Hiệu quả từ đối thoại với nhân dân
Những năm qua, quận Tây Hồ đã nghiêm túc triển khai các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị và nhân dân ở cấp quận và cấp phường.
Qua đó, phát huy dân chủ, sớm giải quyết những vấn đề vướng mắc trong điều hành, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của nhân dân.
Đại diện nhân dân địa bàn quận Tây Hồ phát biểu ý kiến tại hội nghị.Ảnh: VĂN NHI
Hội trường Quận ủy Tây Hồ sôi nổi ngay từ khi Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và với MTTQ, các đoàn thể chính trị và đại diện nhân dân chưa khai mạc. Đại diện các đoàn thể và nhân dân trao đổi về những vấn đề mình băn khoăn, những vấn đề được dư luận quan tâm. Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến thông báo những kết quả trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội: Đến hết tháng 11-2020, dù dịch bệnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, nhưng tổng giá trị các ngành sản xuất kinh tế trên địa bàn vẫn tăng trưởng 12,66%. Ước thu ngân sách cả năm 2020 đạt 4.426 tỷ đồng, bằng 132% kế hoạch, tăng 182% so với năm 2019.
Sau đó, các đại biểu bắt đầu phần đặt câu hỏi. Nhiều vấn đề “sát sườn” đã được đề cập. Thí dụ như sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố. Mặc dù đến nay, quận Tây Hồ đã hoàn thành sắp xếp cán bộ không chuyên trách cấp phường, cơ bản hoàn thành sắp xếp ở các tổ dân phố, nhưng vẫn còn những vấn đề đặt ra cần giải quyết như: Việc bố trí phó các đoàn thể chính trị – xã hội kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Người Cao tuổi… ở cấp phường gặp khó khăn trong phân công nhiệm vụ, lựa chọn cán bộ phù hợp; cán bộ tổ dân phố thường cao tuổi, việc kiêm nhiệm hai chức danh gây nhiều khó khăn… Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào ở cơ sở. Một số vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm như: Vai trò của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức học tập quán triệt các văn bản của Trung ương, Thành ủy; vấn đề sinh hoạt của đảng viên hai chiều, tuổi được phép miễn sinh hoạt Đảng; việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng…
Trong tổng số 24 câu hỏi tổng hợp từ trước và chín câu hỏi phát biểu trực tiếp tại hội nghị, được quan tâm nhất là các vấn đề liên quan đến quản lý đô thị, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Điển hình như việc mất vệ sinh môi trường tại dự án mương Thụy Khuê, từ Cống Đõ tới chợ Tam Đa; vỉa hè phố Tứ Liên bị xuống cấp; tình trạng chèo kéo khách ăn uống, tệ nạn ăn xin tại các nhà hàng… Thay mặt lãnh đạo quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến đã trực tiếp trả lời, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của nhân dân. Đối với dự án cống hóa mương Thuỵ Khuê đang còn 332 m chưa thi công, ảnh hưởng cuộc sống người dân là do còn 25 trường hợp phải bố trí tái định cư nhưng chưa giao được nhà; việc quản lý trật tự xây dựng có khó khăn khách quan do có nhiều diện tích đất đai xen kẹt… Đồng chí Nguyễn Đình Khuyến cũng nêu rõ các giải pháp xử lý; đồng thời, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban, lãnh đạo UBND các phường có trách nhiệm theo sát giải quyết các vấn đề mà dư luận quan tâm.
Thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25-5-2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các đoàn thể chính trị và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”, những năm qua, quận Tây Hồ đã nghiêm túc triển khai các hội nghị đối thoại ở cấp quận và cấp phường. Trước khi diễn ra hội nghị, các cấp ủy, chính quyền đã gửi dự thảo báo cáo, gợi ý các nội dung để đại diện các đoàn thể và nhân dân góp ý, đặt câu hỏi. Theo lãnh đạo Ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ, qua đối thoại trực tiếp, nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn nghiêm túc, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đời sống dân sinh. Các hội nghị cho thấy đây là một cách thức quan trọng để phát huy dân chủ, để nhân dân được trực tiếp bày tỏ ý kiến với lãnh đạo cao nhất của chính quyền cấp quận, cấp phường. Qua đó, nhiều vấn đề được đôn đốc, kịp thời giải quyết, hạn chế những vụ việc bức xúc kéo dài.
Có mặt tại Hội nghị, ông Phùng Bá Đam (đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam quận Tây Hồ) cho biết: “Đây là lần đầu tôi được tiếp xúc với lãnh đạo quận trong một cuộc đối thoại như thế này. Việc tiếp xúc với lãnh đạo rất cần thiết, thể hiện quan điểm của Đảng là lắng nghe ý kiến của quần chúng và các tổ chức đoàn thể để làm tốt hơn. Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị lãnh đạo quận Tây Hồ quan tâm hơn đến các tổ chức quần chúng. Bởi đây là cầu nối với nhân dân, tạo nên sức mạnh để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”. Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng một số đại biểu cho rằng, một số cuộc đối thoại còn nặng tính hình thức; công tác giám sát thực hiện kiến nghị của các đại biểu chưa sát sao… Điều này đòi hỏi trách nhiệm hơn nữa, của lãnh đạo Quận ủy, UBND quận, cũng như trách nhiệm giám sát của MTTQ, các đoàn thể nhân dân quận Tây Hồ.
"Chợ nhân đạo" - phiên chợ ấm áp tình người
Mô hình "Chợ nhân đạo" được triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ đầu năm 2020 đến nay đã mang đến cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhiều sự chia sẻ đầy ấm áp, ý nghĩa.
Đây là một trong những hoạt động nổi bật nhất mà Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện, với những kết quả rất đáng mừng.
Phiên "Chợ nhân đạo" tổ chức tại xã Tượng Sơn (Nông Cống) ngày 30-10 vừa qua.
Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, chúng tôi có mặt tại phiên "Chợ nhân đạo" được tổ chức tại xã Tượng Sơn (huyện Nông Cống). Đây thực sự là phiên chợ đặc biệt đối với 200 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có người khuyết tật, người già neo đơn, đau ốm, đối tượng lao động tự do bị mất thu nhập do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên địa bàn các xã Tượng Sơn, Tượng Lĩnh, Công Liêm, Công Chính và Yên Mỹ. Bởi khi đến chợ, họ không phải đem theo tiền để mua hàng, thay vào đó là những tờ phiếu mua hàng với giá 0 đồng. Phiên chợ với những gian hàng "0 đồng" do các câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện, Hội Chữ thập đỏ và Huyện đoàn Nông Cống bố trí với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, quần áo, đồ dùng gia đình... Tất cả đều được các đơn vị, tổ chức, CLB thiện nguyện vận động, quyên góp để đem tới "Chợ nhân đạo" tặng miễn phí cho bà con. Cho dù mỗi phiếu mua hàng chỉ có giá trị 300.000 đồng, nhưng bà con ai nấy đều vui mừng phấn khởi và đã chọn được những mặt hàng thiết yếu nhất cho gia đình. Đây thực sự là hoạt động rất ý nghĩa đối với hộ nghèo, đối tượng khó khăn đúng như chủ đề "Chung tay vì sức khỏe cộng đồng", "Dù bạn là ai, khi bạn cần - chúng tôi có mặt".
Anh Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Nông Cống cho biết: Để nhân rộng mô hình "Chợ nhân đạo" tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hiện nay, Hội Chữ thập đỏ huyện đang tích cực phối hợp với hội chữ thập đỏ các xã, thị trấn, kêu gọi, vận động các tổ chức, nhà tài trợ cùng đồng hành. Càng vận động được nhiều tổ chức, nhà hảo tâm tham gia thì phiên chợ sẽ càng đa dạng, phong phú các mặt hàng lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân được lựa chọn. Sau thành công của phiên "Chợ nhân đạo" tại xã Tượng Sơn, huyện sẽ tiếp tục triển khai thêm các phiên chợ tại các địa bàn khác.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức được 8 phiên "Chợ nhân đạo" (hay còn gọi là phiên chợ 0 đồng), với gần 2.600 suất quà (tương đương với gần 2.600 phiếu mua hàng 0 đồng) có tổng giá trị gần 520 triệu đồng. Bên cạnh việc bố trí các gian hàng 0 đồng, mua bằng phiếu, nhiều địa phương, các tổ chức thiện nguyện đã vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tổ chức các gian hàng 0 đồng, người dân không cần phiếu cũng được mua hàng. Ngoài ra, các CLB thiện nguyện chữ thập đỏ cũng sáng tạo, tổ chức phiên "Chợ nhân đạo" tại các bệnh viện. Điển hình là phiên chợ được tổ chức tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa với 550 suất quà; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với 600 suất quà nhằm chia sẻ khó khăn với các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại đây. Hội chữ thập đỏ các huyện Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Nông Cống, Cẩm Thủy, Thường Xuân cũng đã tổ chức thành công phiên "Chợ nhân đạo" tại địa phương mình trong năm 2020, tạo ra sự lan tỏa tích cực.
Bà Trịnh Thị Tiếp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thông qua mô hình "Chợ nhân đạo", nhiều tổ chức, nhà hảo tâm đã sẻ chia bằng hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu. Với ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của mô hình, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng hành của các đơn vị, nhà tài trợ để mở các phiên chợ nhân đạo sâu rộng trên toàn tỉnh. Qua đó, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ những phiên chợ ấm áp tình người này.
Phường Phú Sơn kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam Ngày 16 - 11, Ủy ban MTTQ phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa) đã kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11-1930 - 18-11-2020). Một tiết mục văn nghệ tại buổi lễ. Các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong suốt 90 năm qua, khẳng định...