Hệ thống y tế tại Bỉ và Pháp đối mặt với nguy cơ quá tải
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tình hình dịch COVID-19 tại Bỉ đang ở mức báo động đỏ khi có tới 821 bệnh nhân nặng đang điều trị trong khu hồi sức tích cực (ICU).
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại Liege, Bỉ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trước nguy cơ quá tải tại ICU, tất cả các bệnh viện ở nước này đã được yêu cầu hoãn ngay lập tức các dịch vụ chăm sóc y tế không khẩn cấp trong hai tuần để dành giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19.
Các số liệu mới nhất của Viện Y tế công cộng Sciensano cho thấy Bỉ hiện có tổng cộng 3.707 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện, trong đó có 821 bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực. Cũng theo Sciensano, từ ngày 26/11 – 2/12, mỗi ngày có trung bình 317,9 ca nhập viện, tăng 4% so với giai đoạn trước đó.
Trong giai đoạn 23 – 29/11, trung bình mỗi ngày có 17.862 ca mắc mới COVID-19, tăng 6% so với tuần trước đó. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay, Bỉ đã ghi nhận trên 1,8 triệu ca mắc, trong đó có 27.120 ca tử vong. Số ca mắc mới trên 100.000 dân tại nước này trong 14 ngày qua ở mức 2.106,1 ca. Trung bình có 119.500 xét nghiệm COVID-19 được thực hiện mỗi ngày, trong đó 16,2% cho kết quả dương tính. Ngoài ra, tính trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày Bỉ ghi nhận 44 ca tử vong vì COVID-19, tăng 23% so với một tuần trước đó.
Video đang HOT
Trước nguy cơ thiếu trầm trọng nhân lực và trang thiết bị cho ICU, Ủy ban Tham vấn về COVID-19 của Bỉ dự kiến nhóm họp trong ngày 3/12 để thảo luận về việc đóng cửa trường học và dừng tổ chức các sự kiện trong không gian kín.
* Cùng ngày, tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết làn sóng dịch COVID-19 hiện nay tại nước này có thể lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 1/2022 và một lần nữa đặt ra gánh nặng cũng như thách thức cho hệ thống y tế quốc gia.
Phát biểu trên Đài phát thanh France Info, Bộ trưởng Veran nhấn mạnh làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 đang lan nhanh, gây áp lực đáng kể cho hệ thống y tế trong nước. Làn sóng dịch mới này chủ yếu là do biến thể Delta gây ra và hôm 2/12 là ngày thứ ba liên tiếp Pháp ghi nhận gần 50.000 ca nhiễm mới trong ngày.
Tuy vậy, trước đó, cố vấn của Chính phủ Pháp Jean-Francois Delfraissy nhận định Omicron có thể trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Pháp vào cuối tháng 1/2022 sau khi quốc gia châu Âu này vừa ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể.
Theo đánh giá cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron gây bệnh từ nhẹ đến nặng, nhưng các loại vaccine hiện nay vẫn có tác dụng bảo vệ. Tổ chức này kêu gọi các nước cân nhắc lại lệnh cấm đi lại với các nước ở miền Nam châu Phi. Tuy vậy, lo ngại các tác động của biến thể mới, nhiều nước đã đóng cửa biên giới, siết chặt các hạn chế. Điều này đã phủ bóng đen lên nền kinh tế thế giới vừa mới bắt đầu phục hồi sau hai năm đại dịch hoành hành.
Lãnh đạo Pháp - Mỹ sẽ sớm điện đàm liên quan đến hợp đồng mua bán tàu ngầm
Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal ngày 19/9 thông báo Tổng thống nước này Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ tiến hành điện đàm trong vài ngày tới trong bối cảnh căng thẳng bùng lên liên quan đến một hợp đồng mua bán tàu ngầm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Cornwall, Anh, ngày 12/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo ông Gabriel Attal, lãnh đạo Mỹ và Pháp sẽ có cuộc trao đổi qua điện thoại theo đề nghị của ông Biden. Dự kiến, ông Macron sẽ yêu cầu Tổng thống Mỹ "làm rõ" sau tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo đó AUKUS cho phép Mỹ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, điều khiến Canberra quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của Paris. Ông Gabriel Attal tuyên bố Pháp "cần những lời giải thích từ phía Mỹ".
Thông báo trên được đưa ra 1 ngày sau khi Pháp triệu hồi Đại sứ của nước này tại Mỹ và Australia về nước, thể hiện sự bất mãn đối với việc Mỹ và Australia bí mật đàm phán, dẫn tới việc Canberra hủy bỏ đơn đặt hàng mua tàu ngầm của Pháp.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton đã lý giải nguyên nhân hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp. Ông Dutton cho biết chính phủ của ông đã "thẳng thắn, cởi mở và trung thực" với Pháp rằng họ lo ngại về thỏa thuận trên, vốn vượt quá ngân sách và chậm hơn nhiều năm so với kế hoạch.
Ông nhấn mạnh: "Với tình hình thay đổi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ bây giờ mà trong những năm tới, chúng tôi phải đưa ra quyết định vì lợi ích quốc gia của chúng tôi và đó chính xác là những gì chúng tôi đã làm"
Với việc hạm đội tàu ngầm mới của Australia dự kiến sẽ không thể hoạt động trong nhiều thập kỷ tới, ông Dutton cho biết Canberra có thể cân nhắc việc thuê hoặc mua các tàu ngầm hiện có từ Mỹ hoặc Anh trong thời gian tạm thời.
Bản thân Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã bác bỏ những cáo buộc của Pháp cho rằng Canberra "lừa dối" về các kế hoạch nhằm hủy bỏ hợp đồng. Ông Morrison cho biết trên thực tế ông đã nêu những lo ngại về hơp đồng mua bán tàu ngầm với Pháp cách đây vài tháng.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden lấy làm tiếc về động thái của Paris và sẽ làm việc với Pháp trong những ngày tới để giải quyết những bất đồng.
Chuyên gia cảnh báo việc Pháp triệu hồi đại sứ chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm' Các nhà phân tích cảnh báo rằng quyết định chưa từng có về việc triệu hồi các đại sứ từ Mỹ và Australia của Pháp không chỉ là một sự trả đũa ngoại giao. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. Ảnh: Guardian Theo trang Guardian (Anh), động thái triệu hồi đại sứ từ Mỹ và Australia của Pháp được đưa ra nhằm phản...