Hóa ra Apple đã định “hất cẳng” Intel từ năm 2011
Nghĩa là Apple đã dành ra gần một thập kỷ để chuẩn bị cho việc ra mắt máy Mac dùng chip ARM do công ty tự phát triển.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, cựu kỹ sư Intel, Franois Piednol, cho biết, quá trình kiểm soát chất lượng tồi tệ của dòng chip Intel SkyLake ra mắt từ năm 2015 đã trở thành động lực thúc đẩy Apple tự thiết kế bộ xử lý riêng dành cho máy tính Mac. Và 5 năm sau khi nghiên cứu phát triển, Apple đã chính thức giới thiệu các máy tính Mac với bộ xử lý M1 trên nền ARM có hiệu năng vượt mặt nhiều thiết bị dùng chip x86 hiện nay.
Nhưng trên thực tế, các tin đồn về việc từ bỏ chip Intel để chuyển sang dùng chip ARM đã xuất hiện từ năm 2011 – chỉ một năm sau khi Apple ra mắt bộ xử lý đầu tiên do họ tự phát triển, chip Apple A4 trên iPad thế hệ đầu tiên.
Dĩ nhiên các tin đồn đó đều không chính xác về thời điểm ra mắt sản phẩm, nhưng nó cho thấy, dự định tự phát triển bộ xử lý riêng cho máy tính Mac đã được Apple ấp ủ từ lâu – từ khi Steve Jobs vẫn còn sống và có lẽ không ai khác, chính ông là người đã vạch ra kế hoạch đó.
Tin đồn từ năm 2011
Tháng 5 năm 2011, trang SemiAccurate với một số dự báo khá chính xác trước đó, khẳng định chắc nịch: ” Nói ngắn gọn, x86 đã là lịch sử trên laptop Apple, hoặc sẽ như vậy trong vòng 2-3 năm tới. Trong bất cứ trường hợp nào, điều này đã xong. Intel sẽ ra đi và chip của Apple sẽ đến. Câu hỏi duy nhất lúc này liệu họ sẽ sử dụng nhân của riêng mình, nhân của Samsung, hay một nhân ARM phổ biến nào đó. Tôi đoán họ sẽ dùng nhân chung trong lần đầu tiên, với một bộ phận tùy chỉnh, và tích cực chuyển sang các tính năng độc quyền trong các thế hệ kế tiếp .”
Rõ ràng điều này đã không xảy ra. Nhưng cùng thời điểm đó, nhiều tin đồn khác cho thấy Apple đã bắt tay vào quá trình chuyển đổi này – từ rất lâu trước khi sự thất vọng với các con chip của Intel xuất hiện.
Cũng trong tháng 5 năm 2011, Mac Otakara, blog về chuyên về Apple cũng cho biết: ” Một nguồn tin ẩn danh cho biết thêm nhiều thông tin hơn. Apple đã thử nghiệm MacBook Air có cổng Thunderbolt chạy trên bộ xử lý A5. Nguồn tin này cho biết đã nhìn thấy chiếc MacBook Air A5 thực ở ngoài đời, và nó nó hiệu năng tốt hơn kỳ vọng .” (Apple A5 là bộ xử lý cho iPhone 4S và iPad 2).
Trong tháng 8 năm 2011, một tài liệu được Đại học Công nghệ Delfte của Hà Lan công bố với tựa đề “Porting Darwin to the MV88F6281″. (Darwin là một bộ các thành phần cốt lõi trong hệ điều hành MacOS, iOS, … của Apple). Tác giả của tài liệu này, T.F. Schaap cho biết: ” Tôi đã làm việc cho nhóm công nghệ nền tảng Platform Technologies Group trong 12 tuần, để port Darwin lên MV88F6281. MV88F6281 là bộ xử lý tương thích ARMv5, với nhân Sheeva tùy chỉnh bên trong. Mục tiêu của dự án này là xây dựng Darwin và khởi động nó trên một thiết bị nhiều người dùng khác nhau. ”
Mãi đến tháng 5 năm 2014, các tin đồn về máy Mac dùng chip ARM mới xuất hiện trở lại trên trang Macbidouille.com, khi trang này cho biết: ” Ở mức độ phần cứng, họ đã có các nguyên mẫu tiên tiến với nhiều loại máy khác nhau. iMac sẽ có các bộ xử lý ARM 64 bit với 4 hoặc 8 nhân. Máy Mac Mini sẽ có bộ xử lý 4 nhân ARM 64 bit, một laptop 13 inch cũng có bộ xử lý ARM 64 bit với 4 hoặc 8 nhân .”
Video đang HOT
Đến tháng 1 năm 2015, nhà phân tích Ming-Chi Kuo, ở một trong những lần dự báo sai hiếm hoi của mình, cho biết: ” Apple có thể ra mắt máy Mac dùng chip riêng trong vòng 2-3 năm tới. Dự báo này dựa trên giả định rằng chip do Apple tự phát triển có hiệu năng nằm ở mức độ giữa chip Atom và Core i3 của Intel và đủ tốt cho máy Mac. Sử dụng chip tự phát triển có thể giúp Apple kiểm soát tốt hơn thời điểm ra mắt máy Mac và các tính năng trên đó .”
Nhưng sau đó các tin đồn về máy Mac dùng chip ARM do Apple tự phát triển lại tiếp tục rơi vào im lặng. Các tin đồn này chỉ xuất hiện dồn dập hơn từ cuối năm 2017 và kéo dài cho đến nay.
Tin đồn đã có từ lâu, tại sao bây giờ Apple mới chính thức công bố?
Nếu các tin đồn này chính xác, có thể thấy mẫu máy tính Mac dùng chip ARM của Apple đã thành hình từ khá lâu chứ không chỉ sau khi thất vọng về chất lượng tệ hại của các con chip Intel. Nhưng điều gì khiến Apple trì hoãn việc ra mắt chính thức các máy tính đó đến tận bây giờ?
Cho dù tự phát triển được bộ xử lý riêng từ lâu, nhưng có lẽ các con chip đó chỉ “đủ tốt” về thời lượng pin, chứ không thể vượt qua được các CPU Intel về hiệu năng. Hơn thế nữa, với định hướng tạo ra một máy tính tốt nhất với mức giá cao cho những người dùng chuyên nghiệp, như các nhà phát triển, các nhà sáng tạo nội dung, … việc mang đến một chiếc máy “đủ tốt” cho các nhu cầu cơ bản là không đủ.
Có lẽ vì vậy, Apple đã quyết định đợi đến khi các con chip nền ARM do họ tự phát triển đủ sức mạnh vượt qua cả các bộ xử lý x86 của Intel rồi mới chính thức ra mắt. Quan niệm thông thường của giới công nghệ vẫn cho rằng, các bộ xử lý ARM chỉ có lợi thế về tiết kiệm năng lượng, còn các chip x86 như của Intel và AMD mới có lợi thế về hiệu năng.
Do vậy, nếu không ra mắt một bộ xử lý có thể thay đổi quan niệm này, sẽ rất khó thuyết phục các nhà phát triển xây dựng ứng dụng cho nó trên nền bộ xử lý mới – một trong những yếu tố đang khiến các máy tính Windows chạy ARM bị người tiêu dùng ghẻ lạnh khi chỉ đáp ứng được các tác vụ đơn giản, còn các nhà phát triển cũng không mặn mà xây dựng ứng dụng mới cho nó.
Đây có lẽ chính là động lực giúp bộ phận phát triển chip của Apple liên tục ra mắt các thế hệ bộ xử lý mới ngày càng mạnh hơn qua từng năm trên iPhone, dù hiệu năng của chúng kết hợp với hệ điều hành Apple tự phát triển đã vượt xa các đối thủ Android từ lâu. Mục tiêu không chỉ là đánh bại Qualcomm, mà còn vượt mặt cả Intel nữa.
Trên thực tế, quá trình chuẩn bị lâu dài cho các sản phẩm mới của Apple không phải là điều quá xa lạ. Điều này là một phần trong chiến lược “suy nghĩ đi trước thời đại” được Steve Jobs vạch ra cho Apple. Ví dụ, thiết kế của iPad đã được đăng ký bản quyền từ 2004 nhưng phải 6 năm sau, thiết bị này mới ra mắt trên thị trường.
Quá trình chuẩn bị lâu dài – từ năm 2011 đến nay – cho thấy, việc Apple thay thế Intel bằng chip của mình chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi. Nhưng nếu Intel vẫn tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hơn sản phẩm của mình, thay vì dừng lại và tận hưởng vinh quang, có lẽ đến bây giờ các máy tính Mac dùng chip M1 của Apple vẫn chưa xuất hiện.
Máy tính Mac chạy chip ARM cần phải giải bài toán gì?
Cuối cùng Apple đã ra mắt các mẫu máy tính Mac sử dụng vi xử lý M1 đầu tiên của riêng hãng trên kiến trúc ARM, hứa hẹn mang đến những cải tiến về cả hiệu năng lẫn thời lượng sử dụng pin so với chip Intel.
Liệu các mẫu máy tính Mac mới dùng chip M1 của Apple có vượt qua "lời nguyền" ARM trên máy tính?
Cụ thể, để thuyết phục người dùng về mức độ cải tiến mà Apple đang chào hàng, hãng tuyên bố MacBook Pro mới có thể sở hữu thời lượng pin sử dụng liên tục lên đến 20 giờ mới cần cắm sạc - một con số vô cùng hào nhoáng và đang nằm ngoài tầm với của kiến trúc x86 trên chip Intel. Ngoài ra, các máy Mac dùng chip M1 cũng có thể khởi chạy các ứng dụng iOS gốc, nghĩa là về mặt lý thuyết kho ứng dụng của Mac mới sẽ phong phú hơn bất cứ thiết bị nào vừa mới ra mắt. Nhưng đó chỉ mới là những tuyên bố của Apple, bởi trước khi bấm vào nút đặt hàng bạn vẫn còn một dấu hỏi lớn để "chốt đơn".
Về lý thuyết, các máy tính Mac dùng chip Apple M1 có thể chạy ứng dụng iOS nguyên bản là vì chip máy tính mới của Apple dựa trên cùng kiến trúc tập lệnh ARM giống như các smartphone hiện nay, thay vì dùng kiến trúc x86-x64 trên các máy tính Mac trước đó hay máy tính Windows. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những màn trình diễn của Apple có thực tế không hay chỉ là sử dụng các máy tính Mac hiện tại rồi demo, vì các màn trình diễn của Apple hay biểu đồ đều ở dạng ẩn danh chứ không có các điểm số thực tế hay so sánh hiệu suất.
Chúng ta đã biết khả năng của chip Intel trên máy tính Mac, còn ARM thì chưa được kiểm chứng. Dù có nhiều lý do chính đáng để tin vào khả năng tùy biến ARM của Apple, nhưng lịch sử không phải lúc nào cũng đúng với các nhà sản xuất khác đã từng cố gắng đưa ARM lên máy tính của họ.
Lịch sử không suôn sẻ của ARM trên thị trường máy tính Windows
Quay trở lại năm 2012, Microsoft đã tung ra phiên bản máy tính bảng chạy Windows trên chip ARM và gọi là Surface RT, đây là thiết bị lai giữa máy tính bảng và laptop với mức giá 499 USD đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, thật khó hiểu khi Surface RT không chạy Windows 8 tiêu chuẩn mà lại sử dụng phiên bản Windows RT tùy biến riêng cho chip ARM. Phiên bản rút gọn của Windows 8 này đã không thể chạy các chương trình Windows truyền thống và hãng cũng không giải thích liệu chương trình nào có thể chạy hay không chạy trên Windows RT. Sự nửa vời đó đã phần nào khiến cho thiết bị Surface RT sớm thất bại và chìm vào quá khứ, với khoản lỗ 900 triệu USD do Surface RT "tồn kho".
Tuy nhiên, sự thất bại của Surface RT không ngăn được Microsoft tạo ra nhiều hoạt động hơn đối với các máy tính Surface dựa trên ARM. Công ty đã phát hành Surface Pro X vào năm ngoái sử dụng bộ vi xử lý ARM tùy biến do chính Microsoft và Qualcomm đồng phát triển. Kiến trúc chip ARM đã cho phép Microsoft làm cho thiết bị mỏng hơn so với Surface Pro dùng chip Intel, nhưng dù Windows đã tối ưu hóa tốt hơn cho ARM nhưng có vẻ nhiều ứng dụng chạy trên thiết bị dùng chip ARM mới này không suôn sẻ hoặc chậm hơn đối thủ Intel.
Biên tập viên Tom Warren của TheVerge nhận thấy rằng Surface Pro X thế hệ thứ hai mới ra mắt đã xử lý vấn đề tương thích tốt hơn bản cũ, nhưng vẫn có một số ứng dụng không hoạt động, trong đó bao gồm cả dịch vụ Creative Cloud của Adobe, thứ yêu cầu bắt buộc để khởi chạy Photoshop và Lightroom.
Lenovo Flex 5G dùng chip ARM đã gặp phải nhiều vấn đề về tương thích với ứng dụng Windows
Không chỉ Microsoft gặp khó khăn với máy tính sử dụng ARM. Samsung cũng từng thất bại với chiếc Galaxy Book 2 giống Surface vào năm 2018, vấn đề tương tự diễn ra với chiếc Lenovo Flex 5G dùng chip ARM tùy biến khác. Hiện Microsoft vẫn đang làm việc để cải thiện khả năng tương thích của ứng dụng Windows trên ARM thông qua giả lập x64, chúng ta có thể lạc quan nhưng rõ ràng khi phải chạy qua một môi trường ảo hóa thì rất khó có được hiệu suất tiệm cận chip Intel.
Đáng tiếc nhất là các mẫu máy tính Chromebook giá rẻ của Google, chúng hoàn toàn có thể chạy hoàn hảo trên ARM với hệ điều hành Chrome OS gần gũi với Android, nhưng đáng tiếc hiện Google và các nhà sản xuất Chromebook đã sử dụng chip Intel hoặc AMD cho các mẫu máy tính mới của họ, một phần do tâm lý người dùng tin tưởng vào hai thương chiệu chip lớn hơn là kiến trúc ARM trên máy tính.
Apple buộc phải thành công với kiến trúc ARM trên máy tính
Đối lập với những e dè của đối thủ, Apple dường như tự tin trong việc chuyển đổi sang bộ vi xử lý dựa trên ARM. Hãng đã mạnh tay loại bỏ tất cả mẫu MacBook Air dùng chip Intel dù mới giới thiệu phiên bản MacBook Air mới dùng chip Intel vào hồi tháng 3 vừa qua. Trong khi Microsoft, Lenovo, Samsung và những hãng khác luôn đưa ra sự lựa chọn giữa ARM và Intel hoặc AMD, thì Apple đã lập sẵn lộ trình chuyển toàn bộ máy tính Mac của họ sang nền tảng Apple silicon dựa trên ARM trong khoảng hai năm tới.
Chip Apple M1 là chìa khóa để Apple thúc đẩy khả năng kiểm soát phần cứng lẫn phần mềm của Mac
Qua đó, Apple đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng ARM sẽ là tương lai của máy tính Mac, điều này dẫn tới các công ty phần mềm lớn như Microsoft và Adobe buộc sẽ phải lắng nghe. Photoshop sẽ ra mắt phiên bản dành cho máy tính Mac chạy chip M1 vào năm tới, trong khi Lightroom ra mắt vào tháng tới và Microsoft Office cũng đang tích cực để phát hành phiên bản tương tự. Các nhà phát triển khác muốn tạo ứng dụng dành cho Mac cũng sẽ phải tham gia.
Khác với các đối thủ, Apple sở hữu hệ sinh thái khép kín nên có thể tránh được một số bẫy tương thích với ứng dụng mà các nhà sản xuất khác đã mắc phải. Ví dụ như Microsoft, các nhà phát triển được cho là không tận dụng được kho ứng dụng Windows Store của mình với các ứng dụng tương thích cho cả ARM và Intel.
Chìa khóa nằm ở khả năng tối ưu hiệu suất và tương thích ứng dụng
Thú vị nhất là các máy tính dùng chip Apple M1 có thể truy cập và tận dụng kho thư viện ứng dụng iOS khổng lồ sẵn có, cho phép người dùng tiếp cận một lượng lớn các ứng dụng chất lượng dù bạn sẽ phải chờ nhà phát triển tối ưu cho máy tính khi không sử dụng màn cảm ứng như iPhone hay iPad.
Nếu những chiếc MacBook mới có khả năng tuyệt vời như Apple quảng bá và có thể khởi chạy hầu hết các ứng dụng mà không gặp nhiều vấn đề về tương thích, chúng ta sẽ khó có thể bỏ qua chúng khi sở hữu thời lượng pin vượt mong đợi của nhiều người.
Nhưng nếu có nhiều vấn đề về khả năng tương thích với ứng dụng như các máy tính dựa trên ARM khác từng gặp phải, có thể nhiều người vẫn sẽ nán lại với các thế hệ Mac cũ trong khi chờ đợi Apple hoàn tất lộ trình như họ đã tuyên bố, hơn ai hết Apple buộc phải thành công vì họ đã đặt cược tất cả vào canh bạc này và gần như không có đường lùi khi nói lời đoạn tuyệt với Intel. Còn với Intel, có vẻ như họ sẽ có một viễn cảnh khá u ám, ít nhất là trên mặt trận chip máy tính.
macOS Big Sur chính thức: nhiều thay đổi, nặng 12GB Sau khoảng thời gian thử nghiệm, Apple đã chính thức phát hành macOS Big Sur, ngay sau màn ra mắt của thế hệ máy tính Mac dùng chip ARM macOS Big Sur không chỉ quan trọng ở việc cập nhật và thay đổi một số tính năng mới, đây còn là công cụ mở đường cho các máy Mac chạy chip Apple Silicon...