Hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vượt khó khăn kép
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề ra 5 chương trình hành động để chăm lo, hỗ trợ các thành viên trong việc khắc phục những khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu cũng như đại dịch COVID-19.
Nông dân tại một hợp tác xã thu hoạch rau sạch. (Ảnh: TTXVN)
Bên lề Diễn đàn “Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho hợp tác xã trong bối cảnh mới” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức ngày 24/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những khó khăn cũng như những bước đi cụ thể của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong thời gian tới nhằm vực dậy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trước bối cảnh đại dịch và tác động từ biến đổi khí hậu.
- Thời gian qua, Việt Nam đã bị tác động không nhỏ bởi đại dịch COVID-19 cũng như biến đổi khí hậu, trong đó có khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Vậy, xin ông cho biết Liên minh Hợp tác xã đã có những chính sách gì để hỗ trợ các hợp tác xã vượt qua khó khăn trong giai đoạn này?
Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Những tháng đầu năm nay, nền kinh tế nước ta cũng như khu vực hợp tác xã phải đối mặt với hai thách thức rất lớn là đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, trong đó các hợp tác xã ở lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải chịu tác động rất lớn.
Theo quan sát cũng như các nghiên cứu, doanh thu giảm tới trên 70% và lợi nhuận theo đó cũng giảm theo nên thu nhập của các thành viên hợp tác xã cũng giảm mạnh. Bên cạnh đó, các hợp tác xã nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng cũng chịu tác động, tuy không lớn so với các hợp tác xã lĩnh vực dịch vụ.
Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách và chính sách rất kịp thời như giãn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm thuế cho doanh nghiệp rồi cho vay, hỗ trợ lãi suất 0% đối với người thất nghiệp do dịch COVID-19; trong đó các hợp tác xã và các thành viên hợp tác xã, người lao động là những đối tượng thụ hưởng.
Liên minh hợp tác xã Việt Nam, với tư cách là tổ chức đại diện, bảo vệ và chăm lo cho sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ trong cả hệ thống từ Trung ương tới địa phương.
Trước hết, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thông tin kịp thời cho các hợp tác xã tuyên truyền về các thách thức, khó khăn và những chính sách của Nhà nước; hỗ trợ cho các hợp tác xã làm các thủ tục để được nhận các thụ hưởng chính sách đồng thời khuyến khích và đề nghị các thành viên cố gắng vươn lên trong khó khăn để sản xuất.
Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng tăng cường đào tạo về quản trị cũng như đảm bảo chuyển đổi nghề cho các hợp tác xã theo các chủ trương từ nguồn lực của Nhà nước cũng như các nguồn lực khác.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, với các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế trong nước đầu tư một số mô hình để có thể chống chịu với biến đổi khí hậu, giúp cải thiện về giống, công nghệ, Liên minh Hợp tác xã cũng tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ và kết nối cung cầu giữa Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các tập đoàn bán lẻ lớn trong nước và các hợp tác xã.
Hơn nữa, Liên minh Hợp tác xã cũng đẩy mạnh xây dựng các mô hình áp dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị để khắc phục những bất cập trong tiêu thụ; sử dụng các nguồn lực về vốn tín dụng từ quỹ của Trung ương, hợp tác xã. Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã luôn sát cánh, gắn bó với các thành viên và thường xuyên khuyến nghị, động viên cũng như cung cấp đầy đủ thông tin để giúp họ giảm bớt khó khăn và tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, với số vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng, các quỹ của địa phương đã hỗ trợ vốn cho các hợp tác xã thành viên theo chủ trương của Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương.
Có thể nói rằng, so với các lĩnh vực khác thì khu vực hợp tác xã có khả năng chống chịu tốt bởi các rủi ro đó được phân tán. Đây là một trong những lợi thế rất lớn của khu vực kinh tế tập thể hợp tác xã.
- Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã có những kế hoạch hay giải pháp gì để tiếp tục sát cánh, đồng hành cùng các hợp tác xã trong việc thích ứng với những rủi ro của dịch bệnh COVID-19 và biến đổi khí hậu?
Ông Nguyễn Ngọc Bảo: Mặc dù Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19 và đang tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ nhưng dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay vẫn ở mức khá cao.
Hơn nữa, biến đổi khí hậu là thách thức dài hạn của toàn cầu và đang tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta. Điều này cho thấy khu vực hợp tác xã không là ngoại lệ và phải đối mặt với thách thức, khó khăn đó.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề ra 5 chương trình hành động để chăm lo, hỗ trợ các thành viên trong việc khắc phục những khó khăn, thách thức từ biến đổi khí hậu cũng như đại dịch COVID-19 .
Trước hết, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin kịp thời đến các thành viên về những khó khăn, thách thức, chẳng hạn những rủi ro phi truyền thống như dịch bệnh, thiên tai, nước biển dâng tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến vấn đề xâm nhập mặn.
Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng xây dựng đề án và thực hiện việc hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung ứng dịch vụ. Do vậy, năm nay sẽ triển khai việc kết nối với các hợp tác xã trong cả nước, nhất là hợp tác xã có quy mô lớn để giúp họ tư vấn về pháp lý, thông tin, cung ứng các dịch vụ công nghệ và xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã sẽ thành lập một sàn giao dịch điện tử cũng như các Câu lạc bộ hợp tác xã chuyên ngành, đơn cử như lĩnh vực liên quan đến rau quả, chăn nuôi, dược liệu, lương thực…
Để hình thành các Câu lạc bộ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức cuộc họp để nắm bắt, trao đổi thông tin và kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã đồng thời giúp các thành viên hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Qua đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề xuất phối hợp cùng các bộ, ngành nhằm kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động của các quỹ hỗ trợ hợp tác xã .
Đóng gói sản phẩm tại một hợp tác xã. (Nguồn: TTXVN)
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam kỳ vọng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ tích cực cho việc thành lập các quỹ này để mở rộng vốn, quy mô hoạt động và cơ chế hoạt động.
Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, các quỹ hỗ trợ được nhà nước giao cho hệ thống quản lý sẽ hoạt động hiệu quả và là kênh hỗ trợ vốn tích cực, nhất là cơ sở hạ tầng, vốn tín dụng và vốn lưu động.
Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng đẩy mạnh các nguồn lực để xây dựng các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị của 63 tỉnh, thành phố nhằm nhân rộng mô hình và tạo hiệu ứng lan tỏa.
Mới đây, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện Dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, trong dự án phát triển nông, lâm nghiệp, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng với Ủy ban Dân tộc đẩy mạnh việc thành lập và xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp ở địa bàn miền núi./.
- Xin trân trọng cảm ơn ông !
Tăng cường năng lực hợp tác xã
Ngày 22/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng vì trong giai đoạn 2016-2020 kinh tế tập thể, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Đến cuối năm 2020 có 26.040 HTX, thu hút 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn tham gia HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác, tăng 4,5% so với năm 2015, số HTX hoạt động hiệu quả chiếm 59% tổng số HTX.
Số HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị tăng 6,8 lần so với năm 2015. Khu vực kinh tế tập thể, HTX đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP của cả nước, gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế khi khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; sự liên kết, hợp tác với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu.
Thống nhất với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu với 5 chương trình hành động trọng tâm đã nêu trong báo cáo trình Đại hội, Thủ tướng đề nghị tiếp tục đổi mới tư duy và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh HTX các cấp, với chức năng là tổ chức đại diện cho hơn 8,1 triệu thành viên và hơn 30 triệu người lao động khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Thủ tướng cũng yêu cầu, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương phải xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp uỷ, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên. Cần tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng trong quản lý HTX và tổ hợp tác. Từng bước quản trị hiện đại, có khả năng cạnh tranh và thích ứng với thay đổi của thị trường. Đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là kinh tế số; nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản trị HTX.
"Người đứng đầu HTX không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng của một doanh nhân, mà còn phải có một trái tim cống hiến cho cộng đồng. HTX mới là một thiết chế kinh tế tiến bộ, tạo ra lợi ích, nâng cao thu nhập, lấy lợi ích của thành viên làm trung tâm" - Thủ tướng nêu rõ đồng thời nhấn mạnh: Phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể, HTX chính là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Báo cáo trình Đại hội xác định trong giai đoạn 2020-2025, Liên minh HTX Việt Nam đặt mục tiêu hệ thống liên minh HTX Việt Nam phấn đấu nâng mức thu nhập của thành viên HTX tăng bình quân 6%/năm trở lên. Hàng năm xây dựng từ 300-500 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương.
Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70%, trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 80%; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của các địa phương và GDP của cả nước từ 5% trở lên.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khóa V tiếp tục được Đại hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khóa VI nhiệm kỳ 2020-2025.
Họp báo về Đại hội Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI Sáng ngày 9/12/2020, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức họp báo giới thiệu về Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) hoạt động của...