Hiệu trưởng ở Hải Phòng đề xuất phương pháp lựa chọn sách giáo khoa
Một hiệu trưởng trường tiểu học tại Hải Phòng đã đóng góp ý kiến, đề xuất phương pháp lựa chọn sách giáo khoa để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2018-2019 đánh dấu một sự kiện quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo nước ta khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức được ban hành.
Để chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tháng 11/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố danh mục 5 bộ sách giáo khoa lớp 1.
Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội đảm bảo tính công khai dân chủ, minh bạch và linh hoạt.
Ngành giáo dục Hải Phòng vào cuộc quyết liệt
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo sát sao công tác chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học.
Theo đó, Sở tổ chức hội thảo với quy mô lớn với sự có mặt các hiệu trưởng, hiệu phố, Tổ trưởng chuyên môn khối 1 của 237 trường tiểu học trên địa bàn thành phố.
Thông qua hội thảo, cán bộ, giáo viên của các trường tiểu học được tiếp cận với 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 với 32 cuốn sách giáo khoa mới.
Ngành giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã chủ động, sẵn sàng các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Lã Tiến)
“Chúng tôi nhận thấy, toàn ngành giáo dục đang quyết tâm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó có vấn đề hết sức mới là mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa.
Đây chính là chủ trương cá biệt hóa đối tượng, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh”, cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Lê Chân) chia sẻ.
Tại quận Lê Chân, để chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong năm 2019, quận đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng cho ngành giáo dục.
Với số kinh phí lớn này, quận đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị dạy và học để các nhà trường có cơ sở vật chất tốt nhất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong nhiều năm qua, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Lê Chân đã tích cực tham mưu với Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận đầu tư nâng cấp, xây mới phòng học, nhà vệ sinh, bếp ăn bán trú cho bậc tiểu học, nhằm tăng dần tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày.
Video đang HOT
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ thông tin, năm học 2019-2020, nhà trường có 27 lớp với 1.138 học sinh học tập tại 23 phòng học khang trang, hiện đại.
Nhà trường có thuận lợi trong việc tổ chức học 2 buổi/ngày bởi trường có bếp ăn hiện đại phục vụ được 500 học sinh ăn bán trú.
Song trên thực tế, Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ đang thiếu 6 phòng học để phục vụ cho toàn bộ học sinh học 2 buổi/ngày và thiếu một số phòng chức năng phục vụ yêu cầu giáo dục toàn diện.
Nguyên nhân, nhà trường có diện tích nhỏ hẹp (1.560 m2), thiếu sân chơi, bãi tập cho học sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, cố gắng của tập thể Ban giám hiệu và giáo viên, nhà trường từng bước khắc phục khó khăn, chủ động tiếp cận và sẵn sàng các điều kiện để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đề xuất phương pháp lựa chọn sách giáo khoa
Trong quá trình nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên, cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ đã đóng góp ý kiến về việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1.
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm chỉ rõ: Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, sách giáo khoa là tài liệu cơ bản, quan trọng nhưng không phải là pháp lệnh.
Như vậy, sách giáo khoa là tư liệu cụ thể hóa chương trình, để phù hợp với từng địa phương, từng điều kiện tâm lý học sinh.
Với tinh thần này, cô giáo Nguyễn Thị Thắm đã đề xuất phương pháp lựa chọn sách giáo khoa.
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ đã đề xuất phương pháp lựa chọn sách giáo khoa (Ảnh: Lã Tiến)
Theo đó, các trường sẽ thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo các bước như dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Các thành viên hội đồng tiến hành xây dựng phiếu lựa chọn sách bằng điểm số và các cấp độ.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa trong các nhà trường sẽ tổ chức lựa chọn công khai khách quan.
Sau đó tổng hợp kết quả lựa chọn và lập biên bản công nhận kết quả lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021.
Thông báo kết quả lưa chọn trên WebSite của trường và các kênh thông tin khác đến phụ huynh học sinh nắm được.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thắm, với cách làm này Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa các trường cần phải tổng hợp điểm lựa chọn của từng cuốn sách của từng thành viên Hội đồng và chia điểm lựa chọn trung bình cho từng cuốn sách.
Cuốn sách nào có điểm lựa chọn cao sẽ có mặt trong bộ sách được sử dụng năm học 2020-2021.
Như vậy, nhà trường lựa chọn bộ sách phù hợp cho trường có thể là những cuốn sách khác nhau ở cả 5 bộ sách; hoặc cũng có thể là những cuốn sách trọn vẹn trong bộ sách nào đó.
“Phiếu lựa chọn này chúng tôi đưa ra để đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo tham khảo.
Theo cách nghĩ của chúng tôi thì đó là phương pháp đảm bảo sự minh bạch rõ ràng và nghiêm túc trong việc lựa chọn”, cô giáo Nguyễn Thị Thắm chia sẻ.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, tại Khoản 2, Điều 4 trong Thông tư Hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, quy định số thành viên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tối tiểu là 11 người.
Điều này chưa phù hợp với tinh hình một số địa phương, bởi nhiều trường học có ít hơn 4 lớp 1.
Do đó, cô giáo Nguyễn Thị Thắm đề xuất thành viên Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa gồm: Hiệu trưởng; Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn – khối; 100% giáo viên sử dụng sách giảng dạy; Đại diện Ban Đại diện hội cha mẹ học sinh; Trưởng ban thanh tra nhân dân.
Với những ý kiến đóng góp và đề xuất của cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có thêm thông tin để tham khảo.
Từ đó sẽ có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các nhà trường tại Hải Phòng nhanh chóng triển khai việc lựa chọn sách giáo khoa để thực hiện chương trinh giáo dục phổ thông năm 2018.
LÃ TIẾN
Theo giaoduc.net.vn
Làm sách giáo khoa, nhà xuất bản đừng đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu
Vấn đề lựa chọn sách giáo khoa trở nên nóng trong vài ngày nay khi các thông tin và bằng chứng cho thấy đã có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị được xuất bản sách.
Triển lãm sách giáo khoa lớp 1 mới - Tuệ Nguyễn
Đây thực sự là một việc vô cùng nhạy cảm giữa một bên - những người tổ chức biên soạn và xuất bản sách giáo khoa với một bên - là học sinh, phụ huynh và xã hội.
Xã hội hóa sách giáo khoa là một chủ trương đúng
Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đặt nền móng cho việc biên soạn và lựa chọn tài liệu giảng dạy trong các nhà trường phổ thông mà chúng ta quen gọi là sách giáo khoa. Đây là một chủ trương đúng, vì nó huy động được các nhà giáo dục ,các thầy cô giáo, các nhà khoa học tham gia biên soạn sách giáo khoa - thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách/bộ sách giáo khoa.
Việc chính phủ quyết định để các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa phổ thông cho chương trình đổi mới giáo dục không phải là chuyển gánh nặng của nhà nước sang người dân, dù rằng ai cũng biết càng nhiều sách, bộ sách được biên soạn thì kinh phí sẽ cao hơn nhiều lần khi chỉ biên soạn một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên việc để các cá nhân và tổ chức có quyền biên soạn sách giáo khoa là bước tiến trong giáo dục. Bộ GD-ĐT chỉ là đơn vị ra các quy định về thẩm định, về công nhận thẩm định và ra văn bản hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa dùng trong các nhà trường phổ thông. Tại thời điểm này có 6 nhà xuất bản (NXB) được Bộ Thông tin truyền thông cấp phép biên soạn sách giáo khoa, nhưng chỉ có 3 NXB tham gia: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học sư phạm và NXB Đại học sư phạm TP.HCM - 3 nhà xuất bản này được tổ chức biên soạn sách, trình hội đồng thẩm định và nếu được hội đồng thẩm định thông qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt thì sẽ tiến hành cấp phép xuất bản theo luật xuất bản.
Cần tôn trọng người sử dụng sách
Việc biên soạn sách giáo khoa cho đến sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố các cuốn sách sẽ được sử dụng trong năm học tới đã diễn ra suôn sẻ. Không một cơ quan, cá nhân nào ngoài hội đồng thẩm định biết các cuốn sách đã được biên soạn, trừ những cuốn mà nhóm tác giả và NXB trình hội đồng thẩm định. Tất cả những cuốn sách giáo khoa được Bộ trưởng ký quyết định cho phép sử dụng trong nhà trường từ năm học 2020-2021 có giá trị ngang bằng. Việc lựa chọn sách đã được Bộ soạn thảo văn bản hướng dẫn và sẽ ban hành văn bản sau khi lấy ý kiến rộng rãi. Rõ ràng trong những sách được lựa chọn, không có cuốn sách nào được coi trọng hơn cuốn nào về chất lượng. Chất lượng của các cuốn sách này sẽ được học sinh và giáo viên đánh giá sau sử dụng.
Vấn đề lựa chọn sách giáo khoa trở nên nóng trong vài ngày nay khi các thông tin và bằng chứng cho thấy đã có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị được xuất bản sách. Đây thực sự là một việc vô cùng nhạy cảm giữa một bên những người tổ chức biên soạn và xuất bản sách với một bên là học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
Việc xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách là một chủ trương tốt giờ lại trở nên khó khăn bởi chính các đơn vị tổ chức biên soạn và xuất bản.
Để giải quyết việc này, cần tôn trọng người sử dụng sách trong nhà trường đó là học sinh và thầy cô giáo (và đứng sau họ là phụ huynh, là toàn xã hội). Nhiều người nghi ngờ các giáo viên, các lãnh đạo nhà trường phổ thông sẽ bị chi phối bởi cấp trên trực tiếp của họ (phòng giáo dục, sở giáo dục). Không loại trừ ảnh hưởng của các cấp thẩm quyền lên việc lựa chọn sách giáo khoa dùng trong trường học (việc này có thể ngăn chặn được bằng các điều chỉnh luật pháp) nhưng cũng phải đặt lòng tin vào các thầy cô giáo khi giao nhiệm vụ chọn sách cho họ. Nếu không tin được đội ngũ giáo viên - những người trực tiếp làm nên chất lượng giáo dục - thì không thể có được một nền giáo dục như xã hội kỳ vọng.
Hãy để từng giáo viên thảo luận thống nhất của tổ bộ môn trong việc lựa chọn sách sử dụng ở nhà trường phổ thông. Tôi tin là thầy cô giáo không bán mình vì thù lao bán sách mà các nhà xuất bản chiết khấu. Xã hội hãy đặt lòng tin ở người thầy, bởi chính họ chứ không phải ai khác góp phần chính trong việc dạy dỗ con em chúng ta.
PR là cần thiết nhưng đừng quá đặt nặng lợi nhuận
Là tác giả, nhóm tác giả ai lại không mong các giáo viên và học sinh lựa chọn sách do mình biên soạn. Nhưng các tác giả, nhóm tác giả không phải là những người áp đặt việc chọn hay không chọn sách do mình lựa chọn, họ đủ tự tin và sẵn sàng đón nhận việc sách được lựa chọn hay từ chối dùng trong nhà trường phổ thông.
Không thể bắt các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân không PR cho sản phẩm của họ vì họ cũng là các doanh nghiệp, không được ưu đãi riêng biệt nào. Họ có thể sẽ thất bại trong tổ chức biên soạn và xuất bản sách giáo khoa lần này, nhưng các nhà xuất bản cũng nên hiểu rằng cả xã hội đang soi từng hành vi của họ, nếu họ đặt lợi ích kinh tế, lợi nhuận lên hàng đầu, liệu có ai chọn sách của họ?
Theo thanhnien
Chọn sách khác nhau có ảnh hưởng việc kiểm tra đánh giá học sinh? Mỗi trường lựa chọn sách giáo khoa khác nhau có làm ảnh hưởng đến việc kiểm tra đánh giá học sinh? Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, cho biết tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày mới đạt tỷ lệ 20,2% - B.THANH Đó là câu hỏi và băn khoăn của nhiều người tại Hội nghị triển khai chương...