Hoang mang với đổi mới đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đổi mới thi môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng có thêm phần đọc hiểu (cho một đoạn văn và yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi liên quan) bên cạnh phần viết, đề thi tập trung vào việc đánh giá năng lực giao tiếp ngôn ngữ của học sinh…
Học sinh, giáo viên đều rất lo lắng khi thông tin về đề thi văn còn khá mù mờ. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam )
Những thay đổi này đã trở thành chủ đề nóng được các nhà giáo từ khắp các tỉnh thành trong cả nước thảo luận sôi nổi tại Hội thảo Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn ngữ văn ở trường phổ thông. Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm nay, ngày 10/4/2014, tại Hà Nội.
Thừa nhận việc đổi mới kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn là hợp lý nhưng các nhà giáo cho rằng có hàng loạt câu hỏi được đặt ra như phần đọc hiểu nên ở trong hay ngoài sách giáo khoa, nên có bao nhiêu câu hỏi? Đề mở nhưng hướng dẫn chấm mở thế nào, sự sáng tạo của học sinh được tôn trọng ra sao? Học sinh suốt 12 năm học một kiểu, thi một kiểu nhưng đến phút chót của kỳ thi quan trọng nhất lại thi theo kiểu khác, điều đó liệu có hợp lý? Học sinh sẽ thích nghi thế nào và giáo viên sẽ phải ôn tập ra sao?
“Chỉ còn hai tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã bắt đầu nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ hướng dẫn nào từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi, giáo viên và học sinh đều rất lúng túng,” bà Phạm Thị Huệ, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định chia sẻ.
Video đang HOT
Băn khoăn từ khâu ra đề đến chấm thi
Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng trong khi các môn học khác như toán, lý, hóa, học sinh học kiến thức chung để giải các bài toán khác nhau và không lặp lại trong đề thi, nhưng môn văn thì quanh quẩn vài tác phẩm, hết vợ Nhặt đến Vợ chồng A Phủ. Sự lặp lại trong đề thi văn được thể hiện rõ đến mức các giáo viên có thể dễ dàng đoán đề bằng phương pháp loại trừ còn dư luận xã hội đồn thổi Bộ Giáo dục và Đào tạo lộ đề.
“Chính điều này làm cho học văn nhàm chán, làm hạn chế và bó chặt sự sáng tạo của học sinh,” ông Nhị nói.
Ông Nhị cho rằng trong việc dạy và thi văn, thay vì giảng từng từ từng chữ, từng ý và áp đặt học sinh thì phải trang bị cho các em thao tác luận, kỹ năng, phương pháp giải quyết vấn đề đồng thời khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh, sự độc lập ý tưởng, cảm xúc.
Cũng quan tâm đến vấn đề sự độc lập ý tưởng, cảm xúc của học sinh, ông Trần Văn Toán, Phó chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng, nếu hình dung môn văn như một công cụ hình thành kỹ năng giáo tiếp thì học sinh khi đọc đề phải hiểu được ý tưởng của người ra đề, đoán được người khác sẽ viết gì và mình sẽ viết gì kéo người chấm theo ý mình. Ví dụ đề thi là phân tích nhân vật em ấn tượng sâu sắc nhất, nếu học sinh chỉ phân tích nhân vật như cô giáo phân tích trên lớp thì bài thi đã không thể hiện được ý tưởng giao tiếp mà phải nêu được cảm xúc riêng của người viết, lý do vì sao ấn tượng.
“Nhưng khi đó, người chấm sẽ chấm thế nào?” ông Toán đặt câu hỏi.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ có nhiều đổi mới. (Ảnh:Quý Trung/TTXVN)
Băn khoăn của ông Toán cũng là chia sẻ của bà Phạm Thị Huệ, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định. “Ra một đề mở dễ hơn nhiều so với việc ra một hướng dẫn chấm mở. Bộ nên tổ chức tập huấn về cách ra đề và chấm theo hướng mở để giáo viên đánh giá được đúng sự sáng tạo của học sinh,” bà Huệ kiến nghị.
Đưa ra ví dụ cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Thanh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết, đơn vị này tổ chức ra đề thi theo hướng mở để chọn học sinh giỏi nhưng khi chấm, dù đã chọn toàn người giỏi, giáo viên vẫn khuôn vào kiến thức cũ, không dám ghi nhận sự sáng tạo của các em.
Cần có lộ trình
Không chỉ băn khoăn về đề thi mở, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến áp dụng những đổi mới này vào ngay kỳ thi năm 2014 cũng là vấn đề nhiều đại biểu lo lắng. Theo các nhà giáo, Bộ cần có lộ trình để học sinh, giáo viên có thêm thời gian, nhất là khi chỉ còn hai tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2014 sẽ diễn ra.
Bà Phạm Thị Huệ chia sẻ: “Bài đọc hiểu sẽ ở trong hay ngoài chương trình? Câu hỏi ra theo hướng tổng hợp hay gồm nhiều câu rời rạc… Chúng tôi không hình dung ra. Nhìn chung giáo viên, học sinh đều rất lo lắng.”
Giáo viên và học sinh trong trường đều hoang mang cũng là chia sẻ của đại diện trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cũng bày tỏ: “Chúng tôi nhấn mạnh thêm sự băn khoăn của thầy cô, học sinh và cả phụ huynh đối với đổi mới thi văn. Thời gian thi rút xuống, cách ra đề thay đổi mà đến giờ bộ chưa có hướng dẫn.”
Phân tích cụ thể hơn, bà Đỗ Thị Hương Bưởi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam cho rằng đổi muốn mới thi thì phải đổi mới cách dạy, cách học, cách kiểm tra. “Tôi đồng tình việc phải đổi mới thi nhưng vận dụng ngay vào kỳ thi năm nay thì phải cân nhắc và thận trọng, liệu trong thời gian ngắn có trở tay kịp không?” bà Bưởi băn khoăn nói.
Ông Hoàng Nguyên, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Tôi mong trước một quyết định lớn Bộ phải thận trọng, chờ điều kiện thuận lợi và có sự đồng thuận của xã hội, sự chuẩn bị của học sinh, giáo viên, nhà trường. Nếu cho tôi chọn, tôi vẫn chọn thi văn năm nay 150 phút.”/.
Theo VNE