Hoang mang tột độ trước “kỳ thi 2 trong 1″
Năm 2015, năm đầu tiên học sinh phải thi “kỳ thi 2 trong 1″, vừa xét tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc ôn tập ra sao, đề thi như thế nào vẫn còn gây nhiều hoang mang cho cả thầy và trò…
Ôn tập có thu học phí không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quyết định lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7/2015 để học sinh (HS) có thêm một tháng ôn tập. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động dạy và học ở các trường ra sao là điều khiến nhiều trường băn khoăn vì theo khung chương trình, năm học hết từ đầu tháng 6/2015.
Đại diện nhiều trường ở Hà Nội cho biết, HS lo rằng đề thi năm nay sẽ xuất hiện nhiều tổ hợp môn thi “lạ” chưa ôn tập trước đó. Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT quy định tổ hợp môn thi khác với các khối thi truyền thống chỉ được phép chiếm không quá 25% ngành nghề đào tạo của các trường thì HS đã yên tâm với những môn học đã ôn thi vào đại học (ĐH) lâu nay.
Khác với trường công lập, các trường ngoài công lập, đặc biệt là những trường có chất lượng đầu vào không cao đã khá chủ động cho HS chọn môn thi và có kế hoạch ôn thi từ rất sớm. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, HS trường này đã đăng ký các môn thi tự chọn ngoài 3 môn bắt buộc và dành toàn bộ buổi học thứ 2 trong ngày để ôn tập cho HS theo nguyện vọng môn thi mà các em đã đăng ký.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tùng Lâm băn khoăn: “Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ lùi thời gian thi đến tháng 7, vậy có hướng dẫn cho các trường THPT tổ chức ôn tập cho HS không? Có tiếp tục ôn tập hay để các em tự học ở nhà? Nếu ôn tập thì có quy định thu học phí không? Chế độ giờ dạy của giáo viên ai chịu trách nhiệm chi trả trong cả tháng 6″?
Tương tự, GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho biết: “Hiện nay, trường tôi cũng đang bàn bạc xem một tháng này thì hoạt động dạy và học sẽ tổ chức thế nào? Học sinh sẽ ôn tập tự do hay tham gia ôn tập ở trường? Tôi sợ rằng, nếu không có sự chỉ đạo cụ thể cho các trường thì sẽ dẫn đến tình trạng các thí sinh ở các tỉnh sẽ lại đổ xô ra thành phố để luyện thi. Như vậy thì các lò luyện thi lại tiếp tục “nở rộ” trở lại như vài năm trước đây”.
Ảnh minh hoạ từ Internet
Ông Trần Đức Toàn, Hiệu phó Trường THPT Long Thạnh (Kiên Giang) cũng thắc mắc: “Năm học này sẽ kéo dài hơn mọi năm một tháng, Bộ GD-ĐT cần có hướng chỉ đạo hoạt động dạy và học ra sao, HS tự ôn tập ở nhà hay đến trường và khi trường tổ chức ôn tập có thu phí không”?
Trước những băn khoăn trên, PGS.TS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, việc quyết định dời thi sau một tháng để thí sinh có thêm thời gian ôn thi, Bộ GD-ĐT đang bàn thảo để có hướng dẫn cụ thể cho các Sở GD-ĐT.
Đề thi tương tự năm trước?
Theo Bộ GD-ĐT, đề thi năm nay cơ bản như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) năm trước, chủ yếu kiến thức trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nói chung chung như vậy làm cho giáo viên rất mơ hồ về đề thi năm nay nên khó có thể tổ chức ôn tập tốt cho HS.
Video đang HOT
GS Văn Như Cương đặt ra câu hỏi: Kỳ thi chung năm nay với 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ mà Bộ vẫn nói đề thi tương tự như năm trước, chủ yếu là kiến thức lớp 12 là chưa rõ, có nhiều vấn đề cần phải được làm rõ hơn, cụ thể hơn.
Vấn đề khiến nhiều giáo viên và học sinh băn khoăn là chênh lệch giữa kiến thức chương trình nâng cao và chương trình chuẩn, và nếu HS học theo sách nâng cao mà áp dụng công thức, định lý không có trong sách chuẩn thì có được không? Việc tính điểm sẽ như thế nào? Chính vì thế, việc xây dựng cấu trúc đề thi và biểu điểm đáp án cần phải làm rất cẩn thận. Điều này rất quan trọng, cần phải làm rõ vì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến thí sinh.
Bên cạnh đó, cũng theo GS Văn Như Cương: “Bộ cứ nói chung chung, em nào 5 điểm thì tốt nghiệp, còn 6, 7 điểm trở lên thì có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tôi thấy điều này sẽ có nhiều phức tạp”.Cùng chung tâm trạng như vậy, ông Phạm Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long cũng cho rằng, đến nay giáo viên, phụ huynh và HS ở Vĩnh Long còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành những thông tin mang tính pháp lý để các Sở GD-ĐT nắm bắt, tư vấn cho học sinh để việc ôn tập cho các em đạt hiệu quả tốt nhất.
Sẽ có hướng dẫn ôn tập vào tháng 4
Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ, việc ôn tập cho HS diễn ra trong suốt quá trình học. Cuối năm lớp 12 tổ chức ôn tập lại toàn bộ lượng kiến thức đã học ở cấp THPT, chủ yếu là kiến thức lớp 12. Khoảng tháng 4, Bộ sẽ có một văn bản hướng dẫn về ôn thi tốt nghiệp để đảm bảo HS có đủ kiến thức tham dự kỳ thi một cách hiệu quả, nhưng cũng không gây quá tải cho HS.
Đề thi sẽ có hai nhóm câu hỏi
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD- ĐT: “Đề thi sẽ có hai nhóm câu hỏi khác nhau, một nhóm giống như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 để HS có học lực trung bình có thể tốt nghiệp được, nhóm thứ hai gồm các câu hỏi khó để phân loại thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ.Với cấu trúc đề thi như thế, HS có học lực trung bình khá hoàn toàn có thể trúng tuyển vào các trường ĐH tốp dưới. Đề thi sẽ tiếp tục ra theo hướng mở như năm 2014, đối với các môn khoa học xã hội giảm yêu cầu thí sinh thuộc lòng mà cho sẵn dữ liệu. Các môn khoa học tự nhiên, đề thi yêu cầu thí sinh xử lý những vấn đề thực tế và tăng cường đánh giá khả năng vận dụng của thí sinh”.
Theo Phap Luât Viêt Nam
Sẵn sàng khung chương trình, nội dung ôn tập thi THPT quốc gia
Ông Chu Bá Vinh - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Bắc Giang - cho biết: Sở GD&ĐT Bắc Giang đã rất công phu xây dựng chương trình và tài liệu ôn tập dành cho giáo viên và học sinh phục vụ kỳ thi THPT quốc gia; trước mắt, Sở đã hoàn thành với môn tiếng Anh.
Cùng với việc triển khai tài liệu này đến các nhà trường, Sở cũng lưu ý rất cụ thể đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh THPT trên địa bàn nhằm thực hiện tốt công tác ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Bố trí tối đa 2 tiết/môn mỗi buổi học
Trao đổi về những lưu ý đối với cán bộ quản lý trong công tác ôn tập, ông Chu Bá Vinh cho biết:
Sở GD&ĐT Bắc Giang đã yêu cầu các cán bộ quản lý tổ chức rà soát chất lượng thực của học sinh lớp 12 để phân loại đối tượng học sinh theo trình độ nhận thức, bàn giao chất lượng cho giáo viên phụ trách.
Đồng thời, chỉ đạo tổ/nhóm bộ môn và giáo viên trực tiếp ôn tập xây dựng xây dựng chương trình và nội dung dạy học phù hợp với từng đối tượng, phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức tốt công tác ôn tập.
Bên cạnh việc xem xét và phê duyệt kế hoạch, nội dung giảng dạy của bộ môn trên cơ sở đề xuất của tổ/nhóm chuyên môn, các cán bộ quản lý cũng được yêu cầu quản lý chặt chẽ công tác dạy ôn tập của giáo viên và học sinh.
Cụ thể gồm: Hồ sơ sổ sách, kế hoạch dạy ôn tập của nhà trường, nội dung, chương trình ôn tập, bài soạn của giáo viên (có phê duyệt của tổ trưởng/trưởng nhóm bộ môn theo từng chuyên đề), tài liệu ôn tập của học sinh, tỷ lệ chuyên cần của học sinh, công tác thu chi và việc thực hiện kế hoạch ôn tập đã đề ra.
Đặc biệt, cách sắp xếp thời khóa biểu được lưu ý phải đảm bảo hợp lý, không gây quá tải đối với học sinh trong từng buổi học. Mỗi buổi học nên bố trí học tối đa 2 tiết/môn.
Các cán bộ quản lý cũng sẽ chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên trực tiếp ôn tập thường xuyên kiểm tra sự tiến bộ của học sinh sau mỗi nội dung hoặc chuyên đề.
Việc ra đề kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của học sinh phải được thực hiện theo nguyên tắc giáo viên trực tiếp giảng dạy không ra đề và chấm bài của học sinh mình giảng dạy.
Căn cứ kết quả khảo sát, hiệu trưởng tư vấn, đề nghị giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học, nội dung giảng dạy cho phù hợp, cùng giáo viên tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong quá trình ôn tập.
Việc định kỳ tổ chức lấy ý kiến của học sinh đối với các giáo viên trực tiếp giảng dạy, nội dung, chương trinh, tài liệu ôn tập, phương pháp dạy học, ... cũng được khuyến khích để kịp thời có các điều chỉnh cần thiết, đảm bảo hiệu quả ôn tập.
Hạn chế tối đa "dạy chay"
Theo ông Chu Bá Vinh, các giáo viên được quán triệt, ngoài giáo án ôn tập, nên sử dụng các đồ dùng, thiết bị dạy học phù hợp với từng kiểu bài như: Máy chiếu đa năng (projector), máy chiếu ghi vật thể (object presenter), bảng phụ, phiếu học tập, ...
Việc này nhằm hạn chế thời gian ghi bảng, tiết kiệm thời gian cho các nội dung chính của bài học và tăng thời lượng luyện tập của học sinh. Hạn chế tối đa tình trạng giáo viên lên lớp không sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học.
Trước khi lên lớp, giáo viên phải có bài soạn, trong đó, thể hiện rõ các nội dung: Yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng; chuẩn bị của giáo viên và học sinh; phương pháp dạy học (tiến trình lên lớp của giáo viên và hình thức tổ chức hoạt động học của học sinh;
Dự kiến chia nội dung của từng chuyên đề theo từng tiết dạy trong đó có nội dung dạy trên lớp, có nội dung giao cho học sinh làm ở nhà. Bài soạn có thể soạn theo từng chủ đề hoặc theo từng buổi dạy hoặc theo từng tiết học.
Cùng với đó, căn cứ kết quả khảo sát chất lượng của học sinh, các giáo viên sẽ cùng tổ/nhóm bộ môn xây dựng khung chương trình, nội dung ôn tập chi tiết (bao gồm thời lượng, nội dung, tài liệu ôn tập) phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, trình hiệu trưởng phê duyệt.
Ngoài ra, giáo viên trực tiếp giảng dạy cần tích cực tư vấn cho học sinh trong việc chọn môn thi tự chọn, lựa chọn cụm thi tại các trường CĐ, ĐH hay cụm thi tại địa phương đảm bào phù hợp với năng lực thực của học sinh.
Lưu ý đặc biệt môn tiếng Anh
Ông Chu Bá Vinh cho biết, với sự chú tâm đặc biệt với môn tiếng Anh, chương trình và tài liệu ôn tập THPT quốc gia dành cho giáo viên và học sinh môn học này được Sở GD&ĐT hoàn thành đầu tiên.
Để thực hiện hiệu quả chương trình, Sở yêu cầu giáo viên phải sử dụng phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh; sử dụng linh hoạt các kỹ thuật dạy học và hình thức tổ chức các hoạt động học, tránh học sinh nhàm chán, nặng nề về tâm lý. Đồng thời, động viên, khích lệ sự cố gắng và tiến bộ của học sinh kịp thời.
Đối với kỹ năng đọc hiểu: Không dạy thành chuyên đề riêng mà phải được dạy xen kẽ vào các chuyên đề khác trong suốt quá trình ôn tập theo phương châm giáo viên giao bài cho học sinh làm trước ở nhà (1 bài/tuần), sau đó chữa bài trên lớp, hướng dẫn học sinh các thủ thuật đọc từng loại bài, giải thích cách làm, đáp án, ...
Kỹ năng đọc cũng được thực hiện trong các giờ dạy chính khóa. Ngoài việc giải thích đáp án, cách làm bài, giáo viên cần khai thác các cấu trúc thông thường (common structures) trong các bài đọc hiểu.
Đối với chuyền đề viết: Giáo viên tích hợp các dạng bài viết theo các chuyên đề ngữ pháp.
Ví dụ, khi dạy reported speech, giáo viên đưa ra các dạng bài luyện tập trong đó có các dạng bài hoàn thành câu hoặc chuyển đổi câu.
Bên cạnh đó, vẫn nên bố trí thời lượng phù hợp để dạy kỹ năng làm bài viết tổng hợp như trong chuyên đề viết của tài liệu này.
Giáo viên giao bài tập về nhà cụ thể cho học sinh, đồng thời yêu cầu học sinh đọc trước tài liệu của buổi học tiếp theo; chỉ giải thích các vấn đề trọng tâm hoặc các nội dung mà học sinh chưa hiểu rõ; không nên cung cấp đáp án cho học sinh khi giao bài tập về nhà hoặc in đáp án vào tài liệu dành cho học sinh.
Theo Giao Duc & Thơi Đai
Đối tượng miễn thi ngoại ngữ được điều chỉnh theo mức độ cao Ngày 23/10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển có công văn gửi các cơ sở GD-ĐT, các ĐH-HV-CĐ, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) về việc điều chỉnh, bổ sung miễn thi môn ngoại ngữ. Ngày 17/10, Bộ GD&ĐT đưa công văn xác nhận cả ba loại chứng chỉ TOEFL, TOEIC và IELTS đều có thể được cung cấp từ một đơn...