Học đại học 3,5 năm, cô gái xinh đẹp trở thành thủ khoa trường Kinh tế Quốc dân
Hoàn thành chương trình đại học trong 3,5 năm, cô gái xinh đẹp Lê Thùy Dung được nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 4/2019.
Tháng 10/2019, Lê Thùy Dung (1997, quê Nam Định) bất ngờ khi được đại diện cho 86 sinh viên thủ khoa xuất sắc lên phát biểu cảm nghĩ.
Là sinh viên khóa 57 của Đại học Kinh tế Quốc dân, Lê Thùy Dung không chỉ là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Luật kinh doanh quốc tế, cô còn là Á khoa toàn khóa 57 với điểm trung bình 9,01. Hoàn thành chương trình học tập của 4 năm trong 3,5 năm, Dung được nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 4/2019.
Sinh ra trong gia đình có bố làm việc trong Quân chủng Phòng không – Không quân, mẹ là nhân viên công ty tổ chức sự kiện, triển lãm, cuộc sống của gia đình Dung cũng khá eo hẹp. Khi Dung mới 2 tháng tuổi cũng là lúc bố nhận quyết định điều chuyển công tác về Hải Phòng 10 năm, mỗi năm chỉ có thể về thăm nhà 2-3 lần. Mọi công việc của gia đình đều do mẹ gánh vác.
Học cách tự lập khi mới lên 5
Để có thêm tiền trang trải cuộc sống, ban ngày mẹ của Dung đi làm ở công ty du lịch, tối đến lại làm thêm bấm huyệt, châm cứu. Không có họ hàng thân thích ở Hà Nội, mẹ lại đi làm từ sáng tới tối muộn mới về, cô bé 5 tuổi hồi ấy phải tự mình chăm sóc bản thân.
“Mẹ đổ sẵn gạo để trưa em tự nấu cơm ăn, em tự làm việc nhà như rửa bát, quét nhà… Đến mức các cô bác hàng xóm khi ấy còn phải ngưỡng mộ vì không nghĩ một đứa trẻ 5 tuổi có thể tự làm nhiều việc đến vậy“, Dung nói.
Chân dung nữ thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Luật kinh doanh quốc tế, Á khoa toàn khóa 57 Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2019. (Ảnh: NVCC)
Lên 6 tuổi, mẹ Dung làm công ty du lịch ở phố Tô Tịch, mẹ cho Dung theo học một trường tiểu học gần đấy, một ngôi trường nhỏ trên phố Hàng Chỉ. Sáng mẹ đưa đi học, chiều tan học mẹ đón về, rồi hai mẹ con đèo nhau trên chiếc xe đạp đến nhà những người cần bấm huyệt. Khi mẹ làm việc, Dung lấy sách vở ra học bài, đến khoảng 10 giờ tối hai mẹ con mới trở về nhà.
Dung nhớ hồi ấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, các bạn được bố mẹ mua bim bim có phiếu tích điểm. Dung không có tiền mua nên xin các bạn phiếu tích điểm đó để dành 2-3 tháng đổi được một gói.
Lên cấp 2, Dung theo học trường THCS Nhật Tân. Dù điểm tổng kết cao nhưng Dung vẫn bị mọi người dè bỉu vì chỉ học ở trường làng. “Nhiều người thường nói với mẹ em: “9 phẩy ở trường thường thì cũng chỉ bằng 7 phẩy ở trường chuyên thôi”. Khi nghe được điều ấy, em cũng buồn lắm, nhưng được mẹ động viên, em lấy đó làm động lực để mình cố gắng hơn. Sau này mỗi khi có chuyện buồn, em thường tâm sự và xin lời khuyên từ mẹ”, Dung cho hay.
Khoảng thời gian tuổi thơ 10 năm cha vắng nhà, mẹ lo làm việc nên cô bé phải tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Có lẽ vì thế mà 9x luôn vạch ra cho mình kế hoạch chi tiêu hợp lý, tự chủ về tài chính, không phụ thuộc vào gia đình từ sớm.
Lê Thùy Dung trở thành gia sư môn Văn và mở lớp dạy tiếng Anh khi mới là sinh viên đại học.
Video đang HOT
Khi bước vào giảng đường đại học, ngoài giờ học, Dung làm gia sư vì được nhiều nơi mời dạy kèm. Bởi họ biết em là học sinh chuyên Văn của trường THPT Chu Văn An Hà Nội, lại đạt giải Nhất môn Văn TP Hà Nội, huy chương Bạc trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ.
Nhận thấy tầm quan trọng của ngoại ngữ, với kiến thức tiếng Anh tốt, Dung còn tự mở lớp dạy ngôn ngữ này.
Số tiền kiếm được từ công việc dạy thêm, Dung dành trang trải học phí. Trong suốt những năm học đại học, Dung luôn cố gắng học tập và tham gia các hoạt động. Cô gái 9x liên tục trở thành cái tên sáng giá trong mỗi kỳ nhận học bổng.
Bí quyết học tập “bất bại”
Khi chọn trường đại học, bố mẹ Dung đưa ra hai phương án, bố thì muốn theo vào quân đội, còn mẹ mong em học sư phạm và trở thành giáo viên. Cuối cùng em lựa chọn ngành Luật kinh doanh quốc tế của Đại học Kinh tế Quốc dân. Bố mẹ tôn trọng ý kiến này.
Thời gian học đại học, buổi sáng Dung học trên lớp, chiều tham gia các hoạt động ở trường, câu lạc bộ; đến tối em đi dạy và hoàn thành các bài tập của mình vào tối muộn.
Chia sẻ về phương pháp học, Dung cho biết: “Ở đại học quan trọng nhất là khả năng tự học. Em thường nghiên cứu bài trước ở nhà, đánh dấu là những phần chưa hiểu, đến lớp hỏi thầy cô rõ hơn. Trên lớp em luôn tập trung tối đa để nắm bắt được kiến thức luôn. Vì thế khi thi cuối kỳ em không phải học dồn, nên không vất vả lắm”.
Là sinh viên có thành tích học tập tốt, tham gia hoạt động năng nổ, 4 năm đại học Dung được các bạn sinh viên tin tưởng và bầu chọn làm lớp trưởng. “Cán bộ lớp rất quan trọng, là cầu nối giữa thầy cô với các bạn sinh viên trong lớp. Khi tiếng nói của thầy cô trên khoa với các bạn ở lớp không đồng nhất, một lớp trưởng cần phải khéo léo để dung hòa các ý kiến”, Dung nói.
Lê Thùy Dung trong đêm vinh danh 86 thủ khoa của thành phố Hà Nội. Dung bất ngờ khi được đại diện cho 86 sinh viên thủ khoa xuất sắc lên phát biểu cảm nghĩ.
Thời gian học năm 4 đại học, Dung đã là chuyên viên tại ngân hàng VP Bank với mức lương khá cao. Tuy nhiên mong muốn của Dung vẫn là trở thành một luật sư trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, đúng chuyên ngành mà cô theo học.
Hiện Dung theo học lớp Luật sư của Học viện Tư pháp. Cô chia sẻ mong muốn sau khi hoàn thành khóa học này, em có thể xin vào công ty luật, làm việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài về lĩnh vực kinh doanh thương mại để có thể phát triển nghề nghiệp luật sư của mình.
Theo VTC
Mảnh vườn ông bà ngoại nuôi dưỡng ước mơ của nữ thủ khoa Học viện Nông nghiệp
"Khi còn học cấp ba, chứng kiến cảnh người nông dân phải vất vả sớm hôm, xót xa khi công sức sau mỗi vụ thu hoạch lại gặp tình cảnh "được mùa mất giá", mình đã nuôi dưỡng ước mơ được theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với mong muốn giúp đỡ người nông dân thoát khỏi tình cảnh ấy", Ngọc Thảo chia sẻ.
Nỗi niềm trăn trở tìm đầu ra cho nông sản Việt
Nguyễn Ngọc Thảo (sinh năm 1997) sinh ra và lớn lên tại làng gốm cổ truyền Bát Tràng, Hà Nội.
Từ nhỏ do bố mẹ thường đi làm xa để trang trải cuộc sống mưu sinh, Thảo chủ yếu sống cùng với ông bà ngoại. Nhà ông bà ngày đó có một mảnh vườn nhỏ nên từ bé, Thảo đã được bà chỉ dạy và đã nuôi dưỡng ước mơ từ chính mảnh đất này.
Ngọc Thảo
Dù không có điều điều kiện được tiếp xúc nhiều với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhưng trong suy nghĩ của cô học sinh cấp 3 Ngọc Thảo khi đó đã sớm ấp ủ mong muốn sẽ phải làm gì đó cho nông sản Việt. Thảo bắt đầu tìm hiểu trường, ngành và nhận được lời tư vấn từ các thầy cô.
"Những năm phổ thông, chứng kiến cảnh người nông dân phải vất vả sớm hôm, xót xa khi công sức của họ sau mỗi vụ thu hoạch lại gặp phải tình cảnh "được mùa mất giá", mình đã nuôi dưỡng ước mơ được theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với mong muốn giúp đỡ người nông dân thoát khỏi tình cảnh ấy.
Với quyết tâm cao cùng với những nỗ lực không ngừng, mình đã trở thành tân sinh viên khóa 60 của khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vào năm 2015", Thảo kể.
Năm 2017, chứng kiến sự rớt giá của thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn khiến hàng trăm người nông dân rơi vào cảnh phá sản, cùng với những kiến thức học được trong quá trình theo học tại trường, Thảo đã tham gia vào dự án khởi nghiệp để giúp đỡ người chăn nuôi tìm đầu ra cho sản phẩm.
Dự án tuy chỉ kéo dài trong thời gian ngắn nhưng đã giúp Thảo có định hướng rõ ràng hơn cho tương lai. Vào năm 2018, Thảo tham gia cuộc thi khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và đạt giải ý tưởng sáng tạo khoa học.
Ngọc Thảo thực hành tại phòng thí nghiệm sinh học phân tử trong chương trình GKS tại Hàn Quốc (2018)
Điều đó là tiền đề để Thảo tiếp tục ứng tuyển và giành được học bổng GKS của bộ giáo dục Hàn Quốc, tham gia học tập và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Chungnam năm 2018, tại phòng thí nghiệm chuyên về khoa học thịt.
Tiếp đó, những nỗ lực học tập đã được đền đáp khi Thảo có chuyến đi tới Đại học Quảng Tây, Trung Quốc trong khuôn khổ chương trình giao lưu và kết nối văn hóa giữa hai trường đại học. Nhờ đó nữ sinh quê làng gốm Bát Tràng đã được mở mang thêm nhiều điều về những tiến bộ của nước bạn.
Khi những nỗ lực được đền đáp xứng đáng
Sau 4 năm học tập, Ngọc Thảo tốt nghiệp khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam với điểm tích lũy 3.78/4.00. Năm 2019, Thảo vinh dự là thủ khoa được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Trò chuyện cùng nữ thủ khoa "nhỏ nhưng có võ" Ngọc Thảo bộc bạch, bản thân thực sự bất ngờ khi biết mình có tên trong danh sách các thủ khoa được vinh danh. Thời điểm chuẩn bị hồ sơ để nộp, Thảo cũng không nghĩ mình sẽ nhận được vinh dự này.
Ngọc Thảo - Thủ khoa đầu ra Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2019
"Khi mới vào đại học, mình không nghĩ sẽ đạt được danh hiệu thủ khoa sau 4 năm học tập vì điểm thi của mình cũng rất bình thường. Mình luôn nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất", Thảo chia sẻ.
Không chỉ dành thời gian học tập và nghiên cứu, ngay từ năm nhất, Thảo đã tích cực tham gia vào các hoạt động Đoàn, Hội. Đặc biệt, trong quãng thời gian tham gia vào Liên chi hội khoa Công nghệ thực phẩm, Thảo đã được gặp gỡ nhiều anh chị đi trước, cũng như bạn bè có chung niềm đam mê, giúp cô sinh viên thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết.
"Quãng thời gian vừa học tập vừa tham gia hoạt động ấy đã cho mình những kiến thức, kinh nghiệm mà sau này mỗi khi nhớ về, đó thật sự là những kỉ niệm quý báu", Thảo nói.
Bên cạnh đó, Ngọc Thảo cũng tham gia các cuộc thi do Học viện tổ chức và giành một số giải thưởng như: giải khuyến khích Olympic Tin học năm 2017, năm 2018 đạt giải tiểu phẩm kịch xuất sắc cuộc thi công dân với Kiến thức Pháp luật, cùng nhiều học bổng trong suốt 4 năm học...
Từ những kiến thức và trải nghiệm thực tế trong quãng thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Ngọc Thảo vẫn đang tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, nhằm đưa khoa học tới gần hơn với mọi người.
Hiện tại, Ngọc Thảo là trợ lý riêng của chương trình "Công dân trái đất", một dự án phi chính phủ được tài trợ bởi Viện Goethe toàn cầu (Đức) và Quỹ hoàng từ Clause (Hà Lan).
Dự định của Thảo trong thời gian tới là săn học bổng để du học. Cô bạn cho rằng, nếu muốn giúp người nông dân thì việc đầu tiên mình phải học chuyên sâu hơn, lúc đó mới có đủ kinh nghiệm, kiến thức để chia sẻ tới nhiều người hơn.
Kim Bảo Ngân
Ảnh: NVCC
Theo Dân trí
Nữ thủ khoa xinh đẹp của Học viện Phụ nữ đam mê hoạt động thiện nguyện "Một việc tốt cho đi sẽ nhận lại được niềm vui, em luôn mong muốn có thể tuyên truyền rộng rãi các hoạt động thiện nguyện đến với nhiều người", Mai Linh nói. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Đào Mai Linh (SN 1997) không giấu nổi niềm hạnh phúc khi là một trong 86 gương mặt thủ khoa vừa được...