Học phí năm học mới ở các địa phương như thế nào?
Đến nay, một số tỉnh, thành phố đã thông báo miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn.
Các địa phương còn lại sẽ áp dụng khung học phí năm học mới 2022-2023 theo quy định của Chính phủ.
Một loạt địa phương miễn học phí
Ngày 31/8, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ học phí cho học sinh trên địa bàn tỉnh năm học 2022-2023.
Theo đó, Quảng Ninh sẽ hỗ trợ 100% học phí công lập cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Thời gian hỗ trợ bằng số tháng học thực tế của đối tượng được hỗ trợ, nhưng không quá 9 tháng. Nguồn kinh phí thực hiện việc hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cấp theo hình thức giao dự toán cho Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện.
Dự kiến số học sinh được hưởng chính sách là 225.374 người, kinh phí khoảng 458 tỷ đồng.
Từ năm học trước, Quảng Ninh đã giảm 100% học phí cho học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường công lập và tư thục do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Số tiền này được trích ra từ ngân sách của tỉnh.
Nhiều địa phương miễn học phí cho học sinh phổ thông trong năm học 2022-2023. Ảnh: Thanh Tùng
Trước đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định miễn học phí cho trẻ em 5 tuổi, học sinh tiểu học và trung học cơ sở công lập, tư thục giai đoạn 2022-2025.
Cụ thể, trẻ mầm non 5 tuổi được hưởng chế độ miễn học phí từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2023-2024, học sinh trung học cơ sở được miễn học phí từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2024-2025.
Dự kiến ngân sách của tỉnh này sẽ chi hơn 568 tỷ đồng cho việc miễn học phí trong giai đoạn 2022-2025. Trước mắt, mức học phí dự kiến chi cho năm học 2022-2023 là hơn 110 tỷ đồng.
Thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ 100% học phí trong 9 tháng của năm học 2022-2023 cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố.
Video đang HOT
Ngoài ra, Đà Nẵng còn trích hơn 4.685 tỷ đồng để mua sách giáo khoa cho 8.438 học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh mồ côi do Covid-19 và 4.400 học sinh thuộc hộ cận nghèo đang học tại các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023.
Tại kỳ họp thứ 7 ngày 24/8, HĐND TP Cần Thơ đã thông qua 2 Nghị quyết về mức học phí và hỗ trợ học phí trong năm học 2022-2023.
Theo đó, 100% học sinh thành phố Cần Thơ được miễn học phí năm học tới. Nguồn hỗ trợ được chi từ ngân sách của thành phố. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là 308,943 tỷ đồng.
Đây là lần đầu tiên Cần Thơ miễn toàn bộ học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn.
Thành phố Hải Phòng đã miễn học phí cho bậc mầm non và THCS từ năm học 2020-2021 và học sinh bậc THPT được giảm học phí từ năm học 2021-2022. Đến năm học 2022-2023, 100% học sinh các cấp ở thành phố Hải Phòng được miễn học phí (bậc tiểu học được miễn theo Luật Giáo dục).
Được biết, mỗi năm, thành phố trích hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo dục.
UBND tỉnh và HĐND tỉnh Bắc Kạn đã đồng ý phương án giữ ổn định mức học phí trong năm học mới 2022-2023 theo đề xuất của Sở GD-ĐT, đồng thời miễn 100% học phí cho khoảng gần 21.000 học sinh bậc THCS.
Hà Nội, TP.HCM, Cà Mau tạm thời chưa thu học phí
Ngày 23/8, Sở GD-ĐT TP.HCM ra công văn đã yêu cầu các trường học tạm thời chưa tổ chức thu học phí năm học 2022-2023 để chờ hướng dẫn về mức thu học phí năm học mới của UBND TP.
Đối với khoản thu khác không phải học phí như tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, tổ chức các lớp học năng khiếu, ngoại ngữ, tin học, môn tự chọn, phục vụ bán trú, vệ sinh lớp bán trú… các trường học tiếp tục duy trì, giữ nguyên nội dung và định mức thu như năm học 2021-2022.
Dự toán thu, chi đối với các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ phải xây dựng trước khi thông báo và thống nhất với phụ huynh. Bên cạnh đó, 100% trường công lập tại TP.HCM năm nay sẽ thực hiện thanh toán bằng các phương thức không dùng tiền mặt.
Ngày 26/8, Sở GD-ĐT Hà Nội có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) tạm thời chưa thu học phí cho đến khi có hướng dẫn mới.
Tỉnh Cà Mau cũng quyết định tạm thời chưa thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023. Với các khoản thu khác đầu năm học (nếu có), tỉnh yêu cầu thực hiện theo đúng quy định hiện hành, không được thu bất cứ khoản thu nào ngoài quy định.
Khung học phí năm học 2022-2023 của các tỉnh còn lại
Các tỉnh, thành phố không được miễn học phí sẽ áp dụng khung học phí theo quy định của Chính phủ.
Căn cứ Nghị định 81/2021/NĐ-CP, khung học phí năm học 2022-2023 tại các tỉnh, thành phố được thực hiện như sau:
- Đối với cơ sở mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên:
Đơn vị: nghìn đồng/học sinh/tháng
- Đối với cơ sở mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên:
Đơn vị: nghìn đồng/học sinh/tháng
- Đối với cơ sở mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư:
Đơn vị: nghìn đồng/học sinh/tháng
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Chính phủ thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ học sinh trung học cơ sở từ năm học 2022-2023 thay vì từ năm học 2025-2026 như lộ trình.
Theo ước tính của Bộ GD-ĐT, ngân sách cấp bù miễn học phí khoảng 11.199,8 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách Nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).
Đối với học phí giáo dục mầm non công lập và THPT công lập, năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đề nghị giữ ổn định học phí như năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Nỗi lo học phí đầu năm
Bước vào năm học mới 2022-2023, hầu hết các phụ huynh đều lo lắng trước thông tin tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (ngày 27-8-2021) của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Vừa trải qua đợt dịch Covid-19 kéo dài, kinh tế chưa phục hồi, việc tăng học phí, dù ít dù nhiều cũng khiến các phụ huynh thêm nỗi lo.
Thành phố Hà Nội sẽ kiến nghị xây dựng mức học phí phù hợp với điều kiện thực tế, duy trì chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn để giúp học sinh yên tâm học tập.
Bộn bề lo toan
Cứ gần đến ngày khai giảng năm học mới, chị Phạm Bích Hà (phố Vĩnh Hồ, quận Đống Đa) lại không khỏi lo lắng. Chị Hà cho biết, con gái học lớp 6, con trai học lớp 4, hiện chị đã mua 2 bộ sách giáo khoa hết hơn 1 triệu đồng. Con gái lớn chuyển cấp, phải có đồng phục mới nên chị đăng ký mua hết 1,6 triệu đồng. "Vợ chồng tôi đều là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, tằn tiện mãi mới cất được hơn 10 triệu đồng. Hồi tháng 3 vừa qua, cả nhà mắc Covid-19 phải dùng đến tiền tiết kiệm mua thuốc men, thực phẩm. Giờ thêm khoản chi là thêm gánh nặng. Tôi mong muốn Hà Nội tạm hoãn tăng học phí", chị Phạm Bích Hà bày tỏ.
Tương tự, chị Nguyễn Kim Phượng (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) cho biết, năm nay hai con của chị thi chuyển cấp vào lớp 10 và thi đại học nên chi phí cho học thêm cũng tăng đáng kể. Từ khi nghe thông tin về lộ trình tăng học phí, mẹ con chị rất lo lắng bởi nguồn thu của gia đình còn eo hẹp. Nhiều lúc chị còn phải "giật gấu vá vai" vay mượn tiền của họ hàng, người thân để trang trải cho cuộc sống...
Cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, Trường Trung học phổ thông Vân Tảo (huyện Thường Tín) cho biết: "Trước đây, các em chỉ hỏi tôi về nguyện vọng, điểm chuẩn, chỉ tiêu tuyển sinh, ngành, nghề phù hợp... Nhưng nay đã có em hỏi tôi về mức học phí của các trường đại học khiến tôi thấy việc tăng học phí cũng đã tác động tới tâm lý, khiến các em phần nào do dự trước quyết định của mình. Tôi cũng sẽ tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tư vấn cho các em sự lựa chọn phù hợp, bởi việc học là việc lâu dài, tránh trường hợp bỏ dở dang vì tăng học phí".
Tăng học phí phải đi đôi với tăng chất lượng đào tạo
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànôịmới tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngay từ tháng 7-2022, các địa phương đã phổ biến, tuyên truyền tới nhân dân về Nghị định số 81/2021/NĐ-CP cùng các công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2022-2023.
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, UBND quận Nam Từ Liêm đã đề nghị các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, xây dựng mức học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh. Trong đó, các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nghiêm túc thực hiện nguyên tắc xác định học phí và giá các dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý với tỷ lệ tăng hằng năm không quá 15% đối với đào tạo đại học; tỷ lệ tăng không quá 10% đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông... Có chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo; hỗ trợ sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục và đào tạo, các điều kiện bảo đảm chất lượng và thu chi tài chính theo Thông tư số 36/2017/TT-BDGĐT...
Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2022-2023 với các mức từ 5.100.000 đồng/tháng đến 5.700.000 đồng/ tháng tùy cấp học. Tuy nhiên, hiện tại chưa có thông tin chính thức về mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở sẽ tiếp tục tham mưu thành phố ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đồng thời kiến nghị xây dựng mức học phí phù hợp với điều kiện thực tế, duy trì chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn, diện chính sách..., giúp các em học sinh yên tâm học tập.
Việc tăng học phí là tất yếu để phần nào chia sẻ với ngân sách nhà nước đầu tư, chi cho giáo dục và giảm bớt chênh lệch học phí công, tư, khuyến khích trường ngoài công lập phát triển... Nhưng, sau giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, việc điều chỉnh mức tăng học phí cần có lộ trình phù hợp. Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có kiến nghị, đề xuất giữ nguyên mức học phí ở các cấp học như năm 2021-2022 và kiến nghị miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở ngay từ năm học 2022- 2023. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Quy định mới về khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông Cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị sửa đổi Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc; Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT quy định...