Hiệu trưởng, hiệu phó có được dạy thêm không?
Trong các văn bản hiện nay, hiệu trưởng, hiệu phó là cán bộ quản lý là người không được phép dạy thêm, tổ chức dạy thêm.
Hiện nay, tình trạng dạy thêm trái phép tràn lan, dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường, gây mất lòng tin của một bộ phận không nhỏ người dân, ảnh hưởng một phần đến chính sách phát triển trong thời gian tới.
Trong đó, có một nguyên nhân không nhỏ do quản lý yếu kém hay tiếp tay của một số hiệu trưởng trong việc dạy thêm.
Một nguyên nhân khác khiến cho các trường hợp dạy thêm trái phép ngày càng nhiều, lôn xộn đó chính là một số vị hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng là người trực tiếp dạy thêm.
Sau bài viết: “Khi hiệu trưởng, hiệu phó cũng tham gia dạy thêm cho học sinh chính khóa” của tác giả Bùi Nam đăng trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó tập trung vào tính pháp lý của việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có được phép dạy thêm hay không?
Trong bài viết này, tôi xin được nêu các căn cứ pháp lý để làm căn cứ xác định xem hiệu trưởng có được dạy thêm hay không?
Hiệu trưởng có được dạy thêm không? (Ảnh minh họa trên internet, chưa rõ tác giả)
Hiệu trưởng có được phép dạy thêm không?
Hiện nay việc dạy thêm, quản lý dạy thêm được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Trong đó tại “ Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.”
Video đang HOT
Như vậy tại điều 4 của thông tư trên, chỉ quy định giáo viên có thể dạy thêm theo đúng quy định trên, còn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là cán bộ quản lý, quy định không cho phép dạy thêm.
Hiện nay, trong Thông tư 16/2017/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn khung danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định rất rõ ràng là vị trí cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), vị trí giáo viên và vị trí nhân viên.
Theo quan điểm của người viết, người dân/doanh nghiệp có thể làm những việc pháp luật không cấm. Còn cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ, công chức, viên chức chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.
Do đó, trong các văn bản hiện nay, hiệu trưởng, hiệu phó là cán bộ quản lý là người không được phép dạy thêm, tổ chức dạy thêm theo Thông tư 17 trên.
Như vậy, có nghĩa là các hiệu trưởng hiện nay đang dạy thêm là không đúng quy định.
Tiếp theo đó, ngày 26/8/2019 Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo đó, quyết định trên bãi bỏ hầu như tất cả các quy định về dạy thêm bên ngoài nhà trường.
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch – Đầu tư về việc đưa “dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Một lần nữa cá nhân người viết cho rằng, việc một số hiệu trưởng dạy thêm hiện nay là trái quy định. Bên cạnh đó, hiệu trưởng là người quản lý, làm việc giờ hành chính, nên hiệu trưởng dạy thêm trái cả tình lẫn lý.
Mong các hiệu trưởng dừng ngay việc dạy thêm
Các giáo viên dạy thêm chính khóa, dạy thêm trái phép đã để lại rất nhiều hệ lụy khôn lường, nhận được nhiều oán thán của nhân dân.
Không những thế, thêm một số hiệu trưởng lại đứng ra dạy thêm trái luật thì việc quản lý dạy thêm càng khó khăn hơn, bất ổn hơn.
Hiệu trưởng phải là người có tâm trong sáng, không tham lam, vụ lợi thì trường mới có hy vọng phát triển mạnh mẽ và hội nhập.
Như đã nói ở trên, hiệu trưởng dạy thêm thu tiền dù cho bất kỳ học sinh nào cũng đều không đúng quy định, không được phép hiện nay.
Nên các lãnh đạo ngành giáo dục, nhanh chóng kiểm tra và ban hành các văn bản chính thức cấm dạy thêm của các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để họ tập trung vào công việc lãnh đạo, quản lý trường học, trong đó có việc quản lý dạy thêm của giáo viên khác.
Có như vậy mới hy vọng các trường tiến bộ, trường học công bằng, và phát triển mạnh mẽ, vững chắc.
Khi hiệu trưởng, hiệu phó cũng tham gia dạy thêm cho học sinh chính khóa
Hiệu trưởng được giáo viên ký hợp đồng dạy thêm thì đương nhiên là làm "lính" của giáo viên đó, chịu sự quản lý của giáo viên trên về dạy thêm.
Vấn nạn dạy thêm, học thêm trái phép đang hoành hành làm cho môi trường giáo dục méo mó, quan hệ đồng nghiệp, thầy trò méo mó, nó làm cho phụ huynh điêu đứng vì không chỉ phải chạy tiền cho học sinh học thêm mà còn cả lo lắng cho học sinh bị "đì" vì không học thêm.
Giữa lúc dịch bệnh phức tạp như Covid-19, tay chân miệng, sốt xuất huyết,... cộng với mất mát do thiên tai, mưa lũ rất nặng nề cả về phương diện tính mạng con người lẫn vật chất, Nhà nước, Chính phủ đã nhiều lần xuất cấp gạo, kinh phí và nhiều tổ chức cá nhân đã chung tay vì cộng đồng hỗ trợ để chia sẻ với khó khăn, mất mát của nhân dân nhằm lấy đà khôi phục lại nền kinh tế của đất nước chịu nhiều mất mát, đau thương.
Đã có 2 lần hoãn tăng lương cơ sở ở các năm 2020, 2021 nhưng nhân dân vẫn đồng tình ủng hộ, coi như góp một phần sức mình cùng cả nước vượt qua khó khăn của đất nước Việt Nam anh hùng, đoàn kết cả trong chiến tranh và thời bình.
Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch và dần dần hồi phục dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ. Tôi và nhiều người dân tin tưởng vào điều đó trong tương lai gần.
Nhân dân mất mát, đau thương nhưng một số nhiều giáo viên vẫn ra sức "cày" dạy thêm bất kể ngày đêm, trong đó có nhiều trường hợp dạy thêm trái phép như dạy học sinh tiểu học, học sinh học 2 buổi, dạy trước chương trình, dạy o ép, ép buộc học sinh,... để thu tiền trái phép.
Nhân dân đã quá khổ vì thiên tai, dịch bệnh lại phải gồng gánh thêm những khoản kinh phí không nhỏ cho việc học thêm của con để các em được yên thân.
Những nguyên nhân của tình trạng này đã được nhiều người phân tích một cách cụ thể, chi tiết nhất là trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan, cải thiện, một số người hám danh, hám lợi, không nhìn thấy sự khó khăn, mất mát của nhân dân, vì tiền mà đã làm lu mờ lý trí.
(Ảnh minh họa: Báo Đồng Nai)
Đa số dạy thêm trái phép lộng hành do... hiệu trưởng
Như bài viết "Những chiêu ép buộc học thêm, tâm sự của một hiệu phó tai nghe mắt thấy" của tác giả Hoàng Sa Việt đã phản ánh một thực tế là việc dạy thêm trái phép là do có phần tiếp tay, buông lỏng quản lý của hiệu trưởng.
Bên cạnh đó, việc "lại quả" từ việc nhận tiền "bôi trơn" của việc làm ngơ dạy thêm của hiệu trưởng đã khiến cho việc dạy thêm trái phép thêm trầm trọng, mối quan hệ đồng nghiệp, thầy trò méo mó.
Vì dạy thêm trái phép nên niềm tin về giáo dục trong sạch, trung thực trong nhân dân giảm sút. Vậy mà vì tiền một số vị hiệu trưởng sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ cho sai phạm.
Đồng tiền các vị nhận được từ việc làm trái pháp luật, trái lương tâm đó chính là tiền mồ hôi, xương máu và cả nước mắt của người dân. Các vị có biết?
Do đó, nguyên nhân chính của việc dạy thêm trái phép không phải xuất phát từ cấp quản lý cao mà là do một bộ phận hiệu trưởng thiếu đức, thiếu tài, tham lam, vụ lợi.
Hiệu trưởng là thủ trưởng đơn vị nắm quyền quản lý, xử lý mọi vấn đề liên quan đến giáo viên. Nên trường nào hiệu trưởng có tâm, quan tâm đến chất lượng thật, quan tâm đến học sinh, cha, mẹ học sinh thì trường đó dạy thêm tốt, trường nào ngược lại thì việc dạy thêm còn hơn "chợ".
Khi hiệu trưởng trở thành "lính" của giáo viên
Việc hiệu trưởng quản lý lỏng lẻo, bao che vi phạm hay nhận tiền "lại quả" từ dạy thêm để dạy thêm lộng hành là một thực tế có thật, đáng lo ngại.
Tuy nhiên, một thực tế đáng lo hơn là không chỉ những việc trên, một số hiệu trưởng còn lợi dụng danh nghĩa, uy tín của mình để đích thân dạy thêm thu tiền.
Theo nguyên tắc cơ bản của việc quản lý dạy thêm hiện nay, tại các trung tâm dạy thêm hoặc nhà giáo viên, các giáo viên mượn giáo viên về hưu đứng tên (thực chất là giáo viên làm chủ) sau đó đi đăng ký kinh doanh sau đó ký hợp đồng với các giáo viên dạy thêm, trong đó có cả một số vị hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.
Khi đó, hiệu trưởng được giáo viên ký hợp đồng dạy thêm thì đương nhiên là làm "lính" của giáo viên đó, chịu sự quản lý của giáo viên trên về dạy thêm.
Nên đương nhiên, mọi vi phạm của trung tâm, của giáo viên dạy thêm tại trung tâm được vị hiệu trưởng kia bao che, bưng bít.
Và khi có hiệu trưởng dạy thêm tại trung tâm nào, thì trung tâm đó lộng hành, vơ vét để có một phần "lại quả" cho hiệu trưởng, thu nhập này của hiệu trưởng không hề nhỏ.
Hiệu trưởng quản lý toàn diện mọi mặt của trường, trong đó có quản lý đề kiểm tra, nên sẽ có việc lộ, "lọt" đề kiểm tra để chiêu dụ dạy thêm.
Và khi đó, các trung tâm khác cũng trong tình trạng thoải mái, hiệu trưởng dạy thêm, có cả dạy thêm trái phép thì quản lý ai, nên đành phó mặc cho dạy thêm lộng hành, chỉ có học sinh, cha mẹ học sinh khổ sở.
Trường nào có hiệu trưởng dạy thêm thì đó là "thảm họa" của ngôi trường, giáo viên mất đoàn kết, học sinh bị "đì", o ép,... phụ huynh điêu đứng vì oằn lưng tốn tiền cho con học thêm.
Để xảy ra tình trạng này, cũng có một phần quản lý của Phòng/ Sở Giáo dục và Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Hiệu trưởng làm sao có thể dạy thêm được vì hiệu trưởng là người làm việc giờ hành chính, hiệu trưởng quản lý toàn bộ hoạt động của nhà trường, hiệu trưởng dạy thêm sao có thể quản lý dạy thêm và quan trọng hơn nữa là việc thực hiện đạo đức công vụ.
Vậy nhưng mặc nhiên nó vẫn tồn tại, vẫn được cấp phép, nhiều người cho rằng có sự "chống lưng".
Vị hiệu trưởng nào đang dạy thêm học sinh chính khóa trường mình, nếu còn chút lương tri, đạo đức, trách nhiệm thì ngay từ bây giờ ngừng ngay việc dạy thêm của mình tập trung cho việc làm lãnh đạo, quản lý của mình để ngôi trường ngày một phát triển, chấn chỉnh tiến tới dẹp bỏ nạn dạy thêm trái phép.
Tình trạng dạy thêm đã trở thành gánh nặng oằn vai nhân dân, cha mẹ học sinh. Một lần nữa mong các vị hiệu trưởng đừng dạy thêm nữa mà tập trung quản lý dạy thêm cho tốt để cho các em học sinh, phụ huynh được nhờ.
Hiệu trưởng nào còn dạy thêm thì hãy ngưng ngay việc quản lý, từ chức để có thể được dạy thêm như giáo viên khác. Ngành giáo dục nhất quyết không để những người thiếu tài, đức, lương tri làm hiệu trưởng.
Lãnh đạo trường cấp 2 Đống Đa kêu khó xử lý giáo viên dạy thêm ngoài trường Theo lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Đống Đa, giáo viên đủ điều kiện được dạy thêm bên ngoài, còn họ dạy ai như thế nào do trung tâm, trường khó xử lý. Triển khai nhiệm vụ đầu năm học, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội nhiều lần quán triệt về việc dạy thêm, học thêm...