Hiểu giáo dục để đánh giá đúng sách giáo khoa
Để dạy học nhẹ nhàng, hiệu quả, quyền quyết định chủ yếu ở giáo viên, nhà trường chứ không phải sách giáo khoa.
Sự tương tác giữa giáo viên và học sinh là yêu cầu cốt lõi trong Chương trình và SGK mới. Ảnh: Thế Đại
Bởi thầy cô là người gần gũi, hiểu năng lực, nhu cầu mỗi trò; cán bộ quản lý hiểu rõ điều kiện cơ sở vật chất nhà trường, đặc thù địa phương.
Nhiều bộ SGK – kích thích giáo viên tự chủ
Giáo dục Việt Nam đang nỗ lực đổi mới, hội nhập với giáo dục các nước phát triển. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành hiện thực hóa chủ trương đổi mới cho giáo dục những năm tới. Sách giáo khoa là một phương án dạy học dựa trên chương trình quốc gia, cụ thể hóa mục tiêu giáo dục theo hướng tới phát triển phẩm chất năng lực học sinh.
Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Sách giáo khoa chỉ là một phương án mở giúp giáo viên thuận lợi trong hướng dẫn học sinh trải nghiệm từng đơn vị kiến thức của bài học.
Tuy được chọn một bộ sách giáo khoa, nhưng mỗi giáo viên vẫn có quyền tham khảo và vận dụng các cách tiếp cận, giải quyết với cùng một vấn đề kiến thức ở các bộ sách giáo khoa khác nhau. Sách giáo khoa chỉ là một trong những công cụ giúp học sinh bày tỏ biểu cảm, cách nghĩ rồi cùng nhau thảo luận, hợp tác, chủ động tìm cách sở hữu kiến thức cho chính mình. Dạy và học đổi mới cũng từ quan điểm này mà phát triển.
Trong giờ học tại Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Đại Quang
Video đang HOT
Ngoài ra cũng cần hiểu, sách giáo khoa là yếu tố tĩnh, giáo viên sẽ lựa chọn linh hoạt sách giáo khoa, thậm chí bài học phù hợp với phương pháp giảng dạy, sao cho quá trình truyền thụ kiến thức có hiệu quả tốt nhất cho học sinh. Theo ông Đặng Tự Ân, đây cũng có thể được hiểu như cách làm có độ mở sáng tạo cho giáo viên và học sinh. Tình trạng thầy đọc trò chép, dạy thêm học thêm, bài tập về nhà nhiều và chồng chất sẽ dần loại bỏ.
“Giáo viên sẽ được tự do sáng tạo, trên cơ sở trải nghiệm nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau. Dạy học sẽ có nhiều cảm hứng do thông qua thực tiễn của cả giáo viên và học sinh. Có thể nói, khi có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ kích thích giáo viên tự chủ nội dung và phương pháp, tức là thay đổi giáo dục từ dưới lên. Cùng với đó, sẽ thay đổi định hướng cải cách giáo dục từ Trung ương hay chính là thay đổi từ trên xuống. Điều này giúp Bộ GD&ĐT chỉ đạo sát thực, thực tế hơn với sự đa dạng của địa phương, cùng với cách làm, hiệu quả rất khác nhau ở các vùng miền trong cả nước” – ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.
Quá trình làm sách theo cơ chế xã hội hóa còn giúp các tác giả và NXB hoàn toàn chủ động, sáng tạo trong các khâu để hoàn thành cuốn sách. Họ được tự chủ chọn tác giả, xây dựng bản thảo, tự lo kinh phí; kèm theo đó là trách nhiệm, sự cẩn trọng để có được bộ sách giáo khoa tốt nhất. Ngoài ra, đổi mới làm sách giáo khoa lần đầu có ở Việt Nam sẽ chống được độc quyền của các NXB trong việc in ấn và phát hành sách giáo khoa.
Học sinh lớp 1 tham gia giờ học theo SGK mới. Ảnh: Thế Đại
Thay đổi quản lý theo hướng quản trị nhà trường
Đánh giá sách giáo khoa tăng hay giảm tải không thể nhìn vào nội dung dạy học trong một bài học mà phải theo chương trình môn học của Bộ GD&ĐT. Nhấn mạnh điều này, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Phải có cách nhìn xuyên suốt về nội dung và kế hoạch dạy học cho cả môn học, lớp học và rộng hơn cho cả bậc học.
Nội dung học ở tiểu học vốn là những kiến thức rất căn bản; do đó, không có sự khác biệt lớn giữa nội dung dạy học cũ và mới, vẫn chỉ là những vấn đề về đọc viết, tính toán và tìm hiểu khoa học thường thức. Một số môn học mới cũng là mong muốn hình thành những kỹ năng cơ bản bước đầu cho học sinh. Tuy nhiên, phương pháp dạy học đổi mới sẽ lại là áp lực không nhỏ cho cả thầy và trò. Trong trường hợp này, nâng cao năng lực dạy học, tự bồi dưỡng tay nghề của mỗi giáo viên và nhà trường sẽ là cứu cánh.
Bên cạnh đó, thay đổi quản lý theo hướng quản trị nhà trường sẽ cấp thiết, mang lại hiệu quả rõ rệt khi thực hiện giảng dạy theo sách giáo khoa mới. Giáo viên được tự chủ chuyên môn, tức là mỗi nhà trường được quyền xây dựng chương trình nhà trường của riêng mình. Được thay đổi kế hoạch dạy học, dồn hay tách tiết trong phạm vi quy định của chương trình môn học. Nhiều nơi vẫn chưa thoát ra quan niệm cũ: Sách giáo khoa là pháp lệnh, nên sợ sệt, chưa dám mạnh dạn thay đổi hoạt động chuyên môn, trong khi học sinh và điều kiện hiện có của nhà trường mình không tương đồng.
Cũng theo ông Đặng Tự Ân, nếu sách giáo khoa có “sạn”, thì phải nhặt hết “sạn”. Có điều, giống như bát cơm có “sạn”, bản chất không phải cơm ôi, cơm thiu và như vậy sách giáo khoa vẫn luôn có thể là nguồn dinh dưỡng quý giá nuôi lớn tâm hồn và tri thức cho lớp trẻ.
Chúng ta có tới 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 và giáo viên có quyền lựa chọn độc lập hoặc tích hợp nhiều phương án khác nhau để hợp thành bài giảng của lớp mình, trường mình. Giáo viên tâm huyết với nghề, đam mê sáng tạo, sẵn sàng bước ra khỏi “vùng cấm” của cách dạy học cũ thì hoàn toàn làm chủ bài giảng của mình một cách thành công nhất. – Ông Đặng Tự Ân
Trường học vùng cao chủ động tiếp cận tốt với Chương trình mới
Triển khai thực hiện Chương trình sách giáo khoa mới, là một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc, địa hình địa lý phức tạp, giao thông đi lại cách trở nên Yên Bái đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khoa học.
Chưa có thiết bị dạy học thông minh, GV vẫn phải dạy học.
Qua gần 2 tháng học tập, những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu đã dần qua, đến nay về cơ bản các trường đều tiếp cận tốt với nội dung Chương trình mới.
Chuẩn bị kỹ càng, bài bản
Theo ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Năm học 2020 - 2021, Yên Bái có gần 18.000 học sinh lớp 1 theo học ở hơn 580 lớp trên tất cả các huyện, thị, thành phố. Thực hiện Chương trình sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 1, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trường và giáo viên đã được tham gia từ đầu, nghiên cứu thật kỹ các mẫu sách, tổ chức chọn mẫu sách từ tháng 3/2020.
Cô Lê Thị Hương Lan, GV dạy lớp 1 Chương trình mới của Trường Tiểu học & THCS Hồng Ca 2, cho biết: Khi được phân công dạy lớp 1 tôi cũng hơi lo vì cho dù mình là GV nhưng sách mới, nội dung mới, cách thức truyền đạt cho học sinh sao đây để các em hiểu bài tốt. Những ngày đầu lên lớp là những ngày chúng tôi vừa dạy trên lớp vừa về nhà "học" trước HS. Quan điểm là mình phải đặt vào vị trí các em học sinh, cô phải dạy sao cho học sinh hiểu bài học tốt nhất. Qua thực tế dạy học trên lớp tôi thấy bộ sách giáo khoa lớp, đặc biệt là sách tiếng Việt có nội dung hay, hình ảnh đẹp, hấp dẫn học sinh. Sách có nhiều từ ngữ mới, gợi mở cho học sinh sự hứng thú, các em rất háo hức học tập. Đặc biệt là ở phần hướng dẫn giáo viên rất rõ rang nên không chỉ giáo viên mà mọi người nếu muốn cũng có thể hướng dẫn thêm cho con em được.
Tuy nhiên, cũng không phải là dễ dàng hoàn toàn, cô giáo Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường TH&THCS Hồng Ca chia sẻ: Lớp tôi 100% là người dân tộc Mông. Trong sách tiếng Việt lớp 1 ở phần đọc cũng có nhiều từ mới, khó hiểu, có từ lại mang phương ngữ như: Cá hố (giáo viên cũng phải tra từ điển mới rõ); đá dế (học sinh cũng không thể biết trò chơi này)...
Thêm nữa là thời gian, nếu chương trình cũ mỗi bài thường học 2 vần thì nay mỗi bài có 4 vần. Hay như phần đọc cuối bài là những câu văn, đoạn văn, bài thơ khá dài so với chương trình cũ phải sang đến giữa kỳ 2 mới đến nội dung này. Có những bài nhiều vần nhưng cấu trúc hoặc mối liên quan giữa các vần nó chưa có liên kết với nhau, ví dụ có những vần "iêng", iêm" và "yên", như vậy âm cuối kết thúc của vần khó đọc đối với HS. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, thêm thời gian cả cô và trò quen với sách mới chắc chắn việc dạy - học sẽ hiệu quả như mong muốn.
GV Trường TH&THCS số 2 Hồng Ca tới từng bàn để hướng dẫn HS tập đọc.
Thiếu thiết bị dạy học thông minh
Theo như nội dung Chương trình sách giáo khoa mới, các bài học với những hình ảnh minh họa hết sức sinh động và hấp dẫn học sinh, đây là mong muốn truyền tải kiến thức tốt nhất đến với các em. Tuy nhiên, để thực hiện điều đó thì lại cần các phương tiện dạy học hiện đại hỗ trợ. Nhưng thực tế cho thấy ở các trường ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi thì các trang thiết bị dạy học mới có đủ. Còn ở các trường khu vực miền núi, vùng cao thì thiết bị dạy học trong danh mục chỉ đủ ở mức tối thiểu.
Hầu hết, các trường đều thiếu các thiết bị dạy học thông minh như máy chiếu, bảng tương tác, máy tính... trong khi triển khai Chương trình mới. Vẫn biết là dù không có thiết bị dạy học thông minh đi kèm, các thầy cô giáo vẫn lên lớp dạy bình thường, nhưng có điều họ sẽ phải vất vả hơn trong hoạt động dạy học chất lượng. Thực tế là trong các giờ dạy, thay bằng sử dụng máy chiếu, GV phải đi từng bàn chỉ từng tranh cho HS vì các em học sinh dân tộc, nhiều em tiếng Kinh còn nói chưa sõi.
Thầy giáo Liễu Anh Cường, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hồng Ca 2 tâm sự: Triển khai dạy sách lớp 1 theo Chương trình mới, không chỉ giáo viên mà cán bộ quản lý chúng tôi cũng lo lắng. Tuy nhiên, qua các cuộc tập huấn của Sở, Phòng GD&ĐT nên mọi người đều nắm chắc việc và phần nào yên tâm khi vào cuộc. Các giáo viên của chúng tôi xác định rõ tâm thế tốt nhất, hơn ai hết các thầy cô hiểu vùng cao các điều kiện trang thiết bị sẽ không thể bằng các trường dưới xuôi.
Thế nên bằng tình cảm, trái tim và trên hết là trách nhiệm với nghề, các thầy cô đã nỗ lực nhiều hơn, tích cực tham khảo, trao đổi với nhau về kinh nghiệm dạy qua từng bài học để mỗi giờ học sau sẽ tốt hơn lên. Qua thực tế triển khai sách giáo khoa lớp 1 mới, giáo viên đều phản ánh hay và hấp dẫn, nếu có đầy đủ thiết bị dạy học như trong danh mục thì giờ học sẽ hay và lôi cuốn HS hơn rất nhiều. Mong muốn của chúng tôi là có đủ thiết bị dạy học thông minh giúp việc dạy học hiệu quả hơn.
Chủ động, tích cực và trách nhiệm là điều ghi nhận được ở một số trường tiểu học vùng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đến thời điểm nay, báo cáo của các phòng GD&ĐT gửi về sở GD&ĐT đều cho thấy, kết quả bước đầu sau triển khai dạy học lớp 1, giáo viên nhận định sách giáo khoa mới đã đáp ứng được những yêu cầu đề ra của chương trình, cảm nhận chung là cả giáo viên và HS đều hứng thú với việc dạy - học. Lớp học diễn ra một cách tích cực và các em học sinh được trải nghiệm nhiều hơn.
Quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT Yên Bái là phải tìm hiểu, chắt lọc, đánh giá để chọn sách phù hợp với yêu cầu thực tế địa phương, khả năng tiếp thu của học sinh, đặc biệt là học sinh vùng dân tộc thiểu số. Sau khi đã so sánh kỹ các đầu sách khác nhau, các nhà trường đã thống nhất lựa chọn ra đầu sách phù hợp nhất cho từng môn học và hoạt động giáo dục. Trước khi triển khai dạy học, tất cả các giáo viên đều được tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng, nắm vững nội dung, phương pháp giảng dạy trước khi bước vào năm học mới... - Ông Đào Anh Tuấn
Tranh cãi về những bài học trong sách Tiếng Việt 1 Nhiều người nhận xét các mẩu truyện trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 (thuộc bộ sách giáo khoa Cánh diều) sử dụng câu từ trúc trắc, không rõ ý nghĩa. Sau hơn một tháng triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, nhiều phụ huynh phát hiện những mẩu truyện tập đọc trong sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều,...