Học online có là xu thế ?
Khi học sinh nghỉ học, nhiều trường áp dụng học online trong việc dạy và học. Như vậy, học online có là xu thế sắp tới ở các trường ĐH? Và học ngành CNTT sẽ có cơ hội để phát triển các chương trình học online?
Đại diện các trường ĐH trao đổi về việc học online – Đào Ngọc Thạch
Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Mở TP.HCM, một trường đào tạo chương trình học online từ rất sớm, cho rằng đó là thực tế. Nếu công nghệ đáp ứng được nhu cầu thì học online cũng giống như học chính quy hiện nay. Quan trọng là lúc học, người học có đáp ứng đúng yêu cầu về kế hoạch, chủ động học… hay không?
“Trong hoàn cảnh hiện nay, hình thức học online là giải pháp tích cực. Trong chương trình chính quy, phần học online cũng bổ sung cho học trên lớp, bổ sung tài liệu. Học online là xu thế của thời đại. Nhiều trường cũng giới thiệu chương trình học online. Nhưng cần nỗ lực đổi mới công nghệ, đổi mới bài giảng trong từng môn học. Và người học online cũng cần chủ động, làm chủ vấn đề học tập”, tiến sĩ Trường chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng từ trước tới nay, việc đào tạo online theo hệ thống ít, chỉ là dạy online theo một số học phần tại các trường ĐH. Nhưng hiện nay nguồn học từ dữ liệu mở khá nhiều nên chắc chắn các trường ĐH sẽ sử dụng trong tương lai. Sắp tới Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sẽ áp dụng các nền tảng này để giảng dạy online.
Theo thanhnien
Khi học sinh nghỉ dài
Phụ huynh lo lắng việc con em phải nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19, việc học online từ xa sẽ không thể đảm bảo hiệu quả?
Học online dạy kiến thức mới là không cần thiết!
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới, việc khi nào cho học sinh (HS) đi học lại vẫn còn chưa xác định. Đối phó với tình trạng nghỉ học kéo dài, nhiều trường đã giao bài tập ở nhà cho HS; tổ chức học trực tuyến... Tuy nhiên, sự lúng túng của HS, phụ huynh và nhà trường cũng như chỉ đạo không đồng bộ của Bộ cho thấy một thực tế, ngành giáo dục đang khá thụ động trong việc giáo dục trẻ khi có khủng hoảng, bất ổn xã hội.
Video đang HOT
Học sinh tự học online trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Kim Oanh.
Hiện tại, một số Sở GD-ĐT còn có văn bản hướng dẫn việc học trực tuyến, như yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên. Ngày 18/2, Sở GD-ĐT Ninh Thuận đã có văn bản về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho học sinh học tại nhà trong thời gian nghỉ học phòng, chống bệnh dịch Covid-19.
Trước đó, Sở GD-ĐT Thái Nguyên yêu cầu giáo viên xây dựng nội dung hướng dẫn tự học gồm: phiếu hướng dẫn tự học và bài giảng, video clip... cho HS, đồng thời cung cấp thông tin và giải đáp thắc mắc qua các kênh liên lạc trực tuyến... Dù việc học online được nhiều trường tổ chức nhưng rời rạc, mỗi trường một kiểu không đồng nhất nên khó có chất lượng.
Ngày 16/2, nhiều phụ huynh Trường phổ thông liên cấp Newton (Hà Nội) rất bức xúc khi nhận được thông báo của trường về việc thu thêm tiền học online từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/tháng trong thời gian HS nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19. Phụ huynh cho rằng, đây là khoản thu vô lý khi mà nhà trường không hề trừ khoản học phí của HS trong thời gian các con nghỉ học, đã vậy lại còn thu thêm tiền học online.
Sau đó, cuối giờ chiều ngày 17/2, bà Lê Thị Chính, Hiệu trưởng THCS-THPT Newton lại thông tin lại, Hội đồng quản trị của trường đã họp và quyết định sẽ không thu học phí dạy học online nữa. Trước câu hỏi của phụ huynh về việc những HS không đăng ký học trực tuyến liệu có bị ảnh hưởng đến kiến thức hay kết quả đánh giá sau này không, bà Chính khẳng định: "Sau này nhà trường vẫn tổ chức học bù chương trình cho tất cả học sinh một cách bình thường"...
Hiện nay một số trường đi theo hướng: Một là, dạy trực tuyến bài học mới. Hai là, giao bài tập củng cố kiến thức đã học. Yêu cầu HS gửi bài làm để thầy cô kiểm tra việc thực hiện bài tập, chữa cho HS những lỗi sai. Ba là, tạo video dạy kiến thức mới. Tuy nhiên, theo TS. Lê Thống Nhất cả 3 cách này đều không nên bởi vì: Việc dạy kiến thức mới là không nên vì hầu hết các trường trên cả nước đều nghỉ học, bởi vậy Bộ GD-ĐT sẽ có giải pháp để điều chỉnh về thời gian khung năm học đảm bảo thực hiện nội dung chương trình.
Thực tế, dạy trực tuyến hay dạy qua video chỉ là hỗ trợ cho việc dạy trên lớp chứ không thể thay thế việc dạy trên lớp. Việc củng cố kiến thức qua hình thức gửi mail cũng khá vất vả cho thầy cô soạn đề bài, chấm bài làm. Thậm chí nhiều phụ huynh đã kêu trên mạng xã hội là thầy cô giao nhiều bài tập quá tạo áp lực cho học sinh và cả phụ huynh. Việc này không nên ép về số lần làm bài mà nên để học sinh tự giác, tuỳ theo việc học sinh đã nắm vững kiến thức đến đâu.
"Việc củng cố kiến thức đã học các thầy cô nên tận dụng các trang thi trực tuyến, đã có sẵn kho đề kiểm tra từng phần nội dung kiến thức, hệ thống chấm tự động ngay khi HS làm bài xong và còn chỉ ra những câu học sinh làm sai. Ví dụ như phần Thi trên BigSchool (exam.bigschool.vn) hoàn toàn có thể giúp HS tự kiểm tra đánh giá kiến thức như thế..." - TS. Nhất cho biết.
Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, điều quan trọng là khung năm học phải đồng bộ cả nước, vì thế, việc một số trường dạy online để dạy trước chương trình không giải quyết được vấn đề gì. Thời chiến tranh, nhiều trường đại học còn nghỉ cả một học kỳ, sau đó trường điều chỉnh chương trình học bù bình thường. Cho nên dù có phải nghỉ 1 hay 2 tháng nữa thì trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, ngành giáo dục là phải có khung chương trình đặc biệt cho năm học này. Bởi vậy, phụ huynh không cần lo lắng và các trường cứ yên tâm không phải chạy trước chương trình làm gì cả.
TS. Nhất khuyến cáo: "Khẩu lệnh bây giờ là, không nên dạy online trước chương trình, bởi vì nếu không cẩn thận lại đẩy HS ra quán net rất nguy hiểm trong giai đoạn phòng chống dịch. Bởi vì không phải nhà nào cũng có điều kiện để học trực tuyến. Hơn nữa, dạy trực tuyến không thay thế được việc dạy trên lớp đối với HS phổ thông. Bigschool là trường học trực tuyến hàng đầu nhưng lâu nay giáo dục trực tuyến thực sự chỉ là hỗ trợ nhà trường chứ không thể thay thế được. Vì vậy, việc phụ huynh lo lắng về chất lượng dạy học của các hình thức này là đúng".
Xung quanh việc một số nhà trường, địa phương tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian HS nghỉ học, liệu có được tính là dạy học chính khóa và không phải tổ chức dạy bù nữa hay không? PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định: Bộ khuyến khích việc tổ chức dạy học trực tuyến nhằm củng cố, ôn tập kiến thức, duy trì nền nếp học tập cho HS nhưng không coi đó là thời gian dạy học chính thức. Bộ GD-ĐT chưa có quy định nào cho phép việc dạy học chính khóa ở bậc phổ thông bằng cách trực tuyến, nên chắc chắn sẽ không có hướng dẫn nào về nội dung này.
Cơ hội để rèn luyện kỹ năng bảo vệ bản thân, cộng đồng
Với kinh nghiệm lâu năm dạy trực tuyến và là người sáng lập hệ thống Bigschool (trường học trực tuyến), TS. Lê Thống Nhất cho biết, kịch bản dạy trực tuyến cần làm khác với dạy trực tiếp và đặc biệt khi giáo viên không quan sát được việc HS học. Bài giảng cần phải chia nhỏ từng đoạn, sau mỗi đoạn cần có cách tương tác như là giáo viên đặt câu hỏi để kiểm tra sự tiếp thu của HS, căn cứ vào kết quả của việc này để HS học tiếp phân đoạn sau.
Muốn làm việc này cần có phần mềm đã tạo sẵn hình thức này, nếu chưa có phần mềm hỗ trợ thì giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn để tạo hiệu quả cho bài giảng. BigSchool (https://class.bigschool.vn/) đã có sẵn hệ thống hỗ trợ để giáo viên làm việc này. Trên BigSchool có rất nhiều bài giảng của nhiều thầy cô trên cả nước mà HS có thể vào học ngay. Tuy nhiên cũng nhắc lại: việc học trực tuyến khó đạt hiệu quả như học trên lớp...
"Theo tôi giai đoạn này là cơ hội để phụ huynh gần con em mình và điều quan trọng lúc này là HS nên tạo thói quen đọc sách, tất nhiên phụ huynh phải hướng dẫn con nên đọc những loại sách nào (có thể trao đổi để hỏi ý kiến những người có kinh nghiệm về việc này). Ngoài ra nhân dịp này phụ huynh nên rèn luyện con em mình về kỹ năng sống. Từ những việc giúp đỡ gia đình đến những kỹ năng thoát hiểm, bảo vệ và tự phục vụ bản thân, những kiến thức về phòng chống dịch bệnh. Chúng ta biến hoàn cảnh bất thường này thành cơ hội dạy những kiến thức về xã hội, về tình người" - TS. Nhất chia sẻ.
Bộ cần có kịch bản dài hơi hơn, tránh bị động...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, Bộ GD-ĐT cũng đã có các kịch bản ứng phó với tình hình dịch, trong đó có việc lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung, đặc biệt là sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi trong việc giãn khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học (nếu cần thiết).
"Việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ gây một số khó khăn cho ngành và các địa phương, tuy nhiên qua phân tích vẫn có thể khắc phục được bằng các giải pháp quản lý phù hợp của từng nhà trường, tại từng địa phương. Việc phòng, chống dịch bệnh dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Vì vậy, các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn, an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của HS, giáo viên là trên hết" - Bộ trưởng khẳng định.
Nhiều ý kiến lo ngại, việc nghỉ dài ngày sẽ dẫn đến kỳ thi THPT Quốc gia hoặc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay phải lùi so với dự kiến, ông Xuân Thành, Vụ phó Vụ GD Trung học cho biết: Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn tổ chức kỳ THPT Quốc gia 2020 và chưa ấn định thời gian.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình HS nghỉ như hiện nay, Bộ sẽ có quy định, hướng dẫn phù hợp, tương ứng với việc lùi thời điểm kết thúc năm học. Việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ kéo theo việc thay đổi thời điểm xét tốt nghiệp cho HS tiểu học và THCS (quy định hiện hành là 15/6); việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT (quy định chậm nhất là 31/7)... Như vậy, nếu lùi thời điểm kết thúc năm học, các thời điểm này cũng phải điều chỉnh, nhưng vẫn phải đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến năm học tiếp theo.
Trong quyết định về khung kế hoạch năm học thì địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, thời gian nghỉ học của địa phương mình để xây dựng kế hoạch dạy học bù. Chính vì vậy, với những địa phương đi học sớm - muộn khác nhau thì hoàn toàn có thể áp dụng theo khung kế hoạch thời gian năm học mà Bộ đã ban hành. Tuy nhiên, cố gắng để không làm ảnh hưởng lớn tới kế hoạch của năm tiếp theo, kế hoạch tuyển sinh ĐH...
Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngành giáo dục nên có những kịch bản, biện pháp không chỉ đảm bảo an toàn, sức khỏe cho HS, giáo viên mà còn cần những kịch bản cụ thể, chủ động ứng phó, đảm bảo việc dạy và học được duy trì có chất lượng, không bỏ "trắng trận địa" giáo dục thời gian dài như hiện giờ./.
Phụ huynh P.M, Trường THPT Phan Thành Tài (Đà Nẵng):
Năm nay con học lớp 12 nên tôi rất lo lắng khi con nghỉ học trong thời gian dài. Dù ngành giáo dục chỉ đạo triển khai học tập bằng nhiều hình thức học online nhưng đây chỉ là cách thức tạm thời trong lúc này, chứ dạy trực tuyến không thể thay dạy chính khóa. Hy vọng dịch bệnh nhanh chóng qua đi, các con sớm đến trường, dù sao cô giảng bài trực tiếp cũng dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn. Bộ GD-ĐT cần chủ động hơn và sớm công bố việc điều chỉnh phương án thi để học sinh, phụ huynh đỡ lo lắng.
TS. Lê Thống Nhất, người sáng lập Bigschool:
Việc dạy trước chương trình hiện nay là hiện tượng lẻ tẻ, tuy nhiên việc quản lý việc dạy học cần đồng bộ từ Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT và nhà trường. Giải pháp nào nhà trường cũng cần tuân theo sự chỉ đạo của đơn vị quản lý trực tiếp. Bởi việc dạy trực tuyến khó thay thế việc dạy trực tiếp trên lớp nên theo tôi các thầy cô dù đã dạy trực tuyến cũng nên củng cố lại những kiến thức đã dạy.
Thầy Trần Văn Huy, GV đồng thời là quản trị công nghệ thông tin của Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội):
Việc học online chỉ thực sự tốt khi có ứng dụng hệ thống tương tác online và kiểm tra, đánh giá online. Điều này có nghĩa không phải "giao việc một chiều", cập nhật bài giảng điện tử một chiều, mà cần tương tác thầy trò.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ GD Trung học, Bộ GD-ĐT :
Trong thời gian cho HS tạm nghỉ học, Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa GV (nhất là GV chủ nhiệm) với HS để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn HS tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; khuyến khích GV giao cho HS các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức.
Theo Thành Thu/Báo TNVN/VOV
Điều chưa biết về cô học trò nhỏ 'gặt hái' nhiều huy chương vàng Mới là học sinh lớp 2 nhưng Nguyễn Phương Thảo đã giành được rất nhiều tấm huy chương vàng và được đánh giá là cô bé vàng trong 'làng giành huy chương'. Những ngày này, khi học sinh cả nước vẫn đang học online ở nhà để phòng chống dịch Covid - 19 thì tin vui đến với cô học trò nhỏ nhắn,...