Học sinh Australia học online như thế nào?
Có hai con lớp 5 và 10, chị Trương Nguyễn Thoại Giang, hiện làm việc cho Chính phủ Australia, chia sẻ về cách học online ở quốc gia này.
Năm 2020, để phòng chống Covid-19, học sinh tiểu bang Victoria chuyển qua học online từ tháng 4 đến tháng 10, tức là khoảng ba phần tư năm học. Nhờ vậy, khi học sinh Victoria buộc phải trở lại học online tuần này do dịch bùng phát, giáo viên, phụ huynh và học sinh không còn quá hoang mang.
Trường tiểu học nơi con tôi đang theo học sử dung phần mềm giáo dục Seesaw và Webex để dạy và học online. Học sinh nào không có Ipad thì có thể mượn của trường.
Rút kinh nghiệm năm qua, khoảng 8h30 cô giáo mới thông báo thời khóa biểu, học sinh không có thời gian chuẩn bị nên cập rập. Kỳ này cuối hôm trước cô đã email thời khóa biểu cho hôm sau để phụ huynh và học sinh chuẩn bị.
9h sáng con gái tôi, lớp 5, bắt đầu ngồi vào bàn học. Trước tiên con nghe đoạn ghi âm ngắn khoảng 3 phút trên Seesaw. Trong đó cô tóm tắt thời khóa biểu trong ngày. Đính kèm đoạn ghi âm là phần hướng dẫn chi tiết. Sau khi nghe và đọc, con bấm vào hình trái tim để điểm danh.
Như thường lệ, hôm nay con tôi có bốn môn học. Môn tiếng Anh yêu cầu phác thảo cách tìm kiếm ý tưởng khi viết văn. Tiếp theo là môn Toán học về cách tính chu vi và diện tích hình chữ nhật. Sau khi nghỉ trưa thì học môn Kiến thức phổ thông với đề tài những thay đổi theo thời gian. Cuối cùng là môn Thể dục về các tư thế yoga cho trẻ em.
Phần mềm Seesaw được thiết kế cho học sinh tiểu học nên có nhiều chức năng hỗ trợ, màu sắc và hình ảnh tươi vui. Cấu trúc và cách trình bày trên Seesaw rõ ràng, dễ theo dõi. Dưới mỗi tiêu đề môn học, bên trái là đoạn ghi âm bài giảng vài phút của giáo viên, bên phải là bài học cùng nội dung dài khoảng nửa trang. Sau đó là video ngắn minh họa thêm.
Video có thể do thầy cô tự biên tự diễn hoặc download từ nguồn giáo khoa khác. Tiếp theo là phần bài tập, học sinh nếu không rõ có thể đặt câu hỏi bên dưới. Sau cùng là nút upload bài làm. Tùy theo yêu cầu môn học, học sinh có thể làm bài ngay trên Seesaw, hoặc chụp hình, quay phim rồi upload cho giáo viên đánh giá.
Thay vì Zoom, giáo viên dùng Webex để dạy online. Hôm nay môn Toán có bài giảng online. Đôi khi cả lớp 24 bạn học chung. Tuy nhiên, đối với những tiết học cần nhiều tương tác giữa giáo viên và học sinh thì cô chia ra từng nhóm nhỏ 8 bạn học vào những giờ khác nhau.
Mỗi ngày học sinh tiểu học được khuyến khích dành 60 phút học tiếng Anh, 45 phút học Toán, 60 phút cho Kiến thức phổ thông, 30 phút cho môn Chuyên ngành và vận động 30 phút. Môn chuyên ngành bao gồm Nghệ thuật, tiếng Italy, Công nghệ thông tin và Thể dục.
Video đang HOT
Học sinh tiểu học Australia học online. Ảnh: Thoại Giang.
Con tôi cho biết lớp học online rất nghiêm. Cô tắt tất cả micro. Bạn nào có câu hỏi phải giơ tay và khi cô cho phép mới được nói. Lớp học online quá im lặng, chán và không vui như bình thường. Để khắc phục tình trạng này, cô cho phép học sinh phát biểu kịp thời mà không phải chờ lâu như trước đây.
Năm qua trung bình mỗi ngày con tôi có một lớp online 30 phút, học sinh chủ yếu tự học. Năm nay thời gian tương tác giữa thầy và trò tăng lên gấp đôi. Cô cũng dành 60 phút ở giữa ngày giải đáp những câu hỏi nếu có của học sinh, giúp các em hiểu bài cặn kẽ hơn.
Tương tự con trai tôi, lớp 10, cũng bắt đầu một ngày học ở nhà lúc 9h sáng. Tuy nhiên vì là học sinh trung học nên nhà trường sử dụng những phần mềm cho việc học online đa dạng hơn. Trước tiên con đăng nhập trang Compass để kiểm tra thời khóa biểu. Compass là ứng dụng quản lý giáo dục có sẵn được dùng làm cầu nối giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh.
Hôm nay môn Tiếng Anh con có lớp học online về cách viết một bài báo. Con cần chuẩn bị trước dàn ý với chủ đề chích ngừa Covid-19. Môn Khoa học nhân văn có bài tập tạo sơ đồ về cách nghiên cứu một đề tài sao cho hiệu quả. Môn Tiếng Pháp có bài tập văn phạm. Môn Khoa học có kiểm tra online 30 phút.
Tiếp theo con đăng nhập Google Classroom để điểm danh. Thông thường, điểm danh đi kèm với một câu hỏi. Câu hỏi hôm nay là “Thế mạnh của một người học là gì?”. Con trả lời là biết sắp xếp thời gian, không đợi nước tới chân mới nhảy. Google Classroom có thiết kế đa năng, hiện đại, là phương tiện chính để thầy cô upload bài giảng, bài tập và học sinh upload bài làm từ xa.
Các lớp học online kéo dài từ 30 phút tới hai tiếng trên Zoom. Ngay từ đầu năm, học sinh và phụ huynh phải ký giấy cam kết sử dụng công nghệ thông tin có trách nhiệm theo quy định của nhà trường.
Phần mềm Quizziz được dùng để học sinh làm kiểm tra tự chọn online, cho kết quả tại chỗ. Môn Khoa học giáo viên còn sử dụng thêm ứng dụng Discord để nhắc nhở bài vở và giao tiếp với học sinh. Các em có thể chat hoặc thảo luận trực tiếp với giáo viên trong giờ tiếp học sinh.
Từ những nhược điểm của học online như thiếu môi trường học tập, tương tác giữa giáo viên và học sinh, kỹ năng sư phạm của giáo viên khó truyền tải được qua màn hình, học sinh xao lãng…, các nhà giáo dục đánh giá học online không hiệu quả bằng lên lớp đối với học sinh phổ thông. Để khắc phục, Bộ Giáo dục Australia khuyến khích giáo viên, học sinh và phụ huynh đổi mới phương pháp tiếp cận dạy và học online.
Đối với giáo viên, dạy online cần nhiều kỹ năng mới để thu hút được sự chú ý của học sinh. Chẳng hạn, những yêu cầu từ thầy cô phải ngắn gọn, rõ ràng. Thầy cô soạn chương trình cụ thể của tiết học để học sinh chuẩn bị tư tưởng theo trình tự. Quá trình dạy là sự giao lưu hai chiều, trong đó câu hỏi của học sinh cần được trả lời sớm nhất.
Thảo luận nhóm cần được phát huy tối đa để có sự liên kết giữa thầy trò và các bạn cùng lớp. Trong những tiết dạy có tính chất tra cứu, thầy cô cần hướng dẫn làm dàn bài để học sinh dựa vào tìm kiếm thông tin vì Internet có quá nhiều thông tin khiến cho học sinh lan man khó định hướng. Cuối cùng, giáo viên cần tạo cơ hội cho học sinh tự đánh giá để nhận ra những ưu khuyết điểm trong quá trình học online và kịp thời sửa đổi.
Đối với phụ huynh, nhà trường yêu cầu hỗ trợ việc học từ xa bằng nhiều cách như hỏi thăm lịch học của con hàng ngày, khuyến khích con học và nghỉ đúng giờ giấc, tạo không gian yên tĩnh, an toàn. Phụ huynh tránh không can thiệp vào bài vở của con, không xen ngang khi con đang học trực tuyến. Nếu phụ huynh có thắc mắc nên email cho giáo viên.
Covid-19 đã tạo ra một tình huống xã hội chưa từng có. Giáo dục online là một ứng xử kịp thời và thông minh nhờ vào những tiến bộ trong công nghệ thông tin. Mặc dù học online có một số bất cập, học sinh, giáo viên và phụ huynh đã học tập được nhiều kinh nghiệm từ năm qua nên kỳ học online lần này suôn sẻ và hứa hẹn sẽ đạt hiệu quả cao. Và điều quan trọng hơn hết là giáo dục online là giáo dục từ xa, nhưng “không bao giờ xa cách”.
Học sinh cuối cấp không dám lơ là với học online
Chỉ còn cách kỳ thi tốt nghiệp THPT vài tháng, Nguyễn Bình lên kế hoạch tận dụng mọi kênh online để học trong thời gian nghỉ vì Covid-19.
Kỳ nghỉ Tết kết thúc, Nguyễn Bình, học sinh lớp 12 ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, vẫn chưa phải đến trường. Hai ngày qua, trường em chưa thông báo học online. Thầy cô chỉ gửi link tuyển tập đề cho học sinh luyện, dặn đọc lại các bài học gần nhất. Không cho phép mình nghỉ ngơi, Bình bắt đầu lướt trang Facebook của các trung tâm dạy trực tuyến nổi tiếng để tìm kiếm lịch livestream bài giảng, đồng thời tham gia các nhóm dành cho học sinh cuối cấp để trao đổi bài.
"Biết rằng học online sẽ không hiệu quả như trực tiếp, nhưng nếu coi thường, học lớt phớt rồi kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ không tốt, đặc biệt với những học sinh cuối cấp, đã phải học online từ năm ngoái như em", Bình nói.
Nam sinh nhớ lại đợt học online vào kỳ II năm ngoái, mọi thứ đến một cách thụ động với cả nhà trường, giáo viên và học sinh. Khi đó, các tiết học với thầy cô không nhiều, chủ yếu giao bài ôn luyện, gửi lịch học qua truyền hình hoặc xem livestream "ké" của thầy cô ở trung tâm dạy trực tuyến lâu năm trên Facebook.
Khi quay lại trường, thầy cô vẫn giảng lại những bài học đó nhưng theo kiểu lướt qua, điểm lại kiến thức cần nhớ. Những bạn không chăm sẽ không thể nhớ và đào sâu được. Điều này sẽ phần nào ảnh hưởng bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có một lượng câu hỏi nhất định rơi vào phần kiến thức lớp 11.
Năm nay có lẽ thầy cô cũng lo ngại nên ngay từ học kỳ I lớp 12 đã đẩy nhanh phần kiến thức quan trọng của cả năm, chỉ còn một phần nhỏ kỳ II học nốt, sau đó dành phần lớn thời gian để ôn tập, luyện đề, thi thử trước khi kỳ thi chính thức diễn ra. Vì vậy, đến thời điểm này, Bình đã hòm hòm về kiến thức cơ bản nhưng để nói tự tin đi thi, lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học thì chưa.
Hiện, Bình đã chuẩn bị phòng học riêng với máy tính bàn kết nối Internet, có webcam, tai nghe tích hợp mic đầy đủ cùng tâm lý "học trực tuyến không chỉ để cho có". Nam sinh lên kế hoạch tập trung nhiều hơn vào các môn thi tốt nghiệp gồm Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh, trong đó đặc biệt chú ý ba môn Toán, Lý, Hóa - tổ hợp em lựa chọn để xét tuyển đại học.
"Em sẽ theo dõi thông báo về lịch cũng như hình thức học trực tuyến ở trường để theo, cùng với đó là luyện đề thầy cô gửi, trao đổi qua điện thoại với bạn bè hoặc thầy cô khi gặp phần kiến thức không hiểu", Bình chia sẻ.
Trải qua một năm học online, Võ Việt Phương, lớp 12Tin, trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) phần nào hình dung được việc học theo hình thức này vận hành ra sao. Tuy nhiên, khác với tâm trạng của một học sinh lớp 11, nam sinh có chút lo lắng bởi đây là năm cuối cấp. Em tự nhủ phải tập trung hết sức, không xao nhãng việc học trong những tháng chạy nước rút.
Theo Phương, các môn Văn, Sử, Địa học bằng hình thức online đem lại hiệu quả gần bằng học tập trung trên lớp. Toán, Lý, Hóa cũng khá ổn nếu học sinh chăm chỉ, tập trung. Dự định thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ngành Quan hệ quốc tế hay Báo chí, Phương xác định dù học online chỉ là giải pháp tình thế vẫn phải nghiêm túc, chủ động để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Võ Việt Phương trong buổi học online ngày 18/2. Ảnh: Lê Nam.
Cũng giống học sinh THPT, nhiều học sinh THCS cũng đang "xốc lại tinh thần" sau kỳ nghỉ Tết. Hoàng Yến, học sinh lớp 9 trường THCS Lương Định Của, TP Thủ Đức, TP HCM, đã chán cảm giác ở nhà dài ngày, muốn đến trường gặp bạn bè, nhưng lại nhận quyết định ở nhà học online. Năm cuối cấp với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập vào đầu tháng 6, học kỳ II rất quan trọng với Yến và nhiều bạn cùng lớp. "Với những bạn xuất sắc thì việc học ở nhà hay đến trường cũng không mấy quan trọng, nhưng lực học chỉ ở mức khá nên em rất lo. Chưa kể, vì dịch mà em cũng không được học thêm một số môn yếu", Yến chia sẻ.
Chiều 14/2 (mùng ba Tết), ba mẹ và Yến đã ngồi lập thời gian biểu để học tại nhà. Mỗi buổi sáng, chiều Yến sẽ học 3-4 tiếng theo lịch học online của trường và rèn giải bài tập, hai tiếng buổi tối là thời gian học tiếng Anh. Để không bị rối khi học, nữ sinh chỉ tập trung học theo sách giáo khoa để nắm căn bản, không sử dụng các sách nâng cao.
Môn học Yến tự tin nhất là Văn và tiếng Anh, kém hơn là Toán. Việc học online một học kỳ lớp 8 đã cho nữ sinh nhiều kinh nghiệm. Trong buổi học phải tập trung cao, có sổ ghi chép để tốc ký lời cô giảng, các bài tập phải được in sẵn để thuận tiện làm bài. "Nguyện vọng một năm nay của em là THPT Trưng Vương, thuộc nhóm trường có đầu vào khá cao nên phải cố gắng rất nhiều. Dù lo lắng nhưng em không mất bình tĩnh, cứ học chậm mà chắc", Yến nói.
Giống như Yến, Bảo Minh, học sinh lớp 7 ở Long Biên, Hà Nội, cho rằng dù học online chỉ là giải pháp tình thế, em vẫn cần học nghiêm túc ngay từ đầu. "Năm ngoái chúng em học qua Zoom không hiệu quả, phần mềm thường xuyên có vấn đề, lúc thì bị thoát ra bất ngờ, lúc lại có bạn bật nhạc linh tinh khiến lớp học bị gián đoạn. Nhưng bọn em bắt buộc học theo hình thức này vì chưa thể nói trước điều gì về dịch bệnh", nữ sinh lớp 7 chia sẻ.
Minh không bị áp lực bởi các kỳ thi quan trọng nhưng cho rằng kiến thức lớp nào cũng quan trọng bởi là nền tảng để học các năm sau. Xác định có thể phải học trực tuyến lâu dài do Hà Nội đang có tới 35 ca Covid-19, lại là nơi có nhiều người từ tỉnh khác đến học tập và làm việc, Minh bảo phải chăm chỉ ghi chép và học chỉn chu ngay từ đầu để tránh việc học lại mất thời gian. Nữ sinh hy vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt để em và các bạn sớm được quay trở lại trường.
Đến 18/2, gần 50 tỉnh, thành cho học sinh tiếp tục ở nhà sau Tết Tân Sửu, trong đó có Hà Nội và TP HCM. Các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường học phải lên phương án dạy online phù hợp, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học.
Việc học online cũng là chỉ đạo chung của toàn ngành giáo dục. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 ngày 4/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo toàn ngành kích hoạt, mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy trực tuyến, "làm chắc chắn và chất lượng hơn năm ngoái". Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội và các địa phương cũng lên phương án sẵn sàng dạy trực tuyến nếu nghỉ học kéo dài sau Tết Tân Sửu.
Học sinh than trời vì học online lên tới 10 tiết/ ngày, thầy cô cũng oải vì "độc thoại" Không còn cắt giảm kiến thức, phần lớn học sinh đang phải học online đúng như lịch học chính thức, đồng nghĩa với nhiều bạn học tới 8 - 10 tiết/ ngày qua màn hình máy tính, điện thoại. "Quá tải", chán nản, thậm chí bật khóc Cô Thủy (Quận 8, TP.HCM) cho biết nhà có hai anh em. Anh trai lớp 10...