HN: Không bắt buộc học sinh mua đồng phục mới
Năm học mới, nhà trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần học sinh mặc sạch, khuyến khích các em tiết kiệm để chia sẻ cùng anh chị em trong gia đình và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đây là nội dung trong văn bản hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học mới của Sở GD-ĐT Hà Nội vừa gửi tới các phòng giáo dục, quận, huyện, xã.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, vào đầu năm học, không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần mặc sạch để khuyến khích tiết kiệm và có thể chia sẻ cùng anh chị em trong gia đình và các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Hiệu trưởng các trường không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới (hoặc chưa kịp mua đồng phục) mà không được vào trường học.
Đồng phục phải được thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương; được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận; dễ tìm mua hoặc may ở nhà, chất liệu bền, giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.
Các sở giáo dục không khuyến khích các trường thay đổi, thêm bớt các chi tiết trên đồng phục hàng năm làm khó khăn cho phụ huynh và học sinh. Nếu nhà trường thấy thật sự cần thiết phải thay đổi thì phải có sự bàn bạc cụ thể và được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Việc thực hiện đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT quy định.
Đồng phục học sinh lớp 10 của học sinh ở Hà Nội
Video đang HOT
Trước đó, nhiều người dân các thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội (huyện Thường Tín, HN) có con học tại Trường Tiểu học Văn Bình bức xúc khi hội phụ huynh gồm ba người đại diện cho ba thôn cùng với nhà trường quyết định thay đồng phục cho học sinh. Mức giá cho bộ quần áo mùa hè (váy áo với nữ) và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm trước, với giá từ hơn 600.000 đồng đến gần 700.000 đồng/bộ tùy từng khối lớp học.
Sau khi báo chí thông tin, việc may đồng phục của học sinh tại trường đã được dừng lại với lí do đưa ra là “không phù hợp với tâm lí học sinh”.
Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm, đại diện Sở GD-ĐT HN đề nghị các trường khi tổ chức việc dạy thêm, học thêm phải được xuất phát từ nhu cầu người học và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm; triển khai chi tiết, cụ thể các văn bản hướng dẫn của Sở GD Hà Nội đến toàn thể thành viên trong hội đồng sư phạm nhà trường; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
Đức Nguyễn (Khampha.vn)
Ép học sinh nông thôn may đồng phục giá cả tạ thóc là không thể chấp nhận
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định việc ép học sinh nông thôn mua đồng phục đáng giá cả tạ thóc là không thể chấp nhận.
Bộ đồng phục vest cho học sinh tiểu học với ý tưởng đột phá - Ảnh: Nguyễn Tuấn
Ông Thống nói: Việc ép học sinh mua đồng phục ở Trường tiểu học Văn Bình (H.Thường Tín, Hà Nội) vừa qua chúng tôi thấy rất là bức xúc. Ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã trao đổi với trưởng phòng đào tạo và yêu cầu hiệu trưởng Trường tiểu học Văn Bình phải dừng ngay việc này. Sau đó ngày hôm qua (20.8), Phòng GD-ĐT huyện đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT báo cáo đã chỉ đạo dừng việc may đồng phục ở trường.
Tôi chưa bàn đến những việc khác mà chỉ bàn đến việc hoàn cảnh hầu hết gia đình ở đó thuần nông, khó khăn như thế (mà có người ví von một bộ đồng phục bằng 1 tạ thóc) là đã không thể chấp nhận được trong chuyện này. Khi mà từ T.Ư tới các địa phương đều đang yêu cầu thực hành tiết kiệm. Bên ngoài người ta còn thấy mà tại sao nhà giáo lại không nhìn thấy chuyện như vậy.
Sai thì phải nói là sai, tôi còn đọc ở báo nào đó nhà trường giải thích quanh co là mua được cả bộ thì mua, chứ không thì mua cái quần, cái áo, cái nơ cũng được... Thế thì còn gọi gì là giá trị của đồng phục nữa.
Ở đây có một vấn đề nữa là vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường đó chưa làm hết trách nhiệm, làm cho phụ huynh người ta bức xúc.
* Câu chuyện đồng phục cũng là bức xúc khá phổ biến của nhiều phụ huynh trên địa bàn thành phố chứ không phải riêng một trường. Ngay cả những nơi có điều kiện sống tốt như các quận nội thành. Sở có chấn chỉnh chung gì không?
- Trước hết, phải khẳng định việc học sinh mặc đồng phục rất đáng hoan nghênh. Đồng phục góp phần nâng cao trách nhiệm, niềm tự hào, tự trọng... của học sinh. Học sinh ra khỏi trường, khoác trên người bộ đồng phục thì mỗi khi vi phạm luật lệ giao thông, nói tục, chửi bậy... cũng phải dừng lại vì nghĩ đến truyền thống của trường....
Mặt khác, đồng phục cũng là bình đẳng giữa các học sinh trong cùng một môi trường giáo dục.
Sau khi Bộ GD-ĐT có quy định về đồng phục học sinh sinh viên từ năm 2009, chúng tôi cũng đã có văn bản hướng dẫn, trong đó nhấn mạnh tới việc đồng phục vừa phải đảm bảo tính thẩm mỹ, tính phù hợp với thời tiết, điều kiện kinh tế của từng địa phương và đặc biệt là có sự đồng thuận thực sự của tất cả phụ huynh. Bộ đồng phục mà xa xỉ quá với điều kiện kinh tế xã hội ở đó thì không phù hợp.
* Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ các trường có vẻ "thích" yêu cầu học sinh mặc đồng phục như vậy là vì có "hoa hồng"?
- Tôi xin không bàn tới chuyện đó vì tôi không có đầy đủ thông tin.
Tuy nhiên, trên thực tế, đầu năm học phụ huynh phải lo rất nhiều khoản cho con, sách vở, bút giấy, các loại học phẩm... nếu cứ mỗi thứ thêm một chút thì sẽ là một gánh nặng và phụ huynh bức xúc là đúng.
* Tại sao Sở GD-ĐT không lập một đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin từ phụ huynh?
- Chúng tôi có công khai tất cả các số điện thoại, địa chỉ email và vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn phản ảnh chuyện nọ chuyện kia.
Chúng tôi rất mong nếu có những sự việc cụ thể, xảy ra ở một địa chỉ cụ thể mà các phụ huynh thấy bức xúc thì hãy phản ánh với chúng tôi, không cần phải nói tôi là mẹ của cháu nào, bố của cháu nào.
Theo TNO
Đề Văn về nam sinh cứu người đã có điểm tuyệt đối Ngày 7/6, Sở GD-ĐT Hà Nội tiến hành chấm chung các bài thi tốt nghiệp THPT 2013 để thảo luận và thống nhất cách chấm theo đáp án và thang điểm của Bộ GD-ĐT. Theo đó, câu hỏi mở môn Ngữ văn đã có điểm tuyệt đối. Nhận định của nhiều giáo viên chấm về môn thi Ngữ văn trong buổi chấm chung...