Học bổng nghị lực mùa thi: Vỡ òa khi chạm được giấc mơ
Đã không biết bao lần phải tính đến chuyện nghỉ học giữa chừng vì gia đình quá khó khăn, thế nhưng nhờ có học bổng Nghị lực mùa thi , các em đã được bước vào giảng đường đại học viết tiếp ước mơ của mình…
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập thường trực Báo Thanh Niên (giữa) trao tặng học bổng cho các học sinh
Tại chương trình trao học bổng “Nghị lực mùa thi” được tổ chức tại Báo Thanh Niên ngày 13.11, những học sinh nhận được học bổng và sự hỗ trợ từ bạn đọc đã vỡ òa cảm xúc khi chạm được giấc mơ tiếp tục học hành của mình.
“Em đã được là sinh viên”
Câu nói đầu tiên khi gặp lại người viết mà như gói trọn cả niềm hạnh phúc và vui sướng của Nguyễn Thị Như Quỳnh, cô học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ, được người bà hàng xóm nhận nuôi từ nhỏ: “Chị ơi, em đã được là sinh viên”.
Vốn dĩ cái ăn còn thiếu trước hụt sau, bữa đói bữa no thì việc học đại học là điều quá xa vời với Quỳnh. Tại chương trình, Quỳnh nghẹn ngào: “Lúc đầu em có ước mơ nhưng không dám nghĩ tới vì hoàn cảnh của em thế này. Nhưng rồi như một cái duyên, em được chị phóng viên Báo Thanh Niên viết bài, rồi sau bài viết nhà trường tìm đến để cấp học bổng miễn phí 4 năm học, nên ngày hôm nay em mới được là sinh viên”.
Khi kể về những trải nghiệm đầu tiên trở thành sinh viên, Quỳnh hồn nhiên: “Ngày đầu em bước vào trường đại học, em đã thốt lên “Ối giời ôi, sao trường to thế này”. Từ cổng trường lên lớp mà em đi lạc đến mấy lần”.
Trong lời kể của Quỳnh, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ bến của cô học trò mồ côi. Căn nhà của 2 bà cháu bé tí, ẩm thấp, nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở Q.4, TP.HCM. Sống trong căn nhà xập xệ đó, em chưa bao giờ dám mơ đến một giảng đường đại học, nơi sẽ chắp cánh để những giấc mơ của em được trở thành hiện thực. Và ngày hôm nay, khi chạm đến được giấc mơ, niềm hạnh phúc của 2 bà cháu Quỳnh sao nói nổi được nên lời.
Không chỉ nhận được học bổng của chương trình và tiền bạn đọc hỗ trợ, mà còn được mạnh thường quân tài trợ tiền học phí suốt 4 năm học đại học nên Đào Đình Đức (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cũng nghẹn ngào trong hạnh phúc và biết ơn.
Đức không còn cha, chỉ một mình mẹ gồng gánh nuôi con. Và chính hoàn cảnh gia đình là động lực rất lớn để Đức không bao giờ bỏ cuộc. “Được tiếp tục học là niềm hạnh phúc rất lớn của em. Sắp tới, sau khi đã ổn định thời khóa biểu trên trường, em sẽ kiếm việc làm thêm để phụ giúp mẹ và trang trải việc học. Em rất biết ơn tấm lòng của các mạnh thường quân đã giúp đỡ để chặng đường học tập của em bớt vất vả, và em hứa sẽ phấn đấu hết mình để không phụ lòng của mọi người”, Đức cảm động bày tỏ.
Video đang HOT
Các học sinh và người nhà xúc động bày tỏ lòng biết ơn tại chương trình – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Cũng giống Quỳnh và Đức, 14 cô cậu học trò được nhận học bổng và sự hỗ trợ của bạn đọc thông qua chương trình Nghị lực mùa thi đều vỡ òa cảm xúc vì nhờ những hỗ trợ này mà giấc mơ của các em được viết tiếp.
Rơi nước mắt với những số phận
Khi màn hình chiếu các phóng sự về em Phạm Hoàng Tân, cậu học sinh đi đẩy thịt heo thuê lấy tiền đóng học và Nguyễn Thị Như Quỳnh, cô bé được bà hàng xóm làm nghề nhặt ve chai nuôi từ tấm bé, dưới hội trường nhiều người đã không cầm được nước mắt.
“Tôi biết rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Và tôi hiểu những gì mình cần phải làm để có thể giúp đỡ nhiều hơn những cô cậu học trò xung quanh mình, để các em có một cuộc sống tốt hơn”, thầy Lương Thành Tâm, giáo viên Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM, bộc bạch.
Liên tục lau nước mắt, Nguyễn Bảo Trâm và Nguyễn Phúc Loan Châu, hai nữ sinh viên năm 1 ngành ngôn ngữ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay xem hình ảnh người bà khắc khổ nhặt từng chiếc vỏ chai nuôi cháu hàng xóm nên người, cô nghĩ ngay tới bà ngoại của mình.
Còn Đào Nguyễn Tuấn Tới, sinh viên năm nhất ngành du lịch, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ, chương trình xúc động này đã thay đổi rất nhiều suy nghĩ của em. “Những bạn bè xung quanh em vất vả, khó khăn như thế nhưng họ vẫn khao khát học, học rất giỏi, vậy thì mình càng không thể bỏ cuộc. Em thấy mình phải nỗ lực hơn rất nhiều”, Tới chia sẻ.
Đưa con tới tòa soạn Báo Thanh Niên từ sáng sớm, chị Lê Thị Trúc Phương, mẹ của em Phạm Hoàng Tân, còn dắt theo cậu con trai út chừng 2 tuổi. Ngồi dưới hội trường, nghe những lời tâm sự của con, chị khóc. “Hôm nay tôi xin nghỉ một bữa bưng phở thuê để tới động viên con. Thấy con có học bổng thế này, tôi mừng lắm”, chị Phương nghẹn ngào.
Liên tục nắm tay người viết, bà ngoại của Bùi Xuân Nhất Long, sinh viên Trường CĐ Kỹ nghệ 2, nói trong nước mắt: “Bà mừng lắm, vì khả năng của bà bây giờ già yếu không thể đi làm mướn được. Từ ngày thằng Long đi học tới giờ phải ăn mì gói suốt nên nó ốm yếu như thế này đây, nhìn cháu mà bà xót vô cùng. Nếu không được Báo Thanh Niên hỗ trợ và nhận được sự giúp đỡ, mấy bà cháu không biết sẽ như thế nào…”.
Mong các em học sinh thêm ý chí và nghị lực
Chia sẻ với các em học sinh tại chương trình, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập thường trực Báo Thanh Niên , cho hay những câu chuyện của các em học sinh với những hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mồ côi cả cha lẫn mẹ… trong chương trình trao học bổng Nghị lực mùa thi 2020 đã chạm tới trái tim của tất cả mọi người.
Nhà báo Ngọc Toàn động viên các em cố gắng học tập, có ý chí mạnh mẽ hơn. Hiện nay các em còn may mắn hơn rất nhiều học trò miền Trung chịu cảnh bão lũ liên tiếp, nhiều trường học bị sập, tốc mái, trò chưa thể đến trường. Nhà báo Ngọc Toàn động viên, đằng sau các em là Báo Thanh Niên, là các nhà hảo tâm… giúp đỡ để các em vững tâm bước tiếp. Trong hơn 30 năm qua, học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên đã tiếp sức cho rất nhiều thế hệ người trẻ, nhiều người giờ đã trưởng thành, quay trở lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác…
Quyết định trao ngay 2 học bổng
Một chi tiết đặc biệt là ngay sau chương trình, chị Nguyễn Thị Xuân Hoa, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Western Gate, đã quyết định trao ngay 2 học bổng là học phí trong tất cả các năm học cho Đào Đình Đức (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và Phạm Hoàng Tân (Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng). “Tôi quê ở miền Trung, cũng từng trải qua thời học sinh khó khăn, xem chương trình mà tôi rớt nước mắt. Tôi sẽ hỗ trợ và đồng hành với các em, không chỉ 3, 4 năm học mà còn khi các em ra trường”, chị Xuân Hoa nói.
Báo Thanh Niên xin trân trọng cảm ơn các quý vị phụ huynh, thầy cô, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và các đơn vị đã tham dự chương trình: chị Lưu Kim Yến, đại diện Tập đoàn Thiên Long (tặng học bổng); anh Nguyễn Bá Anh, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (tặng báo cho thí sinh mùa thi THPT 2020); anh Bùi Hải Thành, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Tổng công ty điện lực TP.HCM (tặng báo cho thí sinh mùa thi THPT 2020); chị Phạm Vân Hà, đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn Sawaco (tặng báo cho thí sinh mùa thi THPT 2020); chị Nguyễn Thị Xuân Hoa, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Western Gate (tặng học bổng).
Trao học bổng Nghị lực mùa thi 2020
Vào lúc 9 giờ sáng 13.11, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình trao học bổng Nghị lực mùa thi cho những thí sinh vượt khó, đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, trao học bổng Nghị lực mùa thi năm 2019 cho thí sinh - NGỌC DƯƠNG
Chương trình trao học bổng Nghị lực mùa thi sẽ được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn , facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Học bổng Nghị lực mùa thi nằm trong chương trình Tiếp sức mùa thi do T.Ư Hội sinh viên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long và Báo Thanh Niên thực hiện. Chương trình nhằm hỗ trợ những thí sinh vượt khó, đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Chương trình còn trao tiền hỗ trợ của bạn đọc cho gương các thí sinh nghị lực mùa thi mà Báo Thanh Niên đã khởi đăng từ tháng 7.
Dịp này, Báo Thanh Niên cũng tổ chức tổng kết chương trình Tặng báo cho thí sinh, tri ân quý doanh nghiệp đã trao tặng báo để thí sinh và phụ huynh nhanh chóng nắm bắt thông tin về định hướng nghề nghiệp tương lai, công tác hỗ trợ chỗ ở, các suất ăn, đi lại miễn phí... trong những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Thí sinh nhận hỗ trợ trực tiếp từ bạn đọc tại chương trình Trao học bổng Nghị lực mùa thi năm 2019 - NGỌC DƯƠNG
Đặc biệt, chương trình sẽ diễn ra buổi giao lưu với 4 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như:
Nguyễn Thị Như Quỳnh mồ côi cả cha lẫn mẹ rồi được một người hàng xóm nhận nuôi. Vượt qua bao khó khăn và trở ngại của cuộc sống, 2 bà cháu vốn không máu mủ ruột rà vẫn dìu dắt nhau sống qua ngày và Quỳnh nuôi quyết tâm bám sự học đến cùng để báo hiếu cho bà.
Hay câu chuyện của Phạm Hoàng Tân thương mẹ quanh năm phải đi vay mượn rồi nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi bầy con. Từ nhỏ Tân đã chịu khó đỡ đần mẹ việc nhà. Thấy ở đâu có thuê người làm, Tân cũng xin đi để có thêm tiền mua sách vở, phụ mẹ nuôi em. Năm lớp 9, thân người chỉ có 47 kg nhưng ngày nào cũng đẩy xe thịt heo thuê nặng hơn 300 kg ở chợ Bình Điền để kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống...
Thí sinh, học sinh và phụ huynh tham gia chương trình Trao học bổng Nghị lực mùa thi năm 2019 - NGỌC DƯƠNG
Dù hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha nhưng chưa lúc nào Đào Đình Đức ngừng cố gắng. Không chỉ có thành tích học tập tốt, em tham gia nhiều hoạt động tình nguyện của trường lớp... Từ ngày ba mất, mẹ đi làm từ 5 giờ sáng tới khuya mới về, Đức vừa đi học, đi làm thêm, vừa thay mẹ chăm sóc, bảo ban em gái.
Nam sinh mồ côi cha bộc bạch: "Một khoảnh khắc mà tới giờ em vẫn nhớ nhất, chưa thể quên được. Đó là nụ cười của ba, mẹ và em gái trong ngày cả gia đình có thể đi du lịch chung với nhau, khi ba còn sống và gia đình không tới nỗi quá chật vật. Mọi thứ giờ là kỷ niệm hết rồi. Em chỉ mong mỏi có thể học hết 4 năm ĐH, đi làm và lo được cho mẹ và em gái em, để một lúc nào đó có thể cho mẹ đi du lịch, để thấy mẹ cười trở lại".
Ánh mắt đượm buồn, ngồi tựa cửa nhìn xa xăm, cậu học trò Bùi Xuân Nhất Long (Q.9, TP.HCM) đang lo lắng cho chặng đường phía trước. Long sợ gánh nặng kinh tế sẽ khiến giấc mơ học đại học của em phải khép lại. Long bắt đầu làm thêm từ năm lớp 10, ban ngày chạy bàn quán ăn, ban đêm nhận trông coi tiệm internet. Năm lớp 12, bạn bè lo ôn luyện thi cử nhưng Long vẫn phải cày ngày cày đêm để kiếm tiền ăn học và nộp tiền học thêm 2 môn để thi đại học...
Những câu chuyện về nghị lực vươn lên trong cuộc sống sẽ được các em chia sẻ nhiều hơn tại chương trình.
10 năm nghiên cứu tìm tòi để trở thành 'bác sĩ trị bệnh cho sách' Chàng trai Bùi Tiến Phúc ở miền Trung đã dành trọn 10 năm trời tìm tòi, nghiên cứu ở nước ngoài để trở thành 'bác sĩ giấy' chuyên trị các loại bệnh cho sách và các tư liệu trên nền giấy xưa... Bùi Tiến Phúc (31 tuổi) sinh ra lớn lên ở huyện miền núi Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Phúc kể từ...