Hiện tượng Flappy Bird dẫn đầu top 10 sự kiện CNTT của năm
Ngoài Flappy Bird, sự cố đứt cáp quang, sự xuất hiện của Uber hay công ty Hồng Việt cài phần mềm nghe lén trên điện thoại đều có mặt trong top 10 sự kiện CNTT nóng nhất năm 2014.
Top 10 sự kiện CNTT – viễn thông của năm 2014 vừa được công bố bởi Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) với thành viên là 45 nhà báo CNTT đến từ 33 cơ quan báo chí khác nhau tại Việt Nam.
1 – Hiện tượng Flappy Bird gây sốt trên toàn thế giới
Xuất hiện từ cuối tháng 1/2014 trên 2 chợ ứng dụng Google Play và App Store, game Flappy Bird của tác giả người Việt có tên Nguyễn Hà Đông đã gây sốt trên toàn cầu vì tính đơn giản nhưng khó chịu của nó.
Tuy nhiên, sau khi tiết lộ doanh thu từ quảng cáo của Flappy Bird có thể lên tới 50 ngàn USD/ngày, các cơ quan quản lý thuế đã đề cập đến vấn đề truy thu thuế đối với tác giả Nguyễn Hà Đông. Người chơi Flappy Bird bắt đầu có xu hướng phát cuồng vì trò game quá khó, dẫn tới những hành động tiêu cực như đập điện thoại, có những hành vi mất kiểm soát cùng việc đưa lên YouTube các video cay cú vì trò game này.
Trước những áp lực từ người chơi trên toàn cầu về những tác động tiêu cực, cùng những quan điểm trái chiều tại Việt Nam đòi truy thu thuế Flappy Bird, tác giả Nguyễn Hà Đông quyết định gỡ bỏ Flappy Bird khỏi các chợ ứng dụng. Tuy nhiên, Flappy Bird vẫn lọt vào 10 từ khóa tìm kiếm trên Google nhiều nhất toàn cầu năm 2014, và tác giả Nguyễn Hà Đông cũng lọt vào danh sách 10 triệu phú công nghệ làm giàu từ Internet do trang The Richest bình chọn.
2 – VCCorp bị hacker đánh sập toàn bộ hệ thống, thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Sáng 13/10/2014, nhiều báo điện tử lớn cùng hàng chục trang tin của VCCorp đều ngừng hoạt động. VCCorp cho biết đã khắc phục sự cố Data Center sau hơn 1 ngày.
Đến chiều tối 16/10, hệ thống website này lại bị sập một lần nữa, đại diện VCCorp thừa nhận có dấu hiệu bị tấn công, và thủ phạm có trình độ cao, tấn công bài bản nhằm mục đích phá hoại. VCCorp ước tính tổng thiệt hại sau vụ tấn công vừa qua vào khoảng 20-30 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhóm thủ phạm tấn công cũng phải bỏ một khoản chi phí rất lớn để mua phần mềm gián điệp, nằm vùng thu thập dữ liệu mật, ước tính khoảng 500.000 USD.
3 – MobiFone tách ra khỏi VNPT, nâng cấp thành Tổng công ty
Ngày 10/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 888/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2014 – 2015, theo đó điều chuyển nguyên trạng MobiFone tách khỏi tập đoàn VNPT về Bộ TT&TT quản lý.
Phương án tách MobiFone cũng đã nằm trong dự doán của giới chuyên môn về viễn thông do mạng di động này đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc cổ phần hóa và hoạt động tương đối độc lập với tập đoàn VNPT.
Video đang HOT
4 – Samsung dốc tiếp 3 tỷ USD vào Việt Nam, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Tháng 11/2014, tỉnh Thái Nguyên chính thức trao chứng nhận đầu tư cho công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEVT) để xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại mới với tổng vốn đầu từ 3 tỷ USD. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, tổng số công nhân tại 3 nhà máy của Samsung sẽ lên đến con số 100.000 người. Với tổng vốn đầu tư tại Việt Nam là 11,2 tỷ USD, Samsung trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Tính đến giữa năm 2015, riêng các nhà máy tại Việt Nam đã sản xuất ra 35% lượng smartphone bán ra toàn cầu của Samsung. Con số này dự kiến tăng lên thành 50% vào giai đoạn cuối năm. Cùng với việc Microsoft đang dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Bắc Ninh, LG mở nhà máy mới tại Hải Phòng, người ta đã bắt đầu nhắc đến thuật ngữ “công xưởng sản xuất smartphone” của thế giới tại Việt Nam.
5- Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36 nhằm thay thế Chỉ thị 58 về ứng dụng CNTT
Nghị định 36 đề ra định hướng lớn để phát triển CNTT tại Việt Nam giai đoạn tới. Ảnh: Gov.
Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị quyết này nhằm thay thế Chỉ thị 58 về đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được Bộ Chính trị ban hành năm 2000.
Trong Nghị quyết 36 đã đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển CNTT -TT Việt Nam tới năm 2030 với những quan điểm coi CNTT là một công cụ hữu hiệu tạo lập phương thức phát triển mới và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
6 – Đóng cửa vĩnh viễn trang web Haivl.com
Website Haivl.com bị đóng cửa vĩnh viễn tại Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Xuất hiện từ đầu năm 2013 trên Internet, trang web Haivl.com được cộng đồng mạng tại Việt Nam biết đến với nhiều video clip và hình ảnh chế hài hước do thành viên tự đăng tải lên và bình luận. Trong năm 2014, Haivl.com trở thành một trong những trang web có lượng truy cập hàng đầu tại Việt Nam với lượng fan đông đảo, chủ yếu là giới trẻ, có doanh thu quảng cáo vào khoảng 9 tỷ đồng/năm.
Ngày 8/10/2014, Công ty Cổ phần Quảng cáo Trực tuyến 24H đã mua lại Haivl.com với số tiền vào khoảng 33 tỷ đồng. Hơn 2 tuần sau, ngày 24/10, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra quyết định xử phạt hành chính và thu hồi giấy phép đối với Công ty Cổ phần Công nghệ APPVL Việt Nam, đơn vị đang sở hữu website đình đám này.
Theo quyết định xử phạt, haivl.com bị xử phạt hành chính 205 triệu đồng và rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn vì đã vi phạm pháp luật với các hành vi như: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa thông tin có nội dung xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh hùng dân tộc; không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy phép mạng xã hội theo quy định, khi thay đổi người chịu trách nhiệm chính trang thông tin điện tử…
7 – Phát hiện Công ty Việt Hồng cài phần mềm nghe lén hàng chục nghìn khách hàng
Vụ phát hiện phần mềm nghe lén của công ty Hồng Việt đã làm dấy lên những mối lo ngại về vấn đề an toàn thông tin di động tại Việt Nam. Ảnh: VietQ.
Tháng 6/2014, đoàn thanh tra liên ngành giữa Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Phòng CS PCTP sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) đã phát hiện Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng cung cấp phần mềm Ptracker cho phép nghe lén và lấy trộm thông tin từ điện thoại smartphone, quá trình cài đặt chỉ mất từ 3-5 phút. Công ty Việt Hồng đã cung cấp dịch vụ để cài đặt phần mềm gián điệp Ptracker cho hơn 14.000 điện thoại tại Việt Nam.
Máy chủ của công ty Việt Hồng cũng lưu giữ rất nhiều thông tin nhạy cảm do phần mềm Ptracker “lấy trộm” được từ các smartphone bị nghe lén, bao gồm cả tin nhắn, danh bạ, hình ảnh, ghi âm cuộc gọi, ghi âm môi trường xung quanh…
Theo Kết quả xác minh của đoàn thanh tra, từ tháng 9/2013 đến thời điểm thanh tra, Việt Hồng đã thu lợi bất chính trên 900 triệu đồng. Hiện các đối tượng kinh doanh phần mềm Ptracker đã bị cơ quan chức năng tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra và xử phạt nghiêm theo pháp luật.
8 - Thủ tướng phê duyệt chủ trương cho cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT
Cơ quan nhà nước sẽ được thuê dịch vụ CNTT từ tư nhân. Ảnh Hà Nội Mới.
Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT diễn ra cuối tháng 6/2014, Thủ tướng đã đồng ý cho các cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT để tạo ra thị trường cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, cung cấp các dịch vụ CNTT.
Việc cơ quan Nhà nước thuê dịch vụ CNTT có nhiều ưu điểm như cơ quan Nhà nước không phải đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng, không phải tăng biên chế mà vẫn có được dịch vụ chuyên nghiệp và công nghệ luôn cập nhật.
9 – Uber xuất hiện Việt Nam gây nhiều tranh cãi
Uber gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Uber – dịch vụ hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng di động, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế chỉ xuất hiện ở TP.HCM và Hà Nội trong một thời gian ngắn đã gây bão dư luận. Những xe tham gia Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng. Ban đầu dịch vụ Uber thường rẻ hơn, lại phục vụ tốt hơn, có sự tham gia của cả các xe sang, khiến cho các hãng taxi phản ứng quyết liệt.
Khi cơ quan quản lý có ý kiến về tính hợp pháp của Uber và thông lệ tại nhiều nước trên thế giới không phải ủng hộ tuyệt đối dịch vụ này, khiến Uber đứng trước nguy cơ phải ngừng hoạt động tại Việt Nam. Chỉ đến khi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng lên tiếng ủng hộ việc hợp pháp hóa dịch vụ này, Uber mới được “cởi trói”. Cuối tháng 12, Bộ Tài chính đã lên khung sơ bộ về tính hai loại thuế với dịch vụ đặc biệt này.
10 – Liên tục đứt cáp quang biển AAG khiến Internet đi quốc tế tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Cáp quang biển AAG liên tục đứt trong năm 2014. Ảnh PNRM.
Từ ngày 2/3 đến ngày 9/3/2014, người dùng Internet ở Việt Nam bị ảnh hưởng khi kết nối đi quốc tế vì tuyến cáp quang biển AAG tiến hành bảo dưỡng. Ngày 5/7/2014, tuyến cáp quang biển này lại bị sự cố tại vị trí cách bờ biển Vũng Tàu 18 km lại gây gián đoạn việc cung cấp dịch vụ của các nhà khai thác viễn thông trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Không dừng lại ở đó, ngày 15/9/2014 trên hệ thống cáp quang biển quốc tế AAG từ Việt Nam, hướng chủ yếu đi Hồng Kông, Mỹ, đoạn thuộc vùng biển gần Hồng Kông lại bị đứt khiến Inernet của Việt Nam kết nối đi quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Như vậy, trong năm 2014, liên tục các sự cố đứt cáp quang biển AAG đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người sử dụng Inernet bởi sự cố này làm mất từ 40 – 70% lưu lượng kết nối Inernet đi quốc tế của Việt Nam. Sự cố liên tiếp của tuyến cáp quang biển AAG cũng đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải tính đến phương án kết nối khác để đảm bảo hạn chế tối đa những sự cố đứt cáp quang biển ảnh hướng lớn đối với sử dụng dịch vụ.
10 sự kiện này được bỏ phiếu từ 20 sự kiện đề cử. Dưới đây là kết quả tỷ lệ bầu chọn của độc giả Zing.vn.
Thành Duy
Theo Zing
20 sự kiện CNTT viễn thông nổi bật tại Việt Nam năm 2014
Việc hàng loạt đại gia viễn thông tại Việt Nam đồng loạt bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao, Zalo đạt 20 triệu người dùng hay hiện tường Flappy Bird đều là những sự kiện tiêu biểu của năm.
Bình chọn sự kiện CNTT - viễn thông (ICT) tiêu biểu của năm là hoạt động thường niên do câu lạc bộ nhà báo CNTT (ICT Press Club) tổ chức nhằm tôn vinh những sự kiện CNTT - viễn thông đáng chú ý nhất, dựa trên 3 tiêu chí chính: 1 - là sự kiện ICT có ảnh hưởng, tác động đến xã hội, 2 - được truyền thông và người đọc cả nước quan tâm, 3 - sự kiện không mang yếu tố cá nhân.
Năm 2014 là năm có số lượng thành viên nhiều nhất tham gia bầu chọn, chấm điểm các sự kiện. Dưới đây là 20 đề cử được 45 thành viên CLB thuộc hơn 30 cơ quan báo chí chấm điểm bầu chọn, sau đó tìm ra 10 sự kiện ICT tiêu biểu trong năm 2014.
Trong số 20 đề cử nói trên, có thể dễ dàng nhận thấy những sự kiện gây được sự chú ý lớn với giới công nghệ trong nước như việc các ông lớn viễn thông như Viettel, VNPT, MobiFone đồng loạt bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao, sự kiện MobiFone tách khỏi VNPT hay Zalo đạt mốc 20 triệu người dùng, trở thành OTT số một tại Việt Nam và Flappy Bird bất ngờ trở thành hiện tượng làng ứng dụng di động thế giới.
10 sự kiện tiêu biểu nhất của làng CNTT - viễn thông Việt Nam sẽ được công bố vào chiều ngày 29/12. Độc giả có thể tham gia bình chọn sự kiện CNTT - viễn thông mình yêu thích nhất ngay từ thời điểm hiện tại.
Thành Duy
Theo Zing
7 nhân vật nổi tiếng trên Internet năm 2014 Trò chơi gây nghiện Flappy Bird đưa Nguyễn Hà Đông nổi tiếng chỉ sau một đêm, trong khi đó, Kenny Sang và Lệ Rơi lại trở thành đề tài gây tranh cãi dữ dội. Nguyễn Hà Đông Nguyễn Hà Đông cũng được báo chí nước ngoài săn đuổi. Ảnh: Bloomberg. "Cha đẻ" của Flappy Bird bất ngờ nổi tiếng chỉ sau một đêm...