Hiệu trưởng chạy trốn vì áp lực xin học
Gần 2 tháng nữa việc tuyển sinh tại Hà Nội mới diễn ra nhưng công tác chuẩn bị đã được các trường tiến hành. Áp lực của việc “xin, cho” có vị hiệu trưởng trường tiểu học tâm sự về nhà phải tắt điện, không mở cửa tiếp ai ở nhà.
Thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Năm 2012 các trường mầm non, tiểu học và THCS tại thủ đô sẽ bắt đầu tuyển sinh từ ngày 2 đến 16-7, tuyệt đối không được tuyển sinh trước thời gian quy định.
Sau ngày 16/7/2012, những trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu được giao phải báo cáo các phòng GD&ĐT. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng trường, phòng GD&ĐT cho phép trường được tuyển bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu từ ngày 18/7/2012 đến ngày 20/7/2012.
Tăng chỉ tiêu, giữ nguyên số lớp
Năm học 2012 – 2013, Hà Nội dự kiến tuyển sinh 395.000 trẻ bậc mầm non. Theo số liệu của Sở GD-ĐT đến thời điểm này số trẻ được vào mầm non đã tăng 38.295 trẻ so với năm 2011 (dù mới huy động đạt 66% số trẻ trong độ tuổi tới lớp).
Ghi nhận của PV ở một số trường tiểu học và THCS chỉ tiêu tuyển sinh cũng đã được điều chỉnh tăng hơn so với năm ngoái. Trường THCS Xuân La, huyện Từ Liêm năm học 2012 dự kiến tuyển 180 HS, tăng 46 HS so với năm 2011.
Cô Đỗ Việt Hà, Hiệu phó Trường THCS Cát Linh, quận Đống Đa cho hay: “Năm 2011 trường tuyển gần 320 chỉ tiêu. Dự kiến năm 2012 con số trên khoảng 350, tăng hơn 30 chỉ tiêu so với năm ngoái”.
Qua số liệu thống kê số trẻ từ UBND phường Cát Linh năm 2012 này Trường Tiểu học Cát Linh dự kiến tuyển khoảng 309 chỉ tiêu vào lớp 1 (tăng 10 chỉ tiêu so với năm 2011). Sẽ có 20% chỉ tiêu trên thuộc diện trái tuyến.
Hiệu trưởng Đỗ Quang Hợp cho biết: “Con số từ UBND phường là 360 cháu nhưng chúng tôi đã trừ bớt sai số về hồ sơ rồi phụ huynh có điều kiện cho con học trường tốt hơn”.
Video đang HOT
Dẫu tăng chỉ tiêu nhưng các trường trên đều không tăng về số lớp 6. Trường THCS Xuân La và THCS Cát Linh vẫn sẽ có 5 lớp 6. Trường Tiểu học Cát Linh là 6 lớp 1.
Trong khi đó, để đảm bảo đào tạo HS chất lượng cao, theo Hiệu phó trường chuyên Hà Nội – Amsterdam Lê Thị Oanh: “Dự kiến chỉ tiêu tuyển vào khối THCS sẽ không đổi so với năm ngoái, khoảng 200 em. Năm 2011 tỷ lệ chọi của trường là 1/16″.
Điều kiện dự thi vào khối THCS của trường là HS có từ bốn năm trở lên ở cấp tiểu học xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt có tổng điểm hai môn tiếng Việt và toán cuối học kỳ 2 lớp 5 đạt từ 19,0 điểm trở lên.
Nhiều trường điểm của Hà Nội như THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ), THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) lãnh đạo nhà trường cho biết vẫn đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh.
Mỗi mùa tuyển sinh đến đều kéo theo những áp lực, căng thẳng cho hiệu trưởng một trường có tiếng như Tiểu học Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội
Nóng hệ trái tuyến
Để tránh rắc rối cũng như đảm bảo chất lượng và sĩ số lớp lãnh đạo Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ cho biết đã vài năm nay trường không tuyển hệ trái tuyến. Tuy nhiên số trường làm như vậy không nhiều.
Trường THCS Cát Linh ưu tiên xét trường hợp tuyển sinh trái tuyến là con giáo viên và nhận các em có thành tích cao ở các môn văn hóa, thể dục thể thao vào học.
Năm 2011, Trung tâm Thể dục thể thao Trịnh Hoài Đức có gửi thêm các VĐV ở bộ môn Ushu và Taekwondo sang trường học văn hóa. Số em trái tuyến chiếm 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Hiệu phó Đỗ Việt Hà lo lắng: “Số các em lớp 5 chuẩn bị sang lớp 6 năm nay trên địa bàn chúng tôi sẽ đông hơn năm ngoái. 5 lớp học mới sĩ số mỗi lớp 6 sẽ là gần 50 em”.
Theo bà Hà kết thúc đợt tuyển sinh năm 2011 có đến hàng chục hồ sơ hệ trái tuyến không thể xem xét nữa.
Căng thẳng hệ tuyển trái tuyến cũng đã được hiệu trưởng Đỗ Quang Hợp chia sẻ. Theo ông: “Nếu được thì số hồ sơ muốn nộp vào hệ trái tuyến của trường không chỉ 20% mà phải 40%.
Năm 2011, quận Đống Đa đã chuyển 31 tổ dân cư thuộc phường Quốc Tử Giám, Ô Chợ Dừa về Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt và Tô Vĩnh Diện nhưng áp lực tuyển sinh hệ trái tuyển lên nhà trường không vì thế giảm bớt”.
Ông Hợp tâm sự: “Nhiều người muốn tới gặp hiệu trưởng xin cho con cháu vào trường. Thời gian tuyển sinh bản thân mình nhiều khi về nhà sau ăn cơm phải tắt điện tầng 1, cả gia đình lên tầng 2 đóng kín cửa để sinh hoạt. Ai gọi điện hay bấm chuông cũng đành xin khất, không tiếp ở nhà”.
Lên trường, ông cũng quán triệt: “Chỉ tạo điều kiện cho cháu thầy cô lâu đã có tuổi, nhiều cống hiến với trường hay con của cán bộ nhà trường. Còn giáo viên mới công tác vài năm đừng nên xin cho cháu hay người quen vào trường vì có xin cũng không thể giúp đỡ”.
Lãnh đạo một trường tiểu học điểm của Hà Nội tâm sự: “Mùa tuyển sinh năm nào trường cũng căng thẳng, phải lo có chỗ cho các “suất ngoại giao”. Có vị bên đảng ủy phường, thành phố trong một cuộc họp còn nói thẳng mỗi năm tôi phải có vài suất trái tuyến.
Rồi các vị ở phòng giáo dục mỗi vị ngoài suất cho hệ trái tuyến trên văn bản, nhờ quen biết lại xin giúp cho vài cháu nữa. Thử hỏi trường nào dám từ chối?!”
Theo VNN
Đỡ căng thẳng vì không phải "tuổi đẹp"
Theo kế hoạch của nhiều sở GD-ĐT, từ đầu tháng 5 trở đi là thời điểm các địa phương (cấp tổ dân phố) trên địa bàn đi thu thập danh sách các cháu đủ tuổi (6 tuổi) để chuyển đến phòng giáo dục quận/huyện, thực hiện tuyển sinh vào lớp 1.
Trên thực tế, việc tuyển sinh vào lớp 1 chỉ "căng thẳng" khi vào trường trái tuyến, trường chuẩn, lớp tăng cường ngoại ngữ...
Một cảnh chen chúc nộp hồ sơ vào lớp 1 năm học 2011.
Lớp đại trà đỡ "căng"
Theo danh sách do các tổ dân phố thu thập, học sinh sẽ được theo học tại trường theo từng tuyến theo nguyên tắc trường gần nhà nhất, tạo điều kiện an toàn và thuận lợi cho trẻ. Ngoài ra, nếu đã nhận hết số trẻ tại địa phương theo tuyến, các trường sẽ còn một tỉ lệ nhất định để nhận trẻ trái tuyến.
Ở cấp tiểu học, hiện nay Hà Nội có hơn 300 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 44,6%. Theo tính toán của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm 2012 việc tuyển sinh vào lớp 1 sẽ đỡ căng thẳng hơn, vì lứa tuyển sinh năm nay là trẻ sinh năm 2006 - năm Bính Tuất - không phải là năm "đẹp" nên các gia đình không đua nhau đẻ. Tuy nhiên, với một số trường tiểu học danh tiếng thì việc "chạy đua" để có một suất học trái tuyến là việc vẫn xảy ra.
Nhận định này cũng được lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đồng tình. Trong khi với hầu hết các lớp đại trà, việc ra lớp một với trẻ sinh năm 2006 vào niên học tới thì được dự đoán là khá bình yên vì không có sự "gia tăng dân số" bất thường như những năm đẹp (năm 2000 hoặc năm "heo vàng" 2007...), thì "tỉ lệ nhỏ" nhận trái tuyến là một trong "kẽ hở" khiến nạn chạy vào trường trái tuyến, đặc biệt là vào những trường đạt chuẩn quốc gia và các lớp tăng cường ngoại ngữ ở từng trường xảy ra tình trạng căng thẳng.
Phụ huynh: Nạn nhân và nguyên nhân
Độ tuổi "chạy trường" nhiều nhất lại rơi vào lứa tuổi tiểu học (lớp 1). Việc chạy trường thường xảy ra ở những quận, huyện trung tâm, trong khi những quận, huyện ngoại thành thì hầu như mọi việc rất yên ổn, thậm chí cá biệt ở một số địa phương, giáo viên phải đến tận nhà để động viên gia đình cho trẻ đến trường đúng độ tuổi.
Khi nhìn nhận vấn nạn chạy trường, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM - ông Nguyễn Hoài Chương - cũng đã phải "thở dài": Ngành đã tự thân vận động cũng như phối hợp cả với các cơ quan chức năng khác (công an, truyền thông...) để đưa ra không ít giải pháp dẹp vấn nạn này. Từ việc áp dụng tuyển sinh theo hộ khẩu đến những chương trình trường tổ chức cho phụ huynh đến tham quan, mục sở thị tại trường. Tuy nhiên, cũng chưa rốt ráo được.
Cũng theo vị phó giám đốc này, mỗi đầu niên học là lãnh đạo ngành giáo dục phải đau đầu về chuyện nhờ vả, gửi gắm vào trường điểm, trường chuẩn, lớp tăng cường tiếng Anh... Ông Chương cũng phân tích: "Phải thừa nhận rằng, tâm lý của phụ huynh đóng một vai trò rất quan trọng trong giải quyết vấn nạn này. Xin đưa ra một minh chứng, trong hai năm gần đây, ở TPHCM cứ mỗi khi một trường nào đó được công nhận là trường chuẩn quốc gia là y như rằng, niên học ngay sau đó "sốt" nạn chạy trường. Vẫn là trường đó, đội ngũ giáo viên đó, chất lượng dạy như thế, nhưng nếu chưa "có tiếng trường chuẩn" thì vẫn... bình yên".
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thì chia sẻ, mặc dù biết rõ mười mươi "mánh" chạy trường bằng cách chuyển hộ khẩu, nhưng việc này ngoài tầm giải quyết của ngành giáo dục, mà phụ thuộc vào quy định của địa bàn đó.
Hay như quy định "ngầm" về suất của giáo viên tại những trường hay được phụ huynh "chạy" mà ai cũng biết là có.
Không phủ nhận vai trò của ngành giáo dục phải từng bước "giải quyết" những "gút mắc" để khống chế nạn chạy trường ở mức tối thiểu, nhưng trong vấn nạn này, ở một chừng mực nào đó, có thể nói phụ huynh vừa là nạn nhân, đồng thời cũng là nguyên nhân.
Theo Ngân Anh - Thể Uyên
Lao Động
Hà Nội công bố lệ phí dự thi ĐH, CĐ Thí sinh nộp lệ phí dự thi ĐH, CĐ Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại vừa ký công văn gửi các Phòng Giáo dục, hiệu trưởng các trường THPT và TTGDTX về việc thu lệ phí dự thi ĐH, CĐ năm 2012. Theo đó, lệ phí tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN có tổ chức thi thu 86.500đ/hồ sơ (trong...