Hệ thống thông tin quản lý ngành “hốt” tiền và dễ thăng tiến
Hệ thống thông tin quản lý – ngành “hốt” tiền và dễ thăng tiến
Khoa Quốc tế tuyển sinh ngành Hệ thống thông tin quản lý từ năm học 2014 – 2015.
GD&TĐ – Hiện nay, trên thế giới có hàng trăm trường đại học đào tạo cử nhân Hệ thống thông tin quản lý (MIS) / Hệ thống thông tin kinh doanh (BIS).
Video đang HOT
Theo khảo sát về vị trí việc làm và nghề nghiệp của tạp chí Wall Street Journal, Mỹ (năm 2011), sinh viên tốt nghiệp chương trình HTTTQL tại các nước phát triển đều có mức lương khởi điểm khá cao và sự hài lòng với nghề nghiệp lựa chọn. Tại Hoa Kỳ, nghề HTTTQL có lương khởi điểm đứng thứ 15/144 nghề nghiệp, có sự thỏa mãn nghề nghiệp trong nhóm đầu 5 ngành nghề.
Hệ thống thông tin quản lý (HTTTQL) là ngành học về con người, tổ chức, kỹ thuật và mối quan hệ giữa các yếu tố này. Khi công nghệ càng phát triển thì nhu cầu nhân lực về lĩnh vực này càng gia tăng.
Các chuyên gia HTTTQL giúp doanh nghiệp nhận ra lợi ích tối đa từ việc đầu tư vào con người, thiết bị và quy trình nghiệp vụ. Điều quan trọng đối với những người làm việc trong lĩnh vực này là kỹ năng giao tiếp tốt và một sự hiểu biết thấu đáo về kinh doanh.
Nhiều người cho rằng HTTTQL liên quan đến lập trình nhiều hơn, nhưng thực tế chỉ là một phần nhỏ. HTTTQL tập trung vào phân tích dữ liệu, kết nối giữa các bên liên quan trong doanh nghiệp và các chuyên gia công nghệ thông tin, lãnh đạo, quản lý dự án, dịch vụ khách hàng, cũng như cách làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hơn.
Đây cũng chính là các khía cạnh tạo nên sự khác biệt giữa một chuyên gia HTTTQL và một chuyên gia về khoa học máy tính. HTTTQL giúp các tổ chức đạt được hiệu quả cao hơn thông qua hệ thống kỹ thuật.
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực HTTTQL ở Việt Nam hiện nay rất khan hiếm. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu cao về nhân lực nắm vững kiến thức cơ bản về quản lý và kinh doanh, tin học và hệ thống thông tin; có kiến thức chuyên sâu và kĩ năng nghề nghiệp về thiết kế, vận hành, quản trị các HTTTQL – kinh doanh; có năng lực tổng hợp, phân tích thông tin, trợ giúp hoạch định và tổ chức thực thi các chính sách, dự án về phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức, doanh nghiệp.
Trong khi đó, chỉ có ít trường đại học ở Việt Nam đào tạo ngành này, với chương trình chưa cập nhật, không đáp ứng được nhu cầu của người học về các khối kiến thức, đặc biệt về các khối kiến thức CNTT tiên tiến và khoa học quản lý hiện đại.
Chương trình đào tạo cử nhân Hệ thống thông tin quản lý tại Khoa Quốc tế- ĐHQGHN được thiết kế theo chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu xã hội.
Theo Quyết định số 2142/QĐ-ĐHQGHN của Giám đốc ĐHQGHN, Khoa Quốc tế được giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân HTTTQL, theo danh mục ngành đào tạo trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh theo hệ thống tín chỉ, dự kiến được tiến hành trong 4 năm học với 8 học kì.
Chương trình được thiết kế dựa trên các chương trình về HTTTQL hay hệ thống thông tin kinh doanh của các đại học nước ngoài danh tiếng như Trường Đại học UEL (Anh), Trường Đại học PSU (Hoa Kỳ), Trường Đại học Quản lý (Singapore)…
Sinh viên được học tập trong một môi trường học tập hiện đại và thân thiện. Đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo, tỉ lệ 66% có bằng tiến sỹ, có khả năng giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, bao gồm: 18 giảng viên Khoa Quốc tế, 13 giảng viên các trường thành viên của ĐHQGHN, 18 giảng viên Việt Nam thỉnh giảng và một số giảng viên nước ngoài thỉnh giảng đảm nhiệm dạy tối thiểu 25% môn học chuyên ngành.
Chương trình đảm bảo các chuẩn đầu ra cần thiết theo chuẩn mực quốc tế. Sinh viên tốt nghiệp nắm và vận dụng được kiến thức đặc thù cơ bản của nhóm ngành Quản trị – Quản lý về tổ chức và quản trị kinh doanh; quản trị hoạt động; các hệ thống thông tin trong tổ chức…; nắm và vận dụng được các kiến thức chuyên sâu của ngành như thiết kế đa phương tiện và phát triển web, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, thương mại, tài chính – ngân hàng, bất động sản…; có trình độ tiếng Anh tương đương 6.5 IELTS và có khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế.
Có bằng cấp chuyên ngành HTTTQL đồng nghĩa với việc bạn đã có tấm vé để có việc làm như phân tích hệ thống kinh doanh hay quản lý dữ liệu công ty… Tất cả các tổ chức, từ doanh nghiệp đến cơ quan chính phủ, bệnh viện, các tổ chức giáo dục… đều rất cần nguồn nhân lực ngành HTTTQL. Vì vậy, nếu bạn là người yêu thích về công nghệ và mong muốn sử dụng công nghệ để cải thiện hiệu quả các hoạt động khác thì đây chính là chọn lựa dành cho bạn.
Theo Giaoducthoidai.vn