Hiểu đúng về vai trò của thư viện với giáo dục Đại học
Thư viện không chỉ là nơi để chứa sách mà còn có giá trị to lớn đối với nhiều đối tượng. Thế nhưng, để hiểu đúng về thư viện cần có cái nhìn khoa học hơn. ThS Hồ Quốc Phú – Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc Phòng) đã chia sẻ quan điểm về vai trò của thư viện đối với giáo dục Đại học ở Việt nam.
Thư viện có vai trò rất quan trọng với giáo dục Đại học. Ảnh minh họa.
Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, Ths Hồ Quốc Phú đã nêu ra những vai trò to lớn của thư viện, đặc biệt là đối với giáo dục Đại học ở nước ta hiện nay.
Cung cấp học liệu phục vụ quá trình giảng dạy và học tập
Nguồn học liệu luôn có vị trí quan trọng trong giáo dục ở bậc Đại học. Bởi nguồn học liệu phong phú sẽ giúp cho giảng viên chuẩn bị và cập nhật bài giảng được đầy đủ, sinh viên có thể khai thác tài nguyên đó một cách tối ưu.
Do đó, sinh viên muốn học tập tốt thì cần tìm đến các nguồn học liệu do giảng viên cung cấp, giới thiệu. Để làm được điều này, thư viện sẽ là địa chỉ hữu ích và tin cậy, là môi trường giúp sinh viên có thể tìm tài liệu phục vụ cho việc học tập hiệu quả.
Khi bàn về hoạt động cung cấp nguồn học liệu phục vụ cho giáo dục đại học, trước hết phải khẳng định, thư viện là nơi cung cấp nguồn học liệu quan trọng nhất. Ở thư viện, sinh viên có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện, phong phú và đa dạng nhất.
Đó là những thông tin đã được sàng lọc, đảm bảo tính pháp lý, được thực tiễn kiểm nghiệm và đáp ứng cơ bản nhu cầu của sinh viên. Thư viện hiện nay không chỉ là một trung tâm tri thức, mà còn trở thành một trung tâm thông tin, ở đó không chỉ có sách, báo, tạp chí in trên giấy mà còn có các thông tin tư liệu đã được số hóa và kể cả thông tin từ mạng Internet.
Một số thư viện đại học tiêu biểu có thể kể ra như Trung tâm học liệu Thái Nguyên, trung tâm học liệu Cần Thơ đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của giáo dục đại học hiện đại. Trung tâm học liệu Đà Nẵng hiện nay bên cạnh hệ thống tài liệu truyền thống đã hình thành kho tài liệu số với “trên 2000 tài liệu điện tử” , thư viện đã thực hiện việc kết nối mạng LAN, WAN, Internet…
Trở thành một một yếu tố của quá trình đào tạo Đại học
Công tác thư viện không chỉ tham gia vào hoạt động hỗ trợ giáo dục Đại học, nó còn được xem là một yếu tố của quá trình đào tạo Đại học. Có thể xem thư viện là giảng đường thứ hai của sinh viên, nơi trực tiếp diễn ra các hoạt động tự đào tạo, tự tích lũy kiến thức.
Yêu cầu đặt ra cho công tác thư viện là phải có các hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng là “giảng đường thứ hai” này. Cần thiết phải đồng bộ hóa hoạt động đào tạo của thư viện với hoạt động đào tạo của nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người học thực sự coi thư viện là nơi học tập hiệu quả.
Video đang HOT
Với tư cách là “giảng đường thứ hai” của giáo dục Đại học, thư viện góp phần hình thành năng lực độc lập trong việc khám phá và tư duy sáng tạo của sinh viên. Việc tiếp cận, chiếm hữu và sở hữu tri thức chỉ thật sự có hiệu quả trên tính tự giác của sinh viên.
Không có một người thầy nào, không có một ngôi trường nào có thể thay thế người học trong quá trình tự chiếm lĩnh tri thức, biến tri thức nhân loại thành kiến thức của bản thân. Sách giáo khoa và giáo trình chỉ là các khung cơ bản của chương trình đào tạo, chính nguồn tài liệu phong phú đa dạng trong thư viện mới thật sự đóng góp vào quá trình hoàn thiện nhận thức, hình thành hệ thống tri thức một cách đầy đủ nhất mà vẫn phản ánh đậm nét dấu ấn của mỗi cá nhân.
Công tác thư viện nếu thực hiện tốt sẽ tạo ra một môi trường tri thức rộng lớn, đa dạng để sinh viên có thể tự mình học tập, tự mình nghiên cứu.
Thư viện phải trở thành “thao trường cần thiết để sinh viên từng bước tập dượt trên con đường trở thành người có ích, có năng lực và trên con đường chinh phục đỉnh cao trí tuệ sau này”.
Thiết chế đào tạo phi chính thức
Chúng ta đang chứng kiến sự ra đời và mất đi nhanh chóng của các loại hình lao động do tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nó buộc con người phải có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp.
Với quan điểm tiếp cận mới, đào tạo đại học bên cạnh việc trang bị kiến thức cơ bản, hàn lâm cũng cần phải trang bị kỹ năng để người học có thể tồn tại được trong một thời đại có nhiều sự biến đổi.
Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và xu hướng hình thành những “công dân toàn cầu” cũng đặt ra yêu cầu buộc sinh viên hiện nay cần phải được trang bị những kỹ năng cần thiết để tồn tại được ở nhiều dạng môi trường xã hội – văn hóa khác nhau.
Điều đó gợi mở cho chúng ta về một vai trò mới của thư viện hiện nay. Hoạt động thư viện cần ngày càng đóng một vai trò tích cực hơn trong quá trình thiết kế, tổ chức các hoạt động văn hóa, góp phần hình thành những kỹ năng cần thiết cho sinh viên.
Thư viện như vậy sẽ là một môi trường đào tạo thứ hai, độc lập với hệ thống các trường đại học, dần dần trở thành một thiết chế đào tạo phi chính thức. Vai trò này tuy chưa định hình rõ song sẽ là xu hướng tất yếu của công tác thư viện trong tương lai.
Thư viện trước đây chỉ là nơi chứa sách, cho bạn đọc tìm kiếm, tìm đọc. Thư viện bây giờ ngoài việc cung cấp thông tin nó còn có những chức năng là một trung tâm văn hóa, thông tin, và sinh hoạt cộng đồng. Mô hình thư viện mở, thân thiện với người đọc mà nhiều trường đại học xây dựng đã làm thay đổi nhận thức và thói quen của sinh viên, giảng viên đối với việc đọc sách và tổ chức các hoạt động trong không gian thư viện.
Thư viện đang dần trở thành một không gian sáng tạo cho cả sinh viên và giảng viên. Bằng việc tổ chức nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ, tổ chức các sự kiện như: ngày sách Việt Nam, các buổi hội thảo, thông tin chuyên đề, các hoạt động văn hóa đọc… thư viện từng bước đã trở thành nơi mang chức năng giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và làm việc, giao lưu và hợp tác cho tất cả mọi đối tượng, trong đó có sinh viên.
Thông qua các hoạt động văn hóa ở thư viện, sinh viên có cơ hội mở rộng kiến thức, kỹ năng, cơ hội trong học tập và chia sẻ các hệ giá trị nhân văn của cuộc sống.
ThS Hồ Quốc Phú – Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc Phòng)
Theo giaoducthoidai.vn
Mô hình Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm: Phù hợp nền giáo dục hiện đại
Nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc cải cách giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc cải cách giáo dục chủ yếu quan tâm đến giáo dục phổ thông mà ít quan tâm đồng bộ đến cải cách, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên ở trường sư phạm.
Trường sư phạm chưa đáp ứng được nhu cầu cải cách của các trường phổ thông là một thực tế chúng ta buộc phải nhìn nhận.
Hai điểm bất cập
Thứ nhất, nội dung kiến thức giảng dạy ở bậc đại học và chương trình dạy học ở phổ thông không ăn khớp (kiến thức chuyên ngành và phương pháp dạy học). Các khoa Sư phạm không có mối liên hệ mật thiết với các Sở giáo dục. Đội ngũ giảng viên đại học ít có cơ hội tiếp xúc với thực tế phổ thông nên không nắm rõ về chương trình, không am hiểu thực tiễn giảng dạy. Mối quan hệ giữa hệ thống trường sư phạm với hệ thống trường phổ thông ngày càng lỏng lẻo.
Thứ hai, một trong những hệ quả của việc xa rời thực tế nói trên đó là sinh viên được học "lý thuyết" quá nhiều mà khả năng "thực hành" thì quá yếu kém. Khi bước chân vào thực tế giảng dạy (kiến tập, thực tập, đi dạy sau khi ra trường...), các em không bắt kịp những đổi mới ở phổ thông. Nguyên nhân có lẽ là vì "học không đi đôi với hành".
Nhận thức sâu sắc những mặt hạn chế nói trên trong đào tạo sinh viên sư phạm, năm 2008 Trường Đại học An Giang đã thành lập TRƯỜNG PHỔ THÔNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM có nhiều cấp học. Sự ra đời của Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm là vô cùng phù hợp với xu hướng của nền giáo dục hiện đại trong thời kì hội nhập.
Thực tiễn từ Đại học An Giang
"Mỗi trường đại học sư phạm phải có ít nhất một trường thực hành sư phạm có quy mô phù hợp với yêu cầu thực hành sư phạm". Nội dung này được quy định trong Quy chế Trường Thực hành Sư phạm của Bộ Giáo dục & đào tạo đã phần nào khẳng định được vai trò, vị trí của trường thực hành sư phạm trong công tác đào tạo giáo viên. Trường Phổ thông thực hành Sư phạm trực thuộc Trường Đại học An Giang đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Điều 3 của Quy chế Trường Thực hành Sư phạm.
Công tác phối hợp đào tạo sinh viên sư phạm luôn được trường chú trọng. Tại đây, sinh viên sư phạm nói chung và sinh viên sư phạm Ngữ văn nói riêng có thể thông qua các hoạt động cụ thể ở trường để: "Tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục của trường trung học phổ thông; quan sát, tìm hiểu hoạt động giáo dục ở các khối lớp; tìm hiểu và thực hành các khâu chuẩn bị dạy học, các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên; dự một số hoạt động mẫu về dạy học và giáo dục của giáo viên trung học phổ thông, tập dượt một số hoạt động có chọn lọc về dạy học và giáo dục; dự một số giờ thực hành về nghiệp vụ do các giảng viên trường đại học sư phạm hoặc các giáo viên trường trung học phổ thông thực hiện tại trường thực hành".
Hằng năm, trường Phổ thông Thực hành Sư phạm luôn kết hợp chặt chẽ với Khoa Sư phạm làm tốt công tác rèn nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, kiến tập sư phạm và thực tập sư phạm cho sinh viên của Đại học An Giang. Nhà trường xem đây là nhiệm vụ chủ đạo xuyên suốt trong năm học. Các hoạt động này luôn được thực hiện nghiêm túc, có kiểm tra nhắc nhở và rút kinh nghiệm qua mỗi đợt.
Thông qua các hoạt động kiến tập và thực tập này, sinh viên có cơ hội để học việc, tập sự những công việc của một người giáo viên về công tác chuyên môn, phong trào và cả hoạt động chủ nhiệm lớp. Bộ môn Ngữ văn, khoa Sư phạm Trường Đại học An Giang cũng cử nhiều giảng viên xuống trực tiếp dự giờ thực tập cùng giáo viên phổ thông để cùng đánh giá kết quả thực tập của sinh viên.
Không chỉ tạo cơ hội cho sinh viên được học hỏi từ thực tế giảng dạy ở phổ thông, nhà trường và các giáo viên hướng dẫn còn đặc biệt chú ý nâng cao ý thức của của các em sinh viên sư phạm về công tác chủ nhiệm lớp, giúp cho các em nhận thức được công tác chủ nhiệm lớp có vai trò rất quan trọng trong giảng dạy, góp phần quyết định trong việc phát triển chất lượng giáo dục trong nhà trường và trong việc xây dựng nề nếp, kỷ cương trường học.
Không chỉ phối hợp đào tạo sinh viên sư phạm, Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm còn tạo điều kiện cho các giảng viên khoa Sư phạm Trường Đại học An Giang có cơ hội được dạy ở phổ thông để các giảng viên bắt kịp tình hình phổ thông, cập nhật, hoàn thiện và đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy đại học của mình, rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục đại học và phổ thông.
Kiến nghị và đề xuất
Việc thành lập Trường Thực hành Sư phạm trực thuộc các trường đại học là một gợi ý hay và thiết thực để cả giảng viên và sinh viên sư phạm nói chung và sư phạm Ngữ văn nói riêng có điều kiện tiếp xúc, am hiểu thực tế phổ thông. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường mối quan hệ giữa trường đại học sư phạm và các Sở Giáo dục để có được sự tương đồng, ăn khớp giữa việc đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới đào tạo giáo viên ở đại học sư phạm.
Ở trường sư phạm, sinh viên muốn giảng dạy được tốt phải xem các giờ dạy mẫu như thế nào. Dạy mẫu được coi là một yêu cầu bắt buộc trong quy trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Sau khi học lý thuyết, sinh viên phải được xem mẫu, được nhận diện và phân tích qua mẫu, làm thuần thục theo mẫu, sau đó mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian kiến tập và thực tập và các học phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm còn quá ngắn, không đủ cho sinh viên được quan sát nhiều giờ dạy mẫu. Vì vậy, nên ghi hình lại các tiết dạy mẫu của giáo viên trường Phổ thông Thực hành Sư phạm, các hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc các tiết tập giảng của sinh viên để minh họa trong những giờ học lý thuyết ở giảng đường đại học.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai thí điểm, ứng dụng các thành tựu khoa học giáo dục của giảng viên, sinh cần được tăng cường hơn nữa, đồng thời phải mang tính thiết thực và cập nhật.
Hình thức tổ chức hoạt động thực hành sư phạm cho sinh viên cần đa dạng hơn. Đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hành sư phạm của sinh viên sư phạm.
Kết quả thực hành sư phạm của sinh viên phải được đánh giá một cách chính xác, khoa học. Muốn được như vậy phải xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá theo yêu cầu đặc thù của bộ môn Ngữ văn và bám sát những nội dung thực hành sư phạm. Kết quả đánh giá này phải được đưa vào hồ sơ tốt nghiệp cũng như hồ sơ xin việc của sinh viên như một sự thẩm định của nơi đào tạo về năng lực của người học sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó cần có một hội đồng riêng để đánh giá một cách khách quan, chính xác, công bằng và thực hiện có hiệu quả mục tiêu đào tạo: "Trường sư phạm cần đánh giá trình độ nghiệp vụ sư phạm của sinh viên qua một hội đồng riêng với sự tham gia của các giáo viên, các nhà sư phạm chuyên sâu về nghiệp vụ sư phạm (có thể mời các giáo viên phổ thông dạy giỏi). Điểm nghiệp vụ sư phạm này có thể coi là một trong những điểm đánh giá tốt nghiệp bắt buộc của sinh viên sư phạm Ngữ văn, kể cả những sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp. Đây là cách đánh giá công bằng, khoa học và quan trọng hơn là nó định hướng cho sinh viên sư phạm ý thức, trách nhiệm cao đối với việc nâng cao tay nghề".
Việc thành lập Trường Thực hành Sư phạm trực thuộc các trường đại học là một gợi ý hay và thiết thực để cả giảng viên và sinh viên sư phạm nói chung và sư phạm Ngữ văn nói riêng có điều kiện tiếp xúc, am hiểu thực tế phổ thông.
Nguyễn Thị Thu Giang
Theo giaoducthoidai.vn
GS Trương Nguyện Thành lên tiếng về quyết định trở lại Mỹ Vừa từ Mỹ trở về Việt Nam thực hiện việc cá nhân, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã lên tiếng về quyết định tạm gác lại ước mơ đóng góp cho phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam sau khi không được công nhận vị trí Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen. Chia sẻ trên Chuyển động 24h của VTV, GS...