Hiệu trưởng quyết định danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong trường học
Thông tư cũng nêu rõ, Hiệu trưởng công bố công khai danh mục SGK sử dụng trong trường và niêm yết tại trường trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là bốn tháng.
Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 trên toàn quốc sẽ học SGK mới
Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư hướng dẫn chọn sách giáo khoa (SGK) trong trường phổ thông, thông tư có hiệu lực từ ngày 15-3-2020.
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 trên toàn quốc sẽ học chương trình mới với những bộ SGK do các trường lựa chọn. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã công bố danh mục SGK các môn học được lựa chọn dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều SGK.
Theo đó, nguyên tắc chọn SGK là lựa chọn trong danh mục SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt; mỗi môn học, một hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp chọn 1 đầu SGK; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Tiêu chí chọn SGK phải phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với điều kiện dạy và học của cơ sở giáo dục.
Thông tư quy định lập Hội đồng chọn SGK. Cụ thể, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông (Hiệu trưởng) thành lập hội đồng chọn SGK. Mỗi trường thành lập một hội đồng. Đối với trường có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.
Hội đồng lựa chọn SGK gồm người đứng đầu, cấp phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK được lựa chọn, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người. Trong đó ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Đối với trường có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 7 người. Đáng chú ý, thông tư quy định rõ người đã tham gia biên soạn sách hoặc tham gia thẩm định SGK do các nhà xuất bản tổ chức; tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành và người làm việc ở các nhà xuất bản có SGK không được tham gia hội đồng chọn SGK.
Bộ GD-ĐT quy định, Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục sách do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn và bỏ phiếu kín lựa chọn. Sách được lựa chọn phải được trên 1/2 số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn.
Trường hợp SGK không được trên 1/2 số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì hội đồng thảo luận, phân tích các SGK với các tiêu chí lựa chọn SGK và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì hội đồng quyết định lựa chọn SGK có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục SGK do tổ chuyên môn báo cáo. Trên cơ sở đề xuất của hội đồng lựa chọn SGK, Hiệu trưởng quyết định danh mục SGK sử dụng trong trường.
Thông tư cũng nêu rõ, Hiệu trưởng công bố công khai danh mục SGK sử dụng trong trường và niêm yết tại trường trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là bốn tháng.
Video đang HOT
Sở GD-ĐT báo cáo Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và cung cấp thông tin cho nhà xuất bản có SGK được lựa chọn để cung ứng đủ số lượng SGK cho việc dạy và học. Cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý, học sinh và phụ huynh về quyết định lựa chọn SGK của mình.
PHAN THẢO
Theo sggp
Chọn lựa sách giáo khoa, những việc cần làm
Ngay bây giờ, tất cả thầy cô giáo ở trường tiểu học trên cả nước phải tiếp cận được các bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thẩm định, phê duyệt.
Ngày 1/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trước khi ban hành để triển khai sách giáo khoa cho chương trình mới từ năm học 2020-2021.
Các góp ý gửi về Bộ đến hết ngày 30/1/2020.
Việc lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp (Ảnh minh họa: TTXVN).
Theo dự thảo thông tư, tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại các trường.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập.
Mỗi trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.
Trong hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, ngoài cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục còn có đại diện giáo viên dạy các môn học, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa của các nhà xuất bản không được tham gia hội đồng.
Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông ban hành quyết định danh mục sách giáo khoa được lựa chọn sử dụng trong cơ sở.
Cùng đó phải công bố công khai danh mục sách giáo khoa được lựa chọn để sử dụng và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là năm tháng.
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo cho rằng, dự thảo thông tư trên là kịp thời, chu đáo, dân chủ, khách quan, phù hợp với đặc thù vùng miền và có lợi cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian đến.
Bởi lẽ, từng cơ sở giáo dục, giáo viên là người nắm rõ nhất ở từng môn học, bộ quyển sách nào có nội dung bài học, cách diễn đạt, phương ngữ phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, vùng, miền mà học sinh dễ tiếp thu nhất.
Tuy nhiên, để việc lựa chọn sách giáo khoa có hiệu quả thì cần phải làm tốt các vấn đề sau.
Ngay bây giờ, tất cả thầy cô giáo ở trường tiểu học trên cả nước phải tiếp cận được các bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thẩm định, phê duyệt.
Vì vậy, các địa phương, nhà trường chủ động mua đủ số sách giáo khoa về trường, phát cho giáo viên đọc, tham khảo tất cả sách giáo khoa. Thời gian được đọc, lựa chọn, đề xuất càng lâu càng tốt.
Theo dự thảo thông tư, các trường phải công bố công khai danh mục sách giáo khoa được chọn lựa để sử dụng và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất từ năm tháng.
Như vậy, theo quy định thì đến giữa tháng 3/2020, các trường tiểu học phải hoàn tất xong việc lựa chọn và công bố danh mục sách giáo khoa mới để phụ huynh và học sinh chuẩn bị mua sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021.
Đây là lần tiên các trường tiểu học thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa nên không tránh khỏi những khó khăn, trở ngại nên các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo từng địa phương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường trên địa bàn thực hiện có hiệu quả Thông tư của Bộ; giám sát quá trình thực hiện của hội đồng chọn sách giáo khoa ở cơ sở, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ các trường quá trình triển khai sách giáo khoa đã chọn.
Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học ở nơi kinh tế phát triển, có lực lượng giáo viên đông đảo lại đồng đều về năng lực chuyên môn thì việc lựa chọn sách giáo khoa mới sẽ dễ dàng và thuận lợi.
Nhưng đối với các trường tiểu học nhỏ, lẻ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, nơi đặc biệt khó khăn, có lực lượng giáo viên khá mỏng, cộng với kinh nghiệm năng lực chuyên môn còn hạn chế thì việc lựa chọn sách giáo khoa sẽ trở nên khó khăn, vất vả nhiều.
Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong cách chọn sách giáo khoa, không nhất thiết từng trường phải chọn riêng biệt, có thể liên trường, cụm trường, thậm chí các trường trong một phòng giáo dục, một sở giáo dục, thành lập một hội đồng thẩm định, ngồi lại cùng chọn, cùng thống nhất chung.
Làm được thế, lợi ích đủ đường: đỡ tốn công sức, kinh phí; sáng suốt hơn trong lựa chọn sách giáo khoa; cùng chung một hoặc vài bộ sách, quyển sách dùng trong khu vực, địa bàn, phụ huynh học sinh đỡ vất vả khi mua sách....
Các trường cần tuyên truyền để các bậc phụ huynh và học sinh hiểu rằng sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo chính, một tài liệu cụ thể hóa chương trình, không còn mang tính pháp lệnh như nhiều người nghĩ như lâu nay.
Chỉ có chương trình khung từng môn mới là văn bản thống nhất trên toàn quốc.
Nội dung các loại đề kiểm tra, đề thi các bậc học, cấp học phổ thông đều kiểm tra kiến thức theo chương trình thống nhất nên học sinh học theo sách giáo khoa nào cũng có đủ kiến thức - kỹ năng để làm bài.
Cuối năm học, nhà trường có thể kêu gọi học sinh tặng lại sách giáo khoa đã học rồi cho thư viện để năm học tiếp theo cấp phát miễn cho các em lớp mới có nhu cầu, nhằm tránh lãng phí sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần.
Một việc rất quan trọng là quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới, cần liên tục, không ngừng nghỉ, vì chương trình, sách giáo khoa có hay đến mấy nhưng giáo viên không được chuẩn bị tốt sẽ khó chuyển tải cái tốt, cái hay đến học trò.
SÔNG TRÀ
Theo giaoduc
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giáo viên mong sớm được tiếp cận sách giáo khoa Theo lộ trình, trước tháng 3-2020, các địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hiệu trưởng các trường tiểu học và giáo viên trực tiếp giảng dạy vẫn chưa thấy diện mạo của một cuốn SGK mới nào. Ông Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng...