Hiệu trưởng bị tố để giáo viên không đứng lớp đánh giá học sinh
Nhiều giáo viên trường Tiểu học Ái Mộ “tố” Hiệu trưởng để giáo viên không giảng dạy được đánh giá kết quả học tập của HS, không minh bạch tài chính.
Ngày 18/9, báo điện tử VOV.VN nhận được đơn thư của một số giáo viên trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) phản ánh nhiều sai phạm của bà Ngô Thị Minh Phú, Hiệu trưởng nhà trường.
Theo đơn thư, bà Ngô Thị Minh Phú đã cho phép giáo viên bộ môn là cô T.H.L dạy môn Mỹ Thuật tự ý thuê người ngoài vào giảng dạy thay mà không có hồ sơ nhân sự, hợp đồng lao động với nhà trường. Đồng thời, giáo viên dạy thay cũng chưa hề được kiểm định về mặt chuyên môn. Điều đáng nói, cô giáo T.H.L không tham gia giảng dạy mà vẫn được đánh giá, nhận xét kết quả học tập của học sinh cuối năm học. Kết quả này được đánh giá trên cả phần mềm và văn bản để gửi về cho phụ huynh cuối năm học. Các giáo viên trường Tiểu học Ái Mộ B đặt câu hỏi: “Một giáo viên không trực tiếp đứng lớp, tại sao lại được đánh giá học sinh, ai là người chịu trách nhiệm về chất lượng của học sinh”?
Trường Tiểu học Ái Mộ B.
Cũng theo phản ánh trong đơn thư, việc cô L không đến trường làm việc từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2019 nhưng vẫn được nhà trường xếp loại công chức và được báo cáo lên lãnh đạo. Hiệu trưởng vẫn chi trả tiền lương và trả lương mô hình 2 buổi/ngày cho cô giáo L. mặc dù không đến trường làm việc.
“Bản thân giáo viên chủ nhiệm các lớp biết những gian dối này, bức xúc nhưng không dám lên tiếng vì sọ bị trù dập”, một giáo viên cho biết.
Chỉ sơn tường ngoài lớp, trong lớp phụ huynh tự sơn?
Cũng theo đơn thư, ngày 25/8/2019, được sự chỉ đạo của Hiệu trưởng, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ B đã ra thông báo cho toàn thể giáo viên chủ nhiệm với nội dung như sau: “Do trường khoan tường thủng chưa trát, đường nước thoát chảy tự do ảnh hưởng tới tường, tường và cửa mất mỹ quan. Vì vậy đã thống nhất khắc phục tình trạng trên với tổng kinh phí 25.215.300 đồng chia đều cho 32 lớp, tức 785.000 đồng/lớp. Các đồng chí thông báo tới ban phụ huynh lớp để trích nộp kinh phí”.
Ngoài ra, đơn thư cũng phản ánh, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường đã cùng với BGH đến từng lớp, vận động giáo viên và phụ huynh sơn phía trong của lớp học. Nguồn kinh phí trích từ nguồn phụ huynh đóng góp (mỗi lớp từ 1,5-1,7 triệu đồng). Cùng thời điểm đó, bà Hiệu trưởng Ngô Thị Minh Phú đã chỉ đạo chỉ sơn phía ngoài lớp học còn phía trong lớp học để các lớp tự sơn. Việc này đã gây nhiều bức xúc từ phía giáo viên và phụ huynh học sinh.
Video đang HOT
Sở GD-ĐT Hà Nội nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT qui định về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản thu phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban.
7 khoản tiền các nhà trường không được phép thu của phụ huynh gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Bên cạnh đó, đơn thư cũng tố cáo bà Ngô Thị Minh Phú tự ý cho thuê sân trường để làm bãi gửi xe ô tô, cho thuê nhà thể chất, sử dụng tài sản công không đúng quy định; chậm trễ trong việc thanh toán các khoản tiền bán trú, tiền lương mô hình 2 buổi/ngày cho giáo viên.
“Năm học qua, nhà trường tổ chức cho học sinh đi bơi, mỗi giáo viên đưa học sinh đi bơi được trung tâm dạy bơi chi trả 150.000 đồng/buổi. Nhưng thực tế, Hiệu trưởng không chi trả cho giáo viên. Trong khi đó, các trường khác đều trả cho giáo viên trước khi kết thúc năm học. Nhưng riêng trường Tiểu học Ái Mộ B đến tận cuối tháng 7, giáo viên mới nhận được số tiền là 50.000 đồng/buổi. Vậy 100.000 đồng còn lại, bà Phú đã sử dụng vào mục đích gì mà không công khai với giáo viên. Như vậy, mỗi giáo viên bị thâm hụt 1 triệu đồng”, các giáo viên thắc mắc.
Một giáo viên trường Tiểu học Ái Mộ B cho biết, ngày 30/8, Phòng GD-ĐT quận Long Biên đã tổ chức một cuộc họp với giáo viên của nhà trường về những sai phạm trong công tác quản lí của bà Ngô Thị Minh Phú. Trong cuộc họp bà Ngô Thị Minh Phú đã đọc bản kiểm điểm và nhận lỗi sai phạm về công tác quản lí nhân sự và thu chi ở trường.
Cũng theo chia sẻ của nhiều giáo viên trường Tiểu học Ái Mộ B, sau khi cuộc họp kết thúc, ngày 11/9/2019 bà Ngô Thị Minh Phú đã chỉ đạo Phòng Tài vụ của nhà trường yêu cầu giáo viên ký nhiều chứng từ liên quan đến rút tiền ngân sách, trong đó có nhiều chứng từ từ tháng 1/2019.
“Với những sai phạm nghiêm trọng đó mà đến nay UBND quận Long Biên và Phòng GD-ĐT quận Long Biên chưa đưa ra hình thức xử lí thích đáng, đúng người, đúng tội. Giáo viên chúng tôi rất mong muốn các cấp lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo quyết liệt với UBND quận Long Biên, Phòng GD-ĐT quận Long Biên về hướng xử lí với những sai phạm của bà Ngô Thị Minh Phú”, một giáo viên trường Tiểu học Ái Mộ B nêu ý kiến.
Để làm rõ những thông tin tố cáo, phóng viên VOV.VN đã liên hệ với bà Ngô Thị Minh Phú, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ái Mộ B. Bà Phú cho biết: “Tôi đã nhận được trao đổi của các cấp ngành về việc có đơn tố cáo. Với những nội dung đơn thư của giáo viên phản ánh, UBND quận Long Biên cũng đang về làm việc với nhà trường và đang yêu cầu nhà trường minh chứng hồ sơ theo phản ánh”.
Trước câu hỏi về việc giáo viên cho biết bà Phú đã nhận hết sai phạm trong cuộc họp ngày 30/8 với phòng GD-ĐT quận Long Biên, vị Hiệu trưởng cho biết: “Với vai trò người đứng đầu trường đương nhiên tôi không từ chối việc giải quyết những nội dung được nêu trong đơn tố cáo”. Khi phóng viên đề nghị bà Phú trao đổi cụ thể hơn, vị Hiệu trưởng cho biết đang bận chuẩn bị cho cuộc họp phụ huynh vào cuối tuần và hẹn tuần sau sẽ trả lời sau.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này./.
Theo VOV
Bất thường trong luân chuyển giáo viên: Huyện nói thầy cô chống lệnh
Ông Lê Xuân Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định lại cho rằng, quyết định của UBND huyện là "mệnh lệnh", chống lệnh là sai.
Như VOV đã phản ánh về những bất thường trong luân chuyển giáo viên tại huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa khiến nhiều giáo viên bất bình, dư luận hoài nghi.
Được biết UBND huyện Yên Định đã mời một số giáo viên có đơn thư lên làm việc tuy nhiên thay vì lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thầy cô giáo, lãnh đạo huyện dường như lại thách thức, dọa nạt, vì cho rằng thầy cô đang chống "lệnh" của huyện.
Nhiều quyết định được thu hồi chỉ sau 12 ngày ban hành.
Theo thông tin phóng viên VOV có được, buổi làm việc diễn ra hết sức căng thẳng, trong khoảng 1 giờ, với sự tham gia của lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo, thầy cô giáo có đơn thư khiếu nại; đại hiện UBND huyện là ông Lê Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định.
Ông Nguyễn Thiện Chinh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Yên Định làm việc với phóng viên VOV.
Ý kiến của các giáo viên tập trung vào những quyết định luân chuyển, điều động của UBND huyện thực hiện trái quy định (như VOV đã phản ánh trong những bài trước). Thầy giáo Trịnh Văn Thủy, đặt câu hỏi, tại sao đã 2 lần đi "nghĩa vụ" vẫn tiếp tục bị điều động lần 3.
"Bản thân tôi không thuộc đối tượng điều động vì được ưu tiên, theo điều 4 tôi được ưu tiên số 1. Đến thời điểm này trường tôi, tôi là người duy nhất ở trường đã thực hiện 2 lần điều động, lần thứ nhất là UBND tỉnh đi miền núi, lần 2 là UBND huyện điều động ở trường Định Công. Đến thời điểm hiện tại tôi bị điều động đi tiếp là không hợp lý, căn cứ vào quyết định 3678 điều động tôi đi là sai", thầy Thủy nói.
Rất nhiều lần thầy Thủy có đơn kiến nghị nhưng không được xem xét.
Còn đối với trường hợp cô giáo Hoàng Thị Minh Ngà đã hoàn thành nghĩa vụ điều động 3 năm vẫn không được xem xét sắp xếp, bố trí theo nguyện vọng. Cô giáo Hoàng Thị Minh Ngà bày tỏ: "Nguyện vọng của tôi là mong các đồng chí thực hiện đúng công văn số 198 để bản thân tôi đỡ vất vả, các đồng chí nghĩ xem, một mình đàn bà con gái đi năm mươi mấy km để dạy học mà các đồng chí gây khó khăn như thế thì liệu rằng có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được không?".
Liên quan đến những quyết định được cho là trái quy định này, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Yên Định giải thích, việc thực hiện luân chuyển, điều động hàng trăm giáo viên không tránh khỏi những thiếu sót. Phòng sẽ kiến nghị huyện thành lập đoàn thanh tra về những kiến nghị của giáo viên.
Trong khi đó, ở góc độ quản lý, ông Lê Xuân Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định lại cho rằng, quyết định của UBND huyện là "mệnh lệnh", chống lệnh là sai: "Chấp hành mệnh lệnh hành chính phân công nhiệm vụ, chúng tôi là người quản lý, chúng tôi ra quyết định thì người thi hành phải thi hành, sai có quyền khiếu nại, chứ đã thi hành đâu mà sai. Anh chưa làm có nghĩa tôi chưa sai, anh đang chống tôi, tôi xử lý anh trước".
Cho rằng ý kiến của ông Lê Xuân Thành chưa thấu tình đạt lý, một cô giáo trong diện luân chuyển nêu ý kiến: "Chúng tôi biết rõ quyết định trái quy định, không đúng, mà vẫn thực hiện thì có phải chúng tôi đang đồng lõa với cái sai không? Cấp trên phân công công việc bắt buộc phải thi hành dù thế nào, chỉ là khó khăn gian khổ chúng tôi không được thoái thác, trốn tránh nhiệm vụ chứ còn sai mà vẫn phải thực hiện hoặc vào Đảng vẫn phải đáp ứng, phục tùng kể cả sự phân công của lãnh đạo sai thì nói thật tôi xin ra khỏi Đảng".
Không chỉ tại huyện Yên Định mà tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, việc tuyển dụng, luân chuyển giáo viên lâu nay ít nhiều để lại điều tiếng chưa tích cực vì cách làm thiếu công khai, minh bạch. Việc luân chuyển, sắp xếp hàng trăm giáo viên, tất nhiên không thể hoàn mỹ cho mọi người. Thế nhưng, ý kiến, nguyện vọng của giáo viên là chính đáng, nên cầu thị, lắng nghe để có sự điều chỉnh cho hợp lý. Không nên xem đó là những "đối tượng cứng đầu" (như cách dùng từ của lãnh đạo huyện Yên Định)./.
Theo VOV
Khánh Hòa thiếu gần 700 giáo viên Thiếu gần 700 giáo viên, nhiều nhất là ở bậc mầm non, một số hiệu trưởng, nhân viên y tế tại các trường phải đứng lớp. Cô Nguyễn Thúy Hồng (Hiệu trưởng trường mầm non Phương Sơn, TP Nha Trang) cho hay, trường đang có 9 lớp với gần 280 bé từ 25 tháng đến 6 tuổi. Theo quy định, mỗi lớp 25-30...