Học phí lớp 10 các trường tư thục có tiếng tại Hà Nội
Học sinh lớp 10 trường THPT FPT phải đóng học phí 5 triệu đồng/tháng, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm từ 5,1 đến 12 triệu tùy mô hình lớp học.
Trường THPT FPT
Theo thông báo trên website của trường, năm 2019-2020, trường THPT FPT tuyển 700 chỉ tiêu, trong đó 100 em đạt bốn năm học sinh giỏi bậc THCS được miễn kiểm tra đầu vào.
Học phí lớp 10 của trường FPT là 5 triệu đồng mỗi tháng. Các chi phí khác phải nộp theo tháng, gồm: phí hoạt động ngoại khóa một triệu đồng, phí quản lý nội trú 500.000 đồng, phí phòng ở ký túc xá 900.000 đồng (đã bao gồm điện, nước). Về tiền ăn, học sinh tự túc chi tiêu ăn uống tại căng tin của trường.
Các khoản phí kể trên đóng theo học kỳ (5 tháng/kỳ, một năm có hai kỳ), đã bao gồm toàn bộ chi phí liên quan đến quá trình học tập bắt buộc, như chính khóa, học bổ trợ và nâng cao các môn văn hóa, tiếng Anh, công nghệ thông tin, hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp, lớp học nghệ thuật, thể thao.
Học phí chưa bao gồm các khóa học nâng cao tùy chọn theo nhu cầu học sinh du học, chưa bao gồm bảo hiểm y tế, sách giáo khoa, các chi phí vật dụng cá nhân như đồng phục, võ phục giáo dục thể chất.
Học sinh trường THPT FPT. Ảnh: THPT FPT
Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu
Trường Nguyễn Siêu được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao tuyển 225 chỉ tiêu. Để trúng tuyển, học sinh phải trải qua bài kiểm tra đánh giá năng lực môn Toán, Ngữ văn chương trình Việt Nam. Trường sẽ xét kết quả thi vào 10 trong kỳ thi do Sở tổ chức (nếu còn chỉ tiêu). Ngoài ra, tùy vào mô hình lớp học, học sinh có thể phải tham dự kiểm tra năng lực tiếng Anh.
Học sinh chương trình chất lượng cao phải đóng học phí 4,5 triệu đồng/tháng, chương trình Song ngữ quốc tế Cambridge A Level là 16 triệu mỗi tháng.
Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy
Trường tuyển sinh 700 học sinh, chia thành hai lớp Song ngữ; bốn lớp chuyên Anh; một lớp chuyên Toán; hai lớp chất lượng cao có năng khiếu Nghệ thuật, Thể thao, Công nghệ thông tin; và chín lớp chất lượng cao. Đối tượng tuyển sinh là học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Video đang HOT
Về học phí, lớp song ngữ 1 (có giáo viên chủ nhiệm người nước ngoài) là 12 triệu đồng/tháng, lớp song ngữ 2 là 8 triệu đồng, lớp chuyên Anh/Toán và lớp chất lượng cao có năng khiếu là 5,8 triệu đồng, lớp chất lượng cao là 5,1 triệu đồng. Ngoài ra, học sinh phải nộp tiền ăn bán trú 45.000 đồng một bữa và xe đưa đón nếu đăng ký.
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thông báo lộ trình tăng học phí, mỗi năm tăng một lần. Lớp 11 tăng 400.000 đồng, lớp 12 tăng 500.000 đồng và khối song ngữ mỗi năm tăng 500.000 đồng một tháng.
Trường THPT Đoàn Thị Điểm
Trường tuyển sinh 420-450 học sinh, chia thành 15 lớp, trong đó có sáu lớp học chương trình cơ bản ban D; bốn lớp ban A; hai lớp chuyên Anh (ban D) và một lớp chuyên Toán Anh (ban A); một lớp học chương trình liên kết Singapore và một lớp học chương trình liên kết Mỹ.
Học phí mỗi tháng là 4,5 triệu đồng. Tiền quản lý bán trú là 300.000 đồng, tiền ăn 1,2 triệu mỗi tháng, cơ sở vật chất 1,5 triệu mỗi năm và hoạt động ngoại khóa 1,5 triệu mỗi năm.
Đối với lớp tăng cường Toán và Khoa học bằng tiếng Anh theo chương trình của Singapore, học sinh phải nộp thêm 150 USD/tháng (gần 3,5 triệu đồng); lớp tăng cường theo chương trình của Mỹ nộp thêm 400 USD/tháng (hơn 9 triệu đồng); lớp chuyên Anh theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có thêm ba tiết Anh chuyên, hai tiết IELTS và hai tiết Ngoại ngữ 2) thu thêm 2 triệu mỗi tháng.
Ngoài ra, trường cũng thu một số khoản thu khác nếu học sinh có nhu cầu như xe đưa đón 1,1 triệu đồngtháng, ăn sáng 500.000 đồng/tháng, bảo hiểm, câu lạc bộ năng khiếu sáng thứ bảy và đồng phục.
Trường THPT Lômônôxốp
Trường tuyển chín lớp với 310 học sinh, trong đó có một lớp chất lượng cao chọn Toán; hai lớp chọn Tiếng Anh; hai lớp theo chương trình tăng cường sáu tiết Tiếng Anh học thuật và luyện thi IELTS đi du học; bốn lớp chia theo nguyện vọng thi THPT quốc gia tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Các lớp có bổ trợ hai tiết tiếng Anh/tuần do người nước ngoài dạy. Lớp chọn Tiếng Anh 1 được học Ngoại ngữ 2 (tiếng Đức).
Học phí dành cho khối 10 là 2 triệu đồng một tháng. Với lớp tăng cường sáu tiết tiếng Anh, trường thu thêm 100 USD/tháng (khoảng 2,3 triệu đồng). Các lớp học bổ trợ hai tiết/tuần Tiếng Anh do giáo viên nước ngoài dạy đóng thêm 350.000 đồng/tháng. Lớp học Ngoại ngữ 2 (tiếng Đức) đóng thêm 350.000 đồng/tháng.
Tiền bán trú một tháng là hơn một triệu đồng, bao gồm cả tiền ăn bữa trưa, trang bị và chăm sóc quản lý bán trú. Các khoản đóng góp khác gồm 200.000 mỗi năm tiền hỗ trợ hoạt động Đoàn và các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao; tiền hỗ trợ xây dựng và phát triển trường 2,2 triệu, tiền ôtô đưa đón một triệu đồng mỗi tháng nếu có nhu cầu.
Một số trường có tiếng khác như THPT Lương Thế Vinh, Marie Curie không công bố học phí trên website của trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 cho 94 trường THPT tư thục tuyển mới 21.825 học sinh với 485 lớp. Trong đó, ba trường được giao chỉ tiêu nhiều nhất là THPT Lương Thế Vinh với 585 học sinh, THPT FPT 540 em và THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy 540 em.
Dương Tâm
Theo VNE
So sánh học phí lớp 1 các trường công lập, tư thục và quốc tế
Riêng học phí, học sinh lớp 1 trường công lập phải nộp 1,4 triệu đồng mỗi năm, trong khi có trường quốc tế là 400-500 triệu đồng.
Mỗi tháng, học sinh lớp 1 trường công lập khu vực thành thị Hà Nội trung bình phải nộp hơn một triệu đồng, trong đó học phí là 155.000, tiền ăn 450.000, dịch vụ bán trú 130.000, tiếng Anh tăng cường 150.000, nước 12.000, cuối buổi 180.000 và tiền sữa học đường hơn 50.000 đồng.
Về các khoản phí đầu năm học, phụ huynh thường phải nộp khoảng 3-4 triệu đồng, bao gồm tiền cơ sở vật chất, đồng phục, bảo hiểm và quỹ phụ huynh. Như vậy, nếu tính theo cả năm học (9 tháng), tổng chi phí ở trường công lập cho một học sinh lớp 1 là khoảng 14 triệu đồng.
Cũng với 14 triệu đồng, nếu cho con học ở một trường tiểu học tư thục, phụ huynh chỉ đủ tiền nộp phí ghi danh và chi phí trong 2-3 tháng học.
Chẳng hạn trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi sao Hà Nội, ngay khi muốn xét tuyển vào trường, phụ huynh đã phải nộp khoản phí hồ sơ 300.000 đồng - gấp ba lần học phí một tháng ở trường công lập, phí ghi danh 3 triệu đồng.
Học phí cho học sinh lớp 1 là 3 triệu đồng một tháng, tiền bán trú 500.000 đồng. Tiền ăn sáng, trưa và quà chiều là 70.000 một ngày. Nếu đón con muộn, phụ huynh đóng thêm 200.000 một tháng. Như vậy, tổng số tiền phụ huynh phải nộp cho con trong một tháng khoảng 5,2 triệu đồng. So với mức học sinh trường công lập phải nộp trong một tháng, con số này gấp 5 lần.
Ngoài ra, các trường tư thục thường cung cấp những chương trình bổ trợ, câu lạc bộ năng khiếu. Ví dụ trường Ngôi sao Hà Nội, phí học các môn bổ trợ, nâng cao, Tiếng Anh, thể thao, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kỹ năng sống là 3 triệu đồng mỗi tháng. Phí học chương trình Tiếng Anh liên kết là 1,5 triệu đồng.
Tất cả khoản tiền trên chưa bao gồm xe đưa đón (nếu đăng ký), đồng phục, bảo hiểm. Chỉ tính khoản đồng phục hơn 3,6 triệu đồng, các trường tư thục đã cho thấy khoản thu gấp nhiều lần trường công lập.
Ảnh: ALToday
Với những trường có hệ song ngữ, học phí còn cao hơn rất nhiều do học sinh được học song song chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng chương trình quốc tế.
Ví dụ, chương trình song ngữ quốc tế Cambridge (Cambridge Primary Checkpoint) của trường Tiểu học Nguyễn Siêu có học phí ở mức 8,5 triệu đồng/tháng, tương đương 85 triệu cho năm học 10 tháng. Đó là chưa kể các khoản phí khác như đồng phục, tài liệu, sách học hay tiền ăn uống, bảo hiểm, tham gia các hoạt động giáo dục...
Dù đã cao gấp nhiều lần trường công lập, học phí các trường tư thục vẫn thấp nếu so sánh với nhóm trường quốc tế, đặc biệt là trường quốc tế hoàn toàn, không có hệ song ngữ như trường Quốc tế Anh (BIS), hay Parkcity Hanoi (ISPH).
Trường Quốc tế Việt - Úc (VAS), học phí đối với hệ quốc tế (chương trình Cambridge Primary) là 123,9 triệu đồng mỗi năm (10 tháng) và hệ bán quốc tế là 94,5 triệu đồng.
Ngoài ra, học sinh phải đóng các khoản như phí ghi danh hơn một triệu, phí giữ chỗ 10,5 triệu, quỹ hỗ trợ phát triển trường gần 9,5 triệu, tiền ăn 1,8 triệu mỗi tháng, tiền xe (nếu đăng ký) 2 triệu đồng mỗi tháng. Các khoản này chưa bao gồm đồng phục, sách giáo khoa, đồ dùng học tập...
Với những trường học sinh như được "du học tại chỗ" như trường Quốc tế Parkcity Hanoi - nơi người học được học chương trình giáo dục toàn diện của Vương quốc Anh, định hướng tham dự kỳ thi lấy chứng chỉ Trung học quốc tế (IGCSE) và chứng chỉ Tú tài Anh (A-Level), học phí cao gấp 3-4 lần.
Theo đó, học phí lớp 1 (5 tuổi) nếu đóng nguyên năm là gần 345 triệu đồng và lớp 2 (6 tuổi, tương đương lớp 1 ở các trường công lập và tư thục) là hơn 412 triệu đồng. Ngoài ra, phụ huynh cũng sẽ phải đóng khoản phí ghi danh 37,3 triệu, phí xây dựng trường là 46,6 triệu đồng. Học sinh của trường này còn phải nộp khoản đặt cọc 35 triệu đồng và sẽ mất số tiền này nếu chuyển trường, nghỉ học mà không thông báo trước một kỳ.
Ở trường có học phí cao nhất Hà Nội là Quốc tế Liên Hợp Quốc (UNIS), mức dành cho học sinh lớp 1 lên tới hơn 560 triệu đồng/năm.
Nếu đặt con số học phí một triệu đồng mỗi năm của trường công lập (học phí một tháng là 100.000) bên cạnh con số 412 triệu đồng hay 560 triệu của một trường quốc tế, nhiều phụ huynh phải "giật mình". Tuy nhiên, điều này có thể lý giải khi chương trình học, giáo viên, sĩ số lớp, cơ sở vật chất, môi trường học khác nhau.
Theo báo cáo kết quả công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020 của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn thành phố có 736 trường tiểu học.
Năm học 2018-2019, toàn thành phố có khoảng 180.000 học sinh lớp 1 vào các trường công lập. Trong khi một trường tiểu học tiêu chuẩn mỗi lớp có 35 học sinh thì tại quận Thanh Xuân, sĩ số lớp 1 ở các trường công lập trung bình là 60,7 học sinh/lớp, Cầu Giấy là 59,6, Hà Đông là 52,3. Số học sinh vào các trường ngoài công lập là khoảng 10.000.
Dương Tâm
Theo VNE
Top những trường ĐH có học phí cao nhất Việt Nam, RMIT chắc chắn đứng đầu nhưng trường thứ 2 mới bất ngờ Với mức học phí hàng chục cho đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm như thế này thì không phải ai cũng có thể theo học đâu. Nói về những trường có học phí vào mức đắt đỏ hàng đầu Việt Nam chắc chắn phải nhắc đến Đại học RMIT - trường dành cho con nhà giàu. Theo thông báo công khai trên...