Học phí đại học: Tăng bao nhiêu là vừa?
Với việc đẩy mạnh tự chủ đại học như hiện nay, việc tăng học phí được coi là khó tránh. Song bao giờ tăng, tăng bao nhiêu thì phù hợp với khả năng chi trả của người dân là câu hỏi đang được quan tâm.
Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.
Chủ trương là tăng
GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho biết theo dõi học phí của các trường năm học 2020 – 2021, thấy nhiều trường công lập chưa tự chủ tăng kịch trần theo Nghị định 86 của Chính phủ. Riêng chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế… cao gấp 2 – 3 lần chương trình đại trà.
Theo lộ trình, các trường ĐH sau khi đủ điều kiện tự chủ sẽ tự xác định mức học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Dự báo học phí ĐH trong thời gian tới có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3 so với hiện nay là xu hướng chung nhưng cần tính đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tức là đi kèm với đó là các chính sách cho vay để học ĐH như nhiều nước đang thực hiện rất thành công. Tuy nhiên, đó là trách nhiệm của Nhà nước, không nên quy định cứng các trường phải dành bao nhiêu phần trăm để hỗ trợ sinh viên vì như vậy là mâu thuẫn với quyền tự chủ của các trường.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM lại cho rằng theo quy định hiện nay các trường phải trích tối thiểu 8% nguồn thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên. Nhưng mức này có thể phải nhiều hơn thì mới công bằng. Ở các trường nước ngoài, có thu vào nhưng có chi ra cho người học. Trường ĐH phải chi một phần lớn để hỗ trợ ngược lại cho người học.
Hiện nay, các trường tự chủ xác định mức thu học phí dựa trên Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT về hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Vừa qua, Bộ GDĐT cũng đã đề xuất từ năm học 2021 – 2022 học phí bậc ĐH tăng 12,5% dù sau đó lại đề xuất giữ nguyên mức học phí hiện hành và tiếp tục tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội, hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ.
Video đang HOT
Như vậy, tăng học phí là chủ trương đã có. Vấn đề chỉ là thời điểm tăng và tăng bao nhiêu.
Tăng học phí phải đi cùng với chất lượng đào tạo.
Theo số liệu do GS.TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế – Luật TP HCM và các cộng sự khảo sát trên 10 trường ĐH tự chủ ở Việt Nam cho thấy học phí chiếm trên 80% tổng thu của các trường. Lộ trình tăng học phí của các trường cũng khác nhau có trường từ 10 – 15%/năm, có trường cao hơn. Mức khởi điểm từ 13 – 14 triệu đồng/năm, hai năm sau tăng khoảng 15 – 17 triệu đồng/năm, tùy vào từng trường.
“Chiến lược tài chính của các trường công tự chủ một mặt phải tăng học phí, mặt khác phải tính đến phát triển bền vững về thu hút sinh viên, không nên tăng quá cao, quá đột ngột mà phải có lộ trình, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn”- GS.TS Nguyễn Thị Cành đề xuất.
GS.TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho rằng, năm học này có trường ĐH tăng mạnh học phí với giải thích là vì ngân sách nhà nước cắt toàn bộ chi thường xuyên. Điều này, không hợp lý khi tất cả gánh nặng dồn lên học phí.
Bởi các trường phải tính đến các nguồn thu khác như tăng cường các nguồn tài trợ của Nhà nước và doanh nghiệp, các hoạt động nghiên cứu và dịch vụ, chuyển giao công nghệ, hoạt động đầu tư…
Băn khoăn chất lượng
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là học phí tăng thì cam kết về chất lượng đào tạo của các trường có tăng? Nhiều trường lý giải trong việc tăng học phí là sẽ có nhiều cải tiến trong chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và trải nghiệm thực tế. Rồi nhà trường sẽ bổ sung vào chương trình đào tạo các nội dung mới, bổ sung các trải nghiệm, dịch vụ tiện ích… nhằm đảm bảo giá trị tăng thêm cho sinh viên và đạt các chuẩn đầu ra theo yêu cầu thị trường…
Thực tế, kết quả kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tại 23 trường ĐH công lập thuộc Bộ GDĐT vừa công bố cho thấy một số bất cập. Đơn cử như trong chương trình liên kết đào tạo tại một số trường ĐH, kiểm toán Nhà nước phát hiện thấy tình trạng liên kết đào tạo với các đối tác trong và ngoài nước trong điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo, chương trình chưa được kiểm định, giáo trình chưa tự xây dựng. Hơn nữa, giảng viên giảng dạy thì không bảo đảm và học viên lại chưa đủ điều kiện đầu vào theo chương trình xây dựng.
Kết quả kiểm toán còn cho thấy nhiều trường chưa thực sự chú trọng công tác đổi mới nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Việc đổi mới chủ yếu điều chỉnh một số tín chỉ môn học phù hợp với thực tế đào tạo, cập nhật đề cương môn học, giảm bớt số tín chỉ các môn học đại cương, tăng tín chỉ tiếng Anh hoặc tăng giảm số tín chỉ các môn học tự chọn. Ngoài ra, một số trường xây dựng chương trình tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế song gặp nhiều trở ngại và không đem lại hiệu quả.
“Nhìn chung công tác kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường chưa được quan tâm đồng đều, đội ngũ cán bộ chuyên trách thiếu, nguồn lực đầu tư hạn chế. Tiến độ triển khai công tác tự đánh giá của một số trường còn chậm, nhiều đơn vị chưa thực hiện. Chủ yếu các trường đang quan tâm đến kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, chưa chú trọng vào chất lượng chương trình đào tạo”- đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Kiến nghị tạm dừng tăng học phí
Kết quả kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tại 23 trường ĐH công lập thuộc Bộ GDĐT vừa công bố cho thấy các đơn vị trực thuộc đang hoạt động dưới nhiều mô hình tổ chức, phương thức quản lý khác nhau, dẫn đến việc thực hiện quản lý tài chính gặp nhiều bất cập.
Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị tạm dừng tăng mức thu học phí cho đến khi ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật làm căn cứ để các trường ĐH công lập xây dựng giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo phù hợp với thu nhập bình quân trên đầu người, để học phí không trở thành gánh nặng của người học, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Tăng học phí, nên theo lộ trình
Ngày 12/11/2020, báo chí, truyền thông đăng tải nội dung đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12,5%; học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021.
Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo lần 2 cho một Nghị định mới, thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Lý giải về điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đề xuất tăng học phí được đưa ra căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%; cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm dao động 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân theo đầu người tăng lên theo các năm.
Hà Nội cam kết chưa tăng giá học phí năm học 2020-2022.
Ngay lập tức, đề xuất này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phần lớn người dân trong xã hội, tạo nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Người dân cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào dự đoán, vào những điều chưa xảy ra là không hợp lý.
Trong lúc đồng bào các tỉnh miền Trung oằn mình vì bão lũ, cả nước vẫn đang phải gồng mình chống dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều doanh nghiệp rơi vào thoi thóp cầm cự, người lao động mất việc tăng, thu nhập giảm đáng kể, ngay cả lộ trình tăng lương cũng phải dừng lại. Vậy mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nói đến chuyện tăng học phí là điều khó có thể được dư luận đồng tình trong bối cảnh hiện nay.
Và vấn đề đáng nói còn ở chỗ, học phí tăng dựa trên chỉ số tiêu dùng chứ không phải vì chất lượng giáo dục. Nếu như chất lượng giáo dục cũng tăng như chỉ số tiêu dùng thì việc tăng học phí là xứng đáng. Nó giống như một nhân viên làm tốt công việc được tăng lương, thăng chức.
Trong tình cảnh này, nếu đề cập đến học phí thì thiết nghĩ bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên để yên hoặc giảm. Ngoài ra, đối với các địa phương gặp khó khăn do bão lũ thì cần phải hỗ trợ thêm để con em học sinh có thể cùng nhau vượt khó.
Không biết có phải vì vấp phải sự phản đối của dư luận hay không mà chỉ ngày hôm sau (13-11-2020), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lập tức có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả cấp học đối với năm học 2021-2022. Nhưng qua giai đoạn khó khăn này, học phí chắc chắn sẽ tăng theo lộ trình.
Mặc dù hoãn việc tăng học phí, nhưng dư âm của sự việc trên vẫn để lại nỗi lo cho các gia đình có con đang theo học. Học phí tăng rồi, liệu chất lượng giáo dục có tăng tương ứng? Nếu như cỗ máy giáo dục nước nhà hiện vẫn còn nhiều bất cập, từ chương trình đến sách giáo khoa, tổ chức thi cử, từ cơ sở vật chất đến con người thì học phí tăng sẽ không thỏa đáng...
Những con số đưa ra trong các văn bản chính thức của ngành Giáo dục hiện nay chủ yếu là dựa vào "con số hành chính tự tạo" trong số kinh phí do Nhà nước cấp. Người dân hiện nay đóng góp bao nhiêu? Vay bao nhiêu tiền của ngân hàng nước ngoài, ai tiêu, và tiêu những khoản gì vẫn là ẩn số lớn và là con số thách thức đối với quốc gia.
Với khung học phí mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, việc đóng 300 nghìn đến cả triệu bạc tiền học một tháng cho con đối với người có thu nhập vài chục triệu một tháng chẳng có ý nghĩa gì mấy. Nhưng với 70 đến 80% số cha, mẹ còn lại thì tiền học cho con vẫn là nỗi lo.
Sau 35 năm đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập sâu rộng, cùng với phát triển kinh tế, khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn, tức là xã hội phân hoá càng ngày càng lớn. Do đó đưa ra bất kỳ tiêu chuẩn gì mà không nghiên cứu cẩn thận đều dễ gây chia rẽ xã hội, nhất là vấn đề liên quan đến học phí, liên quan đến học sinh, đối tượng cần phải được đối xử công bằng và bình đẳng nhất.
Nếu theo xu hướng xem giáo dục như một thứ hàng hóa, dịch vụ thì đòi hỏi phải có những cải cách tổng thể về tài chính và quản trị; trong đó tăng học phí là một biện pháp không thể tránh né, thì đi đôi với đó là việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Còn nếu theo Quan điểm xem giáo dục là một lĩnh vực phúc lợi chung, và thước đo của công bằng xã hội thì cần phải được đối xử thực sự như một quốc sách hàng đầu, phải được đầu tư thích đáng. Điều này cho thấy sự băn khoăn chính đáng về mối quan hệ giữa tăng học phí và nâng cao chất lượng giáo dục là vấn đề cần phải có những chính sách thỏa đáng.
Kinh tế tăng trưởng mà giáo dục không được hưởng lợi, lại còn tăng gánh nặng cho học sinh, phụ huynh? Phải chăng, nên dành thật nhiều phần trong sự tăng trưởng đó đầu tư ngược lại cho giáo dục, giảm, rồi tiến tới miễn học phí cho bậc phổ thông mới là sự tiến bộ của một nền giáo dục hiện đại!
Chi tiết mức học phí đại học dự kiến tăng từ năm 2021 Theo dự thảo đề xuất của Bộ GDĐT, từ năm học 2021-2022, học phí đại học tăng 12,5% so với năm học 2020-2021. Ảnh minh họa Căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm khoảng 4-5%/năm và mức...