Hiểu đúng về bồi dưỡng giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
Gần đây có một số thông tin chưa chính xác về việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên (GV) mầm non, phổ thông công lập gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong đội ngũ.
Để có cái nhìn đầy đủ, chính xác về vấn đề này, báo Giáo dục và Thời đại đã trao đổi với TS. Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).
- Có phải tất cả GV, dù có nhu cầu thăng hạng hay không, đều phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN?
Luật Viên chức năm 2010 quy định việc bổ nhiệm CDNN đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc: “làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào CDNN tương ứng với vị trí việc làm đó” và “người được bổ nhiệm CDNN nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của CDNN đó”.
Triển khai thực hiện Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, năm 2015, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN GV mầm non, phổ thông công lập (các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).
Theo đó, GV mỗi cấp học phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của hạng đã được bổ nhiệm; trong đó có tiêu chuẩn “có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN”, cũng là yêu cầu chung đối với các viên chức, không chỉ riêng đối với viên chức ngành giáo dục).
Theo các Thông tư liên tịch nêu trên thì hiện nay, đối với hạng CDNN thấp nhất của mỗi cấp học (hạng IV đối với cấp mầm non, tiểu học; hạng III đối với cấp THCS, THPT) thì chưa có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN, các hạng còn lại đều có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN.
TS. Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).
GV còn “nợ” 1 số điều kiện khi được chuyển từ ngạch sang hạng
- Nhưng nhiều GV băn khoăn là khi các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN có hiệu lực, họ đã được cơ quan quản lý chuyển xếp từ ngạch GV hiện hành (mã số ngạch bắt đầu bằng 2 chữ số 15) sang các hạng CDNN tương ứng (mã số hạng bắt đầu bằng 3 chữ số V.07). Vậy tại sao họ vẫn phải tham gia học bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN?
Sở dĩ có tình trạng này là vì khi xây dựng và ban hành các chính sách, nhà quản lý bao giờ cũng phải tính đến “độ trễ” của các chính sách.
Việc chuẩn hóa đội ngũ GV mầm non, phổ thông công lập thông qua các tiêu chuẩn CDNN theo Luật Viên chức là nội dung mới, bắt đầu thực hiện từ sau khi Luật Viên chức được ban hành và có hiệu lực.
Khi xây dựng các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN GV, dự tính việc chuyển xếp từ ngạch GV sang các hạng CDNN GV sẽ không đảm bảo tiến độ nếu yêu cầu đội ngũ GV mầm non, phổ thông công lập ngay lập tức phải có đủ tất cả các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Do đó, tại thời điểm đó, Bộ GD&ĐT đã trao đổi, thống nhất với Bộ Nội vụ về việc chưa yêu cầu bắt buộc đội ngũ GV phải có đủ tất cả các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định (trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN), để tạo điều kiện cho đội ngũ GV khi chuyển xếp lương từ các ngạch GV hiện giữ sang hạng CDNN tương ứng.
Video đang HOT
Điều đó đồng nghĩa với việc khi được chuyển từ ngạch sang hạng, đội ngũ GV còn “nợ” một số điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định (trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN).
Trong điều khoản áp dụng tại các Thông tư liên tịch đều có quy định “cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của CDNN GV được bổ nhiệm”.
Do đó, ngay từ khi các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN GV mầm non, phổ thông công lập có hiệu lực, sau chuyển xếp GV từ các ngạch GV hiện hành sang hạng CDNN mới, các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc phân công công việc cũng như các vấn đề khác có liên quan để cử GV tham gia bồi dưỡng, hoàn thiện những tiêu chuẩn còn thiếu của CDNN đã được bổ nhiệm.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc này chưa được các địa phương thực sự quan tâm. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường đôn đốc, giám sát, yêu cầu các địa phương thực hiện việc bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN theo đúng quy định.
Việc thu tiền học chứng chỉ bồi dưỡng có đúng?
- Có ý kiến cho rằng việc thu tiền học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN GV của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ là không đúng, vì kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức là do ngân sách nhà nước chi trả. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được quy định đối với cán bộ, công chức và viên chức được quy định khác nhau. Trong đó, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được quy định từ các nguồn: do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm. Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số.
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/NĐ-CP, năm 2018, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo Thông tư số 36, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được quy định được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, căn cứ các hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài Chính, việc thu tiền học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN GV của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng là không sai. Mức thu cụ thể đối với từng khóa học, ở từng cơ sở đào tạo bồi dưỡng có thể có sự khác nhau ít nhiều phụ thuộc vào nhiều yếu tố: khoảng cách địa lý, địa điểm học, số lượng học viên/khóa học… Các yêu cầu về chương trình bồi dưỡng, thời lượng bồi dưỡng, tài liệu bồi dưỡng, báo cáo viên tham gia bồi dưỡng,… phải đảm bảo đúng các quy định do Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn.
Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN khác với bồi dưỡng thường xuyên
- Gần đây, có ý kiến cho rằng việc thu tiền học thăng hạng GV là vi phạm Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT ngày 10/7/2012 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế bồi dưỡng thường xuyên GV mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Để hiểu đúng và đầy đủ về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với GV, cần có một cái nhìn tổng thể các quy định về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. GV cũng là viên chức nên ngoài các chế tài của Luật Giáo dục, các hoạt động nghề nghiệp của GV còn được chế tài bởi Luật Viên chức.
Về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP quy định gồm có 4 hình thức bồi dưỡng, bao gồm: bồi dưỡng tập sự; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN; bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm.
Việc bồi dưỡng được nhắc đến trong Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT chính là hình thức bồi dưỡng thứ 4 nêu trên, đối với ngành Giáo dục gọi là bồi dưỡng thường xuyên.
Thực tế trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên GV các cấp đúng quy định. Việc GV tham gia bồi dưỡng nhằm mục đích bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bắt buộc hằng năm để phát triển nghề nghiệp. Hoạt động bồi dưỡng này GV không phải nộp kinh phí.
Còn việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN GV các cấp chính là hình thức bồi dưỡng thứ 2 nêu trên và cũng là quy định mới, được thực hiện sau khi Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Viên chức có hiệu lực.
Đây là hình thức bồi dưỡng áp dụng đối với viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực (trước đây trong lịch sử quản lý, sử dụng viên chức không có hình thức bồi dưỡng này). Hình thức bồi dưỡng này đáp ứng nhu cầu tự thân của mỗi GV để tích lũy đủ tiêu chuẩn nhằm mục đích thăng hạng CDNN trong quá trình hoạt động nghề nghiệp.
Đối với ngành Giáo dục, thực tế là cho đến năm 2017, sau khi Bộ GD&ĐT hoàn thiện việc ban hành các văn bản, quy định và hướng dẫn thực hiện công tác bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN GV mầm non, phổ thông công lập thì các địa phương mới bắt đầu triển khai công tác bồi dưỡng.
Việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN GV khác với bồi dưỡng thường xuyên là GV không phải tham gia bồi dưỡng hằng năm. Đối với mỗi hạng CDNN, nếu có yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN thì GV chỉ phải tham gia bồi dưỡng một lần trong suốt quá trình giữ hạng. Như vậy, nếu không có nhu cầu thăng hạng, trong toàn bộ thời gian hoạt động nghề nghiệp, GV chỉ cần tham gia bồi dưỡng một lần duy nhất để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của hạng đã được bổ nhiệm.
- Nếu như vậy, thì việc một số địa phương, cơ sở giáo dục có chính sách miễn hoàn toàn hoặc một phần kinh phí học bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN là đúng hay không đúng, liệu có gây ra sự không công bằng giữa các khu vực, vùng miền?
Thực tế thời gian vừa qua, có một số địa phương có sự hỗ trợ nhất định về kinh phí (một phần hoặc toàn phần) đối với GV tham gia học bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN GV các cấp, điều này hoàn toàn đúng quy định. Bộ GD&ĐT rất khuyến khích cách làm này.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ đó sẽ không thể thực hiện thống nhất giữa các địa phương, vùng miền, thậm chí giữa các quận/huyện trên cùng một tỉnh/thành phố mà hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, nguồn ngân sách của từng địa phương, vùng miền.
Chúng tôi chỉ khuyến nghị với các địa phương là nếu có chính sách hỗ trợ GV về kinh phí học bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN thì nên tính toán, cân nhắc để đảm bảo sự hỗ trợ ấy được duy trì ổn định và đồng đều giữa các cấp học, khu vực trên địa bàn và hằng năm.
Vì như chúng ta biết, đội ngũ viên chức ngành giáo dục chiếm số lượng đông đảo (chiếm hơn 70% tổng số viên chức toàn quốc), do đó, kinh phí để hỗ trợ (nếu có) tính ra sẽ rất lớn, trong khi ngân sách của nhà nước cấp cho Giáo dục của một địa phương được tính toán và điều chỉnh theo từng năm tài chính.
Nếu trên cùng một địa phương, sự hỗ trợ về kinh phí bồi dưỡng không có sự thống nhất giữa các quận/huyện, không đảm bảo sự duy trì thường xuyên giữa các năm khác nhau sẽ gây mất công bằng đối với các đối tượng tham gia bồi dưỡng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai
Giáo viên từng thụ án treo bị hủy quyết định tuyển dụng
Từ viện dẫn thông tư 27 của Bộ Giáo dục - đào tạo, UBND huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi sửa đổi viện dẫn điều 22 - Luật viên chức và giữ nguyên việc thu hồi, hủy quyết định tuyển dụng giáo viên đối với anh Trần Minh Đoan Úc.
Anh Úc rất mong được tiếp tục đi dạy và trở thành công dân tốt - Ảnh: TRẦN MAI
Ngày 30-3, ông Nguyễn Xuân Bắc - chủ tịch UBND huyện Trà Bồng - xác nhận vừa ký quyết định 476 về việc điều chỉnh một số nội dung của quyết định 4055 ngày 12-11-2018 do chính ông Bắc ký.
Thay đổi viện dẫn luật, giữ nguyên quyết định hủy tuyển dụng
Tuổi Trẻ Online có bài viết "Chịu án thời trẻ, buộc thôi dạy khi hoàn lương", phản ánh việc UBND huyện Trà Bồng ra quyết định 4055 để thu hồi và hủy bỏ quyết định tuyển dụng giáo viên đối với anh Trần Minh Đoan Úc (25 tuổi, ngụ xã Trà Bình, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi).
Lý do thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng vì anh Úc khai man, che giấu việc đang chấp hành bản án hình sự (khi khai hồ sơ đi học); không khai việc mình có tiền án trong sơ yếu lý lịch khi làm hồ sơ đăng ký dự tuyển giáo viên.
Đến ngày 21-3, ông Nguyễn Xuân Bắc - chủ tịch UBND huyện Trà Bồng - ký quyết định số 476 nêu "Ông Trần Minh Đoan Úc không trung thực trong việc khai hồ sơ đăng ký dự tuyển giáo viên huyện Trà Bồng năm học 2017-2018".
Sau khi nhận quyết định 476, anh Úc cho biết rất sốc và sẽ tiếp tục khiếu nại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Xuân Bắc - chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết đã thay đổi viện dẫn luật cho phù hợp với việc thu hồi và hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với anh Úc. Tuy nhiên ông Bắc không bình luận vì sao thay đổi viện dẫn luật.
Cần xử lý theo hướng nhân đạo
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn luật sư TP.HCM - nêu quan điểm: Tại quyết định 476, UBND huyện Trà Bồng dựa vào việc "ứng viên phải có lý lịch rõ ràng" quy định trong hai điều luật và cho rằng Úc không trung thực khi khai lý lịch là không có cơ sở.
"Không khai báo đã từng thụ án không đồng nghĩa với lý lịch không rõ ràng. Lý lịch rõ ràng hay không phải do cơ quan chuyên môn xác định trên cơ sở pháp luật", luật sư Hưng khẳng định.
Luật sư Hưng nói thêm "Mẫu lý lịch trong hồ sơ thi tuyển viên chức giáo viên không có nội dung yêu cầu khai án tích, cũng không yêu cầu ứng viên nộp thêm lý lịch tư pháp (lý lịch xác định tiền án tiền sự của một công dân)".
Theo phân tích của luật sư Hưng, anh Úc thi hành xong bản án treo 3 năm và thời gian thử thách 2 năm vào ngày 18-7-2017.
Đến ngày 9-10-2017, Úc đăng ký dự tuyển giáo viên. Úc được xóa án tích, trở thành công dân bình thường vào ngày 18-7-2018 và được tuyển dụng vào ngày 11-9-2018.
"Căn cứ vào những luận cứ trên, hoàn toàn có thể giải quyết sự việc theo hướng nhân đạo", luật sư Hưng nói.
UBND huyện Trà Bồng có thể yêu cầu anh Úc khai bổ sung lý lịch, thậm chí bổ sung thêm phiếu lý lịch tư pháp nếu cần vì Úc đã thụ án xong, đủ điều kiện thi tuyển viên chức giáo viên và trước khi tuyển dụng, Úc đã được xóa án tích.
TRẦN MAI
Theo tuoitre
Tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên Bắt đầu từ giữa tháng 3-2019, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn tổ chức các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên năm 2019 đối với giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Ảnh minh họa Sở yêu cầu các đơn vị...