổ. Cái nắng gay gắt mùa hè và quãng đường gần 500km vượt qua nhiều đèo dốc khiến mọi người mệt mỏi. Vậy mà, khi điểm trường U Gia lấp ló hiện ra trước mắt đã khiến tất cả như khỏe lại, hồ hởi và vồn vã. Chúng tôi cảm nhận rõ sự mong ngóng, chờ đợi của các thầy cô, các em học sinh và nhân dân bản U Gia bởi họ đã đợi đoàn công tác ở đó từ rất lâu. Sau những lời hỏi thăm, những câu chuyện tình cảm, các cán bộ trong đoàn công tác bắt tay vào chuẩn bị cho lễ khởi công.
Đại tá Phùng Kim Lân, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho biết: Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của nhà trường, sau khi khảo sát rất kỹ, Báo Quân đội nhân dân, đơn vị tài trợ là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 và các cá nhân có lòng hảo tâm đã quyết định đầu tư xây dựng điểm trường này.
Đoàn công tác tặng quà các em học sinh điểm Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
Điểm Trường Tiểu học Lê Văn Tám tại bản U Gia là một điểm trường đặc biệt khó khăn, nằm ở vùng biên giới huyện Phong Thổ. Điểm trường này có học sinh của 8 bản về đây học, trong đó có những bản cách điểm trường 20km. Hiện điểm trường có 3 lớp học, tuy nhiên ở đây chưa có nhà ở bán trú cho học sinh ở những bản xa về học, các thầy cô giáo cũng không có phòng họp, phòng sinh hoạt chuyên môn. Rất nhiều khó khăn chồng chất.
Cô giáo Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh ở đây 100% là người dân tộc Dao, việc học đối với các em gặp rất nhiều khó khăn. Người dân ở bản U Gia đã từng phải di chuyển cả bản đến điểm dừng chân này do trước đó bị lở đất. Việc có nhà bán trú đối với các em học sinh vô cùng có ý nghĩa. Các em sẽ không còn phải vất vả trèo đèo, lội suối ra về ngay sau giờ học. Chúng tôi cũng yên tâm hơn bởi đỡ đi niềm đau đáu khi lũ tràn về trên đường các em tới lớp.
Ngay sau lễ khởi công, những người thợ đã bắt tay vào công việc xây dựng. Để những đồng tiền hảo tâm được sử dụng hiệu quả nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 đã trực tiếp thiết kế công trình. Công ty cử cán bộ trực tiếp lên bản U Gia, cùng ăn cùng ở với bà con để tổ chức thi công bảo đảm nhanh nhất, đạt chất lượng tốt nhất. Các cán bộ công ty trực tiếp khảo sát giá cả thị trường để mua vật liệu với giá phù hợp. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành ngày 30-7 để các em có nhà ở trước năm học mới. Nhà ở bán trú cho các em sẽ có phòng cho học sinh nam, phòng cho học sinh nữ, phòng sinh hoạt cho các cô giáo, phòng họp. Cùng với việc xây dựng công trình, các nhà tài trợ cũng đã lên kế hoạch trang bị cho các em giường ngủ và một số vật dụng sinh hoạt.
Ông Trần Văn Can, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 tâm sự: Từ nhiều năm nay, công ty phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức nhiều hoạt động xã hội, từ thiện để giúp đỡ các đối tượng chính sách. Chúng tôi rất chú trọng việc tổ chức các hoạt động tình nghĩa ở vùng biên giới, hải đảo, trong đó xây trường học cho các em học sinh vùng cao sẽ là nội dung trọng tâm trong thời gian tới.
Theo QĐND