Hiệu trưởng phải tiên phong giải quyết các tồn tại của nhà vệ sinh trường học
Bàn về khó khăn kinh phí trong xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh trường học, TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: “Trong điều kiện nào mình cũng có thể khắc phục”.
Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài viết phản ánh chất lượng nhà vệ sinh ở các trường học. Trong đó, ngay giữa Thủ đô vẫn có tình trạng học sinh không dám đi vệ sinh vì điều kiện nhà vệ sinh xuống cấp.
Trường công lập và chuyện khó về ngân sách
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Liên (Hà Nội) khẳng định tầm quan trọng của việc vệ sinh an toàn, sạch sẽ tại các trường học:
“Chúng ta biết rõ nhu cầu về ăn ở, vệ sinh là những nhu cầu thiết yếu của con người. Xuất phát từ nhận thức như vậy, các trường nói chung và Trường Trung học phổ thông Kim Liên nói riêng luôn quan tâm tới điều kiện nhà vệ sinh tại trường học – đảm bảo nhu cầu thiết yếu của hàng nghìn học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường.
Tuy nhiên, là trường công lập, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định về nguồn ngân sách, các cơ chế để đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất,…
Trường tôi sau nhiều năm gặp những khó khăn như trên, đến hiện tại đã cố gắng khắc phục và đảm bảo được các khu nhà vệ sinh đáp ứng đầy đủ nhu cầu của học sinh và giáo viên, các thiết bị hiện đại và được tu sửa thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh sạch sẽ”.
Trước đó, phóng viên Tạp chí điện tử Việt Nam cũng đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Nhân Chính (Hà Nội), nhà trường cũng nhận định: các trường công lập gặp điểm khó là hạn hẹp về nguồn kinh phí và các thủ tục cấp phép xây dựng.
Trên thực tế, điều kiện nhà vệ sinh tại các trường học vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm 2020, cả nước còn hơn 30% nhà vệ sinh trường học chưa đạt chuẩn. Cụ thể, các trường học trong cả nước đã có 270.695 nhà (phòng) vệ sinh nhưng tỷ lệ đạt chuẩn chỉ là 69,4%, tỷ lệ kiên cố hóa mới đạt 77,2%.
Đến thời điểm hiện tại, năm học 2022-2023, chưa có số liệu bổ sung mới về điều kiện nhà vệ sinh trường học của học sinh trên cả 63 tỉnh thành, nhưng theo phản ánh của các địa phương, trong đó có Hà Nội, nhà vệ sinh trường học vẫn là một vấn đề còn nhiều trăn trở.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức vào ngày 15/8/2022, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường ở Hà Nội, tuy là Thủ đô, nhưng còn rất nhiều hạn chế, khó khăn.
“Thời gian qua, tôi có trực tiếp đi rất nhiều trường, từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở ở các quận lẫn các huyện để tìm chỗ có thể làm địa điểm cách ly tập trung phòng chống dịch COVID-19, nhưng có nhiều nơi cơ sở vật chất không thể dùng được. Có nơi phòng ốc rất đẹp nhưng vô cùng thiếu nhà vệ sinh” – ông Phong nói. [1]
Nhà vệ sinh không phải là công trình phụ
Nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% trường học trên cả nước có nhà vệ sinh. Trong đó có 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% trường học có nhà vệ sinh đảm bảo điều kiện hợp vệ sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh: Phạm Minh
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng: nhà vệ sinh trường học là công trình chính chứ không phải là công trình phụ nữa. “Nhà vệ sinh trường học thể hiện văn hóa của mỗi nhà trường. Hiện nay, nhiều trường đang cố gắng nâng cao chất lượng nhà vệ sinh trường học, tuy nhiên theo tôi để làm tốt vấn đề này cần có sự vào cuộc từ cả 2 phía: Nhà trường và học sinh”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Video đang HOT
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, nhà trường phải có ý thức chăm lo các điều kiện để đảm bảo an toàn vệ sinh, “có thể chưa hiện đại vì không phải chỗ nào cũng có điều kiện để làm như khách sạn, tuy nhiên ít nhất cũng phải đầy đủ nước, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên, để các em học sinh không còn nỗi sợ nhà vệ sinh”.
Từ đó, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm kiến nghị các trường cần phải lập đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng điều kiện nhà vệ sinh để có chỉ đạo cải thiện chất lượng.
Về phía học sinh, theo thầy Tùng Lâm, hiện nay ý thức giữ gìn vệ sinh chung của nhiều em học sinh còn kém. “Nhiều em đi vệ sinh không đúng chỗ, không xả nước sau khi đi,… Đây là hành vi thiếu văn hóa cần phải chấn chỉnh gấp. Các trường cần phải coi việc giữ gì vệ sinh là văn hóa học sinh, cần phải giáo dục và rèn luyện đầy đủ”.
Khi phóng viên đề cập đến việc nhiều trường học khó khăn về kinh phí để xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh trường học, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: “Bàn về vấn đề này, mỗi trường sẽ phát sinh ra một cái khó riêng. Tuy nhiên bản thân người lãnh đạo cần phải tiên phong giải quyết, trong đó có sự tham gia của các em học sinh. Trong điều kiện nào mình cũng có thể khắc phục, chỉ cần có ý thức xây dựng”.
'Học sinh trường tôi hãnh diện vì có nhà vệ sinh và căng tin luôn sạch đẹp'
Nhà vệ sinh trường học được đảm bảo luôn sạch sẽ thân thiện phục vụ học sinh tốt thì đòi hỏi vai trò quản lý của ban giám hiệu các trường.
Những năm gần đây, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng đầu tư cũng như nhắc nhở các cơ sở giáo dục trên địa bàn quan tâm đến việc đảm bảo nhà vệ sinh trường sạch sẽ, thoáng mát.
Nhà vệ sinh xanh sạch, học sinh không còn bị ám ảnh
Quan sát tại Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, quận 8 cho thấy, cả 8 nhà vệ sinh dành cho học sinh bố trí ở 4 khu nhà đều rất sạch sẽ dù được sử dụng hơn 10 năm qua. Tại các khu vực nhà vệ sinh của học sinh, nhà trường dán giấy dán tường với màu sắc, họa tiết phù hợp với từng khu vực nam, nữ.
Một góc nhà vệ sinh xanh sạch đẹp của Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, quận 8 (ảnh: L.P)
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Huỳnh Diễm Thúy- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn chia sẻ: "Nhà trường may mắn được sự quan tâm đầu tư của Ủy ban nhân dân quận 8 về cơ sở vật chất trong đó bao gồm cả khu vực nhà vệ sinh. Ngay từ khi xây dựng, việc bố trí các khu vực nhà vệ sinh tại các dãy lớp cũng phù hợp. Dù không được xây mới nhưng nhà trường cũng chú trọng đảm bảo cho khu vực này luôn sạch sẽ, đúng chuẩn".
Nhà trường phân công trách nhiệm các nhân viên lao công phụ trách từng khu vực, đặc biệt giờ ra chơi học sinh sử dụng nhà vệ sinh đông thì các cô này túc trực để phối hợp các em giữ gìn nhà vệ sinh, lau dọn kịp thể để luôn khô ráo.
Bên trong nhà vệ sinh có nhiều cây xanh, trang trí màu sắc phù hợp với học sinh tiểu học (ảnh: L.P)
"Mỗi ngày, trước giờ học của học sinh và sau giờ các em ra về thì nhân viên lao công cũng làm vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó, tổng phụ trách cùng với giáo viên chủ nhiệm các lớp luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để học sinh luôn có ý thức vệ sinh cho cá nhân và khu vực nhà vệ sinh. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định đến việc giữ nhà vệ sinh học sinh luôn sạch đẹp", nữ hiệu trưởng trường chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo cô Thúy, ban giám hiệu nhà trường cũng phải quan tâm cho lo cho cơ sở vật chất để đảm bảo luôn khang trang. Nhà vệ sinh có sạch sẽ thì mới cuốn hút, để các em không ngần ngại khi đi vệ sinh, đảm bảo sức khỏe cho học trò.
Một nhà vệ sinh cho học sinh nữ của trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (ảnh: L.P)
Đồng thời luôn theo dõi, phát hiện thay mới các thiết bị để không bị hư hại. Nhờ luôn giám sát nên suốt thời gian qua nhà trường không phải đầu tư lớn để sửa chữa cơ sở vật chất của trường hay khu vực nhà vệ sinh học sinh.
Cũng theo cô Thúy, với đội ngũ lao công làm vệ sinh thì nhà trường cũng cân đối từ ngân sách chi thường xuyên để thuê và trả lương mà không cần đến sự đóng góp của phụ huynh học sinh.
Nhân viên lao công thường xuyên lau dọn khu vực nhà vệ sinh đảm bảo luôn sạch sẽ (ảnh: L.P)
"Do diện tích trường rất rộng lên đến 13.000m2 nên số lượng người phục vụ cũng rất cần. Tuy nhiên biên chế rất ít nên nhà trường phải thuê thêm bên ngoài để đảm bảo vệ sinh tại trường. Đặc biệt, ngay từ đầu phải khi làm việc với đội ngũ lao công thì ban giám hiệu cũng truyền đạt cho họ những yêu cầu về công việc để đảm bảo môi trường tốt nhất cho học sinh và nhà trường", cô Diễm Thúy bộc bạch thêm.
Còn tại quận 5, năm học này các nhà vệ sinh tại trường Tiểu học Trần Bình Trọng được sửa chữa mới hoàn toàn, tường được ốp gạch trắng rất sạch sẽ. Và kế thừa từ 10 năm trước, tại các nhà vệ sinh đều có loa phát nhạc với âm lượng vừa đủ để học sinh thư giãn mỗi khi vào.
Nhà vệ sinh sạch đẹp không gây ám ảnh cho học sinh (ảnh: L.P)
Em Nguyễn Gia Hân, học sinh lớp 5 của trường chia sẻ, suốt từ năm em học lớp 1 đến giờ nhà vệ sinh của trường luôn luôn sạch sẽ, không có mùi hôi nên em và các bạn không ngại mỗi khi sử dụng. Nữ sinh này cho biết, mỗi sáng các cô lao công đều làm vệ sinh đầu buổi học sinh đến nhưng buổi trưa khi các học sinh đánh răng sau khi ăn trưa thì các cô cũng túc trực lao dọn để không bị đọng nước.
Xây nhà vệ sinh hàng trăm triệu nhưng quan trọng nhất là khâu quản lý
Không chỉ ở cấp mầm non, tiểu học mới đảm bảo khâu chăm lo nhà vệ sinh sạch sẽ, nhiều trường cấp trung học phổ thông các trường cũng chú ý đến vấn đề này.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Duy Tuyển - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên, quận 10, chia sẻ một cách đầy tự hào: "Học sinh của trường chúng tôi luôn hãnh diện ở 2 điểm ở trường là nhà vệ sinh và căng tin luôn sạch đẹp".
Khu nhà vệ sinh nam rất rộng được đầu tư gần 400 triệu đồng của trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên luôn có nhân viên lao công túc trực lau dọn (ảnh: L.P)
Toàn trường có 3 khu nhà vệ sinh lớn đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của hơn 2.000 học sinh tại trường. Do đặc thù trường được xây từ thời Pháp với thời gian hơn 100 năm nên những năm gần đây các khu nhà vệ sinh đều được xây tại tầng trệt riêng biệt.
Nhờ chăm sóc, vệ sinh thường xuyên nên khu vực này không hề bị đọng nước (Ảnh: L.P)
Trong đó, một khu do Cha mẹ học sinh tài trợ cách đây khá lâu, hai khu nhà vệ sinh còn lại được đầu tư từ ngân sách nhà nước dựa trên nền nhà vệ sinh cũ. Theo đó, năm 2019 trường xây nhà vệ sinh dành cho học sinh nữ với kinh phí là 399 triệu đồng đảm bảo số lượng bồn vệ sinh hiện đại, kín đáo; khu nhà vệ sinh còn lại dành cho nam được xây năm 2020 với kinh phí cũng gần 400 triệu đồng.
Khu nhà vệ sinh cho học sinh nữ với gần 20 buồng vệ sinh hiện đại (ảnh: L.P)
Để đảm bảo các khu nhà vệ sinh sạch sẽ thì nhà trường cũng phân công lực lượng lao công rõ ràng, đồng thời chế độ chi trả cũng đảm bảo cho đội ngũ này. Có 4 nhân viên lao công phụ trách làm vệ sinh cho hơn 9000m2 diện tích toàn trường gồm các lớp học và nhà vệ sinh.
Một nhân viên lao công tại Trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên cho biết, mỗi ngày họ phải có mặt ở trường từ 5h sáng để quét rác, làm vệ sinh các lớp học, khuôn viên trường. Riêng khu vực nhà vệ sinh thì phải trực thường xuyên, liên tục lau dọn ít nhất 7 lần/ngày để luôn sạch đẹp, không để mùi hôi.
Bên trong khu vực nhà vệ sinh đầu tiên của trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên được xã hội hóa (Ảnh: L.P)
"Dù nhà vệ sinh xây mới nhưng muốn sạch sẽ yếu tố quyết định là do quản lý của nhà trường với sự phân công lao động hợp lý, rõ ràng theo từng khu vực gắn liền với yêu cầu trách nhiệm. Các nhân viên lao công phải tỉ mỉ, biết quan tâm chăm sóc các khu vực này một cách khoa học. Tất nhiên chế độ lương bổng dành cho đội ngũ này cũng phải đảm bảo, khen thưởng động viên tinh thần để họ nhiệt tình trong công việc ", thầy Nguyễn Duy Tuyển nhấn mạnh.
"Việc Chính phủ quan tâm nhắc nhở việc đảm bảo vệ sinh trường học là điều đáng mừng và đó là một chủ trương rất đúng. Bởi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh gần như ở trường cả ngày vì vậy yêu cầu đảm bảo nơi học, ăn uống và sinh hoạt rất cần thiết trong đó có nhà vệ sinh. Thậm chí trường tôi còn bố trí luôn phòng tắm có nước máy sạch cho các em sử dụng mỗi khi vận động thể thao nhiều", hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên chia sẻ.
Với hơn 2.000 học sinh nhưng các khu nhà vệ sinh trường Trung học phổ thông Trần Khai Nguyên luôn đảm bảo đạt chuẩn, sạch đẹp (ảnh: L.P)
Cũng theo thầy Tuyển, điều thứ hai góp phần việc giúp trường giữ nhà vệ sinh luôn sạch sẽ chính nhờ giáo dục ý thức học sinh ngay từ khi các em mới bước vào trường. "Trường phải giáo dục các em luôn biết bảo vệ tài sản của công và giữ gìn vệ sinh chung. Có được điều này một phần chất lượng đầu vào của học sinh cũng rất quan trọng, các em có ý thức tốt trong việc tự quản góp phần xây dựng trường sạch đẹp", thầy Tuyển nói.
Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng chính ban giám hiệu của các trường quyết định việc giữ gìn nhà vệ sinh trường sạch đẹp, an toàn.
"Ban giám hiệu của trường phối hợp cùng cha mẹ học sinh quan tâm chăm sóc kỹ khu vực nhà vệ sinh của cả thầy cô và học sinh để làm sao đảm bảo an toàn, sạch sẽ cũng như đảm bảo sức khỏe cho cả thầy lẫn trò ở trường học. Đồng thời, chính ban giám hiệu phải giám sát thường xuyên kiểm tra để sớm phát hiện tình trạng hỏng hóc ở khu vực nhà vệ sinh để có thể sửa chữa kịp thời", ông Khoa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khoa song song đó, các trường cũng phải quan tâm giáo dục việc vệ sinh cá nhân cũng như vấn đề an toàn trong đi vệ sinh cho học sinh. Với sự chung tay phối hợp của tập thể thì mới có thể giúp các trường thực hiện tốt khâu giữ gìn vệ sinh trường học nói chung và nhà vệ sinh nói riêng.
Mỗi sách đọc 1 kiểu, vậy có cần bắt HS đọc tên nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh? Khi trình độ tiếng Anh của học trò đạt trình độ 'tích hợp' được với Hóa học, tự khắc học sinh sẽ đọc được, đó mới thật sự là tích hợp. Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học mang tên "tích hợp" đã nhận được rất nhiều ý...