Học ngành PR có dễ xin việc?
Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Đình Thành, sinh viên học ngành Quan hệ Công chúng (PR) có nhiều cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.
- Bạn Hải Anh hỏi: Em muốn tìm hiểu ngành Quan hệ Công chúng nhưng không hiểu sinh viên ra trường làm công việc gì và ở đâu. Nếu muốn học PR, em có thể đăng ký vào trường nào?
Trả lời:
Những năm gần đây, PR trở thành khái niệm quen thuộc khi hầu hết doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đều cần đội ngũ chuyên viên để kết nối với khách hàng.
Ở nước ta, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) là hai trường có bề dày trong đào tạo ngành Quan hệ công chúng với điểm chuẩn khá cao.
Video đang HOT
Học viện Báo chí và Tuyên truyền lấy 29 và 29,5 điểm cho các khối khác nhau (tiếng Anh nhân hệ số 2) năm 2015 và 30, 30,5 điểm vào năm 2016. Trong khi đó, điểm chuẩn ngành này năm 2015, 2016 của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn lần lượt là 97 và 89 (thi theo hình thức đánh giá năng lực).
Ngoài ra, thí sinh muốn theo học ngành PR cũng có thể đăng ký xét tuyển vào ĐH Đại Nam. Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào ngành là 15.
Đại học Kinh tế – Tài chính TP. HCM cũng bắt đầu đào tạo Quan hệ Công chúng từ năm 2016 với điểm chuẩn là 16.
Về triển vọng nghề nghiệp, tại buổi tọa đàm hướng nghiệp cho sinh viên do ĐH Đại Nam (Hà Nội) tổ chức, ông Nguyễn Đình Thành – Giám đốc PR chiến lược của Công ty Truyền thông LeBros – cho biết các doanh nghiệp đang thiếu lượng lớn người làm PR.
Trước nay, nhiều người nghĩ quan hệ công chúng chỉ cần thiết đối với các doanh nghiệp. Trên thực tế, các hoạt động văn hóa, xã hội hay các bộ, ban, ngành đều cần đến nhân viên truyền thông chuyên nghiệp.
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Quan hệ Công chúng cũng có thể làm việc tại các tòa soạn báo chí, đài phát thanh, truyền hình và các cơ quan, đơn vị có liên quan chuyên môn ngành PR, truyền thông.
Với thị trường lao động rộng lớn như vậy, sinh viên có nhiều lựa chọn để theo đuổi môi trường làm việc, cũng như lĩnh vực ưa thích, phù hợp năng lực. Ông Thành cho rằng sinh viên ngành này có nhiều cơ hội việc làm.
Theo bà Lê Thị Nhã, Trưởng Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, ĐH Đại Nam, năm 2017, 100% cựu sinh viên khóa 5 và 6 của khoa có việc làm. Hầu hết họ làm việc đúng chuyên ngành.
Ông Nguyễn Đình Thành lưu ý thêm thị trường thiếu người làm truyền thông không đảm bảo việc tất cả sinh viên đều tìm được việc làm nếu họ không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Ông đánh giá nhiều người vẫn thiếu kỹ năng viết bài, tương tác trên mạng xã hội, yếu ngoại ngữ và khả năng thuyết trình.
Theo ông, khi đã chọn theo ngành PR, sinh viên cần có ý thức học hỏi không ngừng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết đồng thời có thái độ nghiêm túc đối với công việc.
“Ngoài ra, họ nhất định phải thích giao tiếp với người khác dù bản thân không hoạt ngôn”, ông nói thêm.
Ngành này cũng yêu cầu người lao động phải có vốn kiến thức xã hội phong phú, biết quan sát, phán đoán, xử lý tình huống nhanh nhạy, có kiến thức ngoại ngữ, tin học, năng động, sáng tạo.
Vì thế, nếu là người thích giao tiếp và ham học hỏi, bạn có thể căn cứ điểm chuẩn năm ngoái, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trên, đồng thời tìm hiểu thêm thông tin để đưa ra lựa chọn chính xác.
Theo Zing