Hiện HS vẫn chưa có SGK: Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, nằm ở khâu nào?
Theo nguyên ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền, có những thách thức, mà khi xây dựng chương trình chưa tính đến giải pháp, Đoàn giám sát cần làm rõ.
Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề ” Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông“.
Ngày 11/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát đã họp phiên thứ nhất, nhằm thống nhất nhận thức, hành động trong Đoàn giám sát, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để có được kế hoạch, chương trình, đề cương báo cáo.
Là người quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực giáo dục, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hiền (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV, hiện đang là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An) nhìn nhận, đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là vấn đề luôn được nhiều dư luận quan tâm.
Việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về ” Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” là rất hợp lý.
Chuyên đề giám sát này do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn, quyết định rất đúng, rất trúng và hết sức quan trọng. Do đó, thực hiện tốt chuyên đề giám sát sẽ tạo bước chuyển biến mới trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: NVCC).
Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, có một số vấn đề liên quan đến thực hiện hai Nghị quyết trên khiến ông băn khoăn và mong Đoàn giám sát làm rõ.
Cụ thể, ông Hiền cho biết: “Thứ nhất, qua theo dõi thông tin trên báo chí, tôi thấy nhiều ý kiến phản ánh từ nhà trường, giáo viên về vấn đề tiếp cận với sách giáo khoa.
Ở một số địa phương, khi đã bước vào năm học nhưng thầy cô và học trò vẫn phải học “chay” với sách giáo khoa bản điện tử. Có thể kể đến tình trạng này như một số trường trung học phổ thông tại Sơn La. Vấn đề này được phản hồi từ phía lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, là do việc ủy quyền phát hành sách giáo khoa của nhà xuất bản chưa đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, số lượng sách giáo khoa mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cung ứng cho đơn vị được ủy quyền trên địa bàn tỉnh không đủ theo mốc thời gian quy định.
Video đang HOT
Năm học mới đã điểm, mà học sinh, giáo viên còn chưa được tiếp cận với sách giáo khoa, thì chất lượng giảng dạy và học tập tại các nhà trường sẽ ra sao? Trách nhiệm này thuộc về ai, nằm ở khâu nào? Tôi mong Đoàn giám sát sẽ làm rõ vấn đề này.
Thứ hai, một vấn đề mà tôi cho rằng, cử tri cả nước đang rất quan tâm, đó là giải pháp để giá sách giáo khoa không tiếp tục “tăng phi mã”. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, vấn đề này đã được đề cập rất nhiều. Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Vậy nên, tôi mong Đoàn giám sát sẽ phát huy hết chức năng và khả năng, để đem đến câu trả lời “thỏa mãn” dư luận, làm sao để kiểm soát được giá sách.
Một vấn đề nữa cũng quan trọng không kém, đó là “lợi dụng” thị trường khan hiếm sách giáo khoa, một số nhà trường có tình trạng bán sách giáo khoa theo kiểu “bia kèm lạc”, trong khi có những cuốn sách tham khảo cả năm không dùng đến, gây tốn kém, lãng phí. Hiện tại, có còn tình trạng này hay không? Cần có sự rà soát kỹ lưỡng tại các địa phương, tránh để lọt những nơi “móc túi” người dân như vậy.
Chưa kể, để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ cấu đội ngũ giáo viên tại các nhà trường cũng đòi hỏi có sự thay đổi lớn. Nhiều nhà trường ở tất cả các cấp học đều đang đứng trước “bài toán” thiếu giáo viên, đặc biệt ở những môn học mới, chẳng hạn như Tiếng Anh, Tin học ở cấp tiểu học, hay Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp trung học phổ thông…
Trước thực trạng thiếu giáo viên, nhiều Sở, phòng và bản thân các nhà trường cũng đã có giải pháp tình thế. Tuy nhiên, để giải quyết “bài toán” một cách triệt để, vẫn chưa có giải pháp tổng thể. Tại sao khi xây dựng chương trình, chúng ta chưa tính đến “cách giải” của “bài toán” này, mà đã vội đưa vào triển khai?
Nếu tiếp tục để tình trạng nhà trường phải “đi mượn” giáo viên, thì học sinh làm sao yên tâm học tập, giáo viên làm sao yên tâm giảng dạy, nhà trường làm sao đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả? Chính vì vậy, tôi cũng mong Đoàn giám sát làm rõ nội dung này”.
Vấn đề thiếu giáo viên tại các nhà trường khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đang được quan tâm. (Ảnh minh họa: Ngân Chi).
Cuối cùng, theo ông Nguyễn Thanh Hiền, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt qua hơn 2 năm ngành giáo dục đương đầu với dịch bệnh Covid-19.
“Tuy nhiên, không vì “đổ lỗi” cho dịch bệnh mà viện cớ cho tiến trình triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn chậm, hay hiệu quả chưa cao.
Chính vì vậy, tôi hy vọng, Đoàn giám sát sẽ lắng nghe, ghi nhận những khó khăn chung của ngành giáo dục. Các đại biểu tham gia Đoàn giám sát cần nêu cao trách nhiệm, làm việc công tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ, ngành và các địa phương. Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới”, ông Nguyễn Thanh Hiền nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Hiền cũng đề cập: “Tại phiên họp thứ nhất ngày 11/9 của Đoàn giám sát, một số đại biểu đã ý kiến đề nghị nên bổ sung phương pháp thăm dò ý kiến dư luận, nhằm nghiên cứu, đánh giá ý kiến của các bậc phụ huynh học sinh đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung phương pháp tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về nội dung này, nhằm so sánh hệ thống chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của nước ta với một số nước khác, nhất là những nước có nét tương đồng về thể chế chính trị.
Tôi cho rằng đây là những ý kiến xác đáng, rất kịp thời và thực sự cần thiết. Mong rằng các thành viên Đoàn giám sát có thể tích cực tham khảo kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giám sát”.
Kiến nghị Đoàn giám sát làm rõ tổng chi phí đổi mới CT, SGK là bao nhiêu?
'Việc thành lập Đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa vào thời điểm này là rất hợp lý cả về mặt thời gian cho đến nội dung giám sát'.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa phổ thông là vấn đề "nóng", được nhiều cử tri quan tâm. Vì vậy, việc thành lập Đoàn giám sát vào thời điểm này là rất hợp lý cả về mặt thời gian cho đến nội dung giám sát.
Là Đại biểu Quốc hội và cũng là một phụ huynh học sinh, bà Nga mong Đoàn giám sát sẽ làm rõ những nội dung sau:
Thứ nhất, tại thời điểm năm học mới cận kề, rất nhiều giáo viên phản ánh chưa tiếp cận được sách giáo khoa mới, công tác tập huấn còn vội vàng. Đối với sách giáo khoa cũ, giáo viên đã quen với nội dung, việc dạy học có thể diễn ra dễ dàng, thuận lợi. Thế nhưng, đây lại là một chương trình sách giáo khoa hoàn toàn mới, tài liệu đến tay giáo viên muộn như vậy, liệu chất lượng dạy học sẽ như thế nào? Và tại sao lại có sự chậm trễ đó?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quochoi.vn
Thứ hai, nguyên nhân khiến sách giáo khoa tăng giá đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời trước Quốc hội, báo chí nhiều lần nhưng dư luận vẫn chưa thỏa mãn với câu trả lời đó. Chính vì vậy, đoàn giám sát cũng cần làm rõ vấn đề vì sao giá sách giáo khoa mới cao đột biến, đặc biệt là việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam "lãi đậm" (năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lãi ròng sau thuế tới 287 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch và là mức lãi kỷ lục của đơn vị này- PV)
Thứ ba, việc áp dụng một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa cũng cần được đánh giá cụ thể, chỉ rõ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai. Để khách quan hơn, Đoàn giám sát nên lấy ý kiến từ chính giáo viên, các bậc phụ huynh, học sinh.
Thứ tư, trong quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nhiều ý kiến phản ánh và cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thật sự chủ động khi triển khai chương trình Lịch sử trung học phổ thông khi gần đến năm học mới đưa ra thay đổi Lịch sử từ môn lựa chọn trở thành môn học bắt buộc. Sự thay đổi này cũng cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.
Theo Đại biểu Nga, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gặp không ít khó khăn. Do vậy, qua lần giám sát này, bà Nga hy vọng Đoàn giám sát sẽ lắng nghe, ghi nhận những khó khăn chung của ngành giáo dục. Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.
"Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên nghiên cứu đổi mới ngay trong hoạt động đào tạo giáo viên ở trường sư phạm để phù hợp với thực tiễn dạy và học khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Cải cách giáo dục là một quá trình dài với nhiều khâu nên khi đổi mới chúng ta phải có cái nhìn tổng thể, tránh đổi mới kiểu cắt khúc.
Để triển khai tốt chương trình thì khâu chuẩn bị là quan trọng nhất. Một bài học kinh nghiệm chúng ta phải lưu tâm đó là không để bị động trước mọi tình huống vì sơ suất trong giáo dục sẽ đem lại hậu quả rất lớn, tác động đến rất nhiều học trò", bà Nga nêu quan điểm.
Cũng bàn về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nội dung mà Đoàn giám sát cần làm rõ nhất đó chính là chất lượng, nội hàm của các bộ sách giáo khoa. Các bộ sách giáo khoa mới đã phù hợp với người học và người dạy hay chưa?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Quochoi.vn)
Tiếp đến là câu chuyện về ngân sách. Tính đến hiện tại, tổng chi phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa là bao nhiêu? Chi có đúng theo dự toán ban đầu của đề án hay không? Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có phát sinh khoản nào không? Tất cả các khoản chi đều phải được hạch toán và công khai rõ ràng.
Ngoài ra, những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt khi thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa cần phải được đánh giá, làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương. Do đó, những thành viên trong Đoàn giám sát phải thật công tâm, trách nhiệm.
"Cũng nhân dịp này, tôi rất mong nhà nước có thể định giá, bình ổn giá sách giáo khoa. Nên nhìn từ xuất phát điểm của người học có mức sống thấp nhất để định giá sách giáo khoa thì sẽ phù hợp và đáp ứng được tất cả các đối tượng trong xã hội.
Cuối cùng, tôi rất mong Đoàn giám sát chú ý đến vấn đề bán sách giáo khoa kiểu "bia kèm lạc". Đây là hành vi không trong sáng, khiến phụ huynh thêm gánh nặng về tài chính. Nếu đó là chủ trương của trường, của một nhóm lợi ích thì cần phải lên án, quy rõ trách nhiệm, xử lý thật nghiêm", bà Sửu chia sẻ.
Có giáo viên tại TP.HCM muốn nâng chuẩn phải đi học tận Nghệ An Hiện quận 6 còn một trường tiểu học chưa tuyển được giáo viên tiếng Anh và 7 trường thiếu giáo viên tin học. Sáng 13-9, Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM đã có buổi giám sát tại UBND quận 6 về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa...