Học phí ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cao nhất lên đến 190 triệu đồng/năm
Những sinh viên đóng học phí muộn mà không có lý do chính đáng sẽ bị khóa tài khoản sinh viên, tài khoản Microsoft Teams, không được ghi nhận kết quả đăng ký các môn học…
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vừa ra thông báo về việc đóng học phí năm học 2022-2023 cho các hệ đào tạo trình độ đại học và sau đại học.
Trong đó, ngành Y Việt – Đức (đối tượng đào tạo dịch vụ) có mức học phí cao nhất là 190 triệu đồng cho 10 tháng đào tạo. Tiếp đến là khối ngành Y đa khoa và khối các ngành cử nhân (đối tượng đào tạo theo địa chỉ) với mức học phí lần lượt là 84,7 triệu đồng và 60,5 triệu đồng.
Đối với sinh viên năm nhất hệ chính quy, mức học phí dao động từ 28 đến 44 triệu đồng. Ngành Răng – Hàm – Mặt và Dược sĩ lấy mức học phí cao nhất trong tất cả ngành, 44 triệu đồng.
Sinh viên hệ chính quy từ năm hai trở lên sẽ đóng mức học phí chung là 24,5 triệu đồng cho 10 tháng đào tạo. Nếu sinh viên thuộc đối tượng chuyển trường hoặc hệ đại học cử tuyển Lào, Campuchia, học phí được tính lần lượt là 55 triệu đồng và 44 triệu đồng.
Hệ đào tạo sau đại học được chia làm hai nhóm và có mức học phí như sau: Chuyên khoa I, Cao học, Bác sĩ nội trú (63 triệu đồng); Chuyên khoa II, Nghiên cứu sinh (84 triệu đồng).
Sinh viên có thể đóng học phí cho ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch theo hình thức chuyển khoản hoặc nộp tiền mặt trực tiếp tại trường.
Video đang HOT
Sinh viên đại học và sau đại học mới trúng tuyển sẽ phải nộp học phí ngay khi làm thủ tục nhập học. Hạn nộp học phí cho sinh viên từ năm 2 trở lên là đến hết ngày 16/11. Sinh viên sau đại học từ năm 2 trở lên phải nộp học phí chậm nhất vào ngày 16/12.
Nếu đóng học phí chậm so với thời hạn quy định, sinh viên sẽ bị khóa tài khoản sinh viên, tài khoản Microsoft Teams, không được ghi nhận kết quả đăng ký các môn học, học phần, cấm thi các môn học, học phần, không được cấp giấy chứng nhận (các thủ tục hành chính). Mọi khiếu nại sẽ không được nhà trường giải quyết.
Sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thể nộp đơn xin miễn, giảm, đóng học phí theo từng kỳ và nộp lên phòng Công tác Sinh viên và trình lãnh đạo xem xét giải quyết.
Nhiều người trẻ Việt chê ngành học này vì lương thấp, nhưng ở Nhật tuyển dụng rất nhiều
Đây là ngành học có nhu cầu nhân lực rất lớn, luôn nằm trong tình trạng thiếu người.
Ngành học tưởng "ế ẩm" nhưng thực chất rất khát nhân lực
Mới đây, tình hình chung tại các trường đào tạo chuyên ngành điều dưỡng ở TP.HCM đều ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh số lượng người đăng ký học ngành điều dưỡng. Tại trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), năm 2021 người đăng ký học điều dưỡng đạt con số 2.300 thì đến năm 2022 chỉ còn 781 người (giảm 66%).
Ngày 30/9, Sở Y tế TP HCM cho biết tình hình đào tạo ngành điều dưỡng tại TP HCM đang ngày càng thấp. Bên cạnh đó, tình trạng điều dưỡng xin nghỉ việc sau đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đến tình trạng thiếu điều dưỡng tại các bệnh viện công lập.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được Sở Y tế nhận định là do đặc thù công việc của điều dưỡng thường vất vả, áp lực cao, môi trường làm việc luôn có nguy cơ lây nhiễm bệnh, trong khi thu nhập thì thấp. Đồng thời, việc học tập nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học của các điều dưỡng trung cấp cũng đang gặp khó khăn theo quy định của Bộ Y tế.
Xét từ khía cạnh đào tạo, do kinh phí đào tạo cho các chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng đều khá cao, chi phí lên tới 35-40 triệu đồng cho mỗi năm học. Tuy vậy, khi ra trường, nhân lực trong ngành điều dưỡng thường gặp công việc vất vả, lương thấp, không có nhiều chế độ ưu đãi nên số lượng người nộp đơn vào các trường đào tạo điều dưỡng ngày càng giảm.
Khi mà số nhân lực được tuyển dụng mới không đủ về số lượng lẫn chất lượng so với những nhân sự đã nghỉ việc thì tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành sẽ còn tiếp tục trầm trọng hơn, theo dự báo của Sở Y tế.
Tuy vậy, điều dưỡng lại là một ngành rất được ưu tiên tại Nhật Bản, do chính phủ có chủ trương mở rộng cho các thực tập sinh nước ngoài, trong đó bao gồm các thực tập sinh đến từ Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yasuhito Hanashi khi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam đã cho biết, điều này không chỉ giải quyết thiếu hụt nhân lực ở Nhật, mà giúp lao động từ các quốc gia khác nâng cao kỹ năng tay nghề.
Thông thường, lương của ứng viên điều dưỡng và hộ lý ở mức 160.000 - 180.000 JPY/tháng (khoảng 26 - 30 triệu đồng/tháng), kèm phụ cấp liên quan.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi Nhật Bản làm việc (EPA) năm 2022 với 240 chỉ tiêu là cơ hội rất tốt cho người trẻ tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, hộ lý. Ứng viên sẽ được đài thọ toàn bộ tiền ăn ở, học tập, vé máy bay khứ hồi, visa sang Nhật, hỗ trợ sinh hoạt phí khi học tiếng Nhật, tham gia khóa đào tạo nâng cao...
Ứng viên hộ lý phải tốt nghiệp cao đẳng hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa, không quá 35 tuổi... Trong khi đó, ứng viên điều dưỡng ngoài các điều kiện trên phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm điều dưỡng (bao gồm thời gian tập sự 9 tháng).
Theo ông Phạm Viết Hương - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, đã có hơn 2.000 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được tuyển chọn từ năm 2012 đến nay, được đào tạo về ngoại ngữ trước khi sang làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, có 1.543 ứng viên đã bắt đầu được làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản.
Để sang Nhật Bản làm ngành chăm sóc người cao tuổi, người lao động phải đạt chứng chỉ trình độ tiếng Nhật tối thiểu ở mức N4. Với chứng chỉ tiếng N4, người lao động có thể nhanh chóng bắt nhịp với công việc và cuộc sống, phát huy chuyên môn của bản thân. Đây là một cơ hội rất tốt để các bạn trẻ được đào tạo bài bản cả về kỹ năng và ngoại ngữ, học hỏi nhiều hơn để có bước đệm trước khi trở về Việt Nam. Khi có kinh nghiệm, người lao động sẽ có thu nhập tốt, công việc ổn định, lâu dài.
Ngành Điều dưỡng học gì?
Điều dưỡng là một chuyên ngành trong hệ thống đào tạo nhân lực y tế; có nhiệm vụ bảo vệ, tối ưu hóa về sức khỏe, dự phòng bệnh và chấn thương; điều dưỡng cũng thực hiện nhiệm vụ xoa dịu nỗi đau qua chẩn đoán và điều trị nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nhu cầu chăm sóc sức khỏe cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Công việc điều dưỡng góp phần tác động tới quá trình điều trị, chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần cho bệnh nhân. Một điều dưỡng chuyên nghiệp đảm bảo kỹ năng chuyên môn và phẩm chất tốt, thực hiện sứ mệnh chăm sóc bảo vệ sức khỏe của mọi người.
Sinh viên tốt nghiệp đảm bảo đạt được chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm cần có, có khả năng thực hiện thành thạo 55 kỹ năng Điều dưỡng cơ bản lâm sàng.
Các môn học sinh viên được trang bị là các kiến thức về Điều dưỡng cơ sở sức khỏe - môi trường và vệ sinh nâng cao sức khỏe, dược lý điều dưỡng, đạo đức điều dưỡng, quản lý điều dưỡng, tổ chức quản lý y tế, sinh lý bệnh miễn dịch, tâm lý học - đạo đức y học, kiểm soát nhiễm khuẩn, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, điều dưỡng nội khoa, ngoại khoa, điều dưỡng tâm thần, hồi sức cấp cứu...
Yoga là môn học bắt buộc trong nhà trường ở bang đông dân nhất Ấn Độ Chính quyền bang Uttar Pradesh - bang đông dân nhất của Ấn Độ với hơn 200 triệu người - chuẩn bị ban hành chính sách phát triển thể thao mà trong đó, Yoga sẽ trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh. Bang Uttar Pradesh của Ấn Độ chuẩn bị ban hành chính sách thể thao mới nhằm mục đích phát...