Hỗ trợ sinh hoạt phí 36,3 triệu đồng/năm: Thu hút người giỏi vào sư phạm?
Cùng với việc siết chặt ở đầu vào, chính sách hỗ trợ học phí lẫn sinh hoạt phí lên tới 36,3 triệu đồng/năm được nhìn nhận rất tích cực trong việc thu hút người giỏi vào sư phạm.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học – ĐÀO NGỌC THẠCH
Nhưng vẫn còn đó những băn khoăn liệu chính sách này có hỗ trợ đúng người sẽ làm việc trong ngành giáo dục?
Áp dụng cho sinh viên trúng tuyển khóa 2021
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên (SV) sư phạm (SP). Theo đó, SV theo học khối ngành này sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của cơ sở đào tạo. Đồng thời, các SV còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thời gian hỗ trợ được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định nhưng không quá 10 tháng/năm học (tương đương 36,3 triệu đồng/năm – PV). Trong trường hợp giảng dạy theo học chế tín chỉ, mức hỗ trợ được quy đổi phù hợp và tổng kinh phí hỗ trợ theo tín chỉ cả khóa không vượt quá theo năm học. Nơi đào tạo có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt thông qua tài khoản tiền gửi của SV tại ngân hàng.
Trong khi theo chính sách hiện nay, điều 6 Nghị định 86/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021, học sinh và SV SP không phải đóng học phí. Như vậy, nghị định mới người học SP được ưu đãi hơn nhiều so với Nghị định 86 cũ.
Theo nghị định, hình thức hỗ trợ mới này bắt đầu áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021 – 2022. SV đã trúng tuyển và đào tạo từ năm học 2020 – 2021 trở về trước vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại điều 6 của Nghị định số 86 cho đến khi tốt nghiệp.
Nghị định này áp dụng với SV các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy và văn bằng 2 theo hình thức đào tạo chính quy (không áp dụng với giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ).
Nơi đào tạo giáo viên ủng hộ chính sách mới
Trước sự ra đời của chính sách mới, đại diện các trường đào tạo SP bày tỏ sự phấn khởi. Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, nhìn nhận: “Nghị định này sẽ góp phần thu hút SV giỏi vào các ngành SP, đặc biệt tạo điều kiện cho SV có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Với mức trên 3,6 triệu đồng/tháng sinh hoạt phí này, SV có thể đủ tiền trang trải cho việc học ĐH ngay cả ở thành phố lớn”.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: “Đây sẽ là một trong các yếu tố tạo động lực cho người giỏi vào học SP. Với những SV khó khăn, mức hỗ trợ này sẽ tương đương với thù lao đi dạy kèm bên ngoài – khi đó thay vì phải vật lộn làm thêm, SV an tâm học tập để đạt kết quả tốt hơn”.
Tuy nhiên, theo ông Quốc: “Tất nhiên, học sinh giỏi chọn học SP sẽ căn cứ vào nhiều tiêu chí. Bên cạnh sở thích bản thân, họ còn nhìn vào chính sách hỗ trợ tài chính và xu hướng tuyển sinh các năm gần đây. Thực tế, với quy định “siết” đầu vào của Bộ GD-ĐT bằng ngưỡng đảm bảo đầu vào cho tất cả các phương thức tuyển thì chỉ người khá giỏi mới theo học được ngành đào tạo giáo viên”.
Không xin được việc do khách quan, có phải bồi hoàn?
Nghị định này cũng nêu rõ những tình huống người học phải bồi hoàn khoản tiền nhận hỗ trợ nếu ra trường không làm việc trong ngành. Cụ thể, SV SP đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; công tác trong ngành nhưng không đủ thời gian theo quy định; đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.
Nghị định cũng nêu rõ những công việc được tính trong ngành giáo dục như: giáo viên, giảng viên làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu hoặc chuyên môn; viên chức làm công tác quản lý trong các cơ sở giáo dục. Đó còn là công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục theo quy định. Sau khi trúng tuyển, SV SP phải nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, băn khoăn khi chính sách này được thực thi nằm ở chỗ, liệu người nhận hỗ trợ có phải bồi hoàn kinh phí nếu không thực hiện đúng cam kết hay vẫn là quy định cho có như trước đây?
Video đang HOT
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang nêu vấn đề: “Một người nhận hỗ trợ nhưng ra trường không làm việc trong ngành phải bồi hoàn là bình thường. Nhưng nếu người đó có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng, có nguyện vọng nhưng do khách quan không thể làm việc trong ngành – chẳng hạn do tình trạng dư thừa giáo viên, thì người học có phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ?”.
Từ câu hỏi trên, ông Khang cho rằng, để chính sách này thực sự ý nghĩa cần phải giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho SV khối ngành này. Một số hội thảo bàn về vấn đề này đã từng có ý kiến đề xuất rằng một khi nhà nước đã đầu tư cho người học SP thì cần giao địa phương phân công việc làm. Khi phân công nhiệm sở mà không thực hiện, người học mới phải bồi hoàn.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc cũng cho rằng cần có những biện pháp cụ thể để quy định bồi hoàn kinh phí được thực thi. Hai năm nay việc xác định chỉ tiêu đào tạo SP đã căn cứ trên nhu cầu thực tế các địa phương. Nếu đầu ra được quản lý chặt chẽ với sự phối hợp giữa địa phương và cơ sở đào tạo thì những chính sách trong tuyển sinh, đào tạo và sử dụng giáo viên mới thực sự đồng bộ.
Ý kiến
Có tiền, sinh viên sẽ thiếu kỹ năng sống!
Việc được trợ cấp sinh hoạt phí hằng tháng giúp bớt đi gánh nặng về mặt tài chính khiến SV quên đi những kỹ năng sống khác. Theo em việc đi làm thêm có hơi vất vả nhưng nó mang lại trải nghiệm, tăng khả năng giao tiếp, điều mà chúng ta không thể nào học hết được ở trường đại học”.
Trần Phạm Ngân Hà ( ngành sư phạm tiếng Pháp)
Muốn được miễn học phí hơn
Em mong muốn được miễn giảm học phí như hiện tại bởi vì khi có được số tiền 3,63 triệu đồng/tháng trong tay sẽ dễ dẫn đến vấn đề không thể quản lý tốt số tiền ấy và tiêu xài hoang phí mất kiểm soát. Nếu chỉ được miễn giảm dĩ nhiên em vẫn tập trung cho việc học, giống như một phần lương mà nhà nước chi trả nên sẽ làm sao để xứng đáng với những đồng tiền đó.
Huỳnh Quốc Cường (ngành sư phạm văn)
Số tiền ấy giúp rất nhiều cho sinh viên
Em hoàn toàn đồng tình với quyết định hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho SV vì số tiền ấy giúp ích rất nhiều cho việc sinh hoạt hằng ngày, tụi em không phải vất vả đi làm thêm mà có nhiều thời gian hơn để tập trung cho việc học”.
Đặng Ngọc Anh Thư (ngành giáo dục tiểu học)
Cần học vì đam mê chứ không vì tiền
Theo mình biết ngày trước có một số SV vì được miễn, giảm học phí mà chọn học sư phạm cuối cùng ra làm trái ngành, nhà nước không quản lý chặt được nên xảy ra tình trạng bất công, lãng phí tiền của ngân sách. Bây giờ với chính sách hỗ trợ này, đồng nghĩa với việc quản lý chặt chẽ hơn nếu không có đam mê thì có thể không trụ lâu và phải bồi thường lại số tiền đã được trợ cấp trước đó.
Hoàng Phúc (ngành sư phạm văn)
Muốn nhận sinh hoạt phí thay vì miễn học phí
Với số tiền 3,63 triệu đồng/tháng, tụi em có thể chi trả cho sinh hoạt phí, phần còn lại tích góp để đóng học phí vào cuối kỳ. Nếu được lựa chọn, em muốn được nhận trợ cấp hằng tháng thay vì được miễn, giảm học phí.
Phạm Thị Phương Thảo (ngành giáo dục tiểu học)
Nguyễn Điền (ghi)
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xét học bạ học sinh giỏi, tốt nghiệp từ 8.0
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ xét tuyển học bạ những học sinh tốt nghiệp năm nay, có học lực lớp 12 xếp loại giỏi, đồng thời có điểm xét tốt nghiệp từ 8.0 trở lên.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - HÀ ÁNH
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa công bố phương thức tuyển sinh năm 2020, so với phương thức đã công bố trước đó có một số điều chỉnh.
Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, năm 2020 ngoài việc sử dụng tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành để xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT và theo các tiêu chí của trường, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tuyển sinh theo 2 phương thức.
Phương thức xét tuyển áp dụng cho tất cả các ngành (trừ ngành giáo dục thể chất và giáo dục mầm non). Cụ thể là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (chiếm tối thiểu 60% chỉ tiêu của từng ngành) và xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (chiếm tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành).
Trong đó, phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển (từng bài thi/môn thi chấm theo thang điểm 10) cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GD-ĐT và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
ĐXT = ĐM1 cộng ĐM2 cộng ĐM3 cộng ĐUT
Trong đó:
ĐXT: Điểm xét tuyển, được làm tròn đến hai chữ số thập phân;
ĐM1, ĐM2, ĐM3: Điểm bài thi/môn thi thứ nhất, thứ hai, thứ ba theo tổ hợp xét tuyển;
ĐUT: Điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Phương thức xét dựa vào kết quả học tập THPT, trường sử dụng kết quả 6 học kỳ (lớp 10, 11 và 12) của 3 môn học để xét tuyển (tương ứng với tổ hợp môn xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020).
Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình của 3 môn học 6 học kỳ cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GD-ĐT và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
ĐXT = ĐM1 cộng ĐM2 cộng ĐM3 cộng ĐUT
Trong đó:
ĐXT: Điểm xét tuyển, được làm tròn đến hai chữ số thập phân;
ĐM1, ĐM2, ĐM3: Điểm trung bình 6 học kỳ ở THPT của môn học thứ nhất, thứ hai, thứ ba theo tổ hợp xét tuyển;
ĐUT: Điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Phương thức kết hợp xét tuyển và thi tuyển áp dụng cho ngành giáo dục thể chất và giáo dục mầm non. Cụ thể là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và điểm thi năng khiếu do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức (chiếm tối thiểu 60% chỉ tiêu của từng ngành) và xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT và điểm thi năng khiếu do trường tổ chức (chiếm tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành).
Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 kết hợp với thi tuyển môn năng khiếu đối với ngành giáo dục thể chất, trường chọn kết quả bài thi ngữ văn hoặc toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và 2 môn thi năng khiếu do trường tổ chức.
Đối với ngành giáo dục mầm non, trường chọn kết quả bài thi ngữ văn và toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và 1 môn thi năng khiếu do trường tổ chức.
Xét tuyển bằng kết quả học tập THPT kết hợp với thi tuyển môn năng khiếu với ngành giáo dục thể chất, trường chọn kết quả học tập môn ngữ văn hoặc toán ở THPT trong 6 học kỳ (theo tổ hợp môn đăng ký xét tuyển) và 2 môn thi năng khiếu do trường tổ chức.
Đối với ngành giáo dục mầm non, trường chọn kết quả học tập môn ngữ văn và toán ở THPT trong 6 học kỳ và 1 môn thi năng khiếu do trường tổ chức.
Ở mỗi phương thức trường xét thí sinh có điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Đáng chú ý trong phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cho từng phương thức.
Đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (áp dụng cho tất cả các ngành trừ ngành giáo dục thể chất và giáo dục mầm non), ngưỡng điểm được thông báo chính thức sau khi Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH (căn cứ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020).
Với xét tuyển bằng kết quả học tập THPT chỉ áp dụng đối với thí sinh tốt nghiệp THPT trong năm 2019 - 2020 và đồng thời phải thỏa một trong hai điều kiện sau: Có học lực lớp 12 xếp loại giỏi; Có điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.
Như vậy, so với quy chế tuyển sinh ĐH năm nay, quy định về ngưỡng đảm bảo đầu vào của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với hình thức xét tuyển kết quả học tập THPT (xét học bạ) có yêu cầu cao hơn. Học sinh vừa phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi, đồng thời có điểm xét tốt nghiệp từ 8.0 trở lên, trong khi theo quy chế thí sinh xét tuyển vào nhóm ngành đào tạo giáo viên chỉ cần thỏa một trong 2 điều kiện trên.
Đối với phương thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển, ngưỡng điểm áp dụng riêng cho ngành giáo dục thể chất và giáo dục mầm non.
Cụ thể, thí sinh dự xét tuyển ngành giáo dục mầm non phải thoả các điều kiện sau: Tham gia kỳ thi năng khiếu do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức và có kết quả đạt từ 5,0 điểm trở lên; Thỏa điều kiện tương ứng về ngưỡng đảm bảo đầu vào với phương thức xét điểm thi và xét kết quả học tập THPT như trên (tùy theo dùng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 hay dùng kết quả học tập THPT).
Thí sinh dự xét tuyển ngành giáo dục thể chất phải thỏa các điều kiện sau: Tham gia kỳ thi năng khiếu do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức và có kết quả đạt từ 5,0 điểm trở lên; Nếu xét tuyển dùng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phải thỏa thêm điều kiện tương ứng như trên với phương thức này. Nếu xét tuyển dùng kết quả học tập THPT, thí sinh phải thỏa thêm một trong bốn điều kiện sau: Có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên; Có điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên; Là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đoạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế; Có điểm thi năng khiếu do trường tổ chức đạt loại xuất sắc (từ 9,0 trở lên theo thang điểm 10).
Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả học tập THPT, dự kiến vào tháng 7.
Trước đó, nhiều trường ĐH đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2020 như: Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM...
Điểm sàn của 13 trường sư phạm Điểm sàn các ngành đào tạo giáo viên của trường đại học phải bằng hoặc cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định. ĐH Sư phạm Hà Nội lấy điểm sàn 20 cho các ngành Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Toán học và Sư phạm Toán học (đào tạo giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh)....