Hệ thống THAAD sẵn sàng đánh chặn tên lửa Triều Tiên
Giới chức quân sự Mỹ ngày 1/5 cho biết Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà nước này triển khai tại Hàn Quốc hiện đã bắt đầu đi vào hoạt động và sẵn sàng đánh chặn các tên lửa của Triều Tiên.
Hệ thống đánh chặn của THAAD (phải) được đặt tại Seongju, Hàn Quốc hôm 26/4 (Ảnh: Reuters)
“Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc xác nhận hệ thống THAAD đã đi vào hoạt động và có khả năng đánh chặn các tên lửa Triều Tiên, đồng thời bảo vệ Hàn Quốc”, Sputnik dẫn lời Đại tá Rob Manning, người phát ngôn của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cho biết hôm 1/5.
Hàn Quốc đã thiết lập một cơ chế kiểm soát không phận tại khu vực đặt THAAD, hệ thống phòng thủ do Mỹ chế tạo và được thiết kế để dò tìm cũng như bắn hạ các tên lửa”. THAAD hiện được Mỹ và Hàn Quốc thống nhất đặt tại một sân golf cũ tại thị trấn miền núi Seongju, phía nam Hàn Quốc.
Các quan chức Mỹ giấu tên nói với NBC rằng “THAAD đã có khả năng đánh chặn bước đầu”. Trong khi đó, AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng khác cho biết năng lực đánh chặn của THAAD sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay khi Mỹ lắp đặt bổ sung các bộ phận còn lại nhằm hoàn thiện toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận lắp đặt THAAD từ tháng 7/2016 và các bộ phận đầu tiên của hệ thống này bắt đầu được đưa tới Hàn Quốc từ đầu tháng 3 vừa qua. Mục đích của việc triển khai này là nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước sức mạnh tên lửa ngày càng tăng từ Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn phản đối kế hoạch lắp đặt THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia cũng như ảnh hưởng tới sự cân bằng chiến lược trong khu vực.
Thành Đạt
Theo RT
Erdogan vượt tầm kiểm soát, Mỹ đem quân bảo vệ người Kurd
Có thể nói rằng, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đang vượt tầm kiểm soát, buộc Lầu Năm Góc phải điều quân bảo vệ vùng lãnh thổ của người Kurd.
Video đang HOT
Mỹ triển khai quân và xe bọc thép trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ
Theo nguồn tin từ các đơn vị tự vệ người Kurd, các quân nhân Mỹ bắt đầu bố trí xe bọc thép dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, từ Cobani đến Kamyshlov. Hoa Kỳ cố gắng bằng cách đó ngăn chặn đụng độ giữa lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd.
Đại diện các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), yêu cầu không tiết lộ danh tính, đã xác nhận với giới truyền thông về thông tin Mỹ triển khai quân và các loại xe bọc thép tại khu vực ven biên, đồng thời đang lập các nhóm tuần tiễu vùng biên giới.
Nguồn tin cho biết, họ đã thảo luận với Hoa Kỳ về các bước đi cần thực hiện để ngăn chặn khả năng tái diễn những cuộc tấn công nhắm vào các khu vực kiểm soát của họ ở những khu tự trị thuộc các tỉnh al-Hasakah và Aleppo từ phía lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Kurd đã thông báo cho Mỹ rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ lại tấn công các vị trí của họ, YPG sẽ không tham gia chiến dịch giải phóng Raqqa nữa mà sẽ huy động toàn bộ lực lượng đến giữ biên giới. Đáp lại, Lầu Năm Góc hứa sẽ tiến hành mọi nỗ lực để ngăn chặn tái diễn tấn công.
YPG là một bộ phận quan trọng trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh đối lập do Mỹ hậu thuẫn. Lực lượng này có khoảng hơn 60.000 quân, trong đó YPG chiếm 2/3, số còn lại là các tay súng người Ả rập.
Hãng tin CNN nhấn mạnh, quân đội Mỹ đã bắt đầu tiến hành tuần tra một số khu vực tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ vừa tấn công vào lực lượng người Kurd, phá hủy nhiều làng mạc, giết chết hàng trăm tay súng của họ.
Một quan chức Mỹ cho biết, các hoạt động tuần tra đã được các đơn vị đặc nhiệm của nước này tiến hành từ ngày 28/4. Họ di chuyển bằng các xe bọc thép treo cờ Mỹ để các bên liên quan trong cuộc chiến tại Syria dễ dàng nhận diện.
Mỹ đã nhiều lần điều quân hỗ trợ người Kurd trước đòn đánh của Thổ Nhĩ Kỳ
Mục đích của các hoạt động tuần tra của này là làm giảm bớt tình trạng bạo lực giữa hai trong số những đối tác thân cận nhất của Mỹ, đồng thời củng cố cam kết của Washington đối với cả hai bên trong cuộc chiến chống IS.
Đại diện liên quân do Mỹ đứng đầu nhấn mạnh "Chúng tôi kêu gọi cả hai bên tập trung vào việc chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Tổ chức này hiện là hiểm họa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới".
Khi được hỏi về các hoạt động tuần tra vùng biên giới của lực lượng quân sự Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông cảm thấy "đau đớn tột cùng" khi thấy cờ của Mỹ và YPG đặt cạnh nhau.
Ông Erdogan cho biết ông sẽ đề cập đến vấn đề này với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm tới thủ đô Washington và ngày 16/5 tới, đồng thời kêu gọi Mỹ nhanh chóng cắt đứt quan hệ với "tổ chức khủng bố của người Kurd ở Syria" (chỉ YPG).
Thổ Nhĩ Kỳ hành động không nể Mỹ
Chính quyền Erdogan đã nhiều lần tuyên bố rõ ràng rằng, họ sẽ dùng vũ lực để ngăn chặn một quốc gia độc lập của người Kurd được hình thành ngay sát biên giới của họ. Giờ đây, quân đội Mỹ đang phải cố gắng ngăn chặn bạo lực bùng phát giữa hai đồng minh của mình.
Cuộc không kích vào lực lượng người Kurd cũng như các cuộc tấn công nhỏ lẻ tại vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria từ đó tới nay càng khiến tình hình chiến tranh Syria trở nên phức tạp.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các cuộc không kích của nước này là nhằm vào các thành viên của Đảng Lao động Kurdistan (PKK), bị Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ coi là tổ chức khủng bố. Họ cũng nói thêm rằng đã có 70 người thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói họ đã cảnh báo trước với Mỹ và Nga về cuộc không kích này, song một quan chức quốc phòng cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, họ chỉ có thời hạn 1 tiếng đồng hồ, không đủ để sơ tán toàn bộ lực lượng nổi dậy.
Trong mấy ngày gần đây, giữa binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và các đơn vị tự vệ của người Kurd đã liên tục xảy ra đụng độ bạo lực trên khu vực biên giới thuộc tỉnh Aleppo.
Vào ngày 27/4, không lực Thổ Nhĩ Kỳ và các đơn vị pháo binh của lục quân đã bắn phá khu vực các làng Susek và Gri Sur gần Tall Abyad, hiện do người Kurd kiểm soát, và một số vị trí trong khu vực Efrin, đều thuộc vùng nông thôn tỉnh Aleppo.
Đây được coi là vụ tấn công dữ dội nhất nhằm vào lực lượng người Kurd trong năm nay của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đáp trả việc 11 vị trí ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã bị các chiến binh người Kurd tấn công. Vụ tấn công đã khiến 17 tay súng SDF thiệt mạng.
Trước đó, ngày 25-4, không lực Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tấn công các mục tiêu của YPG ở Mount Karajukh, khiến 20 tay súng người Kurd Syria thiệt mạng và 18 người khác bị thương.
Binh lính YPG tại hiện trường cuộc không kích do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện ở thị trấn Derik-Syria
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tại dinh tổng thống ở Ankara hôm 25-4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mạnh mẽ bảo vệ các cuộc không kích gần đây của Ankara ở Iraq và Syria, đồng thời khẳng định Ankara sẽ không dừng tay.
Vào ngày 27-4, lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã phá hủy một trạm radar Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tấn công qua biên giới từ Tall Abyad.
Theo một nguồn tin, hoạt động trên của các chiến binh người Kurd là để đáp trả lại những cuộc không kích gần đây của Ankara nhằm vào các khu vực ở phía bắc Syria. Ngoài ra, SDF đã phá hủy 5 chiếc xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 48 giờ giao chiến.
Xung đột giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ phá hỏng chiến dịch giải phóng Raqqa của Mỹ, buộc Lầu Năm Góc phải điều quân đến tuần tiễu khu vực kiểm soát của người Kurd nhằm ngăn chặn chính quyền Erdogan có những hành động liều lĩnh hơn.
Có thể nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang lợi dụng vị thế địa-chính trị quan trọng ở khu vực Trung Đông và tầm quan trọng của mình trong chiến lược chống Nga của Mỹ-NATO và EU, để ngày càng có những hành động vượt tầm kiểm soát của Mỹ.
Theo Nhật Nam
Đất Việt
Triều Tiên "tố" Mỹ gây căng thẳng khi đưa máy bay ném bom tới khu vực Bình Nhưỡng hôm nay 2/5 đã "tố" Mỹ làm leo thang căng thẳng trong khu vực khi triển khai các máy bay ném bom chiến lược B-1B tới bán đảo Triều Tiên vào đầu tuần này để tham gia diễn tập thả bom hạt nhân. Hai máy bay ném bom B-1B của Mỹ (Ảnh: Reuters) Hãng thông tấn Quốc gia Triều Tiên (KCNA)...