Học phí trường đại học công sẽ tăng đến đâu?
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (luật Giáo dục đại học sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã đi vào thực tế (từ ngày 1.7.2019). Với người học, nội dung tác động nhiều nhất chính là việc tăng học phí khi các trường được thực hiện tự chủ.
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – Đào Ngọc Thạch
Trường nào được tự chủ xác định học phí ?
Theo điều 65 của luật Giáo dục đại học (ĐH) sửa đổi, học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho cơ sở giáo dục ĐH để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo.
Trong đó, với trường công lập, học phí sẽ có 2 cách tính khác nhau, tùy thuộc việc thực hiện quyền tự chủ và mức độ tự chủ kinh phí chi thường xuyên. Cụ thể, trường thực hiện quyền tự chủ và có khả năng tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên sẽ được tự chủ xác định học phí. Nhóm trường công còn lại vẫn thu học phí theo quy định của Chính phủ. Việc xác định học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế – kỹ thuật theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Như vậy, dựa theo luật mới này, trường tự chủ sẽ được toàn quyền tự quyết học phítrên cơ sở cân đối thu chi.
Tuy nhiên, để trở thành trường tự chủ, phải có đủ các điều kiện đi kèm về hội đồng trường, hội đồng ĐH, được công nhận đạt chất lượng cơ sở giáo dục… Các trường phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và các dịch vụ khác theo lộ trình cả khóa học, từng năm học ngay khi thông báo tuyển sinh và có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Dù luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7 nhưng hiện học phí các trường công được tự chủ hoặc chưa đều thực hiện theo Nghị định 86 của Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến 2020 – 2021.
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đã có 23 trường ĐH được giao thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017. Giai đoạn thí điểm kết thúc vào năm 2017 nhưng theo Nghị quyết 117 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.2017, các đơn vị này vẫn tiếp tục thực hiện cho tới khi có nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH công lập. Việc xác định học phí của các đơn vị này tiếp tục bám vào Nghị định 86 dành cho trường đã thực hiện tự chủ.
Có thể tăng tới 3,5 lần
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cho biết học phí của 23 trường ĐH được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm tự chủ vừa qua là sự minh họa cho bài toán học phí tính theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa được thông qua. Tùy theo ngành nghề, mức học phí sẽ được thu khác nhau dựa trên chi phí đào tạo thực tế cho một sinh viên trong năm học.
Ông Hoàn cũng cho hay học phí của trường dựa vào Nghị định 86 và đây cũng chính là mức tính đúng – đủ chi phí đào tạo cho một sinh viên. Mức thu này sẽ dùng để chi trả tất cả mọi thứ có liên quan đến hoạt động đào tạo sinh viên đó trong một năm học, gồm: thù lao giảng viên, công tác quản lý, nghiên cứu, thực hành, thực tập, điện nước, khấu hao tài sản, dịch vụ khác…
Video đang HOT
ĐỒ HỌA: VÕ BA
Cũng thuộc nhóm trường đã thực hiện thí điểm tự chủ, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hiện quy định học phí theo Nghị định 86. Tiến sĩ Phan Hồng Hải, Phó hiệu trưởng, thông tin mức thu của trường năm học 2019 – 2020 theo khối ngành công nghệ là 19,25 triệu đồng/năm/sinh viên; khối ngành kinh tế là 18,15 triệu đồng/sinh viên/năm. Cũng theo ông Hải, mức học phí trên áp dụng cho khóa tuyển sinh 2019; qua từng năm, học phí sẽ tăng thêm 4 – 6%.
“Học phí này được xác định dựa trên các chi phí đào tạo, không quá cao với người học và vừa đủ với chi phí đào tạo của trường”, ông Hải nói.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đã công bố mức học phí dự kiến cho năm học 2019 – 2020 kèm theo lộ trình tăng từng năm học. Theo đó, chương trình đại trà bậc ĐH cho sinh viên trúng tuyển năm học này là 18,5 triệu đồng/năm. Ở năm thứ 2, học phí tăng lên 20,5 triệu đồng; năm thứ 3 tăng lên 22,5 triệu đồng và năm cuối là 24,8 triệu đồng/sinh viên. Cũng tại trường này, chương trình chất lượng cao, học phí cao hơn nhiều. Mức thấp nhất cho sinh viên trúng tuyển năm nay là 32 triệu đồng, cao nhất 40 triệu đồng và học phí này không thay đổi trong toàn khóa học. Đây cũng là mức phí được tính toán dựa trên chi phí đào tạo thực tế của trường đã tự chủ toàn bộ kinh phí chi thường xuyên.
Như vậy, học phí các trường công lập sẽ tăng mạnh và có thể tới mức gấp 3,5 lần sau khi các trường thực hiện tự chủ. Chẳng hạn, theo Nghị định 86, cùng trong năm học 2019 – 2020, học phí nhóm ngành y dược ở trường chưa tự chủ là 13 triệu đồng/năm/sinh viên, nhưng ở trường thực hiện tự chủ có thể lên tới 46 triệu đồng/năm.
Trường chưa tự chủ có tăng học phí?
Trường chưa tự chủ, học phí vẫn tăng nhưng không vượt mức trần quy định của Chính phủ.
Đúng ngày 1.7, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã có quyết định về việc ban hành mức thu học phí năm học 2019 – 2020 dành cho các hệ đào tạo trong ngân sách nhà nước. Theo đó, bậc ĐH hệ chính quy học phí là 1,3 triệu đồng/tháng (tương đương 13 triệu đồng/năm học 10 tháng). PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết mức học phí này được xác định dựa vào Nghị định 86 dành cho trường chưa tự chủ. Ông Khôi thông tin thêm, trường hiện trong quá trình xây dựng đề án tự chủ.
Tương tự, PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng chia sẻ, trường hiện trong quá trình hoàn thiện đề án thực hiện tự chủ. Ở năm 2018, trường thu học phí khối ngành kỹ thuật 272.000 đồng/tín chỉ và khối kinh tế 228.000 đồng/tín chỉ. Trước mắt, trong năm học tới, học phí trường vẫn dự kiến thu theo Nghị định 86 dành cho các trường chưa thực hiện tự chủ với lộ trình tăng học phí tối đa khoảng 10% cho mỗi năm tiếp theo.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng đang chờ phê duyệt đề án tự chủ. Nếu được phê duyệt, học phí của trường dành cho sinh viên trúng tuyển năm 2019 hệ chính quy sẽ tăng lên 18 triệu đồng/năm thứ nhất và tăng liên tục mỗi năm tới 24 triệu đồng vào năm cuối cùng. Các chương trình đào tạo khác cũng tăng mạnh, ví dụ văn bằng 2 sẽ từ 35 triệu đồng (năm nhất) và 50 triệu đồng (năm cuối), chương trình tiên tiến 40 triệu đồng (năm nhất) và 50 triệu đồng (năm cuối)…
Trường tư thục tự quyết định học phí
Theo luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa có hiệu lực, các trường ĐH tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí. Hiện nay, học phí các trường tư thục đang được xây dựng ở nhiều mức khác nhau, nhiều trường có mức thu dao động trong khoảng 20 – 35 triệu đồng/năm. Các ngành thuộc nhóm sức khỏe, học phí có thể từ 50 – 70 triệu đồng/năm/sinh viên. Tuy nhiên, có những trường học phí có thể lên tới trên dưới 100 triệu đồng/năm/sinh viên.
Theo Thanh niên
Điểm chuẩn tăng, thí sinh thấp thỏm chờ đổi nguyện vọng
Điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay dự đoán sẽ tăng trung bình 1-2 điểm so với năm trước.
Chỉ còn vài ngày nữa, gần 900.000 thí sinh cả nước sẽ biết kết quả thi THPT quốc gia của mình. Nhiều giáo viên, học sinh đều dự đoán năm nay phổ điểm sẽ cao vì đề thi "dễ thở" hơn dự đoán. Dù làm khá tốt bài thi nhưng nhiều thí sinh từ đó đến nay luôn thấp thỏm lo về các nguyện vọng (NV) đã đăng ký xét tuyển vì dự kiến điểm chuẩn vào các trường đại học (ĐH) sẽ tăng.
Điểm chuẩn chắc chắn tăng 1-2 điểm
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết điểm chuẩn những ngành "hot" năm nay của trường chắc chắn sẽ tăng khoảng 2 điểm, như các ngành công nghệ thông tin, ô tô, cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ khí, logistics... Còn các ngành khác sẽ tăng trung bình 1-1,5 điểm.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng lý giải: Đề thi năm nay khá nhẹ hơn so với mọi năm do để đảm bảo cả mục đích xét tốt nghiệp khi Bộ GD&ĐT tăng tỉ lệ điểm thi lên 70%, còn 30% từ điểm học bạ. Cụ thể, điểm chuẩn các tổ hợp xét tuyển như toán - lý - hóa, toán - lý - Anh, lý - hóa - sinh... sẽ tăng, vì đề những môn này thí sinh làm được nhiều. Tuy nhiên, tăng như thế nào còn phụ thuộc vào số lượng đăng ký NV của thí sinh.
Một lý do khác mà PGS-TS Đỗ Văn Dũng muốn nhấn mạnh đến thí sinh: "Năm nay, các trường ĐH có quá nhiều phương thức tuyển sinh ngoài điểm thi THPT quốc gia với tỉ lệ chỉ tiêu cho các phương thức khá cao. Cho nên một lượng lớn thí sinh đã trúng tuyển trước rồi. Dẫn đến điểm chuẩn thi THPT có khi sẽ tăng rất cao nếu chỉ tiêu ít mà số đăng ký lớn. Thí sinh nên lưu ý để cân nhắc lựa chọn phương thức hoặc NV phù hợp".
Tương tự, điểm chuẩn tăng 1-2 điểm cũng là dự đoán của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM khi đa phần thí sinh làm được bài, dự đoán phổ điểm các môn thi năm nay sẽ tốt hơn.
Theo ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, tùy vào từng trường có số lượng thí sinh quan tâm vào từng ngành khác nhau mà mức điểm chuẩn trúng tuyển dao động khác nhau, những nhóm ngành công nghệ, nhóm ngành dịch vụ du lịch, khách sạn, nhóm ngành quản trị kinh doanh... có số lượng thí sinh quan tâm nhiều thì mức điểm chuẩn trúng tuyển có thể sẽ tăng hơn.
Nhiều trường ĐH khác như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM... cũng dự báo điểm chuẩn tăng trên dưới 2 điểm, nhất là ở những nhóm ngành học trọng yếu của các trường như công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, các nhóm ngành kinh tế...
Thí sinh dự thi THPT quốc gia vừa qua. Ảnh: P.ANH
Thí sinh thấp thỏm chờ đổi nguyện vọng
Theo kế hoạch, ngày 14-7, Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, ngay từ khi thi xong và áng chừng kết quả, nhiều thí sinh đã rục rịch muốn điều chỉnh NV.
Trần Hoàng Đăng, Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), cho hay em đăng ký năm NV vào nhóm môi trường và điện tử vào hai trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM theo tổ hợp A, B, trong đó ưu tiên cho khối B. Tuy nhiên, em thích ngành công nghệ thông tin hơn. Thêm vào đó, điểm thi của em cũng cao hơn dự đoán và lại nghiêng về các môn toán, lý, hóa và tiếng Anh.
"Em đang hồi hộp để chờ đổi NV, em đã viết sẵn ra giấy và tính toán kỹ lại điểm thi của mình rồi. Không chỉ em mà nhiều bạn cũng đang chờ để điều chỉnh NV vì điểm thi cao hơn ban đầu. Có bạn đã trúng tuyển học bạ rồi nhưng khi đoán điểm thi cao hơn nên lại muốn thay đổi NV để vào trường mong muốn" - Đăng nói.
Theo ThS Phạm Doãn Nguyên: "Những ngày qua, nhiều em quan tâm về cách điều chỉnh NV và quan tâm điểm trúng tuyển cụ thể vào từng ngành là bao nhiêu, chủ yếu là dựa vào điểm cao để điều chỉnh. Các em hỏi nhiều đến nỗi làm khó ban tư vấn, trong khi các trường chưa có điểm chuẩn trúng tuyển, tất cả chỉ mới là dự đoán".
Cách sắp xếp nguyện vọng
Khi sắp xếp NV, các em nên để những ngành hot, ngành điểm chuẩn cao hoặc rất thích học ở trên để ưu tiên trúng tuyển hơn. Ngược lại thì để ở các NV sau. Các em cũng nên cân nhắc đến các ngành học mới mở vì thường có điểm chuẩn thấp, nhu cầu tuyển dụng lại cao nên dễ đậu hơn.
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG
ThS Nguyên lưu ý: Trước khi điều chỉnh NV, thí sinh nên căn cứ trên điểm thực tế của mình đối sánh với mức điểm chuẩn của 2-3 năm trước của ngành học thí sinh đăng ký. Thí sinh nên xác định kỹ về năng lực, sở trường, niềm đam mê của bản thân, tìm hiểu về những tố chất đòi hỏi của ngành nghề, tìm hiểu kỹ các trường sẽ học như môi trường học tập, chương trình đào tạo, học phí, học bổng, cơ hội việc làm...
"Các em không nên vì điểm cao mà điều chỉnh NV vào ngành học không phù hợp. Đồng thời, các em cũng nên sử dụng thêm các phương thức xét tuyển khác của các trường để tăng cơ hội trúng tuyển" - ThS Nguyên khuyên.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cũng cho biết ông rất bất ngờ khi đến thời điểm này nhiều em còn chưa hiểu về các NV xét tuyển, vẫn cứ nghĩ là mỗi NV là mỗi đợt xét tuyển khác nhau của trường như trước đây. Trong khi năm nay, Bộ GD&ĐT quy định không giới hạn NV và các NV có giá trị ngang nhau trong một đợt xét tuyển. Thí sinh đậu NV nào trước thì các NV sau đó sẽ bị hủy.
Do đó, PGS-TS Đỗ Văn Dũng khuyên học sinh: Sau khi có kết quả, thí sinh chỉ có một đợt đổi NV duy nhất. Các em nên dự báo điểm thi theo tổ hợp môn, tổ hợp nào có điểm cao nhất thì điều chỉnh theo tổ hợp đó.
Theo PGS-TS Dũng, các em nên lấy điểm chuẩn của năm trước cộng thêm 2 điểm (mức tăng dự kiến năm nay) với những ngành hot và cộng 1 điểm với những ngành thường sẽ ra mức điểm chuẩn dự kiến năm nay. Nếu điểm của mình thấp hơn điểm chuẩn này 0,5 điểm, bằng hoặc cao hơn thì đăng ký NV1 vào ngành đó.
Những mốc thời gian thí sinh cần lưu ý
Ngày 14-7, Bộ GD&ĐT và các địa phương công bố điểm thi THPT quốc gia. Từ ngày 14 đến 22-7, phúc khảo kết quả các bài thi. Ngày 18-7 công bố kết quả xét tuyển thẳng như học sinh giỏi quốc gia, thí sinh THPT chuyên... trên website của trường hoặc thư tín cá nhân. Chậm nhất ngày 21-7 cấp giấy chứng nhận kết quả thi và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời. Trước ngày 22-7, các trường ĐH công bố mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Từ ngày 22 đến 17 giờ ngày 29-7, điều chỉnh NV trực tuyến qua cổng thông tin thí sinh. Từ ngày 22 đến 17 giờ ngày 31-7, điều chỉnh NV bằng phiếu đăng ký tại trường THPT hoặc Sở GD&ĐT. Trước 17 giờ ngày 9-8, các trường ĐH công bố kết quả xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Trước 17 giờ ngày 15-8, thí sinh xác nhận nhập học.
PHẠM ANH
Theo PLO
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực: Thúc đẩy tự chủ đại học Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực thi hành, với nhiều quy định mới. Đặc biệt, các trường đại học sẽ được "cởi trói" nhiều hơn trong thực hiện tự chủ. Tuy nhiên, để các quy định thực sự phát huy hiệu quả, vẫn cần có sự đồng bộ trong thực...