Học nghề theo chương trình quốc tế
Nhiều trường nghề trong cả nước đã triển khai những chương trình liên kết quốc tế để nâng chất lượng đào tạo cho người học.
Đào tạo kỹ thuật viên cơ khí xây dựng theo tiêu chuẩn Đức tại Trường CĐ công nghệ quốc tế Lilama 2 – Ảnh: L.M.
Nhiều năm nay, Trường CĐ công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai) triển khai các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài.
Tiêu chuẩn Đức, Pháp, Anh…
Chương trình tiêu chuẩn của Đức gồm bảy nghề: cắt gọt kim loại, cơ điện tử, điện tử công nghiệp, cơ khí xây dựng, hàn, chế tạo thiết bị cơ khí và lắp đặt thiết bị cơ khí. Ba nghề theo chuẩn Pháp là hàn, lắp đặt viễn thông và truyền dẫn quang. Ba nghề chuẩn của Anh là hàn, kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật điện.
Ngoài ra, trường còn chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ để mở những khóa đào tạo nghề cấp các chứng chỉ hàn quốc tế.
Theo ThS Nguyễn Khánh Cường – hiệu trưởng Trường CĐ công nghệ quốc tế Lilama 2, sinh viên tham gia những chương trình này tiếp cận được các kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn toàn cầu, bằng được nhiều quốc gia công nhận và có cơ hội xuất ngoại làm việc với mức lương hấp dẫn. Điển hình với Đức, sinh viên tốt nghiệp và đạt chuẩn tiếng Đức B1 là đủ điều kiện ban đầu xin visa sang làm việc.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải – hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM) – cho biết cuối tháng 6 vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã cho phép trường liên kết đào tạo nghề điều dưỡng với Tập đoàn Knappschaft (Đức). Theo đó, sinh viên học 1 năm các kiến thức điều dưỡng tại Việt Nam kèm 1 năm lấy bằng tiếng Đức trình độ B1, rồi sang Đức vừa học vừa làm cho Knappschaft trong 2 năm.
Thời gian ở Đức, sinh viên không tốn tiền học, sinh hoạt phí, ngược lại được nhận lương 1.500-2.400 euro/tháng kèm nhiều quyền lợi khác. Tốt nghiệp xong, sinh viên có hai tấm bằng điều dưỡng của Trường CĐ Viễn Đông và bằng chuẩn Đức.
Video đang HOT
“Ngoài Knappschaft, một số tổ chức khác cũng đang đặt hàng chúng tôi cung cấp sinh viên điều dưỡng sang Đức. Chúng tôi đang chạy hết công suất đào tạo sinh viên” – ông Hải nói.
Ngoài liên kết với Đức, Trường CĐ Viễn Đông cũng có nhiều chương trình chuyển giao tiêu chuẩn quốc tế khác như liên kết với ĐH Silliman (Philippines) đào tạo nghề điều dưỡng, Trường CĐ Công nghệ ôtô Nakanihon (Nhật) cung ứng lao động ngành công nghệ ôtô…
Các chương trình quốc tế đòi hỏi sinh viên nỗ lực học tập và thực hành rất nhiều để thuần thục ngoại ngữ, nắm vững kỹ năng, tay nghề ở Việt Nam trước khi đủ chuẩn ra nước ngoài.
ThS Nguyễn Khánh Cường (hiệu trưởng Trường CĐ công nghệ quốc tế Lilama 2)
Mô hình KOSEN
Hiện nay, một số trường đang học mô hình KOSEN của Nhật để đào tạo hệ 9 (sau THCS). Điển hình là ba trường: CĐ Công nghiệp và thương mại, CĐ kỹ thuật Cao Thắng và CĐ Công nghiệp Huế đang tham gia dự án hợp tác giữa Bộ Công thương và Học viện Công nghệ quốc gia Nhật Bản (KOSEN). Từ cuối năm 2018 đến 2025, dự án sẽ giới thiệu chương trình “Mô hình KOSEN” tới các tổ chức, cơ sở đào tạo trong nước.
Ở Nhật, KOSEN quy tụ nhiều trường nghề tham gia tuyển sinh các bạn trẻ vừa hoàn thành chương trình lớp 9 và có nguyện vọng rẽ hướng học nghề. Tại đây, các bạn vừa được học văn hóa vừa học nghề để có bằng CĐ sau 3 năm hoặc bằng kỹ sư ĐH sau 5 năm. Trong 3-5 năm, các bạn được học tập và đào tạo tập trung nghiêm khắc, trải qua từ kiến thức cơ bản đến thực hành theo tiêu chuẩn doanh nghiệp.
ThS Trương Quang Trung – phó hiệu trưởng Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) – cho biết mô hình KOSEN được nhiều trường nghề trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên khi về Việt Nam, KOSEN không được trường “bê” hoàn toàn mà chắt lọc học hỏi những cái hay.
Chẳng hạn trường học hỏi phương pháp đào tạo sinh viên theo tiêu chuẩn 5S. 5S gồm: Seiri (sàng lọc – loại bỏ những thứ không cần thiết); Seiton (sắp xếp – giúp mọi thứ trật tự); Seiso (sạch sẽ – vệ sinh nơi làm việc); Seiketsu (săn sóc – xây dựng tiêu chuẩn cao); Shitsuke (sẵn sàng – tạo thành thói quen).
Bên cạnh đó, trường chuyển sang cho sinh viên thực hiện những dự án mang tính kế thừa. Học kỳ đầu, sinh viên làm một đồ án nhỏ thuộc dự án lớn, học kỳ hai tiếp tục đồ án tiếp theo cũng thuộc dự án đó. Cứ thế đến khi tốt nghiệp, học sinh có một dự án lớn hoàn chỉnh.
22 nghề trọng điểm quốc tế
Từ năm 2019, theo kế hoạch thí điểm nghề trọng điểm quốc tế của Bộ LĐ-TB&XH, 22 nghề đào tạo theo tiêu chuẩn Đức được triển khai tại 45 trường CĐ trong cả nước với tổng số 1.056 sinh viên. Sinh viên được tăng thời lượng học ngoại ngữ (540-600 giờ) để đảm bảo trình độ tiếng Đức đạt B1 hoặc tương đương.
ThS Nguyễn Khánh Cường nói do những tiêu chuẩn khắt khe, mỗi năm Trường CĐ công nghệ quốc tế Lilama 2 tuyển chưa đến 400 sinh viên cho tất cả chương trình quốc tế, trong đó một lớp chỉ khoảng 16 sinh viên. Với số lượng ít, sinh viên được giảng viên, chuyên gia dồn sức nâng cao kiến thức và kỹ năng. Sinh viên buộc phải thể hiện tốt không những trên giảng đường mà còn trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp.
Tương tự, ThS Đồng Văn Ngọc – hiệu trưởng Trường CĐ Nghề cơ điện Hà Nội – chia sẻ trong đợt nhập học đầu tháng 9 mới đây, những suất vào chương trình quốc tế ở trường gần như hết sạch. Ông Ngọc cho biết sinh viên muốn vào các chương trình mang tính quốc tế ở trường đều phải qua các bài kiểm tra đầu vào về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nhằm xem sinh viên có đủ đam mê và năng lực hay không. Nếu không, trường sẽ khuyên tân sinh viên chuyển sang các chương trình khác.
“Các trường nước ngoài thường xuyên cử chuyên gia nhiều kinh nghiệm sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn đào tạo cũng như cấp bằng. Việc thi cử cũng được thực hiện theo nhiều quy định khắt khe. Do vậy nếu không đủ đam mê và nỗ lực, các bạn rất khó đi hết con đường” – ông Ngọc nói.
Rào cản ngoại ngữ
TS Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh trở ngại hàng đầu mà sinh viên phải đương đầu là rào cản ngoại ngữ, đặc biệt khi phải chinh phục một thứ tiếng mới như Nhật hay Đức. Nếu toàn tâm, sinh viên có thể đạt chuẩn N1 tiếng Nhật và B1 tiếng Đức trong 12 tháng. Những bạn học nhanh có thể đạt chuẩn trong 10 tháng. Ngược lại, cũng không ít bạn chật vật 18 tháng chưa xong.
Chàng trai từ trường nghề bước ra thế giới
Là một trong 3 thí sinh giành giải cao nhất vòng chung kết quốc gia cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới 2020, Bùi Đình Duy sẽ tham gia tranh tài tại vòng chung kết thế giới ở Mỹ vào tháng 8 năm sau.
Bùi Đình Duy mong đưa sản phẩm Việt ra thế giới thông qua các thiết kế truyền thông - ẢNH: MINH ĐỨC
"Chiến thuật" giành chiến thắng
Vòng chung kết quốc gia cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới 2020 (ACAWC) diễn ra cuối tháng 7, được phối hợp tổ chức bởi T.Ư Đoàn và Bộ LĐ-TB-XH, có sự tranh tài của 154 thí sinh được tuyển chọn từ các đội tuyển của gần 30 trường ĐH, CĐ và THPT trên toàn quốc.
Bùi Đình Duy (21 tuổi), sinh viên Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, đã giành giải nhất bảng B và được tham dự vòng chung kết thế giới tổ chức vào tháng 8.2021 tại Florida, Mỹ. ACAWC có quy mô toàn cầu, được tổ chức thường niên bởi một tập đoàn của Mỹ từ năm 2013, thu hút hàng trăm ngàn thí sinh của gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với mục tiêu tìm ra những chuyên gia thiết kế hàng đầu sử dụng các phần mềm như Adobe Photoshop, Adobe Illustrator và Adobe Indesign.
Chia sẻ về chiến thắng này, Bùi Đình Duy cho biết: "Đề bài yêu cầu thiết kế sản phẩm để quảng bá cho một kỳ thi về tiếng Anh. Em đã dành tới... 4 tiếng để đọc đề. Trong thời gian này, em nắm bắt kỹ yêu cầu, tư duy, hình thành ý tưởng và bắt tay vào thiết kế trong vòng 2 tiếng thì xong. Em làm theo cách làm dàn bài ngữ văn, tóm tắt rồi tìm ý chính, sau đó thiết kế sẽ nhanh hơn. Có được phương pháp này là do em rèn luyện rất nhiều trong thời gian thực tập năm cuối".
Duy kể hằng ngày trên đường đi, rất hay để ý các bảng quảng cáo hai bên đường, nắm bắt được một số mẫu thiết kế thường thấy ở các trung tâm dạy tiếng Anh. Từ đó, bài thi của Duy hoàn thiện theo các tiêu chí như bố cục hợp lý, màu sắc phù hợp, nhưng vẫn phải ấn tượng để thu hút, nội dung đầy đủ để chuyển tải thông điệp. Duy cũng từng cộng tác với nhiều dự án ở các hội chợ và xúc tiến thương mại Á châu, thiết kế hình ảnh triển lãm... nên có vẻ chiến thắng này nằm trong tầm tay.
Đúng hay sai đều là trải nghiệm quý giá
Những tưởng chàng trai đam mê đồ họa này ngay sau khi tốt nghiệp THPT đã lựa chọn thiết kế đồ họa làm ngành học cho mình, nhưng Duy bật mí từng trượt cả 6 nguyện vọng ĐH cách đây 3 năm. Lúc đó Duy không tự định hướng được cho mình nên chọn khối thi không phải sở trường để đăng ký vào các ngành thuộc nhóm khoa học xã hội.
"Sau khi trượt ĐH, em và bạn tìm hiểu ngành thiết kế đồ họa và nộp hồ sơ vào Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội. Càng học em càng phát hiện ra đây chính là sở trường của mình, nó đã nhen nhóm từ những năm tiểu học mà trước đó em không nhận thức được một cách đầy đủ", Duy chia sẻ.
Duy kể từ hồi tiểu học rất mê vẽ và được ông nội dạy vẽ động vật, phong cảnh đồng quê. "Thế mạnh của em là vẽ, vậy mà em lại không nhận ra để xét tuyển vào một ngành liên quan đến thiết kế hay mỹ thuật. Tuy nhiên, em không bao giờ hối tiếc. Tất cả những sự lựa chọn dù đúng hay sai sẽ đều cho mình một trải nghiệm quý giá, để nếu lỡ sai thì sau đó mình sẽ càng biết như thế nào để đúng hơn. Học ĐH cũng tốt, mà học CĐ cũng không tệ, tất cả đều nằm ở chính người học chứ không phải là bậc học nào", Duy thổ lộ.
Hiện Duy vừa tốt nghiệp CĐ được 2 tuần. Trong quá trình chờ đợi tham gia vòng chung kết thế giới, Duy sẽ đi làm và tự học thêm tiếng Anh vì theo Duy nghề này mà thiếu tiếng Anh thì khó tiếp cận các thiết kế từ các quốc gia khác, chưa nói đến có bắt kịp xu hướng hay không.
"Em sẽ thiết kế một hồ sơ thật ấn tượng với các danh mục theo phong cách của mình, trưng bày các dự án em đã thực hiện để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Khi đi làm rồi thì em sẽ quyết tâm với nghề mình chọn. Đối với em, thành tựu hay đỉnh cao mà em mong muốn đạt được không có gì ghê gớm. Chỉ là làm sao để mỗi sản phẩm của mình truyền tải được thông điệp thông qua hình ảnh và thu hút được người khác thì đó chính là đỉnh cao rồi".
Muốn làm nghề tốt cần kỹ năng, thái độ tốt Đây là một trong những nội dung được đại diện các doanh nghiệp, các trường cao đẳng trao đổi sôi nổi trong tọa đàm 'Chọn trường nghề cho lối vào đời' do báo Tuổi Trẻ và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức sáng 25-8. Các khách mời tham gia buổi tọa đàm sáng 25-8 tại tòa soạn báo Tuổi...