Học phí tăng, tân sinh viên lo lắng không kham nổi
Các trường đại học đồng loạt tăng học phí khiến nhiều tân sinh viên lẫn phụ huynh lo lắng, phân vân xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Những ngày này, các trường đại học (ĐH) ở TP.HCM nhộn nhịp đón tân sinh viên (SV) từ khắp nơi về nhập học. Bên cạnh niềm vui vừa trúng tuyển, tiền học phí khiến không ít tân SV và phụ huynh canh cánh.
Thấp thỏm lo học phí tăng
Vừa làm thủ tục nhập học cho con, ông Lâm Tấn Anh (ngụ Quảng Ngãi) chia sẻ con ông vừa trúng tuyển vào Trường ĐH Luật TP.HCM bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Trước đó, gia đình định hướng con chọn ngành tương tự ở Đà Nẵng do gần hơn. Nhưng vào phút cuối, con vẫn quyết định vào TP.HCM học. Đến khi xem thông báo về mức học phí, gia đình mới tá hỏa khi mức học phí 15 triệu đồng/học kỳ, chưa tính những khoản khác.
Phụ huynh, thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) những ngày qua. Ảnh: THY HUYỀN
“Thấy cha mẹ lo vì không phải cứ học luật bốn năm xong là đi làm được ngay, con nói chờ xét tuyển bổ sung vì nhiều trường còn tuyển. Tôi đồng ý rồi nhưng lại thương con, sợ lỡ mất cơ hội ngành con thích nên cuối cùng động viên con cứ yên tâm nhập học, tiền thiếu thì đi vay thêm” – ông Tấn Anh tâm tư.
Về tận quê tặng học bổng cho sinh viên
Ngay khi có kết quả trúng tuyển, nhà trường đã nhận hàng trăm hồ sơ xét học bổng của các bạn tân SV. Trong đó có hai trường hợp đều quê Quảng Nam, là thủ khoa và á khoa khối B00 của tỉnh này với điểm số rất cao. Để hỗ trợ các em, đại diện của trường sẽ về tận nơi hai em sinh sống để thăm hỏi và tặng mỗi em một suất học bổng trị giá 100 triệu đồng.
ThS TRƯƠNG VĂN ĐẠT, Trường ĐH Y Dược TP.HCM
Tương tự, dù biết trước mức học phí nhưng em TMH vẫn quyết tâm chọn xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Thế nhưng trúng tuyển xong, em lại phân vân có nên hủy để chờ xét tuyển bổ sung vào trường nào có học phí thấp hơn. H cho biết em quê ở Đồng Nai, mức sống không đắt đỏ như trên TP, cộng thêm nhiều khoản chi phí khác ở trường khiến em thấy hơi áp lực.
Video đang HOT
Tặng học bổng, hỗ trợ
vốn vay
Được biết nhiều trường ĐH tại TP.HCM từ năm học này đã áp dụng khung học phí mới theo cơ chế tự chủ với mức tăng khá cao. Cụ thể, Trường ĐH Luật TP.HCM có học phí 31,25-165 triệu đồng/năm tùy ngành. Trong đó, ngành tăng thấp nhất đã 3 triệu đồng và ngành tăng cao nhất hơn 26 triệu đồng.
Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, năm học này có đến bốn trường tăng mức học phí. Như Trường ĐH KHXH&NV thu học phí hệ đại trà 16-24 triệu đồng/năm và tối đa 60 triệu đồng/năm với hệ chất lượng cao. Trường ĐH Bách khoa 25-66 triệu đồng/năm. Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng có mức thu mới từ 21,5 triệu đến hơn 47 triệu đồng/năm.
Cùng với việc tăng học phí, bản thân các trường cũng có nhiều chính sách về học bổng, hỗ trợ tân SV khó khăn.
Áp dụng khung học phí mới theo cơ chế tự chủ từ ba năm nay, mức học phí các ngành Trường ĐH Y Dược TP.HCM dao động 37-77 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trường cũng dành hàng chục tỉ đồng để tặng học bổng, hỗ trợ tân SV khó khăn.
ThS Trương Văn Đạt, Trưởng Phòng công tác SV của trường, cho biết năm học này trường dành tặng hơn 800 suất học bổng với mức hỗ trợ 25%-100% cho tân SV khóa 2022. Tổng kinh phí dự kiến hơn 18 tỉ đồng, trích từ 15% tổng thu học phí.
Còn tại Trường ĐH Bách khoa, trường đã huy động Hội Cựu SV bảo lãnh cho 1.000 tân SV và các năm còn lại có nhu cầu vay ưu đãi để đóng học phí trong học kỳ 1 với mức tối đa 14 triệu đồng. Đáng nói, nếu SV đạt kết quả học tập và rèn luyện tốt sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi suất phát sinh. Đồng thời, những em này còn được xem xét tặng học bổng bằng 100% hoặc 50% khoản vay.
Tương tự, ngay khi đón tân SV đến nhập học, Trường ĐH KHXH&NV cũng xét tặng 100 suất học bổng, gồm học bổng toàn phần bốn năm hoặc học phí năm thứ nhất, hỗ trợ tài chính một lần… cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Quỹ phát triển của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng lên kế hoạch trao tặng 27 suất học bổng cho thủ khoa đầu vào ở các đơn vị thành viên. Mỗi suất 30-40 triệu đồng/em.
Bên cạnh đó, quỹ còn hỗ trợ những SV khó khăn vay ưu đãi với lãi suất 0% để các em có tiền đóng học phí hoặc trang trải sinh hoạt phí trong học kỳ 1. Mức vay tối đa 20 triệu đồng/SV/học kỳ. Những năm học tiếp theo, SV muốn vay tiếp phải có kết quả học tập và rèn luyện đạt yêu cầu.
Ngoài ra, ĐH Quốc gia TP.HCM còn hỗ trợ 35% học phí cho SV thuộc chín ngành cơ bản tại trường.
Tân sinh viên chưa hết lo vì học phí đã chìm trong giá phòng trọ quá cao
Bên cạnh niềm vui trúng tuyển đại học, nhiều tân sinh viên đang đau đáu nỗi lo học phí do nhiều trường tăng ở mức "kịch khung", số khác tâm trạng ngổn ngang vì chưa tìm được nhà trọ trước ngày nhập học cận kề.
Tân sinh viên còn mang nhiều nỗi lo trước ngày nhập học. Ảnh: LĐO
Không biết nên vui hay buồn
"Được học tập và công tác trong ngành Y là ước mơ từ nhỏ của em. Vì vậy, khi biết mình đỗ chuyên ngành Y học dự phòng của Trường Đại học Y Hà Nội em vui lắm, nhưng thoáng qua thì cảm xúc lại trùng xuống vì em sợ gia đình không đủ năng lực nuôi em ăn học trong ngần nấy năm" - thí sinh Minh Quỳnh (Nam Định) tâm sự.
Nữ sinh cho biết, bố em làm thợ hàn, mẹ làm rau mùa, em còn 3 em nhỏ đang tuổi đến trường. Những năm trước, bố mẹ vẫn cố gắng vun vén, lo đầy đủ cho mấy chị em nhưng nếu em bước chân vào giảng đường đại học thì bố mẹ sẽ rất chật vật.
"Em vẫn ngổn ngang nỗi lo, từ việc sống xa gia đình phải tự lập, đến vấn đề học phí. Em đã tìm hiểu về học phí của trường, so với mặt bằng chung thì mức này khá cao và tăng trong từng năm học. Em cũng băn khoăn, nhưng vẫn đấu tranh tư tưởng để thi vào trường. Hiện tại em đã đỗ đạt như nguyện vọng nhưng có cả bầu tâm sự" - nữ sinh bộc bạch.
Minh Quỳnh cho biết, em dự định sẽ đi làm thêm để đỡ đần gia đình. Tuy nhiên, theo lời chia sẻ của các anh chị khóa trên, Quỳnh biết được lịch học dày đặc, thi cử triền miên, công việc làm thêm cũng không thuộc lĩnh vực chuyên môn nên em càng lo lắng.
Năm học 2022-2023, Đại học Y Hà Nội tăng học phí gấp 1,7 lần, áp dụng mức học phí cho khối ngành Y dược (gồm các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng) và Răng Hàm Mặt (từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng). Khối ngành Sức khỏe có mức tăng từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 1,85 triệu đồng/tháng.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Đại học Y Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh học phí được trường thực hiện theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP với khối ngành Y dược. Đồng thời, đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học, đặc biệt là chất lượng đầu ra - yêu cầu của cơ sở tuyển dụng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó, mức tăng học phí dựa trên khả năng có thể chi trả được của người học và phù hợp với các chính sách vay vốn cho sinh viên có nhu cầu tham dự ngành đào tạo của nhà trường.
Theo đó, nhà trường luôn thúc đẩy tìm kiếm nguồn học bổng, tài trợ từ các doanh nghiệp để giúp đỡ, hỗ trợ thêm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể theo đuổi ước mơ của mình.
Nhà trọ "cháy" phòng, chủ trọ "hét giá" khiến sinh viên lao đao
Trương Phương Ly (Vĩnh Phúc) - tân sinh viên Trường Đại học Công nghệ Đông Á đã phải thốt lên "đi tìm nhà trọ còn khó hơn lên trời".
Ly cho biết, hiện tại em chưa có lịch nhập học cụ thể nhưng em đã lên Hà Nội sớm từ ngày 18.9 để tìm phòng trọ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm được.
"Em và anh trai vật vờ ngoài đường cả ngày. Trước đó, em lên mạng để tìm nhà trọ nhưng không tin tưởng lắm nên phải đi từng nơi để hỏi và xem phòng. Tuy nhiên, không có phòng nào ưng ý bởi phòng thì quá đắt, phòng thì bẩn. Nhiều nơi để lại số điện thoại nhưng khi gọi đến đã trong tình trạng hết phòng" - nữ sinh chia sẻ.
Cũng gặp tình trạng tương tự, Phạm Chi (Thanh Hoá) cho biết, sắp tới em sẽ nhập học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng chưa thể tìm phòng.
"Em muốn tìm phòng gần một chút để tiện cho việc học tập và hoạt động câu lạc bộ. Em phải cân nhắc giá cả hợp lý vì ngoài tiền trọ em còn phải chi tiêu nhiều khoản khác. Việc tìm phòng đã diễn ra hơn một tuần nay, cả tìm kiếm online cũng như đến tận nơi để tìm vẫn không có phòng ưng ý.
Hiện tại, một phòng đơn có giá lên tới 3-4 triệu đồng. Có nhiều phòng có một giường, diện tích nhỏ hẹp 22m2, ẩm mốc nhưng chủ trọ cũng báo giá gần 3 triệu đồng" - Phạm Chi hoang mang.
Hình ảnh phòng trọ giá 3,3 triệu đồng tại Cầu Giấy. Ảnh: NVCC
Dành lời khuyên cho tân sinh viên, các thầy cô cho rằng, trong trường hợp đã ưng ý căn phòng nào đó, quyết định thuê thì phải thỏa thuận những khoản tiền phải đóng khi ở trọ như điện, nước, wifi, giữ xe...
Đồng thời, các bạn sinh viên cũng nên đến tận nơi để xem phòng, nắm tình hình an ninh tại khu vực có đảm bảo không, tránh tình trạng mất tài sản về sau.
Những lưu ý quan trọng cho tân sinh viên Thời điểm các công đoạn cuối cùng của mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022 kết thúc cũng là khi các bạn tân sinh viên phải xa bố mẹ và tự mình lo mọi thứ. Vì vậy, nếu không trang bị kỹ năng cần thiết, tân sinh viên có thể sẽ gặp nhiều rắc rối khi bước vào môi trường đại học....