Ho sặc khi đang chơi đùa, bé trai phải cấp cứu qua 3 bệnh viện
Một hạt đậu đũa đã khiến bé trai 9 tháng tuổi ở Đồng Tháp tím tái, tràn khí màng phổi, phải cấp cứu qua 3 bệnh viện mới thoát nguy hiểm.
Sự việc xảy ra vào mùng 6 Tết.
Ngày 17/2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết bệnh nhi là bé D.H.A. (9 tháng tuổi, Đồng Tháp). Sáng mùng 6 Tết, người nhà cho bé A. cầm đậu đũa chơi, sau đó mẹ nghe tiếng bé khóc và ho sặc.
Mẹ thấy bé tím môi, xử trí vỗ lưng rồi đưa bé vào một bệnh viện tư nhân cách nhà khoảng 20 phút di chuyển. Tại đây, trẻ tím, SpO2 60% và được đặt nội khí quản, chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Sau đó, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long liên hệ để chuyển bé A. lên TP.HCM.
Tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng TP (TP.HCM), bệnh nhi thở máy. Kết quả X-quang cho thấy xẹp và tràn khí màng phổi phải. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn giữa chuyên khoa Hô hấp và Ngoại lồng ngực mạch máu, quyết định đặt dẫn lưu màng phổi và thực hiện nội soi phế quản gắp dị vật.
Video đang HOT
Tại phòng mổ, bệnh nhi được truyền huyết tương tươi do có rối loạn đông máu. Bác sĩ đặt dẫn lưu trước rồi nội soi phế quản, ghi nhận có dị vật hình tròn màu vàng nhạt bít hoàn toàn phế quản trung gian. Bác sĩ dùng kiềm gắp thành công một hạt đậu ra ngoài.
Sau đó, bé được chuyển về Khoa Hồi sức ngoại, tiếp tục thở máy. Kết quả X-quang cho thấy phổi nở tốt sau gắp dị vật. Bé hiện được điều trị viêm phổi và hồi sức tích cực.
Bệnh viện Nhi Đồng TP khuyến cáo phụ huynh không nên để trẻ đùa nghịch, cười đùa, khóc to, hoặc sợ hãi khi ăn; không cho trẻ chơi các đồ chơi nhỏ vì nguy cơ bị rơi vào đường thở. Đồng thời, nên thận trọng với những thức ăn như hạt đậu, hạt trái cây, ngô (bắp), vỏ tôm, cua… có thể làm cho trẻ hóc dị vật.
Mất bàn tay trái vì nhà hàng xóm đốt pháo
Tai nạn pháo nổ nghiêm trọng vừa xảy ra ngày mùng 3 Tết khiến bé gái tại TP.HCM mất bàn tay trái.
Nguyên nhân là một viên pháo đại rơi trên sân, sau khi nhà hàng xóm đốt pháo hoa
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nạn nhân là bé gái 5 tuổi tên H.T.T, ngụ tại huyện Bình Chánh (TP.HCM).
Khai thác bệnh sử ghi nhận vào ngày mùng 3 Tết, bé T. chơi trước nhà. Nhà hàng xóm có đốt pháo hoa. Sau đó, bé gái nhặt một viên pháo đại trên sân. Không may, pháo phát nổ làm bàn tay trái của em bị thương. Ngay lập tức, người nhà đưa T. đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận bàn tay trái của T. bị tổn thương dập nát, vùng mạn bụng trái tổn thương mô mềm. Ngoài ra, đùi phải của nạn nhân bị bỏng cháy đen khoảng 3x2cm do mảnh vỡ pháo văng vào.
Ngay lập tức, bác sĩ tiến hành cấp cứu cắt lọc vết thương vùng mạn bụng trái, đùi phải. Tuy nhiên, do bàn tay trái bị dập nát, bác sĩ không thể khâu nối và phục hồi nên được làm mỏm cụt. Quá trình điều trị, trẻ được sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh. Đến nay, bé vẫn chưa xuất viện.
Bé 5 tuổi mất tay trái do tai nạn pháo nổ. Ảnh: BVCC.
Hiện tại, đây là trường hợp đầu tiên nhập Bệnh viện Nhi đồng TP do tai nạn pháo nổ trong dịp nghỉ Tết. Bác sĩ Tiến cảnh báo phụ huynh lưu ý tuyệt đối không cho trẻ chơi với pháo vì nguy cơ gặp tai nạn nguy hiểm thậm chí đe dọa tính mạng. Đồng thời, phụ huynh phải tuân thủ các quy định của pháp luật về pháo, vật liệu nổ.
Trước đó, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 4 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, cả nước có 507 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn 134 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Lâm Đồng, ngày 11/2, một người đàn ông đã tử vong khi châm lửa đốt viên pháo bi, một loại pháo bị cấm sử dụng. Ngoài ra, các bệnh viện hiện đang điều trị cho nhiều nạn nhân bị tai nạn pháo nổ rải rác từ cận Tết đến nay.
Hai vợ chồng tử vong nghi ngộ độc rượu trong bữa tiệc ngày Tết Một gia đình ở Bạc Liêu tổ chức tiệc nhậu trong 2 ngày Tết, sau đó hai vợ chồng tử vong, con trai đang cấp cứu trong bệnh viện nghi ngộ độc rượu. Trước đó, trong các ngày 9 và 10/2 (tức 30 và mùng 1 Tết), tại gia đình ông T.V.T (SN 1960) và bà T.M.T (SN 1962, vợ ông T, ngụ...