Hỗ trợ học phí học sinh tiểu học: Nhân văn nhưng cần cẩn trọng
Liên quan tới đề xuất của Bộ GDĐT về việc không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho rằng: Chính sách này nhân văn, nhưng cần thận trọng trong quá trình thực hiện.
Nếu Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua, ngân sách nhà nước phải hỗ trợ 2.233 tỷ đồng để thực hiện chính sách không thu và hỗ trợ học phí cho học sinh vào thời điểm Luật có hiệu lực.
Lộ trình miễn học phí trước năm 2020
Liên quan đến dự án Luật Giáo dục sửa đổi, nội dung miễn giảm học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi và học sinh THCS trường công lập đã được thảo luận tại nhiều cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Gần đây nhất, Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GDĐT) cũng bày tỏ quan điểm về chính sách này. Theo đó, căn cứ Điều 61, Hiến pháp đã quy định: Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, nâng cao chất lượng phổ cập trong những năm tiếp theo và miễn học phí trước năm 2020.
Căn cứ Hiến pháp, chủ trương của Đảng, Nhà nước và ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội, Bộ GDĐT đã báo cáo Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI). Đồng thời thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo đó, tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ GDĐT đã nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 3, 4, 5, 6 của Điều 96 về chính sách học phí nói trên.
Đảm bảo lộ trình
Hiện nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục THCS, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí.
Theo lý giải của Vụ Kế hoạch – Tài chính, việc quy định như Dự thảo nêu trên sẽ đảm bảo thực hiện theo đúng Hiến pháp 2013, quy định học sinh tiểu học không phải đóng học phí. Đối với các cấp học khác Chính phủ sẽ quy định thực hiện lộ trình miễn học phí đảm bảo phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 29 -NQ/TW.
Video đang HOT
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, có đủ tiền để miễn học phí cho học sinh THCS, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập. Nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ việc cân đối trong 20% chi ngân sách cho giáo dục đào tạo.
Bộ trưởng cũng khẳng định phải hỗ trợ cho học sinh của trường ngoài công lập, bởi vì đó là sự công bằng. Các em đều thuộc đối tượng giáo dục bắt buộc, vậy thì công hay tư cũng phải được sự chăm sóc, hỗ trợ như nhau. Một suất học sinh ngoài công lập phải được hưởng hỗ trợ tương đương với mức học sinh công lập được miễn giảm.
Con số thống kê được đưa ra là khoảng 4.730 tỉ đồng/năm dành cho miễn giảm học phí được Bộ trưởng Nhạ khẳng định có thể cân đối được từ nguồn 20% chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo.
Theo TS Lê Viết Khuyến, trong Hiến pháp đã ghi giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học và mầm non. Đã là bắt buộc thì phải miễn học phí. Chỉ còn lại vấn đề là lấy tiền từ đâu? Nếu đúng như Bộ GDĐT đã tính toán thì tất nhiên có thể triển khai được ngay khi Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực là một việc làm rất nhân văn. Không chỉ các trường công lập mà học sinh ở địa bàn không đủ trường công lập, HĐND cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trường tư thục.
TS Khuyến cũng nhắc lại câu chuyện, năm 2001, Bộ GDĐT được phê duyệt ngân sách nhà nước 11 tỉ đồng để xây dựng bộ chương trình khung cho các ngành đào tạo đại học và cao đẳng. Chương trình ĐH rất đa dạng, khối lượng lớn gấp nhiều lần chương trình phổ thông mà nhóm “tiêu mãi không hết”. Hiện nay đang làm sách giáo khoa phổ thông, cần chi đúng, chi đủ tránh lãng phí.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho rằng, việc TP HCM đề xuất miễn giảm học phí cho học sinh THCS là rất nhân văn vì sau khi cân đối ngân sách, TP HCM thấy có thể làm được điều này. Còn Hà Nội đề xuất tăng học phí cũng là hợp lý vì căn cứ vào nguồn ngân sách, cần phải tăng để có sự đầu tư tốt hơn nữa cho giáo dục.
Trong khi đó, xưa nay các trường tư thục tự quyết định mức học phí của mình, không nhận được sự hỗ trợ từ tiền ngân sách. Mức học phí này cũng không giống nhau giữa các trường nhưng phụ huynh ngày nay rất thông thái. Họ chọn trường cho con sau khi đã tìm hiểu kỹ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình học và tham khảo ý kiến của các phụ huynh khác đã và đang có con em theo học… Nếu các trường không giữ vững được thương hiệu của mình bằng cách chứng minh chất lượng thì không thể nào tuyển sinh được, dù hạ thấp mức học phí hơn…
Thu Hương
Theo daidoanket
Chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm: Không nên bỏ!
Thời gian qua, tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận khi tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục, là việc bỏ chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm để thay thế bởi chế độ tín dụng sư phạm. Theo đó, thay vì được miễn học phí như trước đây, dự thảo mới quy định sinh viên sư phạm sẽ được hưởng chế độ tín dụng với các khoản vay bao gồm sinh hoạt phí và học phí trong quá trình học tập.
Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Công Hùng
Sự cần thiết và hợp lý
Từ rất lâu, giáo dục đã được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc sách hàng đầu, rằng đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Vì vậy, trong tất cả ngành nghề, sư phạm được xem là một ngành quan trọng nhất, vì gắn với công việc thực hiện chức năng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
Trên thực tế, nếu không có ngành sư phạm, đất nước sẽ không thể phát triển, bởi ngành này đã tạo ra những con người có kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ để thực hiện mọi công việc cho xã hội, mặc dù và cho dù là đã có những nguồn đầu tư lớn về cơ sở vật chất hay các nguồn lực xã hội khác.
Chính vì thế, ngành sư phạm luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đãi ngộ và ưu tiên đầu tư với những nguồn lực thỏa đáng. Do đó, chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm khi họ sẽ là những thầy cô giáo trong tương lai thể hiện sự ưu đãi đặc biệt đối với ngành quan trọng này.
Cùng với đó, sư phạm còn là một ngành đặc thù, với công việc được xem là "trồng người" hay giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, nhằm tạo ra nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, ngành này luôn cần những con người có tài năng và đức độ, có đủ năng lực, phẩm chất và nhân cách cần thiết. Do đó, chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm cũng là một động lực nhằm thu hút những người tài giỏi khi đã hội tụ những điều kiện cần thiết vào ngành.
Trên thực tế, việc được miễn giảm học phí đối với sinh viên sư phạm cũng đã là một trong những lý do chính thu hút được nhiều sinh viên chọn ngành này, nên đã tạo ra được sự thúc đẩy đối với xã hội. Theo một kết quả nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long, có tới 36,54% sinh viên năm thứ nhất chọn học tại trường là vì lý do được "miễn học phí".
Bên cạnh đó, chính sách miễn học phí là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với ngành học này, bởi đã từ lâu, đầu tư cho giáo dục đã được xác định là đầu tư cho phát triển, luôn được ưu tiên hàng đầu so với các hình thức đầu tư kinh tế - xã hội khác. Khi đó, từ sự đầu tư này sẽ thúc đẩy đối với sự phát triển của nghề giáo, một nghề tạo ra sự phát triển cho tương lai.
Mặt khác, do tính đặc thù của nghề giáo còn được thể hiện ở chỗ, đó là nghề được gắn với công việc rất quan trọng nên luôn rất cần sự tập trung và ổn định, với một tâm thế vững vàng cho người làm việc, bởi do đối tượng lao động của nghề này ở đây là những con người cụ thể.
Trên thực tế, nếu không có được sự ổn định, tập trung thì hiệu quả giảng dạy của các thầy cô giáo sẽ không đạt được và hệ lụy dẫn đến là sẽ gây thiệt hại cho các học trò. Vì vậy, với chính sách được miễn học phí, các sinh viên sư phạm là các thầy cô giáo trong tương lai sẽ có được sự tập trung, ổn định và yên tâm trong học tập, từ đó cũng sẽ tạo ra được những hiệu ứng và kết quả tích cực cho công việc sau này.
Ảnh minh họa
Bất hợp lý của chế độ cho vay tín dụng sư phạm
Trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) mới đây, thì chính sách không thu học phí của sinh viên sư phạm sẽ được thay thế bằng chính sách tín dụng sư phạm. Dự kiến theo hình thức này, sinh viên sư phạm sẽ phải lập hồ sơ tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với các khoản vay bao gồm học phí và sinh hoạt phí để chi trả trong thời gian đào tạo. Theo lý giải thì phương án này sẽ đảm bảo để các trường sư phạm vẫn có thể thu hút được người giỏi vào học, đồng thời tạo được sự công khai, minh bạch và bình đẳng trong việc thu, sử dụng học phí sư phạm như so với các ngành học khác.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại về đề xuất này, cần thiết phải xem xét lại trên một số góc độ.
Cụ thể, thứ nhất, ngành sư phạm là một ngành đặc thù, đây là ngành đào tạo và giáo dục con người có tính quyết định đến sự phát triển của đất nước. Chỉ khi trong tâm thế tập trung và ổn định thì người thầy mới có thể giảng dạy tốt và truyền đạt tốt kiến thức đến các học trò. Do đó, yêu cầu này đã được đặt ra ngay đối với các sinh viên ngành sư phạm khi còn đang trên ghế nhà trường. Vì vậy, khi áp dụng chính sách cho vay học phí sẽ tạo ra một áp lực tâm lý như một gánh nặng về một khoản nợ cho các sinh viên khi mà vẫn còn đang đi học.
Hiện có rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm do sự dư thừa giáo viên đang diễn ra. Vì thế, khi các sinh viên sư phạm đã không xin được việc làm mà nay lại còn phải mang theo một khoản nợ thì liệu có hợp lý được không?
Thứ hai, theo một kết quả thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2013, dự toán của Bộ GD&ĐT về mức chi ngân sách để bù học phí cho sinh viên sư phạm thuộc các trường đại học, cao đẳng và để cấp bù miễn giảm học phí là 440 tỷ đồng. Cho đến năm 2014, mức dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này lại tăng tới lên hơn 484 tỷ đồng. Chính vì thế nên nhiều người đã nghĩ rằng, đó đã là một khoản lớn.
Thế nhưng, cần thiết phải thấy rằng, đầu tư cho giáo dục đã được khẳng định là đầu tư cho phát triển. Trên thực tế, những con số này chỉ là một con số nhỏ so với những dự án kinh tế - xã hội khác mà Nhà nước vẫn thực hiện hàng năm, mà nhiều khi đã lên tới cả hàng chục ngàn tỷ đồng. Do đó, điều đã gây băn khoăn này là không thỏa đáng, không đáng lo ngại và chưa hợp lý khi nhìn nhận từ góc độ cần đầu tư cho giáo dục và ngành sư phạm.
Thứ ba, nếu như theo lý giải về việc bỏ chính sách này đối với sinh viên ngành sư phạm là nhằm tạo ra sự công khai, minh bạch và bình đẳng trong việc thu và sử dụng học phí sư phạm so với các ngành học khác, thì cần thiết phải nói ở đây là, đã có sự đánh đồng ngành sư phạm so với ngành học khác. Bởi đã từ lâu, ngành sư phạm hay giáo dục được xem là một ngành quan trọng đặc biệt, quyết định đến sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, ngành này luôn dành được sự quan tâm đặc biệt.
Chúng ta đang tiến hành thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, chính vì vậy vấn đề đặt ra là cần thiết thực hiện những việc làm nhằm nâng cao hiệu quả cho ngành này, cùng với việc tạo ra những hiệu quả học tập tốt và cao hơn cho các sinh viên sư phạm như đổi mới phương pháp học tập và giảng dạy, đổi mới công tác quản lý...
Trên thực tế, chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm đã được đặt ra từ lâu. Cụ thể, theo quy định tại Điều 89 của Luật Giáo dục năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học tại các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí. Chính vì thế, khi tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục, việc bỏ chính sách này cần phải được nhìn nhận lại từ hai góc độ khác nhau.
Trần Trí Dũng
Theo giaoducthoidai
Sắp xếp lại các trường ĐH: Giải thể một trường đại học yếu kém không dễ! Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT cho rằng, giải thể một trường đại học yếu kém không dễ vì phải chứng minh được trường đó yếu kém như thế nào? Góp ý về việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng đề...